Các xét nghiệm cần thiết trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Hóa sinh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có 11 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực hóa sinh lâm sàng.

Ung thư phổi là một trong số những loại ung thư chiếm tỷ lệ cao và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý ung thư tại Việt Nam. Tuy nhiên rất nhiều bệnh nhân mắc phải bệnh ung thư phổi mà không xuất hiện các triệu chứng tại giai đoạn đầu, chỉ đến khi gặp những triệu chứng như: ho, khó thở, đau ngực, sút cân,... thì mới đi khám, nhưng khi đó bệnh đã ở giai đoạn muộn và rất khó điều trị thành công. Do đó, việc đi khám sức khỏe định kỳ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết kịp thời đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi.

1. Bệnh ung thư phổi là gì?

Dấu hiệu ung thư phổi
Ho trong thời gian dài, có thể lẫn máu và đờm, hoặc bị đau tức ngực là những biểu hiện điển hình của ung thư phổi

Ung thư phổi xảy ra khi những tế bào bất thường ở phổi đột nhiên xuất hiện, sinh sản và tăng trưởng một cách không kiểm soát tại phổi, khiến cho chức năng của phổi bị ảnh hưởng nặng nề. Sau một khoảng thời gian nhất định, chúng có thể sẽ lan sang lá phổi bên cạnh, các hạch xung quanh vùng khí quản và các bộ phận khác trong cơ thể người bệnh.

Vì bệnh không có những triệu chứng điển hình ở giai đoạn đầu, dễ nhầm lẫn với cảm mạo và các bệnh lý hô hấp khác, chỉ có những biểu hiện thoáng qua thậm chí không xuất hiện triệu chứng nên rất khó phát hiện kịp thời, hầu hết các bệnh nhân khi được chẩn đoán thì bệnh đã ở giai đoạn cuối, khi đó khả năng bệnh đã phát triển đến giai đoạn di căn đã rất cao dẫn đến kết quả điều trị thấp, rất khó để cứu chữa, tỷ lệ tử vong cao.

Triệu chứng nổi bật nhất của bệnh nhân bị ung thư phổi là bị ho trong thời gian dài, điều trị kháng sinh không đỡ, có thể lẫn máu và đờm, hoặc bị đau tức ngực. Sau khi bệnh chuyển biến nặng hơn, bệnh nhân sẽ thở nông, bị sút cân nhanh chóng, khó nuốt, giọng khàn, thở khò khè, tràn dịch màng phổi.

Ung thư phổi được chia thành 2 loại chính gồm:

2. Các xét nghiệm cần thiết trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi

2.1 Chụp X-quang phổi

Sử dụng kết quả chụp X-quang phổi có thể phát hiện u phổi nhưng nhiều trường hợp không thể thấy được các tổn thương nhỏ đi kèm. Chụp X-quang phổi được chia thành 2 loại:

  • Chụp X-quang phổi: dùng để tìm kiếm u phổi, không mang đến nhiều hiệu quả đối với những tổn thương nhỏ
  • Chụp X-quang cắt lớp vi tính: dùng để phát hiện kích thước, vị trí, mức độ xâm lấn của u phổi, tình trạng bị di căn của người bệnh, hạch trung thất, hoặc giúp định hướng sinh thiết khi xuyên thành ngực nhằm chẩn đoán mô bệnh học

2.2 Soi phế quản

Soi phế quản là phương pháp sử dụng một ống soi luồn qua mũi hoặc miệng, vào khí quản và thâm nhập sâu vào phổi, giúp quan sát được tổn thương ở phổi và khối u của người bệnh được xuất phát từ phế quản, đồng thời tiến hành các kỹ thuật cần thiết để lấy bệnh phẩm của bệnh nhân làm mô bệnh học, tế bào học như sinh thiết phế quản, sinh thiết phế quản xuyên thành tại vùng tương ứng với khối u, chải rửa phế quản.

2.3 Những xét nghiệm đánh giá tình trạng di căn

  • PET/CT: hỗ trợ đánh giá chính xác những tổn thương di căn, giúp chẩn đoán đúng về giai đoạn bệnh
  • Xạ hình xương: nhằm phát hiện nhanh những tổn thương di căn xương
  • Chụp cộng hưởng từ sọ não: để phát hiện những trường hợp bị di căn não
  • Siêu âm bụng, và chụp cắt lớp vi tính vùng bụng: giúp phát hiện các ổ di căn gan, hoặc thượng thận,...

2.4 Một số xét nghiệm dấu ấn ung thư phổi

Trong những trường hợp cần thiết, bệnh nhân có thể sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm ung thư phổi như:

  • Cyfra 21-1: Mặc dù được biểu hiện trong nhiều cơ quan khác nhau nhưng nó hiện diện chủ yếu trong phổi. CYFRA 21‐1 có thể được xem như dấu ấn sinh học được lựa chọn cho ung thư phổi không tế bào nhỏ (chủ yếu là các loại ung thư tế bào vảy và tế bào lớn). Xét nghiệm có tác dụng giúp hỗ trợ các bác sĩ chẩn đoán chính xác ung thư phổi không có tế bào nhỏ, người mắc phải bệnh phổi lành tính sẽ cho chỉ số Cyfra 21 - 1 dưới 3.3 μg/L (hoặc 3.3 ng/ml). Trong ung thư tuyến ở phổi, sự kết hợp CYFRA 21‐1 và kháng nguyên ung thư phôi (CEA) được chứng minh là hữu ích nhất.
  • Xét nghiệm NSE: được sử dụng giúp chẩn đoán bệnh ung thư phổi có tế bào nhỏ. Theo nghiên cứu, NSE huyết tương hoặc huyết thanh được định lượng bởi phương pháp chính là miễn dịch điện hóa phát quang trong các máy hỗ trợ phân tích miễn dịch. Trong đó, 72% các trường hợp bệnh nhân bị ung thư phổi tế bào nhỏ cho kết quả mức độ NSE huyết thanh sẽ tăng >25 ng/mL, nhưng đối với những thể ung thư phổi khác thì chỉ cho thấy tăng khoảng 8%. Độ nhạy chẩn đoán của xét nghiệm tăng theo mức độ bệnh ở bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ và NSE là một dấu ấn sinh học bổ sung cho ung thư phổi tế bào nhỏ và sự kết hợp kết quả NSE và ProGRP làm tăng độ chính xác trong chẩn đoán mô học, tiên lượng, và theo dõi bệnh. Nồng độ NSE ở bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ cho thấy có tương quan với tải lượng khối u, số vị trí di căn và đáp ứng với điều trị.
  • Xét nghiệm ProGRP: Đối với các trường hợp nghi ngờ bị ung thư phổi tế bào nhỏ hoặc cần phân biệt nhanh loại ung thư này với những loại ung thư phổi khác, bệnh nhân có thể sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm ProGRP. ProGRP đã được ghi nhận là một dấu ấn sinh học đặc hiệu cho ung thư phổi tế bào nhỏ nhưng nồng độ bất thường có thể được tìm thấy trong một nhóm nhỏ bệnh nhân ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Các nồng độ này thấp hơn đáng kể nồng độ ProGRP huyết thanh tìm thấy ở những bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ . Nồng độ ProGRP huyết thanh tỷ lệ với giai đoạn của khối u và nếu so với NSE thì xét nghiệm ProGRP là một loại xét nghiệm dấu ấn sở hữu độ nhạy cao hơn, nên giúp các bác sĩ dễ dàng hơn trong việc chẩn đoán phân biệt với những khối u khác của phổi. Chú ý, xét nghiệm này đặc biệt hữu dụng cho các trường hợp bệnh nhân không thể thực hiện sinh thiết khối u phổi.
  • CEA: 29% người bệnh bị ung thư phổi khi thực hiện xét nghiệm cho thấy chỉ số CEA thường cao hơn 10 ng/mL (đối với người bình thường thì chỉ số CEA chỉ ở mức 0 - 2.5 ng/mL).
  • SCC (kháng nguyên ung thư tế bào vảy) Tế bào biểu mô vảy là thành phần chính của biểu bì nhưng nó cũng hiện diện trong lớp nền của đường tiêu hóa, phổi và các vùng khác của cơ thể. SCC có thể tăng trong bệnh lý ung thư trong nhiều loại mô, chủ yếu là phổi, cổ tử cung .. Các giai đoạn ung thư tiến triển hơn liên quan đến nồng độ SCC cao hơn đặc biệt là trong ung thư phổi và ung thư cổ tử cung và việc đo kháng nguyên, trong các lần xác định liên tiếp, hỗ trợ đánh giá bệnh tái phát, tồn lưu bệnh sau điều trị và đáp ứng điều trị.
Chụp X quang phổi
Chụp X quang phổi đánh giá căn bệnh ung thư phổi

3. Một số biện pháp điều trị ung thư phổi

Ung thư phổi là căn bệnh có nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Đối với mỗi giai đoạn bệnh sẽ có phác đồ điều trị cụ thể:

  • Phẫu thuật loại bỏ khối u: thông thường phương pháp này sẽ mang lại hiệu quả cao nhất khi khối u của người bệnh còn nhỏ, và chưa bị di căn. Để tham gia phẫu thuật thì bệnh nhân phải có tình trạng sức khỏe ổn định. Khoảng 20% người bệnh được điều trị theo phương pháp này.
  • Điều trị bằng tia xạ: được áp dụng cho khoảng 35% bệnh nhân, sử dụng tia xạ phá hủy khối u khi chúng vẫn còn nhỏ và chưa bị di căn hoặc sử dụng để hạn chế tối đa sự phát triển của những khối u lớn. Phương pháp này có thể kéo dài được sự sống của bệnh nhân, nhưng lại rất ít trường hợp chữa khỏi được bệnh, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bệnh nhân.
  • Điều trị bằng hóa chất: 80-90% những bệnh nhân mắc ung thư phổi tế bào nhỏ có thể giảm bệnh khi mà tế bào ung thư còn nhỏ, bệnh nhân đang trong giai đoạn có thể phẫu thuật được và sử dụng hóa chất phù hợp để điều trị. Với các loại ung thư phổi khác tỷ lệ thoái giảm bệnh chỉ đạt được 40-50%. Những trường hợp bệnh đã đến giai đoạn muộn, thì hóa chất chỉ mang đến tác dụng giảm nhẹ các triệu chứng , kéo dài sự sống cho người bệnh.
  • Điều trị hỗ trợ: thường được sử dụng cho người bệnh ở giai đoạn cuối, giúp chăm sóc bệnh nhân, và điều trị triệu chứng, làm giảm đau.

Xét nghiệm ung thư phổi có nhiều loại khác nhau, giúp đánh giá từng giai đoạn phát triển khối u của bệnh. Kết quả xét nghiệm ung thư phổi có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh, hỗ trợ xây dựng liệu trình điều trị phù hợp cho người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: