Lấy mẫu sinh thiết có nguy hiểm không?

Sinh thiết là một trong những phương pháp được áp dụng phổ biến và mang lại hiệu quả cao trong việc chẩn đoán các căn bệnh ung thư và một số căn bệnh khác. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân lo lắng rằng liệu lấy mẫu sinh thiết có gây nguy hiểm hay không? Để giải đáp thắc mắc trên, mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

1. Sinh thiết là gì?

Xét nghiệm sinh thiết còn có tên gọi khác là sinh thiết tế bào, là một xét nghiệm y khoa thường được thực hiện bằng phẫu thuật để chẩn đoán hầu hết các căn bệnh ung thư hoặc các trường hợp bị nhiễm khuẩn không rõ nguyên nhân.

Sinh thiết được thực hiện bằng cách lấy một mẫu nhỏ của mô từ bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Ví dụ như da, nội tạng hoặc một vài cấu trúc khác, sau đó được quan sát dưới kính hiển vi để tìm ra các tế bào bất thường về cấu trúc, chức năng của chúng, từ đó giúp phát hiện ra loại bệnh mà bệnh nhân đang mắc phải.

Sinh thiết là một phương pháp khá phức tạp, vì vậy nó thường được sử dụng khi bệnh nhân đã làm các xét nghiệm đơn giản hơn trước đó, ví dụ như siêu âm, chụp X-quang, CT,...mà vẫn chưa có được kết luận chính xác về bệnh.

2. Các loại xét nghiệm sinh thiết

Có nhiều loại xét nghiệm sinh thiết khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và khu vực nghi ngờ trên cơ thể người bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp sinh thiết phù hợp. Dù thực hiện loại sinh thiết nào đi chăng nữa thì bệnh nhân cũng sẽ được gây tê cục bộ để làm giảm đau cho khu vực được thực hiện. Một số loại sinh thiết thường dùng, bao gồm:

2.1 Sinh thiết kim

Sinh thiết kim được áp dụng để lấy các mẫu mô từ khối u dưới da hoặc các cơ quan khác của cơ thể. Bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim dài chuyên dụng đâm xuyên qua da đi vào gan, thận, tủy xương, tuyến giáp hoặc một khối u bất thường.

2.2 Sinh thiết da

Sinh thiết da được sử dụng nhằm chẩn đoán một số căn bệnh về da. Bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ chuyên dụng để bấm một lỗ nhỏ thông qua các lớp trên cùng của da để lấy mẫu da cần sinh thiết.

2.3 Sinh thiết nội soi

Xét nghiệm này sẽ sử dụng một ống nội soi đi vào các đường như mũi, miệng, ống tiểu, hậu môn để giúp bác sĩ dễ dàng quan sát các bộ phận bên trong cơ thể.

2.4 Sinh thiết cắt bỏ

Xét nghiệm sẽ loại bỏ một phần hoặc thậm chí là toàn bộ khối u ra ngoài cơ thể.

2.5 Sinh thiết trong khi phẫu thuật

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ để kiểm tra nhanh và kết quả sẽ có chỉ sau vài phút. Xét nghiệm này giúp hướng dẫn phẫu thuật hoặc điều trị bệnh thêm.

2.6 Sinh thiết tủy xương

Xét nghiệm sinh thiết tủy xương cũng được thực hiện để kiểm tra xem các tế bào ung thư từ một bộ phận khác của cơ thể có di căn đến xương hay không.

Sinh thiết kim
Sinh thiết kim được áp dụng để lấy các mẫu mô từ khối u dưới da hoặc các cơ quan khác của cơ thể

3. Xét nghiệm sinh thiết có tác dụng gì?

Xét nghiệm sinh thiết giúp bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác về bệnh bằng cách lấy các mẫu mô của cơ thể để kiểm tra khi không thể tiếp cận được từ bên ngoài. Sinh thiết không chỉ giúp chẩn đoán cho các căn bệnh ung thư mà nó còn được ứng dụng để chẩn đoán một số tình trạng khác cũng như mức độ tiến triển của bệnh. Dưới đây là một số tác dụng của sinh thiết trong những trường hợp cụ thể:

  • Sinh thiết ung thư: Trong trường hợp bệnh nhân có một khối u hoặc bị sưng ở một vị trí nào đó trong cơ thể mà không biết rõ nguyên nhân thì xét nghiệm sinh thiết chính là biện pháp hữu hiệu nhất để xác định được liệu bệnh nhân có bị ung thư hay không.
  • Sinh thiết gan: Xét nghiệm giúp bác sĩ có thể dễ dàng chẩn đoán được khối u hoặc ung thư trong gan, xơ gan khi gan bị sẹo do chấn thương hay bị bệnh trước đó. Ngoài ra, nó cũng được sử dụng để đánh giá xem bệnh nhân sẽ đáp ứng với điều trị như thế nào.
  • Sinh thiết dạ dày: Giúp xác định các tình trạng dạ dày, ví dụ như loét dạ dày liệu có phải do thuốc chống viêm không steroid gây ra hay không. Bên cạnh đó, sinh thiết ruột non cũng được thực hiện nhằm đánh giá xem bệnh nhân có bị các tình trạng như thiếu máu, kém hấp thụ hay bị mắc bệnh celiac hay không.
  • Xét nghiệm viêm: Xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng viêm.
  • Xét nghiệm nhiễm trùng: Tìm ra nguyên nhân gây nhiễm trùng.

4. Quy trình thực hiện sinh thiết

Thuốc
Vài ngày trước khi sinh thiết, người bệnh cần ngưng sử dụng các loại thuốc đang sử dụng

Thông thường, quy trình thực hiện xét nghiệm sinh thiết bao gồm:

4.1 Chuẩn bị

Vài ngày trước khi thực hiện xét nghiệm sinh thiết, bệnh nhân cần phải kiêng một số loại thực phẩm cụ thể hoặc các loại thuốc đang sử dụng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần kiêng ăn và uống trong vài tiếng trước khi làm xét nghiệm. Người bệnh sẽ được làm xét nghiệm máu và đánh giá khả năng dị ứng với một số chất liên quan.

4.2 Trong khi sinh thiết

Nếu thực hiện phương pháp sinh thiết kim hoặc bấm thì bệnh nhân sẽ được bác sĩ gây tê ngoài da tại chỗ đâm kim để làm giảm đau đớn. Đối với bệnh nhân thực hiện sinh thiết cắt bỏ hay nội soi thì cần phải gây tê cục bộ hoặc toàn thân. Quá trình xét nghiệm sinh thiết thường diễn ra trong vòng vài phút tới vài giờ.

4.3 Sau khi sinh thiết

Người bệnh sẽ ở lại bệnh viện khoảng vài giờ để bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe và được cho uống thuốc giảm đau. Nhằm đảm bảo không xảy ra tình trạng chảy máu kín ở các cơ quan nội tạng bị can thiệp, xét nghiệm lượng máu có thể được thực hiện. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm một vài xét nghiệm khác như tia X, chẩn đoán hình ảnh. Sau vài giờ, bệnh nhân có thể về nhà và sinh hoạt được như bình thường.

4.4 Phân tích mẫu sinh thiết

Sau khi lấy ra một mẫu mô từ cơ thể của người bệnh, mẫu mô này sẽ được gửi tới phòng thí nghiệm bệnh lý học. Mô được tách ra thành các lát mỏng, sau đó đặt một phần mô vào một phiến kính và kiểm tra dưới kính hiển vi, phần mô còn lại sẽ được lưu trữ để sử dụng cho các nghiên cứu sau. Thông qua kính hiển vi, bác sĩ có thể tìm ra được các bất thường trong cấu trúc tế bào, từ đó chẩn đoán được tình trạng bệnh. Khâu phân tích này thường mất vài giờ, thậm chí vài ngày tùy thuộc vào mức độ phức tạp.

5. Lấy mẫu sinh thiết có nguy hiểm không?

Đau ngực
Người bệnh có thể cảm thấy đau ở khu vực sinh thiết

Xét nghiệm sinh thiết được coi là một thủ thuật an toàn và có độ rủi ro rất thấp. Những nguy cơ bị nhiễm trùng cần điều trị bằng kháng sinh chiếm tỷ lệ không đáng kể. Trong một vài trường hợp nhất định có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Cảm giác ngứa ngáy, khó chịu
  • Bị chảy máu và gây thâm tím
  • Cảm thấy đau khu vực sinh thiết
  • Bị nhiễm trùng hoặc viêm
  • Vết thương lâu lành

Một số bệnh nhân nữ khi thực hiện sinh thiết giải phẫu vú có thể làm vú bị biến dạng. Hình dạng của vú sẽ thay đổi tùy thuộc vào vị trí, kích thước của khối u và số lượng của các mô xung quanh bị cắt bỏ.

Mặc dù một vài rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện sinh thiết, nhưng phương pháp này vẫn rất hiệu quả trong việc chẩn đoán sớm ung thư và các căn bệnh khác. Việc phát hiện sớm bệnh là chìa khóa vàng giúp tăng tỷ lệ sống sót của người bệnh.

Để tìm hiểu kỹ hơn về các phương pháp sinh thiết tại Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hotline các bệnh viện, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

17.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan