Giá trị của PET, PET/CT, CT và MRI trong chẩn đoán bệnh Alzheimer

Các bác sĩ thực hiện hai hướng tiếp cận để chẩn đoán bệnh Alzheimer. Đầu tiên, họ đặt câu hỏi cho bệnh nhân và điền vào một trong những bảng câu hỏi được tiêu chuẩn hóa để đánh giá trí nhớ và các phần khác của suy nghĩ. Thứ hai, các bác sĩ sẽ yêu cầu các xét nghiệm khác nhau để loại trừ các tình trạng khác có thể ảnh hưởng đến chức năng tâm thần. Không có xét nghiệm trực tiếp nào đối với bệnh Alzheimer, hoặc về nguy cơ phát triển. Bài viết này sẽ làm rõ giá trị của PET, PET/CT, CT và MRI trong chẩn đoán bệnh Alzheimer.

1. Bệnh Alzheimer là căn bệnh như thế nào?

Bệnh Alzheimer là một dạng tiến triển của chứng mất trí nhớ hay còn gọi là sa sút trí tuệ. Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ rộng hơn chỉ các tình trạng gây ra bởi các chấn thương hoặc bệnh lý về não ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ, suy nghĩ và hành động của người bệnh và mang đến những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của họ. Theo Hiệp hội Alzheimer, bệnh Alzheimer chiếm từ 60-80% trong số các trường hợp mất trí nhớ. Hầu hết những người mắc bệnh đều được chẩn đoán khi đã ngoài 65 tuổi. Trước độ tuổi đó, bệnh thường được gọi là Alzheimer khởi phát sớm.

Hiện tại chưa có một loại thuốc cụ thể nào được áp dụng để điều trị bệnh Alzheimer nhưng có một số phương pháp được chứng minh là có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh. Mặc dù nhiều người đã từng nghe nói về bệnh Alzheimer nhưng họ thật sự không chắc chắn nó là gì. Dưới đây là một số thông tin có thể bạn chưa biết về loại bệnh này:

  • Alzheimer là một tình trạng bệnh mạn tính
  • Các triệu chứng của bệnh Alzheimer xuất hiện dần dần và gây ra các tác động lên não, điều này có nghĩa chúng gây ra những sự thay đổi chậm.
  • Không có thuốc điều trị cụ thể bệnh Alzheimer nhưng những phương pháp điều trị được áp dụng có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.
  • Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh Alzheimer. Tuy nhiên có một số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các nhóm khác, bao gồm những người trên 65 tuổi và những người có tiền sử gia đình mắc bệnh.
  • Bệnh Alzheimer là một loại bệnh mất trí nhớ
  • Một số kết quả có thể không như mong đợi đối với những người mắc bệnh alzheimer. Cụ thể, một số người chỉ gặp phải tình trạng tổn thương nhận thức nhẹ trong khi nhiều người khác phải trải qua những triệu chứng nặng nề và tiến triển nhanh hơn.
Nguồn gốc bệnh Alzheimer
Người cao tuổi thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh Alzheimer

2. Triệu chứng của bệnh Alzheimer

Những người mắc bệnh Alzheimer đều có những giai đoạn suy giảm trí nhớ theo thời gian với một số hành vi hoặc triệu chứng cụ thể bao gồm:

  • Mất trí nhớ ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày chẳng hạn khả năng ghi nhớ các cuộc hẹn, gặp rắc rối với những thói quen sinh hoạt hàng ngày chẳng hạn như cách sử dụng máy giặt, lò vi sóng,....
  • Gặp khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề hàng ngày.
  • Trở nên mất phương hướng về thời gian hoặc địa điểm
  • Khó khăn trong việc thực hiện vệ sinh cá nhân hàng ngày
  • Thường xuyên thay đổi tâm trạng cũng như tính cách
  • Hạn chế tiếp xúc với gia đình, bạn bè và cộng đồng.

Các triệu chứng của bệnh Alzheimer sẽ thay đổi phụ thuộc vào các giai đoạn của bệnh. Phát hiện sớm các triệu chứng và tiến hành điều trị có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh cũng như hạn chế những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.

3. Các giai đoạn của bệnh Alzheimer

Như đã trình bày ở phần trên, bệnh Alzheimer là một bệnh lý tiến triển, điều này có nghĩa là các triệu chứng bệnh sẽ dần xấu đi theo thời gian. Bệnh Alzheimer được chia làm bảy giai đoạn, bao gồm:

  • Giai đoạn 1: Giai đoạn này thường không xuất hiện triệu chứng nhưng có thể đưa ra những chẩn đoán sớm dựa trên tiền sử bệnh của người thân trong gia đình.
  • Giai đoạn 2: Các triệu chứng sớm của bệnh bắt đầu xuất hiện mà điển hình là tình trạng hay quên.
  • Giai đoạn 3: Các khiếm khuyết nhẹ về thể chất và tinh thần bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn này, chẳng hạn như sự suy giảm trí nhớ hay thường xuyên mất tập trung. Những triệu chứng này thường chỉ có thể được phát hiện ra bởi những người rất gần gũi với người bệnh
  • Giai đoạn 4: Bệnh Alzheimer thường được chẩn đoán ở giai đoạn này. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh trong giai đoạn 4 đa phần vẫn được coi là triệu chứng nhẹ mà điển hình là mất trí nhớ và giảm khả năng thực hiện các công việc hàng ngày.
  • Giai đoạn 5: Các triệu chứng từ trung bình đến nặng dần xuất hiện. Người bệnh trong giai đoạn này cần có sự hỗ trợ đến từ người thân hoặc người chăm sóc chính trong tất cả các công việc.
  • Giai đoạn 6: Ở giai đoạn này, một người mắc bệnh Alzheimer có thể cần sự giúp đỡ kể cả trong các công việc đơn giản như ăn uống, tắm rửa, thay quần áo....
  • Giai đoạn 7: Đây là giai đoạn cuối cùng và nặng nhất của bệnh Alzheimer. Người bệnh có thể mất hẳn ngôn ngữ cũng như nét mặt.
Hay quên
Bệnh Alzheimer xuất hiện với những triệu chứng sớm như hay quên

Khi một bệnh nhân Alzheimer tiến triển qua các giai đoạn trên của bệnh, họ sẽ cần sự hỗ trợ ngày càng tăng từ phía người thân hoặc người chăm sóc chính.

4. Nguyên nhân và một số yếu tố nguy cơ của bệnh Alzheimer

Các bác sĩ cũng như các nhà nghiên cứu chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh Alzheimer, tuy nhiên họ đã tìm ra một số yếu tố nhất định làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Các yếu tố đó bao gồm:

  • Tuổi: Hầu hết những người mắc bệnh Alzheimer đều thuộc nhóm 65 tuổi trở lên
  • Tiền sử gia đình: Những người trong gia đình có người thân mắc Alzheimer có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người khác. Khẳng định này đã được nhiều nghiên cứu chứng minh.
  • Yếu tố di truyền: Một số gen có liên quan đến bệnh alzheimer có thể được di truyền sang thế hệ sau từ những thế hệ trước.

Cần lưu ý các yếu tố trên không phải là nguyên nhân gây bệnh mà chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh, điều này có nghĩa nếu bạn có một trong các yếu tố này cũng đừng nên lo lắng bởi nó không khẳng định bạn sẽ bị Alzheimer.

5. Chẩn đoán Alzheimer

Không có xét nghiệm đơn lẻ nào có thể xác định được rằng liệu có một người mắc bệnh Alzheimer hay không? Một chẩn đoán được thực hiện bằng cách đánh giá sự xuất hiện của một số triệu chứng nhất định và loại trừ các nguyên nhân khác dẫn đến chứng mất trí nhớ. Điều này đòi hỏi một quá trình đánh giá cẩn thận bao gồm tiền sử mắc các bệnh liên quan đến não bộ, kiểm tra tình trạng tâm thần, kiểm tra thể chất và thần kinh, xét nghiệm máu và các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh não bộ, bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) vùng đầu: Các bác sĩ sử dụng những hình ảnh thu được từ chụp cắt lớp vi tính não để tìm kiếm và loại trừ các nguyên nhân gây mất trí nhớ khác, chẳng hạn như khối u não, tụ máu dưới màng cứng hoặc đột quỵ.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng đầu: Chụp cộng hưởng từ sử dụng từ trường mạnh, xung tần số vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của các mô, cơ quan và hầu hết cấu trúc bên trong của cơ thể. MRI có thể phát hiện các bất thường của não liên quan đến suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) và có thể được sử dụng để dự đoán bệnh nhân suy giảm nhận thức nhẹ có nguy cơ phát triển thành bệnh Alzheimer hay không. Trong giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer, các hình ảnh chụp cộng hưởng từ có thể chưa có sự bất thường. Tuy nhiên, trong các giai đoạn sau, MRI có thể cho thấy sự giảm kích thước của các khu vực khác nhau của não (chủ yếu là thùy thái dương).
Chụp MRI sọ não
Chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng đầu giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh Alzheimer
  • PET và PET/CT vùng đầu: Chụp cắt lớp phát xạ (PET) là một xét nghiệm chẩn đoán sử dụng một lượng nhỏ chất phóng xạ (gọi là radiotracer) để chẩn đoán và xác định mức độ nghiêm trọng của nhiều loại bệnh.

Một xét nghiệm kết hợp PET/CT kết hợp các hình ảnh từ chụp PET và CT với nhau để cung cấp chi tiết về cả giải phẫu (từ chụp CT) và chức năng (từ quét PET) của các cơ quan và mô. Chụp PET/CT có thể giúp phân biệt bệnh Alzheimer với các loại sa sút trí tuệ khác. Một xét nghiệm y học liên quan đến hạt nhân khác khác được gọi là chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn photon (SPECT) cũng được sử dụng cho mục đích này.

Một ứng dụng khác của PET là sử dụng chức năng quét PET cùng với một chất phóng xạ mới có tên C-11 PIB, cơ chế của phương pháp này dựa trên sự tích tụ của các mảng beta-amyloid trong não sống. Các chất phóng xạ tương tự như C-11 PIB hiện đang được phát triển để sử dụng trong lâm sàng phục vụ cho chẩn đoán bệnh Alzheimer.

Alzheimer là một tình trạng bệnh lý phức tạp, chưa rõ nguyên nhân cũng như phương pháp điều trị cụ thể. Các nhà khoa học mới chỉ xác định được bệnh tiến triển xấu đi theo thời gian nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp trì hoãn các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu nghi ngờ bản thân hoặc người thân mắc Alzheimer, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra những hướng điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org, health.harvard.edu, cdc.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan