Chẩn đoán hội chứng chuyển hóa thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Hội chứng chuyển hóa là tập hợp các yếu tố gây ra những nguy cơ bệnh lý tim mạch, bệnh đái tháo đường trong tương lai ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người mắc bệnh. Ngày nay hội chứng chuyển hóa có xu hướng gia tăng do chế độ ăn uống và sinh hoạt.

1.Hội chứng chuyển hóa là gì?

Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các yếu tố nguy cơ tập hợp trên một người bệnh, những yếu tố này làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 và bệnh lý tim mạch. Hội chứng chuyển hóa còn có tên gọi khác là hội chứng X, hội chứng đề kháng insulin.

Các yếu tố được đề cập trong hội chứng chuyển hóa bản thân bệnh nhân có thể tự nhận thấy được và các dấu hiệu thông qua xét nghiệm cận lâm sàng:

  • Người có tình trạng béo ở bụng
  • Rối loạn lipid máu: Đây là tình trạng rối loạn các chất béo trong máu như triglyceride tăng, HDL-C thấp, LDL-C cao và các thành phần lipid khác nguy cơ tạo nên mảng xơ vữa ở thành động mạch.
  • Tăng huyết áp: Huyết áp ở ngưỡng cao hoặc đã được chẩn đoán tăng huyết áp.
  • Tình trạng kháng insulin hoặc không dung nạp đường là tình trạng mà cơ thể không thể sử dụng insulin và đường một cách hiệu quả. Mặc dù insulin trong máu tăng nhưng do giảm sự nhạy cảm với insulin ở bề mặt tế bào làm cho sự hoạt động của insulin kém hiệu quả, từ đó gây tăng đường huyết.
rối loạn lipid máu
Người bị béo bụng có thể gây rối loạn lipid máu
  • Tình trạng tiền rối loạn đông máu: Tăng fibrinogen và chất ức chế plasminogen hoạt hóa PAI-1 cao trong máu. Từ đó làm tăng khả năng hình thành cục máu đông và giảm khả năng phân giải cục máu đông.
  • Tình trạng tiền viêm: Xét nghiệm thấy CRP tăng cao trong máu. Chỉ số này có thể liên quan tới sự rối loạn chuyển hóa lipid gây viêm mạch, CRP giúp đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai.

Hội chứng chuyển hóa có xu hướng tăng theo tuổi, ngày nay có xu hướng trẻ hóa dần. Việc phát hiện và chẩn đoán sớm hội chứng chuyển hóa giúp thay đổi lối sống từ đó hạn chế nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch và đái tháo đường.

2.Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa

2.1 Nguyên nhân

Nguyên nhân gây hội chứng chuyển hóa có liên quan tới tình trạng kháng insulin, nhưng tại sao có sự kháng insulin gây ra hội chứng chuyển hóa vẫn chưa được biết rõ. Có thể do gen hoặc các yếu tố từ môi trường xung quanh gây ra.

Kháng insulin
Kháng insulin có thể gây ra hội chứng chuyển hóa

Insulin là do tuyến tụy tiết ra với chức năng giúp cho glucose máu có thể vào được bên trong tế bào, khi đo tế bào mới có thể sử dụng glucose để cung cấp năng lượng cho sự hoạt động tế bào. Nếu có hiện tượng đề kháng insulin xảy ra, tế bào không thể sử dụng được nguồn năng lượng, mà lương glucose tăng cao trong máu. Sau đó, nhận thấy sự tăng cao glucose tuyến tụy tăng lên đáp ứng nhu cầu đưa glucose vào trong tế bào. Khi đó sẽ có thể xảy ra các trường hợp, nếu cơ thể không tăng bài tiết insulin thì người bệnh sẽ biểu hiện bệnh đái tháo đường; nếu cơ thể tăng tiết insulin nhưng do vẫn có tình trạng đề kháng insulin nên gây tăng đường huyết nhưng chưa đến ngưỡng chẩn đoán bệnh.

Khi nồng độ đường trong máu tăng lên, tuy chưa đến ngưỡng chẩn đoán bệnh nhưng vẫn có thể gây ra những tác hại cho cơ thể, rối loạn chuyển hóa lipid cũng có thể xảy ra. Những yếu tố này làm ảnh hưởng tới thành mạch, làm huyết áp tăng lên.

2.2 Các yếu tố nguy cơ

  • Tuổi: Nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa tăng lên theo tuổi, tỷ lệ mắc bệnh < 10% ở lứa tuổi 20, tăng lên 40% ở lứa tuổi 60. Tuy nhiên, các dấu hiệu báo trước hội chứng chuyển hóa có thể thấy ở người độ tuổi niên thiếu.
  • Chủng tộc: Người châu Á và một số nước trên thế giới hay có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa hơn các chủng tộc khác.
  • Thừa cân, béo phì: Được xác định khi chỉ số khối cơ thể (BMI) đo của cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng lớn. Khi BMI > 23, tình trạng béo bụng với dáng người quả táo làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa.
  • Tiền sử mắc bệnh tiểu đường: Thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở người có tiền sử gia đình có người bị tiểu đường type 2 hoặc bản thân có tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ.
  • Các tình trạng bệnh lý khác làm tăng nguy cơ bao gồm: Tăng huyết áp, hội chứng buồng trứng đa nang làm ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản và hormone sinh dục nữ, những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.

3.Làm sao để chẩn đoán hội chứng chuyển hóa

Để chẩn đoán hội chứng chuyển hóa cần dựa vào các tiêu chuẩn bao gồm dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng.

Theo Tổ chức y tế Thế giới áp dụng chẩn đoán xác định mắc hội chứng chuyển hoán khi người bệnh có từ 3 yếu tố trở lên trong các yếu tố sau:

  • Béo bụng: Nam có vòng bụng ≥ 90cm, nữ có vòng bụng ≥ 80cm.
  • Triglycerid máu ≥ 150 mg/dl(1,7 mmol/l)
  • HDL-C < 40mg/dl(1.03 mmol/l) đối với nam và <50mg/dl (1,28 mmol/l) đối với nữ.
  • Huyết áp ≥ 130/85 mmHg
  • Tăng đường huyết khi đói ≥ 100mg/dl(5,6 mmol/l).
Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói
xét nghiệm glucose trong máu khi đói để chẩn đoán hội chứng chuyển hóa

4. Làm gì khi mắc hội chứng chuyển hóa

Khi mắc hội chứng chuyển hóa, cần thay đổi chế độ sinh hoạt và ăn uống. Từ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

  • Tập thể dục đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày với cường độ vừa phải như là đi bộ, yoga...
  • Giảm cân: Mục tiêu giảm 5-10% trọng lượng cơ thể, từ đó giúp làm giảm nồng độ insulin, giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế chất béo no có hại cho cơ thể, tăng cường rau hoa quả, cá và các loại hạt.
  • Ngừng hút thuốc lá vì hút thuốc lá làm tăng sự đề kháng insulin.

Chẩn đoán sớm hội chứng chuyển hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng bệnh lý tim mạch và đái tháo đường. Đây là những bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn tới nguy cơ tử vong, ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh. Khi có một trong những dấu hiệu liên quan tới hội chứng chuyển hóa nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan