Các cách tăng sức đề kháng bền vững

Sức đề kháng bền vững là nền tảng để con người có một sức khỏe tốt. Bảo vệ và gia tăng hệ miễn dịch cho trẻ là chủ đề luôn được các bậc làm cha mẹ quan tâm. Vậy cha mẹ cần phải làm gì để có thể xây dựng và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ thật tốt?

1. Nền tảng của hệ miễn dịch là gì?

Sức đề kháng bền vững sẽ là nền tảng tốt cho sức khỏe của bé. Khi trẻ mới sinh ra, hệ miễn dịch của trẻ chưa được hoàn thiện, dễ mắc bệnh khi tiếp xúc với các tác nhân xấu. Cơ thể của trẻ sẽ được bảo vệ thông qua:

  • Sữa mẹ khi trẻ bú mẹ.
  • Cơ thể người mẹ truyền một số kháng thể cho trẻ qua đường nhau thai.
  • Hệ miễn dịch của trẻ tự hoạt động do trẻ tiếp xúc với tác nhân gây bệnh.

Hệ miễn dịch sẽ giúp ngăn chặn và tiêu diệt mầm bệnh khi chúng xâm nhập vào cơ thể và sau đó cơ thể ghi nhớ lại, sinh ra tự kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh, để nếu gặp lại mầm bệnh, cơ phản ứng nhanh hơn, không để mầm bệnh xâm nhập. Bởi vậy tăng cường sức đề kháng cho trẻ là nền tảng vô cùng quan trọng giúp cho trẻ khỏe mạnh hơn, bảo vệ trẻ trước các yếu tố nguy cơ tác động không tốt tới sức khỏe của trẻ.

2. Cách tăng sức đề kháng cho trẻ

2.1. Cho trẻ bú sữa mẹ là cách tăng sức đề kháng

Sữa mẹ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ, sữa mẹ vừa an toàn lại giúp tiết kiệm được chi phí. Sữa mẹ có thể bảo vệ trẻ khỏi một số bệnh lý thường gặp như: Viêm đường hô hấp trên, dị ứng, viêm tai giữa, tiêu chảy,...vì trong sữa mẹ có kháng thể nếu người mẹ khỏe mạnh. Ngoài ra, sữa mẹ còn giúp trẻ phát triển trí não một cách toàn diện hơn, phòng ngừa một số bệnh như: Tiểu đường phụ thuộc insulin, bệnh Crohn, viêm đại tràng hay một số dạng bệnh ung thư khi trẻ lớn lên.

Sữa mẹ rất tốt cho hệ miễn dịch của trẻ, do đó, nên cho trẻ bú mẹ sau khi sinh càng sớm càng tốt, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và đến khi trẻ đủ 24 tháng tuổi.

2.2. Bổ sung các chất dinh dưỡng

Những năm tháng đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ chưa được hoàn thiện, dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Trẻ dễ bị tiếp xúc với các mầm bệnh ở môi trường như nhà trẻ, nơi công cộng, trường học,... Hệ thống miễn dịch giúp bảo vệ của cơ thể chống lại các sinh vật, virus, nấm, ký sinh trùng... để chống lại bệnh tật. Vì vậy, tăng đề kháng cho bé đóng vai trò rất quan trọng. Các bậc làm cha mẹ có thể nâng cao sức đề kháng, tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý hàng ngày, kết hợp với việc vận động thể thao, bổ sung thực phẩm có tính kháng khuẩn cao. Một số nhóm thực phẩm giúp trẻ có sức đề kháng bền vững như sau:

  • Rau và trái cây: Là nhóm thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn của trẻ, rau củ quả ngoài cung cấp chất xơ, còn chứa nhiều vitamin A, C và các chất giúp chống oxy hóa. Vitamin C giúp tăng sức đề kháng, thúc đẩy cơ thể sản sinh ra tế bào bạch cầu, kháng thể giúp chống lại các tác nhân gây bệnh. Cà rốt, bông cải xanh, khoai lang, cam bạn có thể xay hoặc cắt nhỏ để tập cho trẻ ăn dặm...
  • Sữa chua: Sữa chua có chứa men vi sinh giúp cân bằng hệ tiêu hoá, giúp cho trẻ hấp thu dinh dưỡng tốt bởi có chứa các nhóm vi sinh vật lợi khuẩn, giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa với có khả năng tiêu diệt nhóm hại khuẩn (nhóm vi sinh vật có hại trong đường ruột), đây là điều cần thiết để gia tăng hệ miễn dịch khỏe mạnh.
  • Các loại hạt: Hạt của quả hạnh nhân, quả óc chó và chà là giúp cung cấp các vitamin E, B3, B2 và những khoáng chất thiết yếu giúp xây dựng khả năng miễn dịch của cơ thể. Vitamin E là chất chống oxy hóa có vai trò hỗ trợ các tế bào khỏe mạnh.
  • Ngoài ra, ăn mật ong cũng có thể giúp kháng khuẩn, chống nấm. Các bậc làm cha, mẹ có thể pha một thìa cà phê mật ong với nước ấm để cho trẻ uống giúp chữa đau họng hoặc cho uống hàng ngày sau bữa ăn.

2.3. Tạo dựng một thói quen sinh hoạt lành mạnh - một cách tăng sức đề kháng

Có một thói quen sinh hoạt lành mạnh và khoa học có vai trò quan trọng giúp trẻ có hệ miễn dịch tốt. Các bậc phụ huynh hãy khuyến khích, xây dựng cho trẻ các thói quen tốt như là:

  • Ngủ đủ giấc: Nếu thiếu ngủ sẽ khiến cho cơ thể mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần, gây nên sự suy yếu hệ miễn dịch.
  • Tập thể dục điều độ: Tập thể dục thường xuyên và điều độ sẽ giúp gia tăng hệ miễn dịch. Các bậc phụ huynh nên tạo cho trẻ thói quen chạy bộ, đạp xe hoặc nhảy dây, chơi thể thao.
  • Giữ gìn vệ sinh: Cơ thể sạch sẽ sẽ giúp cho trẻ tránh khỏi sự xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh.

Ngoài ra, để hệ miễn dịch của trẻ phát triển một cách tốt nhất và toàn diện nhất, các bậc cha mẹ cũng nên lưu ý những điều sau:

  • Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ.
  • Không hút thuốc lá.
  • Giữ gìn sức khỏe của bản thân phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm vì có thể lây truyền sang trẻ.

Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn tầm quan trọng của hệ miễn dịch và một số phương pháp giúp trẻ có sức đề kháng bền vững. Mong rằng các bậc cha mẹ bồi đắp thêm cho mình những kiến thức sức khỏe thật sự bổ ích để chăm sóc thật tốt cho sức khỏe con em mình.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

389 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan