Điều trị thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD)

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Bác sĩ Mắt - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Thoái hóa điểm vàng (AMD) là một trong những căn bệnh thường gặp ở độ tuổi trung niên gây ra các vấn đề nghiêm trọng tới thị lực. Nếu không được phát hiện và điều trị thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác ở giai đoạn sớm thì bệnh có thể ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh và gây ra các biến chứng nghiêm trọng tới sức khỏe.

1. Thoái hóa điểm vàng (AMD) là gì?

Thoái hóa điểm vàng (AMD) là tình trạng lão hóa ở mắt liên quan đến tuổi tác, thường gây ảnh hưởng tới những người có độ tuổi từ 60 trở lên. Quá trình tiến triển của AMD thường rất chậm, khiến cho người bệnh khó có thể nhận ra sự thay đổi của thị lực. Thoái hóa điểm vàng thường xảy ra ở hoảng điểm- một phần trung tâm của võng mạc. Khi bị AMD, người bệnh sẽ bị suy giảm thị lực, thậm chí có thể mất thị lực ở cả hai mắt,.dẫn đến một số vấn đề về khuyết tật thị giác.

1.1. Các loại thoái hóa điểm vàng

  • Thoái hóa điểm vàng dạng khô (atrophic): Có mức độ phổ biến hơn dạng ướt (khoảng 90%). AMD dạng khô xảy ra do sự gia tăng của các chất thải võng mạc, hay còn gọi là drusen, khiến cho lớp tế bào nhạy cảm với ánh sáng ở hoàng điểm bị mỏng đi, lâu dần dẫn đến tình trạng chết mô, gây mờ mắt hoặc làm mất thị lực ở vùng trung tâm. Ngoài ra, thoái hóa điểm vàng dạng khô nếu không được điều trị sớm có thể phát triển thành thoái hóa điểm vàng dạng ướt- một dạng AMD có mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều.
  • Thoái hóa điểm vàng dạng ướt (exudative): Có mức độ ít phổ biến hơn so với AMD dạng khô (chỉ chiếm khoảng 10%), tuy nhiên nó lại gây ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới thị lực của người bệnh. AMD dạng ướt xảy ra khi các mạch máu bất thường hình thành dưới võng mạc. Máu và các chất lỏng khác sau đó bị rò rỉ từ các mạch máu, gây ra sẹo ở hoàng điểm. Tình trạng này sẽ khiến cho thị lực trung tâm bị biến dạng hoặc mất đi, người bệnh có thể xác định nhầm đường thẳng thành các đường lượn sóng.
có 2 loại thoái hóa điểm vàng
Có 2 loại thoái hóa điểm vàng

1.2. Các triệu chứng của thoái hóa điểm vàng (AMD)

Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD) có thể gây ra một số triệu chứng sau đây:

  • Thị lực bị suy giảm
  • Cảm thấy khó khăn khi đọc sách, lái xe do độ phân giải của tầm nhìn bị giảm chất lượng.
  • Tầm nhìn bị bóp méo, chẳng hạn như khi nhìn vào khuôn mặt hoặc đường thằng thấy các lượn sóng xuất hiện.
  • Khi nhìn vào vùng trung tâm của hình ảnh sẽ cảm thấy tối, mờ hoặc không rõ ràng.
  • Mắt khó thích nghi khi làm việc dưới ánh sáng yếu
  • Rối loạn thị lực màu sắc
  • Lóa mắt
  • Song thị một hoặc hai mắt

1.3. Các yếu tố nguy cơ gây thoái hóa điểm vàng (AMD)

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa điểm vàng (AMD), bao gồm:

  • Giới tính: nữ giới thường có nguy cơ mắc AMD cao hơn so với nam giới.
  • Tuổi tác: những người ở độ tuổi trung niên (từ 50 tuổi trở lên) là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc thoái hóa điểm vàng.
  • Lối sống: những người thường xuyên hút thuốc lá, ít vận động sẽ có nguy cơ cao mắc AMD.
  • Di truyền: cha mẹ bị thoái hóa điểm vàng cũng có thể di truyền sang cho con cái.
  • Chế độ dinh dưỡng: một chế độ dinh dưỡng không lành mạnh như ít rau quả, nhiều chất béo sẽ khiến cho cơ thể không nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa để bảo vệ mắt khỏe mạnh.
  • Tình trạng bệnh lý: những người mắc phải các căn bệnh mãn tính như cao huyết áp, béo phì sẽ có nguy cơ bị thoái hóa điểm vàng hơn những người khác.

2. Điều trị thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác

Mặc dù thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD) không thể chữa trị khỏi hoàn toàn, tuy nhiên vẫn có những phương pháp điều trị thoái hóa điểm vàng giúp làm chậm quá trình diễn tiến của bệnh và ngăn chặn những tổn thương ở thị lực do bệnh gây nên. Các lựa chọn điều trị sẽ phụ thuộc vào tuổi tác và tình trạng bệnh của mỗi người. Dưới đây là một số phương pháp điều trị hiệu quả dành cho những bệnh nhân mắc phải thoái hóa điểm vàng(AMD):

2.1. Liệu pháp kháng VEGF

Liệu pháp VEGF thường được áp dụng cho các trường hợp bị thoái hóa điểm vàng dạng ướt. Trong cơ thể của mỗi người thường tạo ra một loại protein gọi là yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF). Nó có khả năng kích thích để tạo ra các mạch máu mới và cung cấp lượng oxy cần thiết cho các mô hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, nếu lượng VEGF trong cơ thể gia tăng quá mức sẽ dẫn tới tăng sinh nhanh chóng các mạch máu ở võng mạc và làm rò rỉ các chất dịch, gây ra thoái hóa điểm vàng. Vì thoái hóa điểm vàng dạng ướt là một vấn đề liên quan đến các mạch máu bất thường, vì vậy các bác sĩ có thể điều trị bằng thuốc kháng VEGF. Loại thuốc này sẽ được tiêm trực tiếp vào mắt của bệnh nhân (hay còn gọi là tiêm nội nhãn), giúp ức chế sự phát triển của các mạch máu mới và cải thiện thị lực. VEGF thường có bốn loại thuốc chính, bao gồm: Aflibercept (Eylea), Bevacizumab (Avastin), Brolucizumab (Beovu) và Ranibizumab (Lucentis).

thuốc kháng VEGF
Thuốc kháng VEGF được tiêm trực tiếp vào mắt bệnh nhân

2.2. Liệu pháp quang động

Trong liệu pháp quang động, bác sĩ sẽ sử dụng tia laser kết hợp với verteporfin- một loại thuốc cảm quang nhẹ để điều trị thoái hóa điểm vàng (thường dành cho dạng ướt). Khi bắt đầu quá trình thực hiện liệu pháp quang động, chuyên gia y tế sẽ tiêm thuốc vào tĩnh mạch ở cánh tay của người bệnh. Thuốc sau đó sẽ đi đến các mạch máu bất thường ở trong mắt và nằm lại tại đó. Tiếp theo, bác sĩ sẽ thực hiện nhỏ thuốc để làm tê mắt và chiếu tia laser vào mắt của bệnh nhân. Khi đó, tia laser sẽ tương tác với thuốc và kích hoạt tác dụng của thuốc. Liệu pháp này giúp tạo ra các cục máu đông ở trong các mạch máu và khép kín chúng lại, ngăn không cho các chất lỏng rò rỉ ra.

2.3. Phẫu thuật bằng tia laze

Phương pháp này còn có tên gọi khác là quang hóa bằng laser, tuy nhiên nó hiếm khi được các bác sĩ đề nghị sử dụng trong việc điều trị thoái hóa điểm vàng (AMD). Mục tiêu chính của phương pháp phẫu thuật bằng laze cũng tương tự như liệu pháp quang động- để ngăn chặn các mạch máu bị rò rỉ. Sau khi mắt đã được làm tê, bác sĩ sẽ sử dụng tia laser để đốt các bộ phận của hoàng điểm, giúp “niêm phong” các mạch máu bị rò rỉ.

Ngoài các phương pháp điều trị thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác kể trên thì các bác sĩ cũng khuyến cáo những bệnh nhân bị thoái hóa điểm vàng nên sử dụng công thức AREDS để hỗ trợ điều trị bệnh. Công thức này là tên viết tắt của “Nghiên cứu về bệnh mắt liên quan đến tuổi”. Nghiên cứu đã cho thấy sự kết hợp nhất định của vitamin và các chất dinh dưỡng giúp điều trị hiệu quả các trường hợp bị thoái hóa điểm vàng ở cả hai dạng khô và ướt. Trong AREDS bao gồm các chất kẽm và chất chống oxy hóa như: 400 IU vitamin E, 500 milligram vitamin C, 80 miligam oxit kẽm, 15 milligram beta-carotene, 2 milligram oxit cupric

Tuy nhiên, các nghiên cứu sau này đã điều chỉnh công thức, đặt tên thành AREDS2. Trong công thức này có chứa các thành phần sau: 500 milligram vitamin C, 400 IU vitamin E, 80 hoặc 25 miligam oxit kẽm, 10 milligram lutein, 2 milligram zeaxanthin, 2 milligram oxit cupric.

Vì bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác vẫn chưa có phương pháp điều trị bên việc phòng ngừa bệnh thoái hóa điểm vàng rất quan trọng. Để phòng ngừa thoái hóa điểm vàng, bạn nên thực hiện chế độ ăn giàu dinh dưỡng, ăn nhiều cá và các thực phẩm giàu omega, ăn giàu trái cây tươi, các rau lá xanh đậm, bổ sung các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Khi đi ra ngoài nắng, cần đeo kính râm để bảo vệ mắt. Đồng thời bạn nên điều chỉnh thói quen khi sử dụng các thiết bị điện tử để đảm bảo thị lực.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan