Loạn cảm họng (nuốt vướng vùng cổ họng) điều trị như thế nào?

Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Toàn - Bác sĩ Tai Mũi Họng, Khoa Liên Chuyên Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Cảm giác vùng cổ họng bị nghẹn (Lump in throat hoặc globus sensation) là một triệu chứng thường xuyên gây khó chịu cho người bệnh, gây nên cảm giác lo lắng. Người bệnh sẽ có cảm giác tồn tại một cục gì đó hoặc một vật gì đó mắc trong cổ họng, không đau, ít khi ảnh hưởng đến ăn uống, khi khám bệnh thường không phát hiện gì đặc biệt.

1. Nguyên nhân của loạn cảm họng

Để xác định nguyên nhân chính xác không dễ dàng, có rất nhiều yếu tố có thể gây nên tình trạng vướng trong cổ họng bao gồm cả stress và sự lo lắng. Vì vậy ngoài việc thăm khám về các bệnh lý vùng tai mũi họng cần phải kết hợp khám tâm thần kinh.

Các nguyên nhân của loạn cảm họng chính bao gồm:

  • Các nguyên nhân gây viêm họng, viêm Amidan
  • Bệnh viêm xoang mạn tính với triệu chứng chảy dịch mũi sau
  • Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, họng- thanh quản
  • Các yếu tố tâm lý như stress, lo lắng, trầm cảm. Những chấn thương tâm lý trong cuộc sống làm cảm giác vướng họng tăng lên
  • Rối loạn co thắt bất thường nhóm cơ thực quản phần trên ( UES- upper esophageal sphincter)
  • Bệnh lý về tuyến giáp: Một số người bệnh có bất thường về tuyến giáp cũng có triệu chứng về nuốt vướng trong cổ họng.
  • Các dị vật vùng hầu họng: một số dị vật nhỏ có thể tồn tại trong cổ họng và gây nên tình trạng vướng mắc.
  • Bệnh lý về khối u: Một số khối u vùng họng miệng gây nên tình trạng nuốt vướng.
Viêm amidan ở người lớn
Viêm Amidan là một trong số nguyên nhân của loạn cảm họng

Một số nguyên nhân ít gặp hơn có thể phối hợp với tình trạng nuốt vướng bao gồm:

  • Hội chứng mỏm trâm dài ( Eagle’ syndrome) thường gây nên tình trạng vướng mắc như bị hóc dị vật, trội hơn về một bên, thăm khám họng không thấy bất thường
  • Các bệnh lý làm khô tuyến nước bọt như hội chứng Sjogren, bệnh đái tháo đường, sau xạ trị vùng đầu cổ..
  • Hội chứng rối loạn khớp thái dương hàm ( Temporomandibular joint disorder)

2. Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Nếu triệu chứng mắc nghẹn thay đổi hoặc kèm theo các triệu chứng khác cần phải đi khám bác sĩ bao gồm:

  • Khó nuốt tăng lên
  • Nuốt vướng kèm theo nuốt đau
  • Thay đổi giọng nói
  • Sốt
  • Xuất hiện gầy sút
  • Yếu cơ
  • Xuất hiện khối vùng cổ

3. Phải làm gì khi có triệu chứng cổ họng bị tắc nghẽn?

Ăn kẹo cao su
Ăn kẹo cao su giúp làm giảm nhẹ cảm giác vướng họng

Triệu chứng vướng họng thường không có phương pháp điều trị đặc hiệu và đa số không cần điều trị. Đây là triệu chứng thường gặp và không gây nguy hiểm, một số phương pháp điều trị phụ thuộc vào phát hiện nguyên nhân như.

  • Điều trị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, họng thanh quản bằng các thuốc kháng axit dạ dày, ức chế bơm proton, thuốc làm nhanh rỗng dạ dày, thay đổi tư thế nằm, thay đổi lối sống như ăn uống..
  • Điều trị tình trạng viêm xoang mạn tính để hạn chế chảy dịch mũi sau
  • Viêm Amidan quá phát có hốc bã đậu tái phát có thể phải cắt Amidan
  • Cắt mỏm trâm nếu có tình trạng mỏm trâm dài và gây triệu chứng khó chịu thường xuyên
  • Kiểm tra bệnh lý tuyến giáp
  • Liệu pháp làm giảm căng cơ vùng cổ
  • Điều trị về các triệu chứng rối loạn tâm lý nếu có như trầm cảm, lo lắng, stress
  • Uống đủ nước hàng ngày
  • Bỏ hút thuốc lá và tránh thuốc lá thụ động
  • Khi bị viêm họng, viêm thanh quản nên hạn chế nói nhiều để các cơ trong cổ họng, thanh quản nghỉ ngơi
  • Ăn kẹo cao su giúp làm giảm nhẹ cảm giác vướng họng

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

390.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan