Các bệnh về giun và mối liên quan đến hội chứng Loeffler

Nhiễm ký sinh trùng ở phổi xảy ra như một trong các biểu hiện gây bệnh trong vòng đời của ký sinh trùng trong cơ thể con người. Cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tăng bạch cầu ái toan tại phổi, là đặc trưng của hội chứng Loeffler. Nguyên nhân của hội chứng Loeffler có mối liên quan đến các bệnh về giun khác nhau, với các con đường lây truyền và cơ chế sinh bệnh.

1. Bệnh nhiễm giun đũa

Bệnh giun đũa (Ascaris lumbricoides) là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra hội chứng Loeffler. Những con giun này là ký sinh trùng sử dụng cơ thể người làm vật chủ để trưởng thành từ ấu trùng hoặc trứng thành giun trưởng thành. Giun trưởng thành đến khi có khả năng sinh sản có thể dài hơn 30 cm.

Bệnh nhiễm giun đũa xảy ra thường xuyên nhất ở trẻ em ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới - đặc biệt là ở những nơi có điều kiện vệ sinh và môi trường kém. Đây cũng là một trong những bệnh lý nhiễm trùng giun phổ biến nhất ở mọi người trên toàn thế giới mà không được nhận biết do hầu hết những người bị nhiễm thường có mức độ nhẹ và không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu nhiễm nặng có thể dẫn đến các triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng tùy thuộc vào phần nào của cơ thể bị ảnh hưởng:

  • Trong phổi: Sau khi nuốt phải những trứng giun đũa, chúng sẽ nở ra trong ruột non và ấu trùng di chuyển theo đường máu hoặc hệ thống bạch huyết vào phổi. Ở giai đoạn này, người bệnh có thể gặp các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Loeffler, tương tự như bệnh hen suyễn hoặc viêm phổi, bao gồm ho dai dẳng, khó thở, thở khò khè. Sau 10 đến 14 ngày trong phổi, ấu trùng sẽ di chuyển đến cổ họng, nơi người bệnh sẽ ho ra và thường nuốt lại chúng vào đường tiêu hóa.
  • Trong ruột: Ấu trùng trưởng thành thành giun trưởng thành trong ruột non và giun trưởng thành thường sinh sống trong ruột, đẻ trứng cho đến khi chết. Các triệu chứng khi có giun đũa xâm nhập đường ruột là đau bụng mơ hồ, buồn nôn và ói mửa, tiêu chảy hoặc phân có máu. Nếu bệnh nhân có một số lượng lớn giun trong ruột, thường là trẻ em, sẽ có biểu hiện đau bụng cấp tính nặng nề, nôn ói dữ dội do tắc ruột và xuất hiện thấy giun trong chất nôn hoặc phân của người bệnh.
Giun đũa chó
Bệnh giun đũa (Ascaris lumbricoides) là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra hội chứng Loeffler

2. Bệnh nhiễm giun móc

Bệnh nhiễm giun móc (Necator americanus) cũng là một loài giun tròn ký sinh bắt buộc sống trong ruột non của vật chủ là người. Môi trường sống của giun móc là ở những vùng khí hậu ấm vì để nở trứng cần môi trường ẩm, ấm và bóng râm. Con đực thường dài 7-9 mm, trong khi con cái dài khoảng 9-11 mm. Tuổi thọ có thể đến 3-5 năm và chúng có thể sản xuất từ ​​5.000 đến 10.000 trứng mỗi ngày.

Vòng đời của loài giun này bắt đầu từ một quả trứng chưa nở trong đất. Sau 24-48 giờ, trứng trở thành phôi và nở ra ấu trùng, lột xác nhiều lần thanh giun con và có thể xâm nhập vào da người, đi qua các mạch máu và tim, rồi đến phổi. Tại đây, nó chui qua các phế nang phổi và đi lên khí quản, bị nuốt vào đường tiêu hóa và đưa đến ruột non. Giun bám vào thành ruột, hút máu của vật chủ, lớn lên thành con trưởng thành và bắt đầu sinh sản, đẻ trứng thải ra ngoài qua phân.

Trong quá trình xâm nhập vào cơ thể, một số ấu trùng không thể dễ dàng đi qua lớp hạ bì và vẫn bị mắc kẹt trong da, gây kích ứng da. Khi lên đến phổi, chúng gây ra các triệu chứng như ho nhiều và khó thở, khò khè, là biểu hiện của hội chứng Loeffler. Khi đến ruột, giun có thể gây mất 30 μl máu mỗi ngày làm người bệnh bị thiếu máu do thiếu sắt, gây mệt mỏi ở người lớn và chậm phát triển trí tuệ, kém phát triển ở trẻ em. Hơn nữa, bệnh nhân bị nhiễm giun móc sẽ thường xuyên bị đau bụng, tăng hơn sau bữa ăn, kèm theo tiêu chảy, chướng bụng và buồn nôn.

3. Bệnh nhiễm giun lươn

Bệnh nhiễm giun lươn (Strongyloides stercoralis) là một bệnh do giun tròn, được xếp vào loại giun sán truyền qua đất và gây bệnh cho người. Điều này có nghĩa là phương thức lây nhiễm chủ yếu là qua tiếp xúc với đất bị nhiễm ấu trùng sống tự do. Khi ấu trùng tiếp xúc với da, chúng có thể xâm nhập vào da và di chuyển khắp cơ thể, cuối cùng tìm đường đến ruột non, sinh trưởng và đẻ trứng.

Không giống như các loại giun truyền qua đất khác như giun móc, trứng giun lươn nở thành ấu trùng trong ruột và sẽ được thải ra ngoài theo phân. Do đó, các ấu trùng này vừa thải ra ngoài sẽ có thể ngay lập tức tái nhiễm vật chủ bằng cách chui vào thành ruột, hoặc xâm nhập qua da xung quanh hậu môn. Chính cơ chế này khiến cho một người có thể tự nhiễm giun lươn trong suốt cuộc đời.

Tuy nhiên, phần lớn những người bị nhiễm giun lươn là không có triệu chứng. Nếu có triệu chứng, người bệnh thường mô tả khó chịu không cụ thể hoặc chung chung. Một số người bị đau bụng, đầy bụng, ợ chua từng đợt tiêu chảy và táo bón. Một số người bị ho khan, khó thở, khò khè và được chẩn đoán là hội chứng Loeffler. Một số khác bị phát ban trên da, viêm khớp, tổn thương thận và tim.

giun lươn
Phần lớn những người bị nhiễm giun lươn là không có triệu chứng

4. Bệnh nhiễm giun đũa chó mèo

Bệnh nhiễm giun đũa chó mèo là một bệnh ở người do ấu trùng của giun đũa chó (Toxocara canis) và giun đũa mèo (Toxocara cati) gây ra. Đây là một bệnh thuộc nhóm di cư ấu trùng nội tạng. Tùy thuộc vào vị trí gây bệnh, mức độ tăng bạch cầu ái toan, các dấu hiệu ở mắt hoặc phổi, các thuật ngữ chỉ ra sự di cư của ấu trùng khác nhau. Trong đó, khi ấu trùng giun gây bệnh tại phổi, người bệnh cũng có các biểu hiện tương tự như các bệnh nhiễm giun như giun đũa, giun lươn và giun móc nêu trên, được chẩn đoán là hội chứng Loeffler.

5. Cách thức chẩn đoán và điều trị các bệnh nhiễm giun

Để chẩn đoán các bệnh do nhiễm giun gây ra, bác sĩ có thể xem xét các triệu chứng và yêu cầu một số xét nghiệm tìm ký sinh trùng:

  • Xét nghiệm máu: Nhiễm giun sẽ gây tăng bạch cầu ái toan trong máu ngoại vi;
  • Kiểm tra phân: Có bằng chứng là khi soi thấy trứng hay ấu trùng trong phân;
  • Hình ảnh học: Chụp X-quang phổi sẽ thấy các đốm mờ di chuyển theo thời gian, là những tổn thương tăng tính thấm với bạch cầu ái toan trong hội chứng Loeffler. Siêu âm bụng có thể thấy giun chui trong ống mật, ống tụy hoặc gây ra các ổ tổn thương trong nhu mô gan.

Việc điều trị các bệnh nhiễm trùng giun chỉ được đặt ra khi có bằng chứng nhiễm giun trong cơ thể. Thuốc chống ký sinh trùng là phương thức điều trị đầu tiên chống lại bệnh nhiễm giun thường gặp ở người, phổ biến nhất là albendazole, ivermectin, mebendazole. Những loại thuốc này khi được dùng trong một đến ba ngày sẽ giết được giun trưởng thành. Các tác dụng phụ do thuốc bao gồm đau bụng nhẹ hoặc tiêu chảy.

Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là chủ động dự phòng cũng như để phòng tránh tái nhiễm, mỗi người cần được xây dựng ý thức vệ sinh tốt, rửa tay với xà phòng, ăn chín uống sôi, xây dựng nhà ở có hệ thống xử lý phân hợp vệ sinh, kết hợp với các chiến dịch giáo dục về xóa bỏ việc sử dụng hố xí lạc hậu, nhất là ở các vùng nông thôn. Đối với trẻ em, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ tự rửa tay thường xuyên với xà phòng, không ngậm tay vào miệng, bỏ thói quen cắn móng tay và đi chân trần.

Hội chứng Loeffler
Chụp X-quang phổi sẽ thấy các đốm mờ di chuyển theo thời gian

Tóm lại, bên cạnh nguyên nhân là do dùng thuốc tương đối hiếm gặp, hội chứng Loeffler có nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm giun. Mặc dù bệnh có khuynh hướng tự giới hạn, triệu chứng không nặng nề, nếu không được hướng dẫn phòng ngừa, người bệnh rất dễ tái nhiễm. Do đó, xây dựng ý thức vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay thường xuyên với xà phòng, ăn chín uống sôi, xổ giun định kỳ và xử lý nhà vệ sinh hiện đại là nền tảng quan trọng để phòng ngừa nhiễm giun cũng như tránh mắc phải hội chứng Loeffler.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, emedicine.medscape.com, impehcm.org.vn

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan