Cách chăm sóc vết thương cho người tiểu đường

Người bệnh tiểu đường là đối tượng dễ bị nhiễm trùng do hệ miễn dịch của đối tượng này bị ảnh hưởng. Do đó việc chăm sóc vết thương cho người tiểu đường đúng cách có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng liên quan đến cơ quan khác.

1. Vì sao chăm sóc vết thương cho người tiểu đường đúng cách lại quan trọng

Với người bị tiểu đường, nếu không chăm sóc vết thương đúng cách thì có thể dễ dẫn tới việc cắt bỏ cụt chi. Sở dĩ tình trạng này hay xảy ra là do các vết thương của người bệnh không được chăm sóc đúng cách. Ở người bệnh tiểu đường, hệ miễn dịch của họ sẽ dễ suy giảm, sức đề kháng cũng kém hơn so với người không mắc bệnh, từ đó chức năng của các tế bào miễn dịch bị suy giảm là cho khả năng tiêu diệt vi khuẩn trở nên rất yếu. Đây cũng là yếu tố cơ hội để các vi khuẩn có mặt tại vết thương sinh sôi.

Ở người bệnh tiểu đường, nguy cơ thường gặp sẽ là nhiễm trùng da, viêm da, nhiễm trùng móng chân. Đôi khi, một vết xước ngoài da nhỏ cũng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển gây ra nhiễm trùng.

Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới thì cứ trung bình 2 phút trôi qua lại có thêm một bệnh nhân tiểu đường phải cắt cụt chi do vết thương lở loét và không được chăm sóc đúng cách dẫn đến lở loét, thường là ở ngón chân, bàn chân.

Với việc chăm sóc vết thương cho người tiểu đường đúng cách thì có thể phòng tránh được các biến chứng/ rủi ro sau:

  • Giảm tỉ lệ nhiễm trùng: Do người bệnh tiểu đường thường dễ nhiễm trùng, chăm sóc vết thương tốt cũng là một cách không tạo cho vi khuẩn môi trường để phát triển.
  • Giảm thiểu tình trạng loét: Chăm sóc vết thương cho người tiểu đường đúng cách sẽ mất rất nhiều công sức, nhưng nếu thực hiện tốt thì có thể giảm thiểu được nguy cơ loét.

2. Các cấp độ vết thương của người bị tiểu đường

Phân loại vết thương ở người bị tiểu đường giúp cho người chăm sóc có được kế hoạch chăm sóc và phương pháp chăm sóc hiệu quả, đúng cách. Có 4 cấp độ và 4 giai đoạn của các vết thương trên người bị tiểu đường:

  • Độ 0: Vết thương nông, chưa sâu và không gây loét, tương dương với giai đoạn A (vết thương sạch).
  • Độ 1: Vết thương có phần loét nhưng nông, vết loét chưa lan vào tổ chức dây chằng xung quanh, tương đương với giai đoạn B (giai đoạn nhiễm trùng vết thương).
  • Độ 2: Vết thương loét và đã lan vào tổ chức dây chằng và bao khớp xung quanh, tương đương giai đoạn C (vết thương thiếu máu).
  • Độ 3: Vết thương loét và ăn vào xương khớp, tương đương với giai đoạn D (Vết thương thiếu máu và nhiễm trùng).

3. Quy trình xử lý vết thương cho người tiểu đường

Xử lý vết thương cho người tiểu đường bao gồm vết thương chưa bị nhiễm trùng và vết thương loét sâu đang trong giai đoạn nhiễm trùng

3.1. Vết thương chưa bị nhiễm trùng

Cách trị vết thương cho người tiểu đường bao gồm nhiều giai đoạn, với vết thương chưa bị nhiễm trùng thì các bước chăm sóc như sau

  • Bước 1: Rửa sạch vết thương bằng dung dịch nước muối sinh lý. Rửa theo chiều từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài. Sau khi rửa xong thì cần thấm khô vết thương bằng bông gạc sạch. Với các vết thương có dị vật thì nên loại bỏ dị vật bằng kẹp gắp đã qua khử trùng. Với vết thương có chảy máu thì nên cầm máu bằng gạc sạch hoặc vải sạch ép lên vết thương. Lưu ý không dùng dung dịch oxy già để rửa vết thương vì đây là dung dịch sát khuẩn mạnh có thể làm tổn thương tổ chức xung quanh vết thương.
  • Bước 2: Pha loãng povidine iod để sát khuẩn vết thương với tỉ lệ 1/10.
  • Bước 3: Sát trùng vết thương bằng thuốc mỡ (Neosporin) bằng cách thoa một lớp mỏng lên trên vết thương.
  • Bước 4: Băng vết thương bằng băng cá nhân, với các vết thương lớn thì nên băng bằng gạc mỡ hoặc bằng băng hydrocolloid, có thể dùng thêm xịt ngăn ngừa Urgo Sanyrene.
  • Bước 5: Theo dõi và vệ sinh vết thương. Nên thay bằng 2 lần/ ngày, thời gian thay là sáng và tối, hoặc thay ngay khi thấy xung quanh vết thương bẩn hoặc ướt. Theo dõi vết thương sát sao và nếu thấy dấu hiệu nhiễm trùng phải tới cơ sở y tế để điều trị, đặc biệt là các vết bỏng.

3.2. Vết thương đã loét và nhiễm trùng

Đối với các vết thương đã loét và bị nhiễm trùng từ cấp độ 2 trở lên thì việc xử lý vết thương cho người tiểu đường cần được bác sĩ can thiệp vì có thể cần loại bỏ vùng hoại tử và uống thêm thuốc kháng sinh để hỗ trợ. Với các vết thương loét và nhiễm trùng nặng thì người bệnh tiểu đường sẽ được yêu cầu nằm viện để chăm sóc. Tuy nhiên, với các trường hợp nhiễm trùng nhẹ thì có thể được điều trị tại nhà, người bệnh tiểu đường và người chăm sóc cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Làm theo dặn dò và chỉ định của bác sĩ, đến bệnh viện ngay nếu xuất hiện các biến chứng nặng hơn.
  • Không đè lên vết thương, nên nằm tư thế kê cao chân với các vết thương ở bàn chân. Với các vết thương ở mông, lưng, vùng xương cụt thì bệnh nhân cần được trở người thường xuyên để không đè lên vết thương.
  • Không đắp lá, không rắc kháng sinh lên vết thương khi không có chỉ định của bác sĩ.
  • Có thể sử dụng găng tay y tế đã tiệt trùng để bơm nước vào, sau đó buộc găng tay và đặt dưới dùng đang bị đau

4. Chế độ ăn uống trong cách trị vết thương cho người tiểu đường

Với người bệnh bị tiểu đường thì chế độ ăn đóng vai trò quan trọng cực kỳ trong quá trình lành thương cũng như ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường.

Người bệnh tiểu đường đang có vết loét có thể sẽ chán ăn, nên thay thế khẩu phần ăn thường ngày bằng thức ăn lỏng như cháo yến mạch, cháo gạo lứt để đảm bảo dinh dưỡng mà không bị tăng đường huyết. Nên bổ sung protein từ cá và các loại đậu, thêm chất xơ từ trái cây để giúp hệ miễn dịch được bổ trợ trong quá trình lành vết thương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan