Hậu quả khi lạm dụng thuốc kháng viêm

Thuốc kháng viêm được sử dụng khá phổ biến trong các trường hợp giúp giảm đau, hạ sốt và chống viêm. Tuy nhiên, nếu người bệnh thường xuyên sử dụng các loại thuốc này với liều cao hoặc không đúng cách có thể có nguy cơ gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe.

1. Thuốc kháng viêm là gì?

Thuốc kháng viêm là những nhóm thuốc có khả năng ức chế, điều trị triệu chứng viêm nhờ vào cơ chế ngăn chặn các thành phần trung gian.

Các loại thuốc kháng viêm này có công dụng giúp giảm đau, hạ sốt, chống viêm và khả năng ức chế hệ miễn dịch của cơ thể. Bên cạnh đó, các loại thuốc này còn có tác dụng trong việc điều trị một số bệnh lý liên quan đến cơ xương khớp, nhằm giúp làm giảm triệu chứng đau do bệnh viêm xương khớp.

2. Các loại thuốc kháng viêm

Hiện nay, có 2 loại thuốc kháng viêm được sử dụng phổ biến đó là thuốc kháng viêm không có Steroid và Glucocorticoid (có Steroid). Thuốc kháng viêm không Steroid thì không có khả năng gây nghiện, có tác dụng kháng viêm ngoại vi và ít khi có các tác dụng phụ. Ngược lại với các thuốc Glucocorticoid có hiệu quả trong điều trị nhiều bệnh khác nhau, nhưng lại có nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng.

2.1. Thuốc kháng viêm không Steroid (NSAID)

Trong nhóm này được chia thành 2 nhóm nhỏ, bao gồm nhóm NSAID không chọn lọc và NSAID có chọn lọc.

Một số thuốc thuộc nhóm thuốc NSAID không chọn lọc:

  • Nhóm thuốc Salicylic: Loại phổ biến nhất là Aspirin. Thuốc được sử dụng để hạ sốt, giảm đau, kháng viêm. Ngoài ra, các loại thuốc này hỗ trợ khi người bệnh bị thiếu máu tim cục bộ nên được sử dụng để phòng ngừa xảy ra các tình trạng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay tai biến mạch máu não do cơ chế giúp chống tập kết tiểu cầu.
  • Nhóm thuốc Propionic: Thường được biết đến với thuốc Ibuprofen. Thuốc được sử dụng để hạ sốt, giảm đau, kháng viêm. Đa số các chỉ định của bác sĩ dùng trong các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp. Tác dụng của thuốc thường xuất hiện sau 2 ngày điều trị, khả năng kháng viêm mạnh hơn Aspirin.
  • Nhóm thuốc Oxicam: Loại được sử dụng phổ biến nhất là thuốc Piroxicam, ngoài tác dụng hạ sốt, giảm đau, kháng viêm, thuốc này còn có tác dụng thể ức chế hoạt động của các bạch cầu đa nhân trung tính, ức chế hoạt động kết tụ tiểu cầu. Người bệnh được chỉ định dùng nhóm thuốc này khi gặp phải bệnh viêm xương khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm cột sống dính khớp, bệnh cơ xương cấp và các chấn thương do hoạt động thể lực. Bên cạnh đó, thuốc Piroxicam còn có công dụng cho những bệnh nhân bị bệnh gout cấp hay trong các trường hợp kháng viêm sau phẫu thuật.

Một số thuốc thuộc nhóm thuốc NSAID có chọn lọc COX - 2:

  • Meloxicam, Celecoxib, Etoricoxib... có tác dụng hạ sốt, giảm đau, kháng viêm, một số loại thuốc có khả năng chống tập kết tiểu cầu. Thuốc được chỉ định sử dụng khi điều trị bệnh viêm xương khớp, viêm cột sống dính khớp, bệnh gout. Các loại thuốc nhóm này có khả năng ức chế hoạt động viêm nhưng không có tác động đến các cơ quan khác. Vì vậy, người bệnh có bệnh lý về gan, thận, dạ dày... có thể lựa chọn các loại thuốc thuộc nhóm này để sử dụng.

2.2. Thuốc kháng viêm Steroid

Thường được bào chế ở các dạng viên nén, viên sủi, dung dịch... có thể sử dụng trực tiếp qua đường miệng. Một số thuốc thường gặp như sau:

  • Prednisolone có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch hiệu quả cao. Thuốc được chỉ định trong điều trị các bệnh lý viêm xương khớp, bệnh lupus ban đỏ, bệnh hen suyễn, viêm loét dạ dày, viêm động mạch thái dương... Ngoài ra, thuốc còn được dùng trong điều trị các bệnh lý ung thư ở giai đoạn cuối phổ biến như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt...
  • Methyprednisolone có tác dụng tương tự như Prednisolone. Bên cạnh đó thuốc này còn có thể được sử dụng kết hợp với một số thuốc khác để điều trị rối loạn nội tiết tố. Thường được chỉ định cho các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa như viêm loét đại tràng mạn, bệnh dị ứng mức độ nặng, phản vệ, bệnh hư nguyên phát.

3. Thuốc chống viêm dùng thế nào?

Để đạt hiệu quả cao trong điều trị và tránh những tác dụng phụ không mong muốn xảy ra trong quá trình dùng các thuốc chống viêm, người bệnh nên dùng thuốc đúng cách theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất:

  • Đối với dạng viên nén, viên nang nên uống trong hoặc ngay sau bữa ăn no để tránh tình trạng kích ứng dạ dày, không nên nghiền, nhai viên thuốc. Đối với các dạng thuốc dùng ngoài da, không nên bôi trực tiếp lên vết thương hở hoặc lên da có các vấn đề da liễu như chàm, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, nổi mề đay.
  • Không nên dùng cho bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày, hành tá tràng. Trong trường hợp cần thiết phải dùng những loại thuốc kháng viêm này thì nên dùng kết hợp với các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày.
  • Thận trọng với người bệnh bị rối loạn chức năng gan và thận, tăng huyết áp, người bệnh có cơ địa dị ứng.
  • Trong bất cứ trường hợp nào cần phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc hoặc dùng quá liều với mong muốn cải thiện các triệu chứng nhanh chóng.

4. Hậu quả khi lạm dụng thuốc kháng viêm

Trong quá trình sử dụng các loại thuốc kháng viêm kể trên, có thể có nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn nếu người bệnh sử dụng không đúng cách, không đúng liều lượng cũng như thời gian sử dụng không hợp lý. Cụ thể một số trường hợp đã được ghi nhận như:

  • Đối với sức khỏe toàn thân: Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, chán nản, sốt. Thậm chí có thể gặp phải các vấn đề dị ứng đặc biệt như nổi mề đay, phù, nổi ban đỏ và rụng tóc. Nguy hiểm hơn có thể gây ra hội chứng Stevens - Johnson, rối loạn thị giác, tổn thương gan, thính lực suy giảm...
  • Đối với hệ tiêu hóa: Người bệnh có thể cảm thấy đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn... Một số trường hợp nặng hơn có thể gây hiện tượng xuất huyết, loét dạ dày, chảy máu dạ dày và ruột. Đối với những người bệnh đã có tiền sử mắc bệnh lý dạ dày, có thể làm cho tình trạng bệnh tiến triển trầm trọng hơn.
  • Đối với hệ thần kinh trung ương: Tác dụng phụ hay gặp nhất là hoa mắt, choáng váng, đau đầu, buồn nôn ngay sau khi dùng thuốc. Một số trường hợp người bệnh cảm thấy mơ màng, mất ngủ, ù tai ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.
  • Gia tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ: Khi dùng liều cao hoặc người bệnh có tiền sử mắc các bệnh lý tim mạch thì làm gia tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ lên nhiều lần.
  • Kháng với các thuốc chống trầm cảm: Khi sử dụng phối hợp với các thuốc chống trầm cảm có thể làm giảm hiệu quả của một số thuốc chống trầm cảm như Prozac, Lexapro và Paxil. Vì vậy, không nên dùng cùng lúc 2 loại thuốc này với nhau.

Bài viết đã cung cấp thông tin về cách sử dụng cũng như hậu quả khi người bệnh lạm dụng các loại thuốc chống viêm. Bất kỳ trường hợp nào người bệnh cần thiết phải sử dụng các loại thuốc này thì phải có sự tư vấn và kê đơn của bác sĩ, hay người có chuyên môn. Tốt nhất, hãy đến Bệnh viện để được thăm khám và kiểm tra sức khỏe để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan