Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không điều trị nướu răng chảy máu?

Nướu răng chảy máu không phải là vấn đề lớn, nhưng đôi khi có thể cần phải được kiểm tra và điều trị chuyên sâu. Nếu đã lâu rồi bạn chưa gặp nha sĩ, hãy đặt lịch hẹn để được kiểm tra và tư vấn. Việc chẩn đoán và thực hiện những thay đổi cần thiết sẽ giúp cải thiện sức khỏe răng miệng của bạn đáng kể.

1. Nguyên nhân khiến nướu răng chảy máu

1.1. Viêm nướu răng gây chảy máu

Hầu hết mọi người bị viêm nướu răng khi mảng bám (những mảnh vụn và vi khuẩn bám trên răng) ở trên đường viền nướu quá lâu. Đánh răng loại bỏ mảng bám và có thể ngăn bạn phát triển sâu răng, tuy nhiên mảng bám có thể ở lại trên đường viền nướu nếu bạn không vệ sinh răng miệng đúng cách. Nếu mảng bám không được loại bỏ, nó có thể dày lên và cứng lại tạo thành cao răng (vôi răng). Sự tích tụ của mảng bám gần nướu gây ra viêm nướu răng và dễ làm nướu răng chảy máu. Các triệu chứng của viêm nướu răng bao gồm nướu răng bị đau, sưng nề, chảy máu thường xuyên.

1.2. Viêm nha chu khiến nướu răng chảy máu

Viêm nha chu hay bệnh nha chu có thể xảy ra khi tình trạng viêm nướu răng trở nên nặng hơn. Bệnh nha chu là tình trạng nhiễm trùng của tổ chức quanh răng, ảnh hưởng đến mô nâng đỡ kết nối răng, nướu và khung xương hàm. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nha chu có thể làm răng bị lung lay hoặc rụng.

1.3. Thiếu hụt vitamin

Nướu răng chảy máu có thể gây ra bởi tình trạng cơ thể thiếu hụt vitamin Cvitamin K. Nếu chăm sóc răng miệng đúng cách mà vẫn gặp phải tình trạng nướu răng chảy máu, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe để xác định hàm lượng vitamin C và K trong máu xem có bị thiếu hụt không. Ngoài ra, hãy tuân thủ chế độ ăn uống có cả hai chất dinh dưỡng để đảm bảo bạn nhận được lượng vitamin cần thiết để duy trì sức khỏe:

  • Thực phẩm giàu vitamin C: trái cây và nước trái cây họ cam quýt, bông cải xanh, dâu tây, cà chua, ớt chuông...
  • Thực phẩm giàu vitamin K: cải xoăn, rau bina, rau diếp, đậu nành, dầu ô liu, cải xoong...

1.4. Các nguyên nhân khác làm cho nướu răng chảy máu

  • Sử dụng răng giả quá chặt cũng có thể bị chảy máu nướu răng. Hỏi ý kiến nha sĩ hoặc bác sĩ chỉnh nha nếu răng giả hoặc các thiết bị răng miệng khác đang làm nướu răng chảy máu.
  • Phụ nữ thời kỳ mang thai cũng thường gặp phải tình trạng nướu răng chảy máu do sự thay đổi nội tiết tố khiến nướu nhạy cảm hơn.
  • Bệnh máu khó đông hoặc bệnh bạch cầu cũng có thể làm tăng nguy cơ nướu răng chảy máu.
  • Nướu răng chảy máu có thể xảy ra thường xuyên hơn nếu dùng thuốc chống đông, các loại thuốc trong nhóm này bao gồm warfarin, aspirin và heparin.
nướu răng chảy máu
Viêm nha chu khiến nướu răng chảy máu

2. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không điều trị nướu răng chảy máu?

Ngoài nguyên nhân thông thường là sử dụng bàn chải đánh răng quá cứng, nếu nướu răng bị đau, nướu răng chảy máu nên nghĩ đến bệnh nha chu để có hướng xử trí thích hợp. Bởi vì nghiên cứu cho thấy rằng bệnh nha chu, có thể là lý do khiến nướu răng chảy máu thường xuyên, có liên quan đến các tình trạng như bệnh tim mạch, tiểu đường và sinh non. Nguyên nhân của mối liên hệ này là do bệnh nha chu gây ra tình trạng viêm kéo dài, lâu dần có thể gây ra mất răng và ảnh hưởng đến sức khỏe:

  • Một số nghiên cứu cho thấy những người bị bệnh nướu răng có nhiều khả năng mắc bệnh tim mạch. Bệnh nha chu gây ra phản ứng viêm kéo dài, có thể dẫn đến xơ vữa động mạch, hẹp lòng mạch máu, dễ hình thành cục máu đông...
  • Trước đây mọi người thường cho rằng tiểu đường là nguyên nhân gây ra bệnh nha chu, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh nha chu có thể là yếu tố góp phần gây ra bệnh tiểu đường. Nhiễm trùng răng miệng theo đường máu đến các tế bào và gây ra hiện tượng kháng insulin. Để bù trừ, giai đoạn đầu tuyến tụy phải tăng tiết insulin để tế bào hấp thu glucose nhằm giữ đường lượng trong máu luôn ổn định. Khi phải bù trừ insulin trong thời gian dài tuyến tụy sẽ suy nhược dẫn đến bệnh tiểu đường.
  • Nếu phụ nữ đang mang thai bị bệnh nướu răng, khả năng sinh non có thể cao hơn. Các nghiên cứu gần đây cho thấy vi khuẩn nha chu từ khoang miệng có thể xâm nhập vào máu và di chuyển đến thai nhi, các vi khuẩn này có thể làm tăng tiết prostaglandin - chất gây nên sự giãn nở và co thắt của tử cung dẫn đến sinh non.

3. Những điều nên làm khi nướu răng chảy máu

3.1. Vệ sinh răng miệng đúng cách

Mảng bám có thể khiến nướu bị chảy máu và có thể tiến triển thành các dạng bệnh nướu răng nặng hơn. Cách tốt để giảm sự tích tụ mảng bám và nguy cơ nướu răng chảy máu là tăng cường thói quen chăm sóc răng miệng của bạn. Chải răng hai lần một ngày bằng cách sử dụng kem đánh răng có fluor và dùng chỉ nha khoa hàng ngày.

3.2. Sử dụng dụng cụ vệ sinh răng miệng phù hợp

Dụng cụ vệ sinh răng miệng của bạn có thể là nguyên nhân khiến nướu răng chảy máu. Mặc dù có vẻ như bàn chải đánh răng có lông vừa hoặc cứng sẽ làm sạch răng của bạn tốt hơn, nhưng lông cứng hơn thường gây kích ứng - có thể khiến nướu chảy máu. Nên sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm, giúp làm sạch răng và nướu một cách kỹ lưỡng mà không gây kích ứng. Dùng chỉ nha khoa không thường xuyên thay vì mỗi ngày, cũng có thể gây chảy máu nướu. Hãy nhớ dùng chỉ nha khoa hàng ngày và tránh ấn chỉ nha khoa vào nướu quá mạnh.

3.3. Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh

Thực phẩm chứa nhiều đường làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về răng và nướu, vì đường tạo ra môi trường lý tưởng cho mảng bám. Không cần phải cấm đồ ngọt - nhưng hãy ăn điều độ và chải răng sau đó để đường không có thời gian bám lại.

3.4. Đánh giá thuốc đang sử dụng có thể làm nướu răng chảy máu

Một số loại thuốc cũng làm tăng khả năng chảy máu nướu răng. Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn làm loãng máu và có thể làm tăng chảy máu. Một số loại thuốc theo toa cũng có thể gây ra nướu răng chảy máu. Nếu đúng như vậy, bác sĩ có thể kê đơn một liều lượng khác hoặc một loại thuốc khác hoàn toàn. Luôn nói chuyện với bác sĩ của bạn về tác dụng phụ của thuốc.

nướu răng chảy máu
Dụng cụ vệ sinh răng miệng của bạn có thể là nguyên nhân khiến nướu răng chảy máu

3.5. Kiểm soát căng thẳng

Mức độ căng thẳng cao cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của bạn. Khi bị căng thẳng, bạn có nhiều khả năng bỏ qua việc đánh răng, dùng chỉ nha khoa hoặc chọn ăn thức ăn nhanh thay vì một bữa ăn cân bằng. Căng thẳng cũng làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể, khiến bạn nướu có nhiều khả năng bị chảy máu hơn. Hãy tập trung vào những cách bạn có thể giảm căng thẳng, như kỹ thuật thở sâu và thiền định.

3.6. Bỏ thuốc lá

Hút thuốc lá đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh nướu răng, cùng với việc làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư và bệnh tim. Việc bỏ thuốc là một trong những điều quan trọng nhất cần làm nếu bạn muốn bảo vệ sức khỏe răng miệng và tổng thể của mình.

3.7. Ngưng sử dụng chung các dụng cụ cá nhân

Viêm nướu răng nướu răng chảy máu có thể lây lan. Vi khuẩn liên quan đến viêm nướu răng có thể lây truyền giữa bạn tình hoặc cha mẹ và con cái. Nhất là nên tránh dùng chung những thứ như bàn chải đánh răng và cốc nước để được an toàn.

3.8. Gặp bác sĩ nha khoa

Nếu những thay đổi trên không giúp tình trạng nướu răng chảy máu được kiểm soát, bước tiếp theo là đến gặp nha sĩ. Họ sẽ kiểm tra răng, nướu và xác định xem có bị tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bệnh nha chu tiến triển hay không. Nếu họ tin rằng điều trị là cần thiết, chẳng hạn như làm sạch sâu hoặc phẫu thuật nha chu, bạn có thể sẽ đến khám với bác sĩ nha chu chuyên điều trị bệnh nha chu.

Trong nhiều trường hợp, nướu răng chảy máu không phải là vấn đề lớn, nhưng đôi khi có thể cần phải được kiểm tra và điều trị chuyên sâu. Nếu đã lâu rồi bạn chưa gặp nha sĩ, hãy đặt lịch hẹn để được kiểm tra và tư vấn. Việc chẩn đoán vấn đề và thực hiện những thay đổi cần thiết sẽ giúp cải thiện sức khỏe răng miệng của bạn đáng kể. Nếu được chẩn đoán đúng và chăm sóc cá nhân, tình trạng nướu răng chảy máu có thể được kiểm soát. Nếu điều trị nướu răng chảy máu ngay bây giờ, nó có thể là một khoản đầu tư cho sức khỏe tương lai của bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, colgate.com, webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

440 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan