Cách làm lành vết thương nhanh

Vết thương hở là loại vết thương không những gây đau đớn mà còn có khả năng để lại sẹo ảnh hưởng đến thẩm mỹ sau này. Vậy cần làm gì để vết thương mau lành và hạn chế để lại sẹo?

1. Quá trình làm lành vết thương diễn ra như thế nào?

Quá trình làm lành vết thương diễn ra qua 3 giai đoạn chính bao gồm:

1.1. Giai đoạn cầm máu

Khi xuất hiện vết thương thì quá trình cầm máu diễn ra ngay sau đó nhờ các yếu tố đông máu. Chúng sẽ sẽ khiến máu đông lại cùng với huyết tương để hạn chế mất máu. Tuy nhiên khi gặp phải các vết thương lớn thì cần dùng thêm biện pháp hỗ trợ khác để tránh mất nhiều máu.

Sau đó khoảng từ vài giờ đến 4 ngày thì phản ứng viêm sẽ diễn ra nhờ vào các tế bào bạch cầu, trong quá trình này có sự tham gia của nhiều tế bào khác, điển hình như:

Sau khi bị tổn thương, mạch máu bị vỡ sẽ hình thành những cục máu đông kết hợp với, chất ngoại gian bào tạm thời để làm kín vết thương. Đồng thời tiết thêm các loại hoạt chất nhằm thu hút các tế bào tham gia đẩy nhanh quá trình lành thương.

1.2. Giai đoạn tăng sinh

Giai đoạn này thường kéo dài từ 1 - 3 tuần hoặc có thể dài hơn phụ thuộc vào đặc điểm, vị trí và mức độ tổn thương. Đặc trưng của giai đoạn này là 3 quá trình chính bao gồm:

  • Tái cấu trúc.
  • Lên mô hạt.
  • Biểu mô hóa.

Mục đích của giai đoạn tăng sinh là tạo ra các mạch máu và mô mới để thay thế cho các tế bào, mạch máu bị tổn thương trước đó thông qua sự hỗ trợ của các tế bào nội mô kết hợp với nguyên bào sợi.

Các nguyên bào sợi sẽ được hoạt hóa để chuyển đổi thành cơ nguyên bào sợi với tác dụng sắp xếp lại các ngoại gian bào để các tế bào của vết thương liên kết với nhau tốt hơn. Sự sắp xếp này sẽ diễn ra đầu tiên ở phần mép của vết thương rồi tiến dần vào trung tâm. Đặc trưng của giai đoạn này là bệnh nhân cảm thấy ngứa vùng mép da tổn thương dần dần vào trung tâm khi chuẩn bị lành vết thương.

1.3. Giai đoạn tái tạo

Hai tế bào chính tham gia vào giai đoạn tái tạo cuối cùng này là nguyên bào sợi và đại thực bào. Chúng sẽ di chuyển từ đáy vết thương lên cùng các tế bào mới và đây cũng là giai đoạn hình thành sẹo vết thương với trạng thái sẹo lồi, sẹo lõm hoặc sẹo mờ khác nhau.

Các cơ nguyên bào sợi có vai trò sắp xếp lại các ngoại gian bào mới để tạo liên kết chặt chẽ với các bó vi sợi để tạo ra phản ứng sinh học để tăng mật độ tế bào, ổn định chất nền và tăng sức đề kháng.

2. Một số yếu tố tác động đến quá trình lành thương

Quá trình lành thương đều được chi phối bởi 3 giai đoạn trên nhưng nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như:

Bản chất của tổn thương

Vết thương có kích thước lớn, sâu sẽ cần thời gian lành thương dài hơn khi trải qua 3 giai đoạn trên và có nguy cơ để lại sẹo. Ngược lại, những vết thương nhỏ, nông thì thường nhanh lành, ít để lại sẹo hơn.

Ngoài ra, mức độ tổn thương cũng ảnh hưởng rất lớn đến thời gian lành thương. Thực tế là các vết thương bầm dập mất nhiều máu sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn các dạng vết thương khác. Nếu để xảy ra nhiễm trùng hoặc mưng mủ nặng thì thời gian liền vết thương sẽ bị kéo dài và tăng khả năng để lại sẹo.

Phương pháp làm sạch vết thương

Nếu như vết thương ban đầu có được xử lý và làm sạch tốt và đảm bảo không bị nhiễm trùng thì quá trình lành thương sẽ diễn ra nhanh hơn.

Một số yếu tố khác

Khả năng lành thường còn phụ thuộc vào yếu tố cá nhân hoặc do môi trường ngoại cảnh như:

  • Độ tuổi: Tuổi càng lớn thì quá trình liền vết thương càng chậm hơn so với người trẻ tuổi.
  • Chế độ ăn uống: Người có chế độ ăn uống thiếu hụt các chất cần thiết cho quá trình lành thương như vitamin, chất đạm, kẽm và các khoáng chất thiết yếu khác sẽ có tốc độ liền thương chậm hơn.
  • Bệnh nhân có hệ miễn dịch kém như đang thực hiện điều trị ung thư bằng hóa trị hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch sẽ có tốc độ làm lành tổn thương cũng chậm hơn.
  • Bệnh nhân đái tháo đường.

3. Cách làm lành vết thương nhanh

Để quá trình làm lành vết thương diễn ra nhanh chóng và hạn chế để lại sẹo, bệnh nhân cần chú ý đến một số phương pháp sau:

Làm sạch vết thương

Cách làm lành vết thương hở phụ thuộc rất lớn vào giai đoạn làm sạch. Đây là giai đoạn khá quan trọng giúp giúp làm giảm vi khuẩn phù du, làm sạch các mảnh vụn, tập chất và dịch viêm. Có thể sử dụng dung dịch nước muối sinh lý 0.9% và cần cẩn thận thực hiện để vết thương không bị chảy máu thêm.

Sát trùng vết thương

Công việc sát khuẩn vết thương là có hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc rất lớn bởi bản thân dung dịch sát khuẩn được sử dụng.

Một dung dịch sát khuẩn tốt cần đảm bảo các yếu tố sau:

  • Không gây tổn thương các tế bào và mô vết thương.
  • Không gây độc hại cho cơ thể người sử dụng
  • Có khả năng tiêu diệt được vi khuẩn, đặc biệt là phân hủy biofilms. Đây là lớp màng sinh học do các vi sinh vật tạo ra để các tế bào dính vào nhau trên bề mặt vết thương.
  • Có khả năng nhập sâu vào các tổ chức tế bào

Dưỡng ẩm vùng da quanh vết thương

Vết thương hở luôn có tình trạng tiết dịch nên khiến da bị khô và gây khó chịu, ngứa ngáy cho người bệnh. Do đó, việc giữ ẩm là cần thiết để bảo vệ và giúp vết thương hở nhanh lành, vì vết thương khô sẽ làm chậm quá trình lành vết thương. Bệnh nhân cần bôi thêm kem dưỡng ẩm sau khi làm sạch và sát trùng. Cần lưu ý lựa chọn kem dưỡng ẩm chuyên dùng dành cho vết thương hở, lành tính, có kèm theo thành phần sát trùng để giữ cho vết thương luôn được sạch sẽ.

Sau khi dưỡng ẩm, nên dùng gạc y tế để có tác dụng bảo vệ khỏi ma sát, ngăn bụi bẩn và hạn chế mất nước qua vết thương. Tuy nhiên việc băng lại chỉ nên sử dụng với vết thương hở sâu và rộng, còn với những vết thương nhỏ thì không cần thiết. Không băng chặt, vì điều này có thể làm hạn chế quá trình lưu thông máu và gây ra chậm lành thương.

4. Cách cách làm lành vết thương hở bằng một số nguyên liệu tự nhiên

  • Bột nghệ

Củ nghệ có chứa hoạt chất curcumin. Đây là thành phần có đặc tính kháng khuẩn hiệu quả có thể hỗ trợ cho quá trình làm lànhvết thương. Tuy nhiên, cần lựa chọn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng vì một số bột nghệ có chứa thành phần bột nhiều sẽ gây bít tắt vết thương nên bạn phải sử dụng bột nghệ nguyên chất.

  • Nha đam

Nha đam có chứa nhiều khoáng chất và vitamin giúp đẩy nhanh quá trình lành vết thương. Đặc biệt, nha đam còn có chứa glucomannan góp phần vào quá trình tái tạo tế bào và sản xuất collagen. Có thể sử dụng bằng cách thoa một lớp mỏng lên vết thương rồi băng lại giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng và kiểm soát sự lây lan của vi khuẩn.

  • Giấm táo

Đây là nguyên liệu có khả năng làm khô vết thương hở nhanh hơn, đồng thời ngăn ngừa nhiễm khuẩn và sự lây lan của vi khuẩn. Sử dụng bằng cách pha loãng giấm táo với nước rồi dùng bông sạch thấm vào dung dịch rồi đắp lên vết thương.

  • Dầu tràm trà

Tương tự như các thành phần trên, tinh dầu tràm trà cũng có tác dụng kháng viêm và giảm đau cho vết thương hở nên cũng được dùng làm dung dịch sát khuẩn vết thương. Đây là thành phần khá lành tính nên có thể sử dụng để bôi trực tiếp lên vết thương hở.

  • Chế độ dinh dưỡng để giúp vết thương hở nhanh lành

Ngoài việc bổ sung các thành phần từ bên ngoài đã kể trên thì việc cung cấp các chất dinh dưỡng từ bên trong đóng vai trò rất quan trọng để kích thích sản sinh tế bào mới hỗ trợ nhanh lành vết thương hở. Người bệnh nên cân nhắc bổ sung các loại thực phẩm sau:

  • Các thực phẩm giàu protein để đẩy nhanh quá trình tái tạo và sản sinh tế bào mới. Do đó, cần đảm bảo lượng protein vừa đủ trong mỗi bữa ăn với ít nhất 20 - 30g trong mỗi như một bữa ăn chính.
  • Các loại trái cây giàu vitamin C có tác dụng làm giảm khả năng nhiễm trùng vết thương hở và nâng cao sức đề kháng.
  • Uống đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày và có thể bổ sung thêm nước ép trái cây hoặc sữa.
  • Tăng cường bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B, E để tạo mô mới và giúp làm liền vết thương hở nhanh hơn.

Cách làm lành vết thương nhanh được thực hiện khá đơn giản, tuy nhiên nếu máu chảy nhiều, vết thương khó kiểm soát thì người bệnh cần được cấp cứu kịp thời, tránh để mất máu và nguy hiểm đến tính mạng.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan