Làm cách nào để chẩn đoán chính xác tức ngực là bệnh gì?

Hiện nay, rất nhiều người gặp phải tình trạng đau ngực, bao gồm cơn đau tức ngực thoáng qua hoặc đau dai dẳng. Tình trạng này không chỉ gặp phải ở người lớn tuổi mà còn có xu hướng trẻ hóa dần. Vậy bị đau tức ngực là bệnh gì và làm cách nào để chẩn đoán đau tức ngực chính xác nhất?

1.Bị đau tức ngực là bệnh gì?

Đau tức ngực là dấu hiệu mà bất cứ ai cũng có thể gặp trong đời. Nếu đau tức ngực lặp lại, kéo dài rất có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm.

Bệnh lý đầu tiên mà đa số bệnh nhân nghĩ đến là các bệnh liên quan tim mạch. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến đau tức ngực, do đó nếu gặp tình trạng này, bệnh nhân cần đến bác sĩ để chẩn đoán đau tức ngực chính xác nhất.

1.1. Đau tức ngực do bệnh tim mạch

  • Cơn đau thắt ngực: Nguyên nhân gây đau tức ngực là do tắc nghẽn động mạch vành (động mạch cung cấp máu nuôi cơ tim). Có 2 dạng cơn đau thắt ngực thường gặp là đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định. Khi đau tức ngực có biểu hiện như thể trái tim bị ép dữ dội vùng sau xương ức, có thể kéo dài từ 10-30 phút, thường lan ra sau lưng, lên cằm hoặc xuống tay trái. Đây có thể là dấu hiệu gợi ý một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm là nhồi máu cơ tim.
Viêm cơ tim
Bạn cảm thấy đau tức ngực nhẹ, khó thở, tim đập nhanh có thể là viêm cơ tim

  • Viêm cơ tim: Nguyên nhân gây viêm cơ tim chủ yếu là siêu vi và gây biến chứng hoại tử cơ tim nặng nề nếu không được điều trị kịp thời. Dấu hiệu nhận biết bệnh thường là đau tức ngực nhẹ, khó thở, tim đập nhanh.
  • Viêm màng ngoài tim: Bệnh lý này cũng có thể gây đau tức ngực do quá trình viêm lớp dịch bao quanh quả tim.
  • Phình bóc tách động mạch chủ: Động mạch chủ phình to, bóc tách dần các lớp thành mạch, có thể vỡ bất cứ lúc nào khiến bệnh nhân tử vong ngay. Dấu hiệu gợi ý bệnh cũng bao gồm đau tức ngực.

1.2. Đau tức ngực liên quan hệ tiêu hóa

  • Ợ chua, ợ nóng: Thói quen ăn thức ăn cay nóng, lượng thức ăn quá nhiều gây ra triệu chứng ợ chua, ợ nóng, đau tức ngực kèm nôn ói, đau bụng trên rốn dai dẳng.
  • Rối loạn co thắt dạ dày, thực quản như bệnh co thắt tâm vị, trào ngược dạ dày thực quản... làm bệnh nhân cảm giác khó chịu, đau tức ngực hoặc nôn ói.

1.3. Đau tức ngực do tổn thương thần kinh, cơ và xương

  • Viêm thần kinh liên sườn: Tình trạng đau tức ngực xảy ra do viêm tế bào thần kinh nằm giữa hai xương sườn. Bệnh thường tự khỏi với các dấu hiệu như đau tức ngực khu trú, tăng khi vận động, giảm khi nằm yên, ấn vào điểm viêm thì đau tức ngực tăng lên.
Viêm thần kinh liên sườn
Tình trạng đau tức ngực khu trú do viêm thần kinh liên sườn thường tự khỏi

  • Viêm đau cơ bắp: Bệnh lý này cũng có biểu hiện bằng dấu hiệu ngực đau tức kèm sưng đỏ.
  • Chấn thương xương sườn: Bao gồm nứt hoặc gãy xương sườn ở một hoặc nhiều vị trí. Bệnh nhân đau tức ngực dữ dội, vận động nhẹ hoặc hít thở mạnh cũng gây đau nhiều hơn.

1.4. Đau tức ngực liên quan đến bệnh ở phổi

  • Thuyên tắc phổi: Bệnh xảy ra do huyết khối làm tắc nghẽn động mạch phổi. Bệnh nhân biểu hiện bằng các dấu hiệu tương tự đau tức ngực do nhồi máu cơ tim, khó thở nhiều, có thể ho ra máu kèm nhầy nhớt.
  • Viêm màng phổi: Màng phổi bị tấn công bởi vi khuẩn gây viêm nhiễm do đó bệnh nhân có thể sốt, ho, khó thở, đau tức ngực.
  • Tràn khí màng phổi: Một tổn thương nào đó tạo đường thông giữa phổi và khoang màng phổi, gây ứ khí trong khoang màng phổi và gây đau tức ngực dữ dội kèm khó thở. Bệnh có thể gây tử vong do suy hô hấp nếu không điều trị kịp thời..

1.5. Đau tức ngực do nguyên nhân khác

  • Tâm lý căng thẳng, lo lắng: Những thay đổi tâm lý như căng thẳng, stress, lo lắng quá mức có thể làm bệnh nhân đau tức ngực.
  • Zona: Sự tái hoạt động của virus gây thủy đậu làm tổn thương các dây thần kinh và có thể làm bệnh nhân đau ngực ở vị trí thần kinh bị tổn thương.

2.Chẩn đoán đau tức ngực

Khó thở
Dấu hiệu đau ngực kèm khó thở ngay cả khi không làm việc nặng nhọc có thể đang ở mức độ nguy hiểm của bệnh

Bị đau tức ngực là bệnh gì là thắc mắc của rất nhiều người. Việc chẩn đoán đau tức ngực cần được thực hiện ở các cơ sở uy tín, thông qua thăm khám của bác sĩ kết hợp với các xét nghiệm để đưa ra câu trả lời chính xác nhất nguyên nhân là gì?

2.1. Thăm khám lâm sàng

Hầu hết bệnh nhân không hề biết bị đau tức ngực là bệnh gì một cách chính xác nếu không gặp các bác sĩ chuyên khoa. Những đặc điểm của cơn đau giúp bác sĩ chẩn đoán mức độ nguy hiểm của bệnh bao gồm:

  • Đau tức ngực kèm cảm giác tim bị đè ép, bóp nghẹt dữ dội.
  • Cơn đau kéo dài, không giảm khi nghỉ ngơi
  • Đau tức ngực lan xuống cánh tay, lên hàm hoặc lan ra sau lưng.
  • Đau ngực kèm khó thở ngay cả khi không làm việc nặng nhọc.
  • Tim đập nhanh, vã mồ hôi.
  • Những dấu hiệu biểu hiện tình trạng nặng là tim đập rất chậm hoặc tụt huyết áp.

2.2. Xét nghiệm cận lâm sàng giúp chẩn đoán đau tức ngực

Điện tâm đồ: Đây là xét nghiệm đầu tiên cần thực hiện để chẩn đoán đau tức ngực có phải do bệnh tim hay do các nguyên nhân khác. Điện tâm đồ giúp bác sĩ biết được những bất thường về tần số tim, dấu hiệu thiếu máu cơ tim hoặc nghiêm trọng hơn là nhồi máu cơ tim.

Siêu âm tim
Siêu âm tim giúp đánh giá sự co bóp của các cơ tim

Xét nghiệm men tim: Nếu nguyên nhân gây đau tức ngực là tắc nghẽn động mạch vành thì các dấu ấn sinh học của việc hoại tử cơ tim do thiếu máu nuôi sẽ tăng cao, giúp chẩn đoán chính xác đau tức ngực là dấu hiệu của bệnh nhồi máu cơ tim.

X quang ngực hoặc chụp CT scan ngực: Chẩn đoán hình ảnh này giúp phát hiện những bất thường ở phổi như viêm phổi, màng phổi, u phổi, phình bóc tách động mạch chủ... Bên cạnh đó, X quang ngực thẳng còn gợi ý các bệnh lý tim mạch nếu bóng tim quá to.

Siêu âm tim: Đây là một phương pháp giúp đánh giá sự co bóp của các cơ tim, bất thường các van tim nếu có... Thông qua đó góp phần chẩn đoán chính xác nguyên nhân đau tức ngực do bệnh lý tim mạch.

Chụp cắt lớp vi tính động mạch vành có cản quang: Thực hiện bằng cách bơm thuốc cản quang vào tĩnh mạch và chụp cắt lớp vi tính động mạch vành để phát hiện những bất thường tắc hẹp hoặc nghẽn hoàn toàn động mạch vành.

Nội soi: Thông qua một máy ảnh ở đầu của một ống soi để đưa vào thực quản, dạ dày bệnh nhân. Xét nghiệm này giúp phát hiện những tổn thương trên đường tiêu hóa trên như co thắt tâm vị, viêm loét dạ dày tá tràng... Từ đó góp phần chẩn đoán xác định đau tức ngực có phải do hệ tiêu hóa hay do một nguyên nhân nào khác?

Đau tức ngực có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý, vì thế việc thăm khám sớm để phát hiện bệnh và có hướng điều trị kịp thời là rất quan trọng.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tật, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan