Hẹp van mũi sau chấn thương có nguy hiểm không?

Mũi là cơ quan đầu tiên của hệ hô hấp, đảm bảo chức năng đưa không khí vào phổi, làm ẩm, làm ấm và lọc bớt các bụi bẩn, vi sinh vật có hại trong không khí. Tình trạng hẹp van mũi sau chấn thương làm ảnh hưởng tới chức năng của mũi ngoài ra còn làm ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống.

1. Hẹp van mũi là gì?

Van mũi nằm ở phần phía trên của vách ngăn mũi, là khu vực chính điều chỉnh nhịp thở. Chấn thương có nguy cơ làm ảnh hưởng tới vách ngăn mũi, gây vẹo lệch vách ngăn mũi từ đó làm hẹp van mũi.

Vách ngăn mũi là vách ngăn chia đôi hốc mũi thành 2 phần và được cấu tạo bởi ba thành phần sụn tứ giác, mảnh thẳng xương sàng và xương lá mía, chúng có thể bị vẹo do một tác động của chấn thương vùng mũi.

Khi có tình trạng hẹp van mũi người bệnh thường gặp phải các vấn đề về khứu giác và có thể dẫn đến tình trạng nghẹt mũi nặng. Hẹp van mũi do chấn thương có thể kèm theo các vấn đề khác nhau, cần được thăm khám đầy đủ và điều trị sớm để tránh ảnh hưởng tới chức năng của mũi.

vẹo lệch vách ngăn mũi
Hẹp van mũi có thể gây vẹo lệch vách ngăn mũi

2. Dấu hiệu của hẹp van mũi sau chấn thương

Khi chấn thương mũi, người bệnh thường có dấu hiệu của tình trạng tổn thương mũi như:

2.1 Chảy máu mũi

Chảy máu mũi bao giờ cũng gặp mức độ có thể nặng hoặc nhẹ tùy theo tính chất của tổn thương (chảy máu ra mũi trước hay chảy máu ra mũi sau xuống họng).

2.2 Biến dạng mũi

  • Thường gặp ở sống mũi hay vị trí gốc mũi, có thể tháp mũi bị sập, bị vẹo sang một bên, gãy vách ngăn.
  • Lúc mới chấn thương, thường do phù nề bầm tím có khi không tìm thấy các dấu hiệu mũi bị di lệch. Nhưng khi đỡ bầm tím người bệnh có thể thấy rõ được tổn thương.
  • Chú ý ở trẻ em chấn thương làm vỡ mũi có thể để lại những di chứng xấu về thẩm mỹ và chức năng.
  • Sờ nắn vùng chấn thương có điểm đau nhói, di lệch bất thường của xương chính của mũi.

Nếu không được điều chỉnh ngay sau chấn thương, tình trạng hẹp van mũi gây ra các triệu chứng như thường xuyên nghẹt mũi, giảm khả năng khứu giác, ảnh hưởng tới khả năng hô hấp bằng mũi giảm lưu thông khí...

Biến dạng mũi
Biến dạng mũi là triệu chứng có thể nhìn thấy rõ ràng nhất ở bệnh nhân hẹp van mũi

3. Hẹp van mũi sau chấn thương có nguy hiểm không?

Hẹp van mũi sau chấn thương có thể ảnh hưởng tới khả năng khứu giác, gây ra tình trạng nghẹt mũi. Khi nghẹt mũi người bệnh thường xuyên phải thở bằng miệng, không khí không được lọc giảm bớt bụi bẩn, làm ấm và làm ẩm bởi hệ thống mao mạch mũi, dẫn tới chất lượng không khí đưa vào phổi kém chất lượng, nguy cơ gây viêm đường hô hấp cao hơn, nguy cơ gây đau đầu, viêm xoang.

Hẹp van mũi thường do lệch vẹo vách ngăn mũi do tác động của chấn thương làm ảnh hưởng tới thẩm mỹ, mũi bị lệch vẹo, sập mũi.

Đối với trẻ em, nhiều khi chấn thương mũi gây tổn thương mũi hay bị bỏ qua, điều này có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng mũi và thẩm mỹ sau này.

Nghẹt mũi
Hẹp van mũi sau chấn thương gây viêm xoang và ảnh hưởng đến thẩm mỹ

Ngoài ra, do hẹp van mũi gây nghẹt mũi, khi ngủ không cung cấp đầy đủ oxy cho cơ thể dẫn tới những hệ quả như:

  • Chậm phát triển cơ thể và trí tuệ, thiếu oxy nuôi dưỡng cơ thể và não bộ làm cho trẻ chậm phát triển về thể chất và khả năng tư duy. Từ đó ảnh hưởng tới khả năng học tập của trẻ.
  • Nghẹt mũi làm giảm chất lượng giấc ngủ, gây khó ngủ, mệt mỏi, không đảm bảo công việc.
  • Mệt mỏi, giảm chất lượng cuộc sống.

Tuy hẹp van mũi không nguy hiểm tới tính mạng người bệnh nhưng lại có ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người bệnh, ngoài ra còn là yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng đường hô hấp.

4. Làm gì khi bị hẹp van mũi sau chấn thương

Khi có tình trạng chấn thương mũi người bệnh nên khám tại các cơ sở tai mũi họng để phát hiện sớm những bất thường cấu trúc mũi, tổn thương phần mềm tại mũi bằng khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.

Tình trạng hẹp van mũi do chấn thương thường do tình trạng lệch vách ngăn mũi gây ra, khi mới có tình trạng chấn thương người bệnh được điều trị bằng nội khoa làm giảm các triệu chứng phù nề, chảy máu... Nhưng để điều trị tình trạng hẹp van mũi cần chỉnh lại vách ngăn mũi bằng phẫu thuật tạo hình, chỉnh hình vách ngăn mũi sau khi điều trị nội khoa ổn định.

Khám tai mũi họng Vinmec
Khách hàng có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để khám tai mũi họng

Nói chung tình trạng hẹp van mũi không nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Nhưng nó có ảnh hưởng không nhỏ tới thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn là yếu tố nguy cơ tiềm tàng gây bệnh lý đường hô hấp. Nên khi có tình trạng hẹp van mũi sau chấn thương người bệnh cần tới các cơ sở y tế khám và được điều chỉnh bằng phương pháp tạo hình sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan