Fluoride có tốt cho răng và xương không?

Tình trạng trẻ bị sâu răng và còi xương luôn là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh. Nhiều người cho rằng sử dụng các chế phẩm chứa fluor sẽ giúp cải thiện được tình trạng này. Vậy sự thật là fluor có tốt cho xương không và vai trò của fluor như thế nào?

1. Fluor là gì?

Fluor là một khoáng chất có chứa trong xương và răng. Ngoài ra, chúng còn có thể tìm thấy tự nhiên trong các chất sau: đất, nước và cả không khí.

Trong nha khoa, fluor thường được sử dụng để tăng cường cho sự chắc khỏe của lớp ngoài cùng là men răng. Fluor còn giúp ngăn ngừa sâu răng và có thể bổ sung một lượng nhỏ vào nguồn cung cấp nước công cộng ở Hoa Kỳ và ở nhiều quốc gia khác. Quá trình này được gọi là quá trình fluor hóa nước.

Hiện nay fluor chủ yếu được sử dụng để cải thiện sức khỏe răng miệng trong các chế phẩm như kem đánh răng hoặc nước súc miệng để ngăn ngừa sâu răng.

Ngoài ra, fluor được sử dụng với một số mục đích như chụp phim kỹ thuật số PET CT, chế tạo thuốc trừ sâu, tạo ra các sản phẩm teflon, thép và nhôm.

2. Vai trò của fluor đến răng và xương

Fluor tham gia vào quá trình phát triển răng, tạo ngà răng và men răng trong cơ thể. Quá trình tích tụ và khoáng hóa men răng diễn ra ngay từ khi trẻ còn bé với sự hình thành hệ răng sữa và hệ răng vĩnh viễn. Quá trình khử khoáng là khi hệ vi khuẩn trong miệng làm phân hủy đường và carbs để tạo ra các acid ăn mòn men răng, lúc đó men răng sẽ suy yếu tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào gây nên sâu răng. Fluor sẽ có tác dụng giúp tái khoáng hóa men răng để ngăn ngừa tình trạng sâu răng và phục hồi sâu răng khi ở giai đoạn mới chớm (khi chưa hình thành lỗ sâu).

Mặc khác, fluor còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo khung xương hữu cơ và khoáng hóa tạo thành mô xương đặc bằng cách ảnh hưởng đến việc điều hòa chuyển hóa canxi và phospho. Khi thiếu fluor có thể dẫn đến sâu răng và bệnh loãng xương.

fluor có tốt cho xương không
Giải đáp fluor có tốt cho xương không?

3. Bổ sung fluor như thế nào là đúng cách?

Để phòng chống sâu răng, người ta thường bổ sung fluor thông qua đường miệng bằng cách sử dụng các loại kem đánh răng có chứa chất khoáng cần thiết này. Ngoài ra, còn có các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng dưới dạng thực phẩm chức năng đang lưu hành trên thị trường. Biện pháp bổ sung fluor với quy mô lớn hơn là phương pháp “fluor hóa nước sinh hoạt” ở các thành phố và tại các nơi mà người ta có thể đưa lượng fluor thích hợp cho việc sử dụng hằng ngày.

Fluor là một khoáng chất có giới hạn sinh học tương đối hẹp, tức là giới hạn tối đa và tối thiểu rất gần nhau nên việc thiếu hoặc thừa fluor đều có hại đối với cơ thể. Nó có giới hạn cho phép trong khoảng 2,4 - 4,8mg/kg thực phẩm và cũng được áp dụng đối với các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng. Mức cho phép fluor có trong nước ăn sinh hoạt hàng ngày là 1,2mg/l.

Tuy nhiên, chỉ bổ sung fluor thôi cũng chưa đủ. Bạn cần cùng cấp cho trẻ chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng và đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể và kết hợp tập luyện thể dục thường xuyên.

4. Lạm dụng fluor có thể dẫn đến hậu quả như thế nào?

Giống như những chất dinh dưỡng khác thì fluor cũng có giới hạn sinh học như đã nêu trên. Nếu vượt quá giới hạn này sẽ gây nên một số hậu quả như sau:

4.1.Thiếu fluor

Khi hàm lượng fluor trong nước dưới 0,5mg/l thì cơ thể sẽ có biểu hiện điển hình nhất là sâu răng. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng lượng fluor ở răng bị sâu thấp hơn so với răng bình thường dẫn đến độ bền của chúng với các acid cũng giảm xuống. Fluor có thể giúp đảo ngược quá trình sâu răng ở giai đoạn mới chớm nhưng không loại bỏ được sâu răng vì còn có vai trò của các loại đường. Ngoài ra, vệ sinh răng miệng cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự tiến triển của sâu răng.

fluor có tốt cho xương không
Bổ sung fluor bằng cách sử dụng kem đánh răng có chứa chất khoáng này

4.2.Thừa fluor

Một loại bệnh gây ra do thừa fluor điển hình là nhiễm độc fluor ở răng (dental fluorosis). Bệnh này có nguyên nhân do trẻ được bổ sung quá nhiều fluor trong thời kỳ hình thành và phát triển răng vĩnh viễn. Lứa tuổi thường mắc phải dao động từ 1 đến 4 tuổi, trên 8 tuổi được xem như không có nguy cơ. Biểu hiện bệnh với những vết bẩn màu trắng hoặc vàng ở men răng, kích thước vệt phát triển to dần và có thể bị oxy hóa tạo ra màu nâu. Ngoài ra, còn có các các rãnh, bờ bị ăn mòn trên bề mặt men răng khiến răng trở nên dễ vỡ gây tổn thương các răng vĩnh viễn.

Nếu lượng fluor bổ sung thừa trong một thời gian dài có thể gây ra nhiễm độc fluor ở xương (skeletal fluorosis) khiến cho xương yếu, biến dạng và dễ gãy. Bệnh gây ra các triệu chứng kích thích ở ruột và đau nhức xương khớp làm cho dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh viêm đa khớp dạng thấp.

Tóm lại, fluor tốt cho răng và xương, tuy nhiên cũng giống như các chất dinh dưỡng khác, chúng cần được bổ sung với liều lượng vừa đủ là tốt. Do đó, để sở hữu một hàm răng tốt và bộ xương chắc khỏe, chúng ta cần phải phối hợp cùng lúc nhiều biện pháp khác nhau.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan