Cách phân biệt dị ứng và cảm lạnh

Dị ứng và cảm lạnh là 2 bệnh lý thường gặp vào mùa đông và có khá nhiều triệu chứng tương đồng. Theo đó, cần phân biệt dị ứng và cảm lạnh để có hướng điều trị phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.

1. Các khái niệm liên quan về cảm lạnh và dị ứng

1.1 Cảm lạnh là gì?

Cảm lạnh thường là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus. Khi cơ thể không kịp thích nghi với cái lạnh, cơ thể dễ bị tấn công bởi các loại virus, dẫn đến các triệu chứng ở đường hô hấp trên (mũi, họng). Các triệu chứng cảm lạnh không phải do virus gây ra mà là phản ứng của cơ thể trước virus.

Các triệu chứng của cảm lạnh gồm:

  • Ho hoặc hắt hơi. Virus cũng được lây truyền qua con đường này;
  • Đau họng, nghẹt mũi và chảy nước mũi;
  • Đau đầu, sốt, đau nhức khắp cơ thể (khi bị cảm lạnh nặng).

Thông thường, bệnh nhân mắc cảm lạnh trong khoảng 7 - 10 ngày. Nếu các triệu chứng kéo dài trên 1 hoặc 2 tuần, virus có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng hơn như viêm phổi, viêm xoang hay viêm phế quản.

XEM THÊM: Các triệu chứng của cúm khác gì so với các triệu chứng cảm lạnh?

Nghẹt mũi
Nghẹt mũi là một biểu hiện của cảm lạnh

1.2 Dị ứng là gì?

Dị ứng xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể có phản ứng bất lợi với một số chất nào đó. Khi người bệnh tiếp xúc với dị nguyên (các tác nhân gây phản ứng dị ứng), hệ miễn dịch của cơ thể sẽ giải phóng histamin - gây ra các triệu chứng dị ứng.

Các tác nhân gây dị ứng phổ biến gồm: Cây, cỏ, phấn hoa,... Các tác nhân khác gồm mạt bụi, lông hoặc nước bọt động vật, nấm mốc, thực phẩm (lạc, hạt trái cây, trứng, sữa,...).

2. Phân biệt dị ứng và cảm lạnh

2.1 Sự giống nhau giữa dị ứng và cảm lạnh

Cảm lạnhviêm mũi dị ứng là các tình trạng thường gặp vào mùa lạnh hoặc thời điểm giao mùa. Chúng có chung một số triệu chứng phổ biến gồm ho, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, rát họng, chảy nước mắt và mệt mỏi. Theo đó, những người có cơ địa dị ứng có thể dễ mắc cảm lạnh hơn. Trẻ nhỏ cũng có dễ bị cảm lạnh hơn do hệ thống miễn dịch yếu hơn người trưởng thành.

XEM THÊM: Các loại thuốc xịt mũi để giảm cảm lạnh

Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng và cảm lạnh có những biểu hiện giống nhau

2.2 Sự khác nhau giữa dị ứng và cảm lạnh

Về nguyên nhân:

  • Cảm lạnh: Là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi một số loại virus;
  • Dị ứng: Là tình trạng hệ miễn dịch phản ứng với các yếu tố ngoại lai xâm nhập cơ thể, giúp bảo vệ cơ thể. Khi tấn công các yếu tố ngoại lai, các kháng thể kéo theo các triệu chứng khó chịu cho cơ thể.

Về khả năng lây nhiễm:

  • Cảm lạnh: Dễ lây nhiễm từ bệnh nhân sang những người có tiếp xúc gần;
  • Dị ứng: Không lây nhiễm.

Về triệu chứng:

  • Cảm lạnh: Triệu chứng xuất hiện từ từ sau một thời gian ủ bệnh, khỏi từ từ. Cảm lạnh có triệu chứng sốt và đau nhức toàn thân, còn bệnh dị ứng thì không;
  • Dị ứng: Triệu chứng xuất hiện ngay khi tiếp xúc với dị nguyên, nếu loại bỏ yếu tố gây dị ứng thì triệu chứng sẽ hết. Khi bệnh lui, mọi triệu chứng biến mất, cơ thể khỏe khoắn bình thường. Dị ứng cũng có thể gây ngứa mắt và phát ban, trong khi cảm lạnh thường không có dấu hiệu này;

Thời gian diễn tiến triệu chứng:

  • Cảm lạnh: Bệnh chuyển biến tốt hơn trong vòng 1 tuần;
  • Dị ứng: Triệu chứng kéo dài dai dẳng cho tới khi được điều trị, loại bỏ tác nhân gây dị ứng. Các tác nhân gây dị ứng theo mùa có xu hướng gây triệu chứng 2 - 3 tuần/lần.

XEM THÊM: Thuốc dị ứng và cảm lạnh Allergy & Cold PE: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Hắt xì và sổ mũi liên tục vào buổi sáng có phải viêm mũi dị ứng không?
Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng thường kéo dài hơn

3. Nên làm gì khi có triệu chứng cảm lạnh hoặc dị ứng?

Đầu tiên, bệnh nhân nên đi khám bác sĩ thay vì tự điều trị để chẩn đoán chính xác, tiếp theo là tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Những bệnh nhân bị cảm lạnh thường được cho dùng thuốc giảm đau, hạ sốt, chống nghẹt mũi và thuốc bổ để làm tăng sức đề kháng của cơ thể. Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh còn được khuyên nên súc miệng bằng nước muối và xịt mũi bằng nước muối theo dạng phun sương. Đồng thời, cần nghỉ ngơi và làm việc hợp lý, tránh lao lực, nên ăn các món nóng và dễ tiêu để cung cấp dinh dưỡng, làm ấm cho cơ thể và giúp thông mũi.

Với người bị viêm mũi dị ứng, ngoài việc sử dụng thuốc chống dị ứng theo đường uống và xịt do bác sĩ kê đơn, bệnh nhân còn cần tránh tối đa việc tiếp xúc với những tác nhân có thể gây dị ứng. Bên cạnh đó, vì các thuốc chống dị ứng thường có tác động 2 mặt, nếu dùng sai cách hoặc bị lạm dụng có thể gây tác dụng phụ. Do đó, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi dùng thuốc. Đồng thời, bệnh nhân nên thực hiện các xét nghiệm kiểm tra cần thiết để xác định chính xác yếu tố gây dị ứng, từ đó có hướng phòng ngừa và điều trị thích hợp.

Triệu chứng của cảm lạnh và dị ứng tương đối khó phân biệt. Khi chưa thể khẳng định chắc chắn mình bị dị ứng hay cảm lạnh, bệnh nhân nên đi khám tại bệnh viện để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị hiệu quả.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý hô hấp, hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu. Do đó, khi có triệu chứng dị ứng, cảm lạnh bạn có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan