Các biện pháp xác định độ mê

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Gây mê hồi sức, giảm đau - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Xác định độ mê là công việc quan trọng trong quá trình gây mê để đảm bảo an toàn trong ca phẫu thuật và tính mạng cho người bệnh. Thủ thuật này được xác định chủ yếu thông qua quan sát lâm sàng, điện não đồ và đo nồng độ thuốc mê.

1. Đôi nét về gây mê

Gây mê là thủ thuật được áp dụng nhằm giúp người bệnh giảm đau trong quá trình thực hiện các thủ thuật gây đau đớn mà người bình thường không thể chịu được, đặc biệt là phẫu thuật. Gây mê được thực hiện bằng cách đưa thuốc mê vào cơ thể đến khi người bệnh mất ý thức, rồi giảm dần nồng độ thuốc khi phẫu thuật được hoàn thành.

Vào năm 1846, sau khi trình bày về hiệu quả gây mê của ete, Morton đã được công nhận là người đầu tiên phát minh trị liệu gây mê. Năm 1847, sau khi áp dụng ete vào phẫu thuật, Plomley đã mô tả 3 giai đoạn của gây mêngộ độc, kích thích và mê sâu. 7 năm sau đó, John Snow mô tả 5 thời kỳ gây mê với ete và chloroform với các dấu hiệu phản xạ kết mạc, kiểu thở, cử động của nhãn cầu và sự ức chế cơ liên sườn.

Đầu những năm 1900, thuốc tiền mê được đưa vào sử dụng. Năm 1937, Guedel công bố các dấu hiệu lâm sàng của gây mê bằng ete gồm có trương lực cơ trơn, kiểu hô hấp và dấu hiệu mắt thành 4 thời kỳ.

Năm 1942, sự ra đời của thuốc giãn cơ. Năm 1954, Arturio mở rộng thời kỳ I của Guedel thành 3 độ với tên gọi lần lượt độ 1 là bệnh nhân không mất ý thức và giảm đau; độ 2 là bệnh nhân mất ý thức toàn bộ và giảm đau cục bộ, độ 3 là bệnh nhân hoàn toàn mất ý thức và giảm đau.

Đến năm 1987, Prys-Roberts đưa ra định nghĩa gây mê là trạng thái trong đó bệnh nhân không nhận thức được hoặc nhớ lại những kích thích có hại trong quá trình gây mê. Việc mất ý thức là một ngưỡng, theo quy luật tất cả hoặc là không.

Gây mê nội khí quản
Gây mê giúp người bệnh giảm đau trong quá trình thực hiện các thủ thuật

2. Xác định độ mê

Có 3 phương pháp được áp dụng trong việc xác định độ mê gồm có:

  • Quan sát lâm sàng
  • Điện não đồ
  • Đo nồng độ thuốc mê

2.1 Quan sát lâm sàng

Để xác định độ mê, người bệnh được theo dõi các thay đổi trong phản ứng sinh lý của cơ thể kể từ lúc gây mê nông đến gây mê sâu. Sắp xếp các phản ứng theo từng giai đoạn liên tiếp tương ứng với độ mê. Kỹ thuật này được coi là đơn giản và dễ thực hiện nhất.

2.2 Điện não đồ

Trong quá trình gây mê, người bệnh được gắn điện não đồ (EEG). Thông quan sát các chỉ số trên màn hình máy đo EEG, đặc biệt là chỉ số lưỡng phổ BIS, cho phép đánh giá mức độ thức tỉnh hoặc hôn mê của người bệnh. BIS chạy từ 0 - 99, BIS = 0 thì EEG yên lặng, BIS = 99 thì người bệnh tỉnh táo, tốt nhất là người bệnh nên được duy trì BIS = 40 đến 60. Kỹ thuật này khá phức tạp và tốn kém nên không được sử dụng rộng rãi.

Điện não đồ
Điện não đồ được áp dụng trong việc xác định độ mê

2.3 Đo nồng độ thuốc mê

Người bệnh được xác định độ mê thông qua kiểm tra nồng độ thuốc mê trong máu động mạch hoặc qua hơi thở sau cùng thở ra. Tuy nhiên, mỗi người bệnh ở cùng nồng độ thuốc mê lại có phản ứng sinh lý khác nhau. Do đó, đây là kỹ thuật phức tạp, khó xác định và tốn nhiều thời gian, không được áp dụng rộng rãi.

3. Dấu hiệu và thời kỳ của độ mê

Các dấu hiệu và thời kỳ của độ mê của Guedel được mô tả như sau:

Thời kỳ I: Giảm đau

Thời kỳ của độ mê này kéo dài từ lúc được khởi mê đến khi người bệnh mất tri giác. Mặc dù gọi là thời kỳ giảm đau, nhưng người bệnh vẫn còn cảm giác đau.

Thời kỳ II: Mê sảng

Dấu hiệu để xác định độ mê trong thời kỳ II là người bệnh bắt đầu với trạng thái kích thích, vật vã và kết thúc khi hô hấp trở nên đều đặn, mất phản xạ mi mắt và hầu họng (trạng thái nôn mửa vẫn còn). Tuyệt đối không nên kích thích người bệnh trong thời kỳ này.

Thời kỳ III: Phẫu thuật

Thời kỳ phẫu thuật được chia làm 4 giai đoạn với 4 mức độ mê khác nhau:

Độ 1: Được xác định thông qua việc quan sát được tĩnh mạch ngoại biên trương to lên, phản xạ nôn mửa mất dần. Giai đoạn này kéo dài từ cuối thời kỳ II đến khi nhãn cầu nằm giữa mắt.

Độ 2: Giai đoạn này kéo dài từ lúc nhãn cầu ngừng di động đến khi các cơ liên sườn ngừng hoạt động, người bệnh thở ngực. Ở độ 2, khi người bệnh mất phản xạ co thắt thanh quản, bác sĩ bắt đầu rạch da để phẫu thuật. Khi gây mê sâu hơn, trương lực cơ sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, trương lực cơ cũng có thể tăng lên khi thiếu dưỡng khí, thừa thán khí.

Độ 3: Người bệnh rất ít khi được duy trì ở độ mê này. Độ 3 được bắt đầu từ lúc giảm hoạt động cơ liên sườn đến mất hoạt động hoàn toàn, người bệnh hô hấp bằng thở bụng.

Độ 4: Ở độ 4, người bệnh liệt hoàn toàn cơ liên sườn, ngưng thở tự nhiên và xuất hiện co kéo khí quản do độ mê quá sâu.

Thời kỳ IV: Ngộ độc

Thời kỳ này bắt đầu từ lúc ngưng thở tự nhiên đến lúc trụy tuần hoàn, mọi phản xạ đều bị mất. Người bệnh cần được hồi sinh bằng cách giảm nồng độ thuốc mê trong máu và trong phổi ngay.

thuốc mê tĩnh mạch
Ở thời kỳ IV Ngộ độc, bác sĩ cần giảm nồng độ thuốc mê trong máu và trong phổi

Xác định độ mê là công việc quan trọng trong quá trình gây mê để đảm bảo an toàn trong ca phẫu thuật, cũng như tính mạng cho người bệnh. Vì thế, trước khi thực hiện gây mê phẫu thuật để thăm khám điều trị thì người bệnh nên chọn các cơ sở y tế uy tín, có hệ thống vật tư y tế hiện đại.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan