Làm thế nào để chúng ta miễn nhiễm với một căn bệnh?

Cơ thể chúng ta có khả năng tạo ra những điều phi thường, đặc biệt là khi phải đối mặt với một đại dịch toàn cầu như COVID-19. Hệ thống miễn dịch sẽ hoạt động để phát triển ra các kháng thể chống lại vi rút gây bệnh, đồng thời, ghi nhớ chúng cho những lần tiếp theo chúng tấn công vào cơ thể.

1. Thế nào là hệ thống miễn dịch?

Hệ thống miễn dịch là cách bảo vệ tự nhiên của cơ thể trước bệnh tật. Đây là một mạng lưới phức tạp của các protein và tế bào cùng làm việc để xây dựng nên một hệ thống phòng thủ khi có sự nhiễm trùng tấn công cơ thể chúng ta.

Sự tổn thương, nhiễm trùng hay thậm chí là bệnh ung thư sẽ để lại các tín hiệu được xác định bởi hệ thống miễn dịch liên tục kiểm soát cơ thể. Các tế bào khác nhau của hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra các phản ứng phòng thủ phù hợp, phản ứng thường gây ra chứng viêm. Đáng chú ý, hệ thống miễn dịch của chúng ta có khả năng ghi nhớ các phương pháp tốt nhất để tấn công những “kẻ xâm lược” trước khi chúng gây ra các vấn đề về sức khỏe trong tương lai. Điều này giúp chúng ta hiểu được hệ thống miễn dịch của cơ thể được hình thành như thế nào và cũng là cơ sở hoạt động của các loại vắc – xin ngừa bệnh.

Các chuyên gia cho rằng, phản ứng viêm của cơ thể là do hệ thống miễn dịch bẩm sinh gây ra nhưng đôi khi, cũng cần có thêm sự hỗ trợ từ hệ thống miễn dịch thích ứng. Hệ thống miễn dịch bẩm sinh sẽ cung cấp một phản ứng tức thì nhưng không đặc hiệu đối với chấn thương hoặc bệnh tật. Hệ thống miễn dịch thích ứng sẽ cần nhiều thời gian hơn để phản ứng nhưng nó lại có thể tấn công nhiều mục tiêu hơn.

Nhìn chung, phản ứng miễn dịch thích ứng có tính đặc hiệu cao. Cần đến 5 ngày để có thể chuẩn bị một “đội quân” tế bào cũng như các kháng thể để đối phó với sự lây nhiễm. Ngoài ra, miễn dịch thích ứng cũng liên quan đến một số phản ứng của bộ nhớ ghi nhớ các vi trùng cụ thể và bảo vệ chúng ta khi tiếp xúc với chúng một lần nữa.

Nguyên tắc của việc tiêm phòng cũng dựa trên cơ chế của hệ thống miễn dịch, tuy nhiên, nó không có tác dụng đối với tất cả các vi trùng. Chẳng hạn, hầu hết mọi người sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh thuỷ đậu khi còn bé, điều này sẽ dẫn đến phản ứng trí nhớ bảo vệ cơ thể chúng ta trước căn bệnh này trong suốt cuộc đời còn lại. Tuy nhiên, nó không có tác dụng đối với bệnh cảm lạnh thông thường, bởi vì vi rút Rhino – tác nhân chính gây cảm lạnh thông thường, luôn thay đổi chút ít mô hình bề mặt của chúng nhằm “qua mắt” hệ miễn dịch của chúng ta.

hệ thống miễn dịch
Hệ miễn dịch của cơ thể giúp phát triển ra các kháng thể chống lại vi rút gây bệnh

2. Miễn dịch chống lại COVID-19

Hiện nay, chủng coronavirus COVID-19 vẫn còn rất mới nên chúng ta vẫn chưa thể biết liệu cơ thể có hình thành nên khả năng miễn dịch với loại vi rút này hay không.

Các nghiên cứu hiện nay vẫn chưa biết rõ được sự tương tác giữa chủng coronavirus mới và hệ thống miễn dịch và liệu có xảy ra bất kỳ phản ứng nào của bộ nhớ miễn dịch trước loại vi rút này hay không. Thậm chí, chúng ta cũng không biết rõ được liệu vi rút corona có đột biến và “trốn tránh” bộ nhớ bảo vệ của hệ miễn dịch hay không.

Tuy nhiên, có một số tin vui cho những người đang hồi phục sau COVID-19 rằng, cơ thể chúng ta có khả năng đáp ứng miễn dịch với loại vi rút mới này. Nhiều bằng chứng cho thấy, có một số loại tế bào miễn dịch đang xuất hiện và có nhiều điểm tương đồng được quan sát so với phản ứng của vi rút cúm.

Nếu tiếp xúc với COVID-19, cơ thể chúng ta sẽ có khả năng xây dựng hệ miễn dịch với nó. Nhưng giống với nhiều loại vi rút khác, coronavirus có xu hướng thay đổi dễ dàng và thường xuyên. Một phiên bản mới của vi rút có tiềm ẩn khả năng giấu mình trước những tế bào của bộ nhớ miễn dịch. Đây cũng là lý do vì sao mọi người nên đi tiêm vắc-xin cúm hàng năm thay vì chỉ một vài lần trong đời nhằm theo kịp được những biến đổi của các chủng vi rút mới.

3. Làm thế nào để chúng ta miễn nhiễm với một căn bệnh?

Khi vi trùng xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch của bạn bắt đầu hoạt động. Sau đây là những cách mà hệ thống miễn dịch của cơ thể thực hiện công việc của mình:

  • Vi rút và vi khuẩn, chẳng hạn như coronavirus gây COVID-19 sẽ có các protein được gọi là các kháng nguyên trên bề mặt của chúng. Mỗi loại vi trùng thường có một loại kháng nguyên riêng biệt.
  • Các tế bào bạch cầu của hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra các protein được gọi là kháng thể giúp chống lại kháng nguyên của vi rút. Các kháng thể được gắn vào kháng nguyên theo một cách tương tự như khi bạn tra chìa khoá vừa vặn vào ổ khoá và chúng sẽ tiêu diệt các vi trùng xâm nhập.
  • Khi bạn tiếp xúc với vi rút, cơ thể sẽ tạo ra các tế bào bộ nhớ miễn dịch. Nếu bạn tiếp xúc với cùng một chủng vi rút đó một lần nữa trong tương lai, các tế bào miễn dịch sẽ nhận ra nó. Sau đó, chúng sẽ thông báo tới hệ thống miễn dịch để tạo ra kháng thể chống lại nó.

Vắc-xin cũng hoạt động giống như hệ miễn dịch. Chúng giúp cơ thể bạn tiếp xúc với một loại kháng nguyên có khả năng giúp học cách hệ miễn dịch chống lại các vi trùng chứa kháng nguyên đó trong tương lai. Do vắc-xin thường chứa các phiên bản vi rút bị yếu hoặc đã chết nên cơ thể sẽ trở nên miễn dịch mà không bị mắc bệnh.

vắc-xin phòng bệnh
Vắc-xin sẽ cung cấp cho cơ thể các tế bào bộ nhớ miễn dịch để phòng bệnh trong tương lai

4. Làm thế nào để bảo vệ hệ thống miễn dịch?

Chăm sóc cơ thể và giữ cho bản thân luôn khỏe mạnh được xem là những điều quan trọng nhất, đặc biệt là trong thời kỳ bùng phát đại dịch COVID-19 như hiện nay.

Bạn nên thay đổi ngay từ những điều nhỏ nhất trong lối sống của mình, bao gồm ngủ đủ giấc, vận động hàng ngày khi tự cách ly bản thân, ăn uống điều độ và cập nhật những hướng dẫn mới nhất từ Bộ Y tế.

Chúng ta hoàn toàn có thể chăm sóc hệ thống miễn dịch của mình một cách đơn giản, chẳng hạn như ăn nhiều trái cây tươi và rau quả để tăng cường lượng vitamin cho cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng nên trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ chất bổ sung nào, ngoại trừ vitamin D. Loại vitamin này có nhiều trong các loại thực phẩm như lòng đỏ trứng và cá có dầu. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể nhận được vitamin D thông qua tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Các chuyên gia khuyến cáo rằng bạn nên bổ sung vitamin D trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 4 vì những tháng mùa đông này có thể khiến bạn khó nhận được đủ ánh sáng mặt trời.

Bên cạnh đó, để bảo vệ và tăng cường hệ thống miễn dịch, bạn nên tìm kiếm những nguồn bổ sung chất chống oxy hoá, chẳng hạn như Alpha Lipoic AcidCo-enzyme Q10, cùng các chất điện giải như magie. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh hút thuốc lá và ăn các thực phẩm bị cháy hoặc bất cứ thứ gì có thể làm cho chất độc hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs) tích tụ trong tế bào. Bạn cũng cần tránh ăn uống quá độ và ăn các thực phẩm chế biến quá mức vì những thứ này có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch của bạn.

Tóm lại, một chế độ ăn uống lành mạnh, vận động hợp lý và ngủ đủ giấc là những biện pháp đơn giản nhất giúp đảm bảo hệ thống miễn dịch của bạn đủ khoẻ mạnh để chống lại vi trùng.

Hãy theo dõi website: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin bổ ích khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan