Đau thần kinh tọa: Những điều cần biết

Bài viết bởi Bác sĩ Đào Hồng Nam - Bác sĩ Y học cổ truyền - Đơn nguyên Y học cổ truyền - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Đau thần kinh tọa là cơn đau lan toả dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, nhánh từ lưng dưới qua mông và xuống dưới từng chân. Bệnh có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó châm cứu kết hợp bấm huyệt YHCT điều trị đau thần kinh tọa luôn được ưu tiên hàng đầu.

1. Đau thần kinh tọa là gì?

Đau thần kinh tọa là gì? Đau thần kinh tọa là cơn đau lan tỏa dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, nhánh từ lưng dưới qua mông và xuống dưới từng chân. Thông thường, đau thần kinh toạ chỉ ảnh hưởng đến một bên của cơ thể. Bệnh được mô tả theo bệnh danh tọa cốt phong của YHCT.

Có nhiều nguyên nhân gây đau thần kinh tọa. Phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm, lồi đĩa đệm, ngoài ra bệnh còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Viêm đĩa đệm nhiễm khuẩn, viêm cột sống dính khớp, viêm cột sống do lao, u cột sống...

2. Triệu chứng đau thần kinh tọa

Dấu hiệu điển hình của đau thần kinh tọa là đau, đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Tùy theo vị trí tổn thương mà biểu hiện trên lâm sàng có khác nhau: Tổn thương rễ L5 đau tại cột sống thắt lưng lan xuống hông, xuống mặt sau ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mắt cá ngoài và tận ở mu bàn chân tận hết ở ngón chân cái (ngón I).

Tổn thương rễ S1 đau tại cột sống thắt lưng lan xuống hông, xuống mặt sau đùi, mặt sau cẳng chân, mắt cá ngoài và tận ở gan chân phía ngón V (ngón út). Một số trường hợp không đau cột sống thắt lưng, chỉ đau dọc chân.

Tùy nguyên nhân mà người bệnh có biểu hiện đau khác nhau, có thể đau liên tục hoặc từng cơn, thường giảm khi nằm nghỉ ngơi, tăng khi đi lại nhiều. Ngoài ra có thể có thể có các triệu chứng khác kèm theo như: teo cơ, rối loạn cảm giác, rối loạn cơ tròn, sốt...

Đau thần kinh tọa
Triệu chứng đau thần kinh tọa là đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa

3. Cơ chế đau thần kinh tọa theo YHCT

3.1. Cơ chế bệnh sinh

Theo YHCT đau dây thần kinh tọa nguyên nhân do ngoại tà (phong, hàn, thấp, nhiệt) thừa cơ tấu lí sơ hở, vệ khí không vững vàng xâm lấn vào cơ thể làm bế tắc kinh lạc hoặc do chính khí suy yếu, rối loạn chức năng tạng phủ nhất là tạng can, tạng thận, hoặc do huyết ứ khí trệ làm bế tắc kinh khí của kinh bàng quang, kinh đởm gây đau.

3.2. Phân loại nguyên nhân gây bệnh theo YHCT

Đau thần kinh tọa do phong hàn (do lạnh)

Bệnh nhân đau vùng thắt lưng lan xuống mông mặt sau đùi cẳng chân, đau co rút, đau tăng khi gặp lạnh, chườm ấm dễ chịu, thường có điểm đau khu trú, đi lại khó khăn, chưa teo cơ. Toàn thân: Sợ lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch phù hoặc phù khẩn.

Đau dây thần kinh tọa do phong hàn thấp tý (thoái hóa cột sống)
Đau vùng thắt lưng lan xuống chân theo dọc đường đi của dây hông. Đau có cảm giác tê bì, nặng nề, teo cơ, bệnh kéo dài dễ tái phát. Thường kèm theo triệu chứng toàn thân: Ăn kém, ngủ ít, tiểu tiện trong, chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng dày và nhớt mạch nhu hoãn hoặc trầm nhược.

Đau dây thần kinh tọa do thấp nhiệt (viêm nhiễm)

Đau vùng thắt lưng lan xuống chân dọc theo đường đi của dây thần kinh hông, đau cảm giác nóng rát, đau nhức như kim châm, chất lưỡi hồng hoặc đỏ, rêu lưỡi vàng dày, mạch sác.

Đau dây thần kinh tọa do sang chấn
Đau xuất hiện sau khi bị sang thương, đau dữ dội tại một điểm, đột ngột lan xuống chân, chất lưỡi đỏ tím, có điểm ứ huyết, rêu lưỡi trắng hoặc vàng, mạch sáp.

4. Điều trị đau thần kinh tọa

Đau dây thần kinh tọa uống thuốc gì? Là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Thực tế, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị đau thần kinh tọa bằng nội, ngoại khoa mang lại kết quả tốt cho người bệnh như: Thuốc giảm đau kháng viêm NSAID, tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng, điều trị bằng châm cứu, bấm huyệt và thuốc YHCT, phẫu thuật cột sống...

Trong các phương pháp điều trị trên thì châm cứu kết hợp bấm huyệt YHCT điều trị đau thần kinh tọa luôn được ưu tiên hàng đầu bởi khả năng điều trị đạt kết quả tốt và an toàn. Tùy theo thể bệnh và nguyên nhân gây bệnh mà người bệnh sẽ được thầy thuốc chỉ định phương pháp điều trị thích hợp, an toàn.

Đau thần kinh tọa
Điều trị đau thần kinh tọa bằng phương pháp châm cứu kết hợp bấm huyệt YHCT

5. Quy trình điện châm điều trị đau thần kinh tọa

Điện châm là phương pháp sử dụng một dòng điện nhất định tác động lên các huyệt vị châm cứu để chữa bệnh. Đây là phương pháp điều trị kết hợp giữa châm cứu (y học cổ truyền) và dòng điện (y học hiện đại). Do có nhiều ưu điểm nên điện châm được xem phương pháp chủ lực trong châm cứu hiện nay.

5.1. Chỉ định

Đau thần kinh tọa thể phong hàn, phong hàn thấp tý

5.2. Chống chỉ định

Đau thần kinh tọa thể thấp nhiệt và đau thần kinh tọa thể huyết ứ cần kết hợp điều trị nguyên nhân.

5.3. Lựa chọn công thức huyệt điều trị

Tùy nguyên nhân gây bệnh mà thầy thuốc chỉ định đơn huyệt khác nhau. Các huyệt vị thường dùng là: Thận du, Giáp tích, Trật biên, Thứ liêu, Thừ phù, Ủy trung, Thừa sơn, Côn lôn.

5.4. Chuẩn bị dụng cụ vật tư y tế cần dùng

Kim châm cứu vô khuẩn (hiện nay thường dùng kim 01 lần), bông, cồn, pince, khay quả đậu, máy điện châm hai tần số bổ tả hoạt động tốt, hộp chống shock, máy đo huyết áp, tai nghe.

Tiến hành kỹ thuật điện châm gồm các bước sau:

  • Xác định vị trí các huyệt vị, sát khuẩn da tại vị trí huyệt vị, lần lượt tiến hành kỹ thuật châm kim vào huyệt vị theo công thức đã xác định.
  • Lắp điện cực lên kim châm cứu (vị trí các rắc nối dẫn điện vào kim châm cứu trên từng huyệt vị tùy theo yêu cầu điều trị là châm bổ hay tả). Bật công tắc cho máy chạy, xem đèn báo, vặn núm điều chỉnh công suất điện tăng từ từ, đạt đến mức độ yêu cầu của điện thế và cường độ thích ứng với từng người bệnh. Khi đó người bệnh cảm thấy dễ chịu hay hơi căng tức nhưng chịu đựng được.
  • Thời gian tiến hành một lần điện châm thường là 20 – 30p, liệu trình điều trị khoảng 1 - 3 tuần.
  • Theo dõi người bệnh trong suốt quá trình điều trị, đề phòng tai biến và biến chứng có thể xảy ra. Tai biến thường gặp là vựng châm: người bệnh bồn chồn, hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt.
  • Xử trí vựng châm: Tắt máy châm cứu, rút kim châm, cho người bệnh nằm nghỉ, ủ ấm, giải thích động viên tinh thần người bệnh, theo dõi mạch và huyết áp cho người bệnh.

Với mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã thành lập Đơn nguyên Y học Cổ truyền, dựa trên những tinh hoa và sự kế thừa của hai nền Y học cổ truyền và hiện đại trong khám và điều trị. Tại đây với đội ngũ Y, Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y học cổ truyền. Bằng sự kết hợp các biện pháp dùng thuốc có nguồn gốc tự nhiên, cổ truyền, cùng với các phương pháp trị liệu không dùng thuốc như dưỡng sinh, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt... Đơn nguyên đã điều trị thành công cho nhiều người bệnh với những bệnh lý khác nhau: Viêm quanh khớp vai, đau vai gáy, đau thần kinh tọa, rối loạn kinh nguyệt, tắc tia sữa...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan