Hay bị chóng mặt nên làm gì?

Chóng mắt có thể gặp ở nhiều người với các độ tuổi khác nhau, tuy nhiên phổ biến nhất là nhân viên văn phòng thường phải lao động trí óc, người trung niên, cao tuổi. Vậy hay bị chóng mặt có nguy hiểm không? Bệnh nhân hay bị chóng mặt nên làm gì?

1. Hay bị chóng mặt là bệnh gì?

Chóng mặt là tình trạng mất thăng bằng làm cơ thể có cảm giác đang bị xoay vòng vòng và khiến bệnh nhân có nguy cơ té ngã. Chóng mặt không phải là một bệnh mà là triệu chứng của nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe. Tình trạng chóng mặt có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng độ tuổi trung niên và người cao tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất. Các nguyên nhân phổ biến gây chóng mặt bao gồm chóng mặt lành tính, viêm thần kinh tiền đình, bệnh Meniere, Migraine tiền đình. Nhìn chung, chóng mặt được phân chia do 3 nhóm nguyên nhân: Chóng mặt ngoại biên, chóng mặt trung ương và nguyên nhân phối hợp.

Nguyên nhân gây chóng mặt ngoại biên

  • Chóng mặt kịch phát tư thế lành tính xảy ra khi xuất hiện khi các hạt canxi nhỏ di chuyển lạc chỗ trong các ống bán khuyên của tai trong. Mặc dù chóng mặt kịch phát tư thế lành tính có thể gây khó chịu, nhưng hiếm khi nghiêm trọng, ngoại trừ chấn thương do té ngã. Các triệu chứng phổ biến của tình trạng này là chóng mặt, mất thăng bằng, buồn nôn, nôn ói.
  • Bệnh Meniere: Đây là tình trạng rối loạn xuất hiện ở tai trong do ứ dịch và thay đổi áp lực trong hệ thống tiền đình, dẫn tới những cơn chóng mặt kèm theo ù tai và giảm thính lực.
  • Viêm thần kinh tiền đình: Bệnh lý viêm dây thần kinh ở tai trong làm cho dây thần kinh tiền đình bị tổn thương sau khi nhiễm virus, từ đó gây chóng mặt dữ dội, liên tục, có thể khiến bệnh nhân phải nhập viện.
  • U dây thần kinh số VIII: Các triệu chứng ban đầu thường là suy giảm thính giác, cảm giác chóng mặt, mất thăng bằng, ù tai.

Nguyên nhân gây chóng mặt trung ương

  • Migraine tiền đình: Bệnh này còn được gọi là đau nửa đầu kèm với triệu chứng chóng mặt. Cơn đau có thể xảy ra đột ngột hoặc có các triệu chứng báo trước như hoa mắt, mờ mắt, ù tai, chóng mặt, nhìn một hình thành hai hình, tê buốt da đầu. Trên thế giới tỉ có khoảng 12% dân số mắc bệnh này.
  • Đa xơ cứng: Đây là một chứng rối loạn não bộ và tủy sống, trong đó chức năng thần kinh bị giảm sút kết hợp với việc hình thành sẹo trên lớp phủ ngoài của các tế bào thần kinh. Người mắc bệnh đa xơ cứng sẽ có các biểu hiện là hoa mắt, chóng mặt, yếu cơ, mất thăng bằng,nói lắp, chuột rút...
  • Đột quỵ: Triệu chứng phổ biến của đột quỵ là hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng đột ngột, thị lực giảm, cử động khó, khó phát âm, tê cứng bộ phận cơ thể.
  • U não: Các khối u trong não sẽ khiến triệu chứng chóng mặt xảy ra thường xuyên. Nguyên nhân là do khối u xâm lấn dẫn tới sự phối hợp không đồng bộ với chuyển động của cơ thể, gây gia tăng chóng mặt, mất thăng bằng.

2. Bị chóng mặt thường xuyên có nguy hiểm không?

Chóng mặt do những nguyên nhân lành tính như say tàu xe, căng thẳng thần kinh hay là dấu hiệu của thai kỳ sẽ thuyên giảm và không gây vấn đề cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu có những dấu hiệu sau, bệnh nhân nên đi khám càng sớm càng tốt:

  • Buồn nôn, nôn kéo dài đi kèm với sốt không thuyên giảm.
  • Đau nửa đầu kèm với chóng mặt, buồn nôn không giảm hoặc trở nên tồi tệ hơn.
  • Người bệnh không thể ăn uống
  • Đau đầu dữ dội, đặc biệt là khi cơn đau thường xuất hiện hoặc có chấn thương vùng đầu trước đó.
  • Chóng mặt liên tục, mất thăng bằng
  • Thay đổi ý thức, bệnh nhân khó hoặc không thể suy nghĩ.
  • Bệnh nhân gặp khó khăn khi phát âm hoặc thay đổi tầm nhìn.
  • Nôn, đi ngoài ra máu.
  • Có dấu hiệu suy gan như vàng da, đau bụng trên.
  • Đau dạ dày hoặc có nguy cơ nhiễm độc nội tạng như dùng chất kích thích, uống thuốc quá liều
  • Bước loạng choạng hoặc đi lại khó khăn
  • Ngất xỉu
  • Ù tai, đột ngột nghe kém
  • Động kinh
  • Tê mặt, tê hoặc tê liệt cánh tay hoặc chân

3. Hay bị chóng mặt nên làm gì?

3.1 Tránh thay đổi tư thế đột ngột

Khi tình trạng chóng mặt thường xuất hiện khi bệnh nhân đột ngột ngồi dậy hoặc đứng dậy, hãy khắc phục bằng cách thay đổi tư thế chậm hơn. Nhất khi thay đổi tư thế đột ngột, bệnh nhân nên nhắm mắt để hạn chế thị giác bị kích thích.

3.2 Dùng các thuốc hỗ trợ

Một số loại thuốc có thể được chỉ định để giảm triệu chứng chóng mặt, bao gồm:

  • Thuốc chống lo âu gồm Diazepam, Alprazolam. Người bị chóng mặt do kích thích thần kinh quá mức có thể sử dụng thuốc an thần. Tuy nhiên, những thuốc này không giúp chữa dứt điểm tình trạng chóng mặt và có nhiều tác dụng phụ, do đó nên sử dụng đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
  • Thuốc chống buồn nôn, dị ứng
  • Thuốc trị chứng đau nửa đầu như Flunarizine

3.3 Phẫu thuật

Có những bệnh nhân bị chóng mặt phải được phẫu thuật mới có thể điều trị dứt điểm. Nếu chóng mặt gây ra bởi một vấn đề nghiêm trọng chẳng hạn như khối u hoặc chấn thương não hay cổ, bác sĩ sẽ điều trị nguyên nhân gốc để kiểm soát chứng chóng mặt. Có 3 phương án phẫu thuật gồm: Phẫu thuật giải áp túi nội bạch huyết, Phẫu thuật cắt bỏ dây thần kinh tiền đình số 8, phẫu thuật cắt bỏ mê nhĩ.

3.4 Thay đổi chế độ dinh dưỡng, lối sống

Bệnh nhân chóng mặt có thể tự kiểm soát, điều trị tại nhà bằng cách thay đổi thói quen, chế độ sinh hoạt phù hợp:

  • Không lái xe, hoặc vận hành máy móc nếu hay bị chóng mặt
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích, cà phê, rượu, thuốc lá
  • Tập suy nghĩ tích cực, thư giãn, nghỉ ngơi, không để đầu óc căng thẳng
  • Khi cảm thấy chóng mặt bệnh nhân cần lập tức ngồi xuống hoặc nằm xuống đề phòng té ngã.
  • Uống nhiều nước, ngủ đủ giấc và tăng cường luyện tập thể thao
  • Dùng các thực phẩm giàu vitamin B6: Có nghiên cứu cho thấy thực phẩm giàu vitamin B6 có thể cải thiện chứng chóng mặt và buồn nôn. Để bổ sung vitamin B6, bệnh nhân có thể chọn các thực phẩm như ngũ cốc, thịt heo, thịt gà, cá hồi, cá ngừ, ngũ cốc, hạt dinh dưỡng...
  • Không ăn quá mặn: Tiêu thụ quá nhiều muối sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, suy thận và chóng mặt. Khuyến cáo không nên tiêu thụ quá 2-3 g muối mỗi ngày. Đồng thời hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối như xúc xích, bánh quy, thịt nguội,...

3.5 Áp dụng một số liệu pháp của y học cổ truyền

  • Day ấn huyệt trị chóng mặt: Hàng ngày bệnh nhân nên dùng ngón tay trỏ hoặc giữa tự day ấn các huyệt như huyệt ấn đường, bách hội, hợp cốc, thần đình, nội quan, túc tam lý, phong trì, tam âm giao...Nên day ấn cả hai bên một vài lần trong ngày, mỗi huyệt 5 - 10 phút. Vị trí của một số huyệt như sau: Ấn đường nằm giữa trên đường nối lông mày; hợp cốc nằm ở vị trí khe chính ở giữa điểm kết nối của ngón cái và ngón trỏ; bách hội nằm ở đỉnh đầu, điểm gặp nhau của 2 đường vuông góc: một đường đi ngang qua đỉnh vành tai và một đường dọc giữa đầu.
  • Xoa trán trị chóng mặt: Bệnh nhân có thể dùng 3 ngón tay trỏ giữa và áp út chụm lại xoa toàn bộ trán qua lại 20 - 30 lần, sau đó xoa miết và bóp dọc hai bên cung lông mày.
  • Xoa sau gáy: Bệnh nhân nên dùng cả bàn tay úp lại xoa dọc lên xuống hai bên sau gáy 20 - 30 lần.
  • Xoa hai ổ mắt: Úp hai bàn tay lại, lấy hai ngón tay trỏ và giữa xoa vòng quanh mắt theo chiều kim đồng hồ, mỗi lần 20 - 30 vòng.
  • Xoa đỉnh đầu: Dùng 3 ngón tay trỏ giữa kế út, úp lại ngón giữa để chính giữa đỉnh đầu, hai ngón kế ở huyệt tứ thần thông, day ấn ngang dọc như hình dấu cộng. Ngày có thể day ấn vài lần, mỗi lần 5 - 10 phút.
  • Tập vẩy tay: Bệnh nhân nên chọn nơi yên tĩnh, đứng thẳng người, hai bàn chân dang rộng bằng vai, ngậm kín miệng, lưỡi cong lên đụng với nướu răng của hàm trên, hai mắt nhìn trước, từ từ đưa hai tay ra trước hợp với thân một góc 30 độ, hai bàn tay song song với mặt nền và các ngón tay khép kín. Sau đó bệnh nhân vẩy mạnh hai tay ra sau hợp với thân mình một góc 60 độ, hai bàn tay vẩy lên trên và phải làm hết sức, đồng thời nhíu hậu môn lại và thốt lên được tính là một lần vẩy tay. Một ngày nên tập 2 lần và nên tập lúc bụng không no. Thời gian đầu bệnh nhân chỉ nên tập mỗi lần vài trăm lần, rồi từ từ tăng dần. Tác dụng của bài tập này là giúp khí huyết lưu thông khắp cơ thể để nuôi dưỡng lục phủ ngũ tạng, đào thải lọc khí ra ngoài, chữa chóng mặt rất hiệu quả.

Trên đây là một số giải pháp đơn giản giúp điều trị chóng mặt tại nhà. Tuy nhiên nếu tình trạng chóng mặt không thuyên giảm và đi kèm với các triệu chứng như nôn nhiều, đau đầu dữ dội, tê tay chân, khó nói, thị lực suy giảm,...bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị tận gốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

254 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan