Hàn răng sâu: Những điều cần biết

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lại Đỗ Quyên - Khoa Liên Chuyên Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Sâu răng là bệnh lý phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây sâu răng như: Do vi khuẩn, do chế độ ăn, do vệ sinh răng miệng kém, do ít nước bọt,...Sâu răng không chỉ ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai mà còn ảnh hưởng đến chức năng thẩm mỹ của hàm răng.

1. Hàn răng sâu hay trám răng là gì?

Hàn răng sâu là kỹ thuật sử dụng các vật liệu hàn răng để bù đắp các khoảng trống và lấp đầy các phần mô răng bị khuyết thiếu do sâu răng gây ra, trả lại hình dáng và kích thước ban đầu cho răng.

2. Tác hại khi răng bị sâu không được chữa trị kịp thời

Hiện nay, hàn răng sâu là thủ thuật nha khoa được thực hiện phổ biến do kỹ thuật khá đơn giản và không đau. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân, người bệnh có xu hướng trì hoãn hoặc không hàn răng ngay. Việc này có thể đem lại những khó chịu hoặc biến chứng như sau:

  • Chức năng ăn nhai bị ảnh hưởng: Sâu răng làm cho răng ê buốt gây khó chịu khi ăn nhai. Mặt khác, sâu răng tạo lỗ trên mặt răng, thức ăn dễ đọng lại ở lỗ sâu tạo mùi hơi thở khó chịu và nén xuống lợi gây đau khi ăn nhai. Răng sâu to mất nhiều tổ chức hay chỉ còn lại chân răng sẽ không đủ khỏe để thực hiện chức năng ăn nhai.

Nguy cơ viêm nhiễm: Thức ăn đọng lại ở lỗ sâu cùng với việc tránh nhai sang bên răng ê buốt sẽ dễ tạo cao răng và tăng nguy cơ viêm nhiễm. Với lỗ sâu ở kẽ răng, thức ăn giắt ở dưới lợi làm lợi đau, chảy máu và tăng nguy cơ viêm lợi ở kẽ răng. Răng sâu gây lộ tổ chức ngà răng, đây là yếu tố thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng. Răng sâu có thể bị vỡ do mất nhiều tổ chức răng gây hở tủy. Tủy răng bị ảnh hưởng sẽ gây đau răng, tủy chết, tủy nhiễm trùng và gây nhiều biến chứng nhiễm trùng tại chỗ hoặc lan tỏa, ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và toàn thân.

Hở tủy
Sâu răng tiến triển đến nhiễm trùng tại chỗ
  • Nguy cơ mất răng: Răng sâu, vỡ to chỉ còn lại chân răng, răng viêm nhiễm lâu ngày không bảo tồn được sẽ phải nhổ răng.
  • Chức năng thẩm mỹ bị ảnh hưởng: răng sâu đổi màu sẫm đen, cùng với việc vỡ răng, răng có lỗ nhất là ở vùng răng cửa sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến thẩm mỹ khiến bạn không tự tin khi giao tiếp, ảnh hưởng nhiều đến công việc hàng ngày.
  • Sâu các răng lân cận: Sâu răng ở kẽ răng gây thức ăn giắt kẽ răng. Thức ăn giắt lâu ngày sẽ gây sâu răng bên cạnh.

3. Khi nào nên hàn răng sâu?

Phát hiện răng sâu không khó, người bệnh có thể tự phát hiện khi thấy có lỗ trên mặt răng, mặt răng có đám đổi màu đen. Nhưng đôi khi chỉ thấy răng ê buốt mà không thấy lỗ sâu hoặc không cảm thấy gì. Lúc này, nha sĩ sẽ tiến hành chụp film răng để phát hiện những lỗ sâu mà mắt thường không thấy được.

Việc hàn răng sâu nên được tiến hành ngay khi lỗ sâu được phát hiện hay làm càng sớm càng tốt, không nên trì hoãn lâu.

4. Quy trình hàn răng sâu

4.1 Các vật liệu hàn răng sâu

Các vật liệu hàn răng sâu được dùng để phục hồi lại các khuyết hổng trên mặt răng do sâu răng gây ra. Chúng sẽ tồn tại trên mặt răng và ở trong miệng lâu, vì vậy các vật liệu hàn răng phải lành tính, chịu được lực nhai tốt, ít mòn, không gây kích ứng cho răng, miệng, không gây hại cho cơ thể. Mặt khác các vật liệu hàn răng phải dễ thao tác trong miệng để khi tiến hành hàn răng không gây khó chịu cho bạn.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều vật liệu hàn răng. Dưới đây là một số vật liệu hay được sử dụng:

  • Chất hàn Composite: Là loại vật liệu được sử dụng rộng rãi nhất để hàn răng hiện nay, đặc biệt là hàn răng thẩm mỹ. Loại vật liệu này có màu sắc tương tự với màu răng, khả năng chịu mòn và chịu lực cao. Tuy nhiên, sau khi hàn, răng có thể bị ê buốt do răng bị kích thích bởi chất hàn, chất dán dính. Sau vài năm, chất hàn có thể đổi màu, vỡ và bạn phải thay mới.
  • Xi măng thủy tinh (GIC cement): Là loại vật liệu ưa nước, thao tác nhanh nên được dùng để hàn những răng ở vị trí khó cách ly nước bọt và để hàn răng cho trẻ em trong trường hợp trẻ không hợp tác. Vật liệu có giải phóng Fluor là chất giúp tổ chức răng cứng chắc chống lại sâu răng. Tuy nhiên, vật liệu này dễ vỡ, mòn nhanh, có ít màu để lựa chọn và không tạo được hình thể răng như ý muốn.
  • Amalgam: Là vật liệu được sử dụng để hàn răng từ cách đây rất lâu. Loại vật liệu này chịu mòn và chịu lực cao. Tuy nhiên vật liệu có màu sẫm như kim loại, không đảm bảo tính thẩm mỹ nên thường dùng để hàn những răng nằm sâu trong miệng. Mặt khác, khi dùng chất hàn Amalgam, nha sĩ phải tạo các chốt lưu giữ chất hàn trên răng nên tổ chức răng lành bị mất nhiều, răng dễ vỡ. Sau một thời gian, màu sẫm của chất hàn sẽ ngấm vào răng làm răng bị sẫm màu. Trước đây, vật liệu Amalgam hay được sử dụng, nhưng hiện tại vật liệu này không được sử dụng nữa do trong thành phần có thủy ngân là kim loại có hại cho cơ thể.
  • Kim loại: Kim loại được dùng là hợp chất titan hoặc vàng có tính tương thích tốt với răng và môi trường miệng. Loại vật liệu này chịu mòn và chịu lực tốt nên chỉ dùng cho răng hàm. Vì được làm tại xưởng răng nên miếng hàn có bờ khít sát đặc biệt là vật liệu vàng, hạn chế sâu răng về sau. Tuy nhiên màu sắc khác với màu răng nên không thẩm mỹ. Kỹ thuật làm phức tạp hơn.
Hàn răng
Vật liệu kim loại là vàng
  • Sứ: Là vật liệu gần đây được sử dụng nhiều do khắc phục được nhược điểm không thẩm mỹ của vật liệu kim loại. Tuy nhiên kỹ thuật làm phức tạp, đòi hỏi nha sĩ có tay nghề cao.
Hàn răng
Vật liệu sứ

4.2 Quy trình hàn răng sâu

Hàn răng sâu được thực hiện theo các bước như sau:

  • Nha sĩ sẽ xác định răng bị sâu, vị trí sâu trên mặt răng bằng thăm khám và bằng film chụp răng. Nha sĩ cũng sẽ giải thích và thống nhất với người bệnh về vật liệu hàn răng.
  • Việc gây tê tại chỗ có thể được thực hiện tùy thuộc vào kích thước và chiều sâu của lỗ sâu tránh cho người bệnh thấy khó chịu khi các bước hàn răng được tiến hành. Việc gây tê tại chỗ sẽ không gây khó chịu vì trước khi tiêm thuốc tê, nha sĩ sẽ đặt gel tê tại chỗ ở vị trí sẽ đưa kim tiêm vào. Gel tê tại chỗ sẽ giúp người bệnh không thấy khó chịu khi tiêm thuốc tê.
  • Làm sạch các mặt của răng cần hàn và các răng bên cạnh để đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ của vết hàn.
  • Làm sạch lỗ sâu: Nha sĩ sẽ dùng dụng cụ để lấy hết thức ăn giắt trong lỗ sâu, lấy hết tổ chức ngà sâu để tránh tối đa việc sâu răng sau khi hàn răng.
  • Tạo hình lỗ sâu để đảm bảo chất hàn bám dính tốt trên mặt răng.
  • Đặt lớp lót đáy: Tùy thuộc vào độ sâu và rộng của lỗ sâu, nha sĩ sẽ đặt một lớp xi măng láng ở đáy của lỗ sâu. Lớp xi-măng này có tác dụng bảo vệ tủy răng ở dưới, tránh cho răng bị ê buốt sau khi hàn răng.
  • Hàn răng: Vật liệu hàn răng được đặt vào lỗ sâu để lấp đầy lỗ sâu.
  • Chỉnh sửa; khi chất hàn cứng, nha sĩ sẽ dùng dụng cụ để chỉnh sửa, bỏ hàn thừa để tạo lại hình dáng và kích thước của răng, đảm bảo thẩm mỹ cao.

5. Những lưu ý sau khi hàn răng sâu

Trước khi rời khỏi phòng khám răng, người bệnh sẽ được nha sĩ tư vấn về các khó chịu có thể gặp phải sau khi hàn răng, những lưu ý sau khi hàn răng, cách ăn nhai và vệ sinh răng miệng tại chỗ có miếng hàn. Cụ thể như sau:

  • Sẽ có vài khó chịu do tác dụng của thuốc tê gây ra như: Cảm giác mặt của người bệnh bị sưng to, tê bì, cảm giác môi, má, thậm chí mắt của bạn bị trĩu xuống. Những khó chịu này sẽ hết ngay sau khi thuốc tê hết tác dụng. Sau hàn răng, không nên nhai sang bên còn tê để tránh cắn hoặc nhai vào môi má do không có cảm giác, không nên ăn, uống đồ quá nóng để tránh bị bỏng khi còn thuốc tê.
  • Cần nắm rõ thời gian được ăn nhai với răng vừa hàn để tránh bong, mòn miếng hàn. Với hàn Composite, người bệnh có thể ăn nhai ngay, nhưng với những chất hàn khác thì nên tránh nhai sang bên vừa có chất hàn khoảng 4 tiếng.
  • Tránh dùng đồ ăn quá nóng, quá lạnh hoặc quá cứng trong vài ngày đầu để răng không bị kích thích gây ê buốt hoặc đau.
  • Việc dùng tăm hay vật cứng để xỉa răng ở những chỗ có miếng hàn ở kẽ răng sẽ gây bong, vỡ miếng hàn. Nên dùng chỉ tơ nha khoa để làm vệ sinh kẽ răng theo hướng dẫn của nha sĩ. Việc đánh răng nên nhẹ nhàng để tránh làm đau, xước lợi, tránh mòn răng và tránh bong, mòn miếng hàn.
  • Hạn chế sử dụng đồ ăn, uống có màu, cà phê, thuốc lá,.. để tránh miếng hàn bị xỉn màu.

Ngày nay, hàn răng khá đơn giản, không gây đau và vật liệu hàn răng tốt không còn là vấn đề khiến người bệnh phải lo lắng nữa. Hãy chủ động khám răng miệng định kỳ 6 tháng/lần để luôn có được nụ cười tự tin, tỏa sáng.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

81.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan