Cơn đau quặn thận kéo dài bao lâu? Phải xử lý thế nào?

Cơn đau quặn thận hay còn gọi là “cơn đau bão thận” xảy ra khi sỏi bị kẹt ở trong niệu quản gây tắc nghẽn dòng nước tiểu. Đau quặn thận là những cơn đau dữ dội và có thể có biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Vậy cơ đau quặn thận kéo dài bao lâu và phải xử lý thế nào?

1. Cơn đau quặn thận là gì?

Cơn đau quặn thận thường xuất hiện đột ngột sau hoạt động mạnh, lao động nặng hoặc chạy nhảy nhiều.

Nguyên nhân gây ra cơn đau quặn thận:

  • Do sỏi đài bể thận, sỏi niệu quản;
  • Huyết khối ở niệu quản, hẹp niệu quản, u niệu quản, u bàng quang;
  • Tắc nghẽn dòng chảy của nước kiểu gây tăng áp lực lên đài bể thận. Trong đó 75 – 80 % các trường hợp đau quặn thận là do sỏi.

Cơn đau quặn thận điển hình có mức độ đau dữ dội. Nhưng cũng có cơn đau không điển hình, chỉ nhẹ nhàng và thoáng qua.

2. Triệu chứng cơn đau quặn thận

Triệu chứng khởi phát:

  • Cơn đau có thể được báo trước bằng dấu hiệu như: Đau thắt lưng, bí tiểu
  • Cơn đau do sỏi thận có vị trí đau cao hơn đau do sỏi niệu quản.

Đặc điểm cơn đau:

  • Đau thường diễn ra đột ngột, tự nhiên sau một vận động gắng sức.
  • Vị trí đau: Thường xuất phát từ thắt lưng hoặc mạn sườn bên có sỏi, vùng nằm giữa xương sườn số 12 và cột sống.
  • Tính chất đau: Với cơn đau quặn thận không điển hình, đau âm ỉ, thoáng qua, căng tức vùng hố thận hay mạn sườn, đau tăng khi vận động gắng sức, cảm giác tức ở vùng cơ quan sinh dục ngoài. Với cơn đau quặn thận điển hình, biểu hiện đau quặn dữ dội, lăn lộn, không có tư thế giảm đau, uống thuốc giảm đau không đỡ.
  • Hướng lan: Đau xuyên ra phía trước, xuống dưới dọc theo niệu quản, đến bộ phận sinh dục ngoài hoặc mặt trong đùi. Đau do sỏi niệu quản điển hình hơn đau do sỏi thận.

Cơ chế cơn đau quặn thận:

  • Do sỏi mắc kẹt trong niệu quản, dòng nước tiểu bị chặn lại, gây tăng áp lực đột ngột lên hệ thống đài bể thận.
  • Nhu mô thận bị áp lực ép đột ngột, mà vỏ thận là bao xơ không giãn nở nhiều. Kích thích hệ thống thần kinh giao cảm dày đặc ở vỏ thận gây cơn đau dữ dội.

Cơn đau quặn thận kéo dài bao lâu?

  • Cơn đau thường kéo dài khoảng 20 - 60 phút có thể đến vài giờ, sau đó tự đỡ dần hoặc đỡ nhanh hơn nếu dùng thuốc giảm đau và giãn cơ.
  • Khi nguyên nhân gây cơn đau quặn thận không được khắc phục, cơn đau rất hay tái phát.

Triệu chứng khác:

  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn mửa, trướng bụng
  • Nhiễm trùng tiết niệu: Sốt, ớn lạnh, tiểu đục, tiểu mủ, tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu máu.
  • Khi sỏi ở đoạn niệu quản gần bàng quang: Sỏi kích thích bàng quang gây triệu chứng buồn tiểu liên tục nhưng không tiểu được hoặc tiểu được ít.
  • Đau ở đầu dương vật hay niệu đạo, nóng rát khi đi tiểu.

Sau cơn đau quặn thận:

  • Đa số bệnh nhân sẽ tiểu ra sỏi trong khoảng vài ngày đến vài tuần.
  • Thời gian đào thải sẽ khác nhau trên tuỳ từng bệnh nhân.
  • Nên đến bệnh viện ngay lập tức nếu: Sốt cao trên 38 độ C, rét run, đau nhiều hơn hay không đi tiểu được.

3. Chẩn đoán cơn đau quặn thận

Chẩn đoán cơn đau quặn thận cần kết hợp các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm và cận lâm sàng.

Xét nghiệm cơ bản:

  • Công thức máu: Các chỉ số bình thường, bạch cầu đa nhân trung tính tăng nếu có nhiễm trùng tiết niệu
  • Sinh hoá máu: Các chỉ số bình thường, chức năng thận giảm nếu có biến chứng suy thận.
  • Tổng phân tích nước tiểu: Trong nước tiểu có hồng cầu, bạch cầu, vi khuẩn mà bình thường không có

Chẩn đoán hình ảnh:

  • Siêu âm hệ tiết niệu: Hình ảnh sỏi thận, niệu quản, có thể thấy hình ảnh giãn đài bể thận, ứ nước thận.
  • Chụp X-quang hệ tiết niệu không chuẩn bị: Hình ảnh sỏi thận, sỏi niệu quản. Nhưng không thấy sỏi không cản quang.
  • Chụp CT hệ tiết niệu: Hình ảnh, kích thước, vị trí sỏi, thận.
  • Chụp UIV: Hình ảnh, vị trí, kích thước sỏi. Đánh giá chức năng thận, dị dạng đường tiết niệu.

4. Chẩn đoán phân biệt

Cần chẩn đoán phân biệt cơn đau quặn thận với các bệnh lý khác, như:

  • Nhồi máu thận: Do suy tim, rung nhĩ, rối loạn mỡ máu. Chẩn đoán phân biệt bằng chụp CT có thuốc cản quang.
  • Viêm ruột thừa: Cơn đau tương tự như cơn đau quặn thận nhưng chỉ có những triệu chứng nhiễm trùng, không có dấu hiệu bất thường ở đường tiểu (đái ra máu, bí tiểu). Phân biệt bằng chụp CT, siêu âm.
  • Vỡ phình động mạch chủ bụng: Đau dữ dội kèm theo tăng huyết áp, tiếng thổi trong bụng, khối phồng đập theo mạch.
  • Tắc ruột cấp: Đau dữ dội kèm chướng bụng, bí trung đại tiện, nôn nhiều. Phân biệt bằng chụp X-quang bụng.
  • Chửa ngoài tử cung vỡ: Đau dữ dội vùng bụng dưới kèm chảy máu âm đạo, chậm kinh. Phân biệt bằng dương tính với test beta HCG.

5. Điều trị cơn đau quặn thận

5.1. Điều trị trong cơn đau quặn thận

Khi đã chẩn đoán xác định cơn đau quặn thận, bệnh nhân sẽ được điều trị giảm đau, giảm áp lực, giảm biến chứng. Cụ thể là:

Điều trị giảm đau:

  • Giảm lượng nước đưa vào tối đa: Làm giảm áp lực cho thận.
  • Thuốc giảm đau chống viêm non steroid có tác dụng giảm đau, thuốc giãn cơ trơn có tác dụng giảm co thắt làm giảm đau.
  • Thuốc giảm đau thường dùng: Efferalgan dạng truyền tĩnh mạch, Piroxicam dạng tiêm bắp, Indomethacin dạng viên đặt hậu môn.
  • Thuốc giãn cơ trơn hay dùng: Buscopan, Drotaverin dạng tiêm tĩnh mạch.
  • Thuốc giảm đau dạng Morphin hoặc thuốc chống co thắt được dùng khi bệnh nhân không đáp ứng với các thuốc giảm đau nhẹ. Như Lidocain tiêm truyền tĩnh mạch.
  • Nếu dùng thuốc không có hiệu quả, phải đặt ống dẫn lưu nước tiểu nhằm làm giảm áp lực ở thận. Có 2 phương pháp là: Đặt ống thông JJ vào niệu quản qua đường niệu đạo, đặt ống thông trực tiếp qua da.

Điều trị nhiễm khuẩn:

  • Nếu có nhiễm khuẩn hệ tiết niệu, phải dùng kháng sinh điều trị.
  • Thuốc thường dùng: Ciprofloxacin 200mg (tiêm tĩnh mạch 2 lọ/ ngày), Norfloxacin (uống 2 viên/ ngày, chia 2 lần), Ceftriaxon 1g (tiêm tĩnh mạch 2 lần/ ngày).

5.2. Điều trị ngoài cơn đau quặn thận

Sau khi đã hết đau, không đồng nghĩa với việc đã khỏi bệnh. Người bệnh cần giải quyết nguyên nhân gây ra cơn đau quặn thận. Nên đến khám bác sĩ chuyên khoa thận - tiết niệu để được điều trị bằng phương pháp phù hợp và hiệu quả, tránh cơn đau tái phát.

Điều trị nội khoa:

  • Áp dụng với sỏi nhỏ < 10mm, bề mặt trơn nhẵn, chức năng thận còn tốt
  • Thuốc giảm đau, giãn cơ trơn giúp kiểm soát cơn đau.
  • Thuốc chẹn alpha (dutasteride, tamsulosin, alfuzosin) làm giãn chọn lọc niệu quản giúp thải sỏi nhanh và ít đau hơn.
  • Uống nhiều nước kết hợp tập những động tác được bác sĩ hướng dẫn để tăng khả năng tự đào thải sỏi.
  • Nên đi tiểu vào bình, đổ nước qua lưới lọc để phát hiện có sỏi ra ngoài hay không.

Điều trị can thiệp:

  • Tán sỏi ngoài cơ thể.
  • Tán sỏi qua da.
  • Tán sỏi nội soi qua niệu quản.
  • Mổ mở để loại bỏ sỏi.

6. Phòng ngừa tái phát cơn đau quặn thận

Để phòng ngừa cơn đau quặn thận tái phát, cần điều trị triệt để nguyên nhân và phòng ngừa hình thành sỏi thận mới. Nên kết hợp chế độ ăn uống và vận động hợp lý như:

  • Uống nhiều nước (khoảng 2 - 3 lít mỗi ngày), chia đều lượng nước trong ngày, uống nhiều hơn nếu thời tiết nóng hay ra mồ hôi nhiều.
  • Vận động, tập thể dục thể thao thường xuyên, phù hợp với độ tuổi.
  • Tránh ngồi lâu một chỗ, không nhịn tiểu.
  • Lấy sỏi cũ mang đi phân tích thành phần, có thể biết nguyên nhân tạo sỏi từ đó có biện pháp ngăn ngừa sỏi mới hình thành.
  • Khám lại ngay nếu thấy đau vùng thắt lưng hay bất thường về tiểu tiện.
  • Trên thực tế, khoảng một nửa số người có sỏi nhưng không đau. Đây là loại sỏi nguy hiểm nhất, được gọi là “sỏi im lặng”. Thường được phát hiện ở giai đoạn muộn đã gây biến chứng, vì vậy người bệnh nên đi khám định kỳ để phát hiện sớm.

Cơn đau quặn thận là cơn đau dữ dội kéo dài khoảng vài chục phút hay vài giờ. Điều trị cơn đau quặn thận chia làm nhiều giai đoạn và phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Hãy đến cơ sở y tế thăm khám bác sĩ nếu bạn nghi ngờ bị đau quặn thận để được xử trí kịp thời.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán cơn đau quặn thận

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan