Khi nào ngưng thuốc điều trị viêm gan B?

Viêm gan B là bệnh lý viêm gan mạn tính do virus HBV gây ra, bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng gì hoặc có thể gây tổn thương tế bào gan cần được điều trị. Vậy khi nào nên điều trị viêm gan B bằng thuốc và khi nào ngưng thuốc điều trị viêm gan B?

1. Bệnh viêm gan B là gì?

Viêm gan siêu vi B là bệnh do virus HBV (Hepatitis B virus) tấn công trực tiếp trên tế bào gan, gây nhiễm trùng gan cấp tính và mãn tính, hậu quả có thể dẫn đến các biến chứng xơ gan, ung thư tế bào gan.

Virus HBV có khả năng lây truyền cao gấp 100 lần HIV, chủ yếu qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con trong quá trình mang thai. Bệnh nhân nhiễm siêu vi B đa phần không có biểu hiện triệu chứng, chỉ phát hiện khi vô tình làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Tuy nhiên, một số trường hợp nồng độ virus cao ở thể hoạt động sẽ gây tổn thương tế bào gan và gây các biểu hiện bệnh lý đặc trưng như: Mệt mỏi, khó chịu, sốt nhẹ; Chán ăn, căng tức vùng bụng trên không đặc hiệu; Có thể xuất hiện vàng da.

Khi đã có các biến chứng của xơ gan: lách to, sao mạch, ban đỏ lòng bàn tay, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, cổ trướng,...

Chẩn đoán Viêm gan siêu vi B

  • Chẩn đoán xác định bằng các xét nghiệm kháng nguyên bề mặt của virus HBV (HBsAg dương tính) và kháng thể IgG kháng nhân (IgG anti-HBc) và kháng thể IgM anti HBc âm tính.
  • Nếu đã chẩn đoán viêm gan siêu vi B, bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm tìm kháng nguyên HBeAg và kháng thể Anti-HBe để tiên lượng và xác định hướng điều trị.
  • Trước và sau quá trình điều trị sẽ thực hiện định lượng virus (HBV-DNA) để theo dõi đáp ứng điều trị.
  • Ngoài ra, để theo dõi chức năng gan một số xét nghiệm bao gồm: men gan (SGOT, SGPT), transaminase, alanine aminotransferase (ALT) huyết thanh, aspartate aminotransferase (AST) và phosphatase kiềm.

2. Điều trị viêm gan siêu vi B

Điều trị viêm gan siêu vi B được chia thành 2 loại: Viêm gan B cấp tính và Viêm gan B mạn tính

2.1. Viêm gan B cấp tính

  • Ở bệnh nhân viêm gan B cấp tính (thời gian virus tồn tại trong cơ thể dưới 6 tháng), hầu như không cần sử dụng thuốc điều trị, bệnh nhân chủ yếu nghỉ ngơi và điều trị nâng đỡ.
  • Khi có các triệu chứng lâm sàng cần nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường, chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường trái cây, rau xanh, vitamin và khoáng chất. Uống nhiều nước để tăng cường trao đổi chất, tăng thải độc cho cơ thể.
  • Chế độ ăn hạn chế chất béo, giảm muối, kiêng rượu bia, không sử dụng các thuốc gây độc tính cho gan.

2.2. Viêm gan B mạn tính

  • Viêm gan B mạn tính được xác định khi virus tồn tại trong cơ thể trên 6 tháng, bệnh không thể được chữa khỏi và người bệnh phải sống chung với virus suốt đời.
  • Khi tải lượng virus quá cao, gây tổn thương đến chức năng gan cần phải được điều trị bằng các thuốc kháng virus. Thuốc kháng virus phải được điều trị kéo dài theo phác đồ của bác sĩ, người bệnh phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn sử dụng thuốc để tránh sự kháng thuốc.

Một số loại thuốc kháng virus hay dùng:

  • Tenofovir (TDF): uống 300mg/ngày; hoặc Entecavir (ETV): uống 0,5mg/ngày.
  • Lamivudin (LAM): Uống 100mg/ngày (sử dụng cho người bệnh có tổn thương gan, xơ gan mất bù hoặc phụ nữ mang thai).
  • Adefovir (ADV): Phối hợp với thuốc Lamivudine khi phát hiện tình trạng kháng thuốc.
  • Interferon: Tác dụng kích thích hệ miễn dịch của cơ thể, tiêu diệt virus và các tế bào bị virus xâm nhập. Ưu tiên sử dụng trong trường hợp phụ nữ chuẩn bị sinh con, đồng nhiễm virus viêm gan B, không dung nạp hoặc thất bại với điều trị thuốc kháng virus đường uống. Hiện nay có 2 loại thuốc Interferon tiêm sau: Interferon alpha tiêm dưới da 3-5 lần/tuần; Peg-interferon alpha tiêm dưới da 1 lần/tuần.

Tùy theo từng đối tượng bệnh nhân và tải lượng virus mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị kéo dài từ 6-12 tháng.

2.3. Viêm gan B mạn tính ở trẻ em

  • Trẻ em lớn hơn 2 tuổi và nặng trên 10kg: Entecavir liều phụ thuộc vào cân nặng trẻ.
  • Tenofovir: sử dụng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên và nặng từ 35kg trở lên.
  • Lamivudin: Uống 1 lần/ ngày; trường hợp kháng Lamivudine thì tăng liều Entecavir lên gấp đôi.
  • Adefovir, Interferon alpha chỉ sử dụng ở trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
  • Nếu thất bại với tất cả các biện pháp sử dụng thuốc kháng virus thì cần thực hiện ghép gan.

3. Khi nào được ngưng sử dụng dụng thuốc điều trị viêm gan B

Hầu hết khi được chẩn đoán viêm gan virus B mạn tính có triệu chứng người bệnh cần dùng thuốc kéo dài, đôi khi có thể dùng thuốc cả đời. Nếu ngưng điều trị viêm gan siêu vi B sớm khi chưa kết thúc liệu trình có thể làm bùng nồng độ virus trong cơ thể, làm bệnh tái phát trở lại và nặng nề hơn đợt trước.

Một số trường hợp được phép ngưng sử dụng thuốc:

  • Kháng nguyên HBeAg chuyển thành kháng thể kháng HBeAg (anti-HBe).
  • Các xét nghiệm tìm kháng nguyên HBsAg trở thành âm tính.

Tóm lại, viêm gan siêu vi B là một bệnh lý thường gặp ở Việt Nam. Dù virus ở trạng thái ngủ hay ở trạng thái hoạt động đều gây ra một số nguy cơ và biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Khi được điều trị bằng thuốc kháng virus viêm gan siêu vi B, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định về liều lượng và thời gian dùng thuốc. Chỉ ngừng thuốc khi kết thúc liệu trình, khi bác sĩ đã theo dõi ổn định các chỉ số huyết học.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan