Cách xử trí khi cổ họng khô khát nước liên tục

Cổ họng có thể bị khô do các nguyên nhân như cơ thể thiếu nước, thở miệng, trào ngược, viêm họng... Thông thường nếu thỉnh thoảng họng bị khô thì chưa phải là một dấu hiệu đáng phải lưu tâm. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài bạn nên nghĩ tới việc đến bệnh viện kiểm tra.

1. Xử trí khi bị cổ họng khô khát nước liên tục

Tùy vào nguyên nhân gây khô cổ họng để có cách xử trí phù hợp. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp và cách xử trí:

  • Cơ thể bị thiếu nước gây khô cổ họng

Cảm thấy cổ họng bị khô có thể chỉ đơn giản là một dấu hiệu cảnh báo cho thấy bạn không uống đủ nước theo nhu cầu của cơ thể. Nếu cơ thể không được cung cấp đủ lượng nước hàng ngày, bài tiết của cơ thể sẽ giảm, dẫn đến lượng nước bọt giúp làm ẩm miệng và cổ họng cũng giảm. Dịch tiết sinh lý ở vùng mũi xoang - dịch chảy qua họng cũng bị giảm. Sự tiết dịch nhầy tại chỗ của niêm mạc họng cũng giảm... gây ra khô họng. Đây là nguyên nhân gây khô cổ họng do uống nước không đủ.

Ngoài ra, có thể gặp tình trạng cổ họng bị khô mặc dù đã uống đủ lượng nước theo nhu cầu cơ thể. Nguyên nhân có thể do cơ thể bị mất nước nhiều do các hoạt động đổ mồ hôi, bị sốt cao. Khi khô họng do thiếu nước, thường kèm theo một số triệu chứng khác như khô miệng, cảm thấy khát nước, tiểu ít và nước tiểu sậm màu, mệt mỏi, hoa mắt...

Vậy nên, cần bổ sung lượng nước uống vào sao cho cân bằng với lượng nước mà cơ thể đã bài tiết ra ngoài, có thể thông qua lượng nước uống, thức ăn, trái cây, rau củ... Nhu cầu trung bình cần bổ sung hàng ngày khoảng 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày. Khi bị khô cổ họng do thiếu nước, nên uống nước lọc là tốt nhất. Tránh dùng các loại nước ngọt hay cà phê, vì những thức uống này có thể khiến cho tình trạng mất nước trở nên trầm trọng hơn.

  • Cổ họng khô rát do thở miệng khi ngủ

Sau khi thức dậy, nếu có cảm giác khô ở cổ họng có thể là do khi ngủ bạn đã thở bằng miệng. Luồng không khí lưu thông trực tiếp qua miệng họng sẽ làm độ ẩm ở niêm mạc họng giảm hẳn, làm khô lượng nước bọt ở khoang miệng. Ngoài ra, thở bằng miệng khi ngủ có thể gây ra các rối loạn như ngủ ngáy, hôi miệng, mệt mỏi vào ngày hôm sau. Ngủ ngáy có thể là một dấu hiệu của hội chứng ngưng thở khi ngủ với đặc điểm là các quãng thở và ngưng thở liên tục xen kẽ nhau suốt cả đêm. Nguyên nhân có thể gặp khi thở bằng miệng là tình trạng sung huyết tạm thời của niêm mạc mũi ở người bệnh đang mắc phải bệnh cảm lạnh, cảm cúm, viêm mũi xoang dị ứng. Ngoài ra, tình trạng thở miệng cũng có thể do hậu quả tắc nghẽn mạn tính ở mũi, hậu quả của dị hình vách ngăn mũi, viêm mũi xoang mạn tính thoái hóa niêm mạc, polyp mũi và các loại khối u khác...

Cách xử trí tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng thở miệng khi ngủ, cụ thể: Nếu có vấn đề về mũi xoang, có thể khắc phục tạm thời bằng cách sử dụng miếng dán ngoài hoặc dụng cụ nong tiền đình để nới rộng van mũi cho dễ thở khi ngủ. Tuy nhiên, nếu tình trạng thở miệng khi ngủ kéo dài cần khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị tận gốc. Nếu mắc phải viêm mũi xoang mạn tính, polyp mũi có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật tùy vào tình trạng bệnh. Với dị hình vách ngăn mũi, thường được chỉ định phẫu thuật để chỉnh sửa cho thẳng lại.

  • Viêm mũi dị ứng gây khô cổ họng

Khi bị viêm mũi dị ứng, rất dễ có những phản ứng “thái quá” với những tác nhân trong môi trường sống như phấn hoa, cỏ, nấm mốc, bụi... Khi xảy ra các phản ứng dị ứng với các tác nhân trên thường gây ra một số triệu chứng như hắt hơi, ngứa miệng, mắt hay da, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi. Hậu quả là không thể thở bằng mũi, thay vào đó là thở bằng miệng nên gây ra tình trạng bị khô họng.

Cách xử trí khi bị viêm mũi dị ứng là cần tránh tiếp xúc với các dị nguyên bằng cách hạn chế ra ngoài những ngày gió hanh khô, đóng kín cửa khi bên ngoài có nhiều phấn hoa, giặt chăn, màn, chiếu, gối hàng tuần bằng nước nóng, vệ sinh nhà cửa thường xuyên, loại bỏ bụi bặm, nấm mốc nhất là ở các khu vực tối và ẩm, đeo khẩu trang khi vệ sinh nhà cửa hoặc khi đi ra ngoài. Trường hợp nặng, người bệnh thường được bác sĩ chỉ định các thuốc kháng histamine, thuốc corticoid hoặc có thể dùng liệu pháp giải mẫn cảm.

  • Cảm lạnh gây khô cổ họng

Cảm lạnh là một bệnh khá phổ biến do tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể gây ra bởi tác nhân là các chủng virus. Triệu chứng thường gặp là ho, hắt hơi, sốt nhẹ, đau nhức toàn thân, chảy mũi nước hoặc nghẹt mũi. Mặc dù bệnh cảm lạnh không nguy hiểm nhưng lại gây khó chịu cho người bệnh vài ba ngày. Để giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục, có thể áp dụng một số phương pháp như: uống thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn như paracetamol hoặc ibuprofen, dùng viên ngậm ho để làm dịu cổ họng, uống trà gừng ấm, súc miệng bằng nước muối, thuốc xịt thông mũi, uống nhiều nước, ăn súp gà, bật máy tạo ẩm trong phòng, nghỉ ngơi nhiều hơn.

  • Bệnh cúm gây cổ họng khô

Tác nhân gây bệnh cúm là virus cúm, các triệu chứng của bệnh cúm thường nghiêm trọng hơn so với cảm lạnh. Ngoài cảm giác khô họng, khô rát cổ họng và nghẹt mũi, còn hay gặp một số triệu chứng khác như sốt, ho, ớn lạnh, đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức cơ, chảy mũi nước. Nếu không được điều trị thích hợp có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản kèm co thắt, viêm xoang, viêm tai. Cách xử trí chủ yếu là dùng thuốc kháng virus trong vòng 48 giờ khi phát hiện triệu chứng sẽ giúp kiểm soát bệnh tốt nhất. Trong trường hợp bị cảm cúm xuất hiện các triệu chứng bội nhiễm, cần được điều trị bằng kháng sinh, thuốc long đờm... Ngoài ra, người bệnh nên nghỉ ngơi nhiều hơn, dùng viên ngậm trị rát họng, súc miệng bằng nước muối, uống nước trà gừng ấm, thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn như paracetamol hoặc ibuprofen.

  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây khô cổ họng

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng rối loạn vận động co bóp dạ dày thực quản, suy van tâm vị, khiến dịch acid trào ngược từ dạ dày lên thực quản và họng. Nếu dịch acid lên đến cổ họng, bạn có thể cảm thấy nóng và khô rát cổ họng. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh nên được điều trị tích cực bệnh trào ngược dạ dày thực quản bằng các thuốc kháng acid để trung hòa acid dạ dày, các thuốc ức chế H2 để giảm sản xuất acid dạ dày, thuốc ức chế bơm proton để làm ngưng sản xuất acid. Ngoài ra có thể áp dụng các biện pháp khác như duy trì cân cân nặng hợp lý, ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, kê cao đầu khi nằm, ngưng hút thuốc lá vì khói thuốc lá làm suy yếu van đóng tâm vị, tránh các thực phẩm và thức uống có thể gây kích thích như đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ, đồ cay, chua, rượu, bia, cà phê, tỏi...

  • Viêm họng do liên cầu khuẩn gây khô cổ họng

Tác nhân gây bệnh là Streptococcus. Khi mắc phải bệnh này, cổ họng thường sẽ rất khô, đau rát và khát nước liên tục. Một số triệu chứng khác bao gồm: sốt cao, phát ban, đau nhức cơ, sưng đỏ amidan, xuất hiện các mảng trắng trên amidan, sưng hạch bạch huyết ở cổ, nuốt đau, buồn nôn và ói mửa. Điều trị chủ yếu bằng kháng sinh, dùng đúng liều lượng và thời gian điều trị thích hợp theo chỉ định của bác sĩ. Không nên ngừng thuốc quá sớm sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của những vi khuẩn vẫn còn sống sót sẽ mạnh lên và gây bệnh trở lại.

  • Viêm amidan gây khô cổ họng

Đây là tình trạng bệnh lý viêm ở tổ chức lympho khẩu cái ở 2 bên nơi giáp ranh họng - miệng, thường do nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Hậu quả gây nên tình trạng cổ họng khô rát, cũng như một số triệu chứng điển hình như sốt, khàn giọng, hơi thở hôi, đau đầu, sưng đỏ amidan... Điều trị chủ yếu là các thuốc kháng sinh. Thông thường nếu nguyên nhân gây bệnh do virus có thể cải thiện nhanh chóng trong vòng 7 - 10 ngày. Để giúp bệnh cải thiện nhanh chóng hơn, người bệnh nên uống nhiều nước, nghỉ ngơi nhiều hơn, súc miệng bằng nước muối, dùng viêm kẹo ngậm...

2. Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Người bệnh không nên chủ quan về tình trạng cổ họng bị khô kéo dài. Đôi khi, đó là dấu hiệu đầu tiên của một bệnh lý gì đó nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm họng do liên cầu khuẩn.

Nên thực hiện việc soi miệng bằng gương và đèn sáng khi gặp phải tình trạng cổ họng bị khô. Nếu nhìn thấy các mảng trắng hoặc cổ họng đỏ và sưng lên thì có thể đang mắc phải viêm họng liên cầu khuẩn, cần phải dùng kháng sinh kịp thời để hạn chế tình trạng nặng nề hơn. Vì vậy, nếu tình trạng cổ họng bị khô kéo dài không thấy cải thiện sau khi đã áp dụng các biện pháp tạm thời trong chăm sóc răng miệng thì nên đến Bệnh viện để được thăm khám và can thiệp điều trị khi cần thiết.

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp người bệnh có những kiến thức hữu ích và phương pháp giúp cải thiện tình trạng cổ họng bị khô. Nếu cảm thấy triệu chứng không thuyên giảm, cần đến ngay Bệnh viện để được thăm khám kịp thời. Không nên tự ý điều trị trong thời gian kéo dài sẽ gây khó khăn và dễ gây ra các biến chứng trầm trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

94.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan