Hướng dẫn phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Sau chấn thương sọ não, một số bệnh nhân có thể may mắn hồi phục hoàn toàn trong khi một số khác lại bị di chứng yếu một phần cơ thể, gây khó khăn trong việc giữ thăng bằng để đứng và đi lại, hoặc cũng có khi không thể đi lại được. Lúc này, việc luyện tập phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não là vô cùng quan trọng, giúp cơ thể hồi phục được phần nào hoặc tránh bất động tại chỗ.

1. Mục đích của phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não

  • Phòng ngừa biến dạng co rút ở tay và chân do teo cơ và cứng khớp;
  • Cải thiện khả năng vận động, phối hợp động tác, sức cơ;
  • Hồi phục khả năng tự giữ thăng bằng khi ngồi, khi thay đổi tư thế;
  • Cải thiện khả năng tự xoay xở lăn lật trên giường, ngồi dậy, đứng lên và ngược lại;
  • Cải thiện khả năng điều khiển dáng đi, điều chỉnh tư thế.

Khả năng hồi phục của bệnh nhân sau chấn thương sọ não phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như mức độ, vị trí của tổn thương trong não và khả năng đáp ứng với quá trình luyện tập vật lý trị liệu. Tuy nhiên nhìn chung, để quá trình phục hồi diễn ra hiệu quả, cần có sự phối hợp ăn khớp, kiên trì trong thời gian dài giữa bệnh nhân, người chăm sóc và nhân viên tập vật lý trị liệu.

2. Hướng dẫn phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não

2.1 Phục hồi tư thế

Tư thế thích hợp sẽ đem lại sự thoải mái cho người bệnh và phòng ngừa những biến chứng như co cứng, co rút, biến dạng khớp hay loét do tì đè. Nếu bệnh nhân có thể tự thực hiện, nên quan sát và đưa ra những hướng dẫn bằng lời để khuyến khích, động viên bệnh nhân tự làm. Nếu bệnh nhân gặp khó khăn, nên hỗ trợ bệnh nhân thực hiện đúng theo những chỉ dẫn sau:

Xoay trở trên giường, nằm nghiêng phải nghiêng trái:

  1. Đưa cánh tay trái choàng qua thân người bệnh và gập chân trái người bệnh lên.
  2. Đặt tay của bạn lên vai và hông trái của bệnh nhân.
  3. Lăn bệnh nhân về phía bên phải bằng cách nghiêng người của bạn ra sau trong khi đó vẫn giữ khuỷu tay của bạn thẳng.

Giữ tư thế bệnh nhân được thoải mái. Bạn có thể dùng gối kê phía sau lưng bệnh nhân nếu cần.

Nếu muốn xoay qua phải thì thực hiện ngược lại.

Chuyển vị thế từ nằm sang ngồi:

  1. Nâng cánh tay và chân phải của bệnh nhân vắt ngang qua thân người.
  2. Gập hai gối của bệnh nhân, đưa cả hai bàn chân bệnh nhân qua khỏi cạnh giường phía bên trái và thòng xuống đất.
  3. Đặt một tay dưới vai trái của bệnh nhân và tay còn lại ở trên hông phải. Người chăm sóc phải giữ vững tư thế đứng, lưng thẳng và hai chân hơi dạng ra.
  4. Nâng người bệnh nhân từ nằm lên vị trí ngồi. Khi đó, di chuyển trọng lực đặt trên cơ thể của bạn từ chân phải sang chân trái.

Nếu muốn chuyển vị thế từ nằm sang ngồi về phía phải của giường thì thực hiện ngược lại.

Chuyển vị thế từ ngồi sang nằm:

  1. Đặt tay sau vai bên trái của bệnh nhân.
  2. Đặt tay phải dưới đầu gối bên phải của bệnh nhân.
  3. Đặt bệnh nhân lên giường. Giữ cho lưng của bạn luôn thẳng và hai chân hơi dạng ra.

Di chuyển từ giường sang ghế:

  1. Đưa bệnh nhân ra mép giường (hay ghế) cho tới khi bàn chân bệnh nhân chạm được sàn nhà. Giữ chặt xương bả vai, đầu gối và bàn chân của bệnh nhân để tránh trượt ra phía trước.
  2. Nghiêng bệnh nhân ra phía trước và nâng lên bằng cách duỗi thẳng gối của bạn. Luôn giữ lưng thẳng.
  3. Khi giữ được thăng bằng, vừa xoay người bệnh nhân, vừa đảm bảo đầu gối không bị gấp lại. Tránh xoắn vặn cơ thể của bạn.
  4. Đảm bảo chân bệnh nhân áp sát vào ghế (hay giường) trước khi ngồi xuống. Hạ thấp bệnh nhân xuống bằng cách gấp gối của bạn. Luôn giữ thẳng lưng.

2.2 Luyện tập kéo duỗi

Động tác kéo duỗi nhằm mục đích duy trì độ dài của cơ để cơ không bị co rút và duy trì vận động bình thường. Kéo duỗi cũng giúp giảm chuột rút và đau nhức do co cơ trên các chi. Khi bắt đầu mỗi bài tập, người chăm sóc cần giữ thẳng tay hay chân liệt của người bệnh bằng cách đặt một tay phía sau khuỷu tay hay dưới đầu gối chân bên bệnh, tay còn lại kéo thẳng tay/chân bệnh nhân ra.

Gây mê phẫu thuật bệnh nhân chấn thương sọ não
Sau chấn thương sọ não, một số bệnh nhân có thể may mắn hồi phục hoàn toàn trong khi một số khác lại bị di chứng yếu một phần cơ thể

Kéo duỗi tay:

  1. Đưa tay ra trước và đưa hướng lên trên đầu, khuỷu tay thẳng. Trở lại vị trí ban đầu. Vận động nhẹ nhàng, tránh làm trật khớp vai bên liệt.
  2. Di chuyển hai tay hướng ra hai bên phía ngoài, khuỷu tay thẳng. Trở lại vị trí ban đầu.
  3. Đưa tay vắt ngang qua người bệnh nhân, hướng về vai bên đối diện.
  4. Gập vai và khuỷu tay bệnh nhân 90 độ. Đặt một bàn tay bên dưới để đỡ khuỷu tay. Dùng ngón trỏ và ngón cái của tay còn lại giữ cổ tay. Xoay bàn tay bệnh nhân để lòng bàn tay di chuyển hướng về mặt bệnh nhân và xoay ra xa.
  5. Khuỷu tay người bệnh được giữ ở 90 độ, duỗi thẳng cẳng tay bệnh nhân cổ tay duỗi.
  6. Gập các ngón tay bệnh nhân để tạo thành nấm đấm sau đó duỗi thẳng và dạng các ngón tay ra.

Kéo duỗi chân:

  • Duỗi khép hông
    • Đặt một bàn tay dưới gối bệnh nhân và tay còn lại đặt dưới gót chân;
    • Giữ chân thẳng và nâng lên cách nệm khoảng 5cm;
    • Đưa chân bệnh nhân dang ra ngoài cạnh giường và khép vào bên chân đối diện. Giữ ở tư thế đó 10 giây;
    • Đặt chân về vị trí ban đầu và lặp lại bài tập.
  • Duỗi gân khoeo chân
    • Đặt một bàn tay dưới gối bệnh nhân và tay còn lại ở gót để đỡ toàn bộ chân;
    • Nâng chân và gập háng, gập gối;
    • Gập gối kéo sát bụng càng nhiều càng tốt mà không làm đau bệnh nhân;
    • Kéo gối thẳng bằng cách nâng chân lên phía trên;
    • Giữ chân duỗi thẳng trong vòng 10 giây;
    • Đưa chân xuống thấp về vị trí ban đầu và lặp lại bài tập.
  • Duỗi bắp chân
    • Đặt bàn tay dưới gót chân bệnh nhân và giữ lòng bàn chân tựa vào cánh tay. Tay còn lại giữ cổ chân;
    • Đè cánh tay vào lòng bàn chân để hướng các ngón chân về phía đầu;
    • Cùng lúc đó, kéo gót chân ngược về phía sau;
    • Giữ động tác này trong vòng 10 giây;
    • Đưa bàn chân về tư thế ban đầu và làm ngược lại.

Nguyên tắc chung: Thực hiện gập, kéo, duỗi nhẹ nhàng và chậm rãi tới vị trí kéo duỗi tối đa. Giữ lại trong 10 giây và không được gây đau. Lặp lại 10 lần cho mỗi động tác. Tránh giật mạnh.

2.3 Luyện tập đi lại

Cần phải hỗ trợ bệnh nhân đi lại với tư thế cân bằng ở cả hai bên cơ thể, phối hợp nhịp nhàng hai chân. Đừng bao giờ thúc giục hay khiến người bệnh phải vội vàng, hấp tấp.

Người chăm sóc nên đứng cùng phía với bên bị yếu liệt với một tay vòng qua thắt lưng bệnh nhân, tay còn lại giữ chặt tay yếu liệt nhưng không kéo tay.

Tập đi lại, tập đi
Cần phải hỗ trợ bệnh nhân đi lại với tư thế cân bằng ở cả hai bên cơ thể, phối hợp nhịp nhàng hai chân

Có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ việc đi lại như gậy, bộ khung, gậy bốn chân, xe có bánh lăn, khung nâng đỡ tay,...

Một số lưu ý khi sử dụng gậy bốn chân:

  • Bệnh nhân nên đứng thẳng, chiều cao của gậy được đo từ sàn nhà đến cổ tay giữ gậy;
  • Khuỷu tay cùng bên nên gấp khoảng 30 độ;
  • Không nên nắm gậy bằng tay yếu hơn.

Một số lưu ý khi sử dụng khung đi lại:

  • Bệnh nhân nên đứng thẳng, chiều cao của tay cầm khung được đo từ sàn nhà đến cả hai tay;
  • Khuỷu tay hai bên nên gấp khoảng 30 độ;
  • Đảm bảo bệnh nhân và khung không được di chuyển cùng một lúc.

2.4 Phục hồi các chức năng cơ bản khác

Sau chấn thương sọ não, hồi phục những chức năng cơ bản khác với mức độ tối đa cũng là một mục tiêu điều trị. Điều này cần thực hiện bằng cách động viên, khuyến khích và hỗ trợ sự nỗ lực tự lập của người bệnh trong mọi sinh hoạt hằng ngày.

Những chức năng cơ bản khác chính là hoạt động tự chăm sóc bản thân, chủ yếu là các việc cơ bản:

  • Tắm rửa;
  • Thay quần áo;
  • Giữ quần áo chỉnh tề;
  • Chải tóc;
  • Ăn uống;
  • Vệ sinh răng miệng;
  • Đi vệ sinh.

Người bệnh có thể thực hiện việc tự chăm sóc bản thân một cách độc lập mà không phụ thuộc vào người khác chỉ khi khả năng chuyển động linh hoạt của tay và chân vẫn còn được bảo tồn.

Những lời khuyên chung trong việc tự chăm sóc:

  • Cẩn thận khi tắm bằng bồn tắm, nên dùng vòi sen;
  • Đặt tay yếu liệt lên đùi, làm sạch cơ thể bằng tay khỏe;
  • Làm sạch chân yếu liệt bằng cách bắt chéo lên chân khỏe;
  • Dùng ghế đi vệ sinh di động hay ngồi lên bàn cầu nếu khó giữ thăng bằng;
  • Dùng những dụng cụ hỗ trợ thích hợp để giúp làm sạch những nơi khó với tới;
  • Đảm bảo rằng những vật dụng cần thiết luôn nằm trong tầm tay của bệnh nhân.

Hướng dẫn cụ thể dành cho người bệnh khi thực hiện các hoạt động tự chăm sóc như sau:

Mặc áo:

  • Bắt đầu mặc bên yếu liệt trước. Khi cởi ra thì bắt đầu từ bên khỏe trước;
  • Cúi người ra phía trước để đưa tay yếu liệt vào tay áo;
  • Kéo tay áo lên và đưa áo vòng ra phía sau lưng, choàng qua vai bên kia;
  • Đưa tay không yếu liệt vào tay áo còn lại ;
  • Chỉnh áo lại cho ngay ngắn và cài nút.

Mặc quần:

  • Mặc quần bên yếu liệt trước bằng cách đặt chân bị yếu liệt bắt chéo lên chân khỏe;
  • Để chân lại vị trí bình thường, sau đó mặc bên chân khỏe;
  • Nếu giảm khả năng giữ thăng bằng, nên ngồi xuống và kéo quần lên bằng cách đưa mông qua lại hai bên.

Đi vệ sinh:

  • Nên sử dụng bồn cầu loại ngồi;
  • Nếu dùng loại bồn cầu ngồi xổm, nên lắp đặt thêm ghế ngồi bên trên;
  • Lắp đặt những thanh tay vịn để giúp bệnh nhân giữ thăng bằng tốt hơn khi ngồi xuống hay đứng dậy;
  • Đảm bảo giấy vệ sinh luôn đặt trong tầm tay bệnh nhân;
  • Nếu bệnh nhân gặp khó khăn trong việc đi đến nhà vệ sinh, nên đặt ghế đi vệ sinh sát bên giường.

Ăn uống:

  • Đặt tay yếu liệt lên trên mặt bàn;
  • Dùng tay khỏe để cầm nắm, đưa thức ăn vào miệng;
  • Nếu bệnh nhân có suy giảm chức năng tâm thần, người chăm sóc cần quan sát, ra dấu hiệu khi cần, tránh để bệnh nhân ho, hít sặc.

2.5 Phục hồi khả năng làm việc

Làm việc
Người bệnh sau chấn thương sọ não nếu di chứng không nặng nề vẫn có thể lao động được như người bình thường

Người bệnh sau chấn thương sọ não nếu di chứng không nặng nề vẫn có thể lao động được như người bình thường hoặc làm những công việc đơn giản như việc nhà, trông giữ trẻ... Bệnh nhân nên đến những trung tâm giám định sức khỏe để được đánh giá năng lực và tìm kiếm một công việc phù hợp với bản thân mình.

2.6 Phục hồi khả năng giải trí

Giải trí trong lúc rảnh rỗi là những hoạt động khiến người bệnh thấy vui vẻ và thích thú, ví dụ chơi một loại nhạc cụ, các trò chơi ngoài trời, đi dã ngoại, đi du lịch... Thông qua những hoạt động đa dạng này, họ còn học được thêm cách thích nghi với từng hoàn cảnh khác nhau, củng cố sự tự lập của bản thân và hòa nhập trở lại với cộng đồng.

3. Tại sao nên phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não tại Vinmec

Với mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã xây dựng Khoa phục hồi chức năng. Không chỉ riêng chức năng điều trị vật lý trị liệu và phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não, các đối tượng của Khoa còn có những người bệnh cần tập luyện thể chất sau biến cố trong lĩnh vực Nội khoa, Ngoại khoa, Nhi khoa, Chấn thương chỉnh hình, Phẫu thuật tim - lồng ngực nói chung.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán chấn thương sọ não

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan