Một số biến chứng có thể gặp trong quá trình chạy thận nhân tạo

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chạy thận nhân tạo là một trong những phương pháp điều trị bệnh suy thận. Ưu điểm của phương pháp chạy thận nhân tạo là màng lọc nhân tạo chỉ cho phép đào thải các chất cặn bã và giữ lại những thành phần cần thiết trong máu. Dù vậy, khi điều trị vẫn cần lưu ý một số biến chứng chạy thận nhân tạo.

Trong cơ thể người, thận đóng vai trò lọc máu và đào thải các chất độc, nước và muối ra khỏi cơ thể. Khi bị suy thận, nhất là ở giai đoạn cuối, thận sẽ ngừng làm việc hoàn toàn. Lúc này, phương pháp chạy thận nhân tạo được áp dụng, một chiếc máy lọc thận sẽ thay thế thận làm việc.

1. Chạy thận nhân tạo là gì?

Chạy thận nhân tạo là phương pháp điều trị sử dụng máy chạy thận để lọc máu bên ngoài cơ thể bệnh nhân. Cụ thể, máu của người bệnh được rút ra từ mạch máu và đi qua một hệ thống lọc máu tổng hợp. Trong hệ thống lọc này, máu được “làm sạch” trước khi đưa trở lại cơ thể của người bệnh. Do đó, hệ thống lọc này được gọi là “thận nhân tạo”. Phương pháp chạy thận nhân tạo được áp dụng để điều trị bệnh suy thận, thông thường được thực hiện khoảng 3 lần/tuần, tối thiểu 4 giờ/lần và được tiến hành tại một trung tâm lọc máu với thận nhân tạo.

Điều trị suy thận bằng phương pháp chạy thận phải được thực hiện theo quy trình để đảm bảo sự an toàn đối với người bệnh.

mot-so-bien-chung-co-gap-trong-qua-trinh-chay-than-nhan-tao-1
Chạy thận nhân tạo được áp dụng để điều trị bệnh suy thận

2. Quá trình chạy thận nhân tạo diễn ra như thế nào?

2.1 Trước quá trình chạy thận nhân tạo

Trước tiên, bệnh nhân được tiếp cận mạch máu, bằng cách dùng kim dẫn đưa một lượng nhỏ máu ra bên ngoài cơ thể đến máy chạy thận nhân tạo, sau khi lọc, máu từ máy chạy thận lại được đưa trở về cơ thể thông qua một cây kim khác.

Có 3 cách tiếp cận mạch máu, đó là: bằng lỗ thông động tĩnh mạch, bằng ống thông nối động - tĩnh mạch nhân tạo và bằng cách đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm.

Trước khi chạy thận nhân tạo, để đảm bảo không có sự cố nguy hiểm xảy ra, bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ tình trạng của người bệnh, bao gồm: cân nặng, nhiệt độ cơ thể, chỉ số huyết áp, mạch,....

2.2 Trong quá trình chạy thận nhân tạo

Tiếp cận mạch máu bệnh nhân bằng 2 cây kim, mỗi cây được nối với một ống đàn hồi và máy chạy thận. Thông qua ống kim này, máy chạy thận sẽ tiến hành lọc khoảng vài ml máu trong một lần lọc, chất thải và chất lỏng có trong máu sẽ được làm sạch bởi một chất lỏng gọi là chất thẩm tách (dialysis). Sau khi lọc, máu sẽ được đưa trở lại cơ thể thông qua ống thứ hai.

Đối với trường hợp bệnh nhân chạy thận nhân tạo ít hơn 3 lần/tuần có thể xuất hiện một số triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, thay đổi nhịp timhuyết áp khi máu được đưa ra khỏi cơ thể...

Tùy theo từng trường hợp, bệnh nhân có thể yêu cầu bác sĩ điều chỉnh tốc độ lọc máu và loại chất thẩm tách cũng như loại thuốc sử dụng.

2.3 Sau quá trình chạy thận nhân tạo

Sau khi hoàn tất quá trình chạy thận, hai cây kim được rút ra khỏi mạch máu. Kết thúc quá trình chạy thận, bệnh nhân có thể trở về nhà và sinh hoạt bình thường.

mot-so-bien-chung-co-gap-trong-qua-trinh-chay-than-nhan-tao-2
Kết thúc quá trình chạy thận nhân tạo, bệnh nhân có thể trở về nhà

3. Chạy thận nhân tạo được chỉ định cho đối tượng bệnh nhân nào?

Không phải tất cả các bệnh nhân mắc bệnh lý về thận đều được chạy thận nhân tạo, Phương pháp này được chỉ định đối với những bệnh nhân bị tổn thương thận cấp hoặc mãn tính. Nguyên nhân là do sự tổn thương thận làm hạn chế khả năng lọc và đào thải lượng dịch dư thừa, độc hại ra khỏi cơ thể của thận. Do đó, chạy thận nhân tạo giúp loại bỏ các chất cặn bã ra khỏi máu, giúp cơ thể duy trì cân bằng điện giải và thay thế chức năng đã bị tổn thương của thận.

Phương pháp chạy thận nhân tạo được chỉ định thực hiện cho những trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu sau:

  • Các dấu hiệu của hội chứng urê như nôn, buồn nôn, không ngon miệng, mệt mỏi...;
  • Lượng kali trong máu và axit máu tăng cao;
  • Thận không còn đủ khả năng loại bỏ lượng dịch thừa ra khỏi cơ thể, dẫn đến gây phù;
  • Bị viêm màng ngoài tim;
  • Các trường hợp ngộ độc cấp tính khiến thận bị tổn thương.

Tuy nhiên, tùy theo tình trạng bệnh lý và thể trạng của mỗi người bệnh, quá trình chạy thận nhân tạo có thể gây ra một số biến chứng nêu trên. Do đó, chỉ định chạy thận phải được cân nhắc trong từng trường hợp, khi tiến hành chạy thận phải lưu ý thực hiện đúng quy trình với sự giám sát chặt chẽ để có thể phát hiện sớm sự cố xảy ra và có biện pháp xử trí kịp thời, không làm ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân.

4. Một số biến chứng chạy thận nhân tạo cần lưu ý

Những biến chứng thường gặp khi chạy thận nhân tạo xảy ra theo thứ tự tần suất như sau: tụt huyết áp (20 - 30%), chuột rút (5 - 20%), nôn và buồn nôn (5 - 15%), nhức đầu (5%), đau ngực (2 - 5%), ngứa (5%), sốt ớn lạnh (<1%). Cụ thể như sau:

Tụt huyết áp

Liên quan đến việc thể tích máu bị giảm quá mức hoặc tăng nhanh chóng, xảy ra khi người bệnh tăng cân nhiều giữa hai lần chạy thận, hoặc thời gian chạy thận ngắn, trọng lượng khô thấp hơn trọng lượng khô thực tế, việc tính toán số ký rút không chính xác hoặc nhầm. Tuy nhiên, biến chứng tụt huyết áp trong chạy thận nhân tạo chủ yếu là do giảm thể tích máu khi rút dịch (siêu lọc) mà không đáp ứng đủ lượng huyết động bù trừ.

mot-so-bien-chung-co-gap-trong-qua-trinh-chay-than-nhan-tao-3
Tụt huyết áp là biến chứng chạy thận thường gặp

Chuột rút

Nguyên nhân gây ra hiện tượng chuột rút khi chạy thận hiện chưa rõ. Các yếu tố bao gồm tụt huyết áp, giảm thể tích, tốc độ siêu lọc cao (khiến người bệnh tăng cân nhiều giữa hai lần chạy thận) và sử dụng dung dịch lọc có nồng độ natri thấp, sẽ tạo thuận lợi cho việc co mạch, gây giảm tưới máu cơ và làm rối loạn thư giãn cơ.

Biến chứng chuột rút trong chạy thận nhân tạo liên quan đến tụt huyết áp, mặc dù hiện tượng chuột rút kéo dài dai dẳng sau khi huyết áp của người bệnh đã được phục hồi. Chuột rút cũng thường gặp trong tháng đầu tiên khi chạy thận hơn giai đoạn sau. Ngoài ra, nồng độ magie trong máu giảm cũng có thể gây ra biến chứng chuột rút kháng trị trong chạy thận nhân tạo. Bên cạnh đó, nồng độ canxi trong máu hạ xuống cũng được xem như là nguyên nhân tiềm tàng. Cuối cùng, hạ kali trong máu trước khi chạy thận cũng có thể gây ra chuột rút do nồng độ kali của dịch lọc thường dùng là 2 mM.

Buồn nôn và nôn

Có nhiều nguyên nhân gây ra biến chứng buồn nôn khi chạy thận nhân tạo. Ở bệnh nhân ổn định, nguyên nhân đa phần là do tụt huyết áp. Buồn nôn và nôn cũng có thể là triệu chứng sớm của hội chứng mất cân bằng. Ngoài ra, phản ứng màng lọc có thể gây ra hiện tượng buồn nôn và nôn. Liệt dạ dày nhẹ cũng sẽ nặng lên do chạy thận, thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường, nhưng cũng có thể gặp ở bệnh nhân không bị tiểu đường. Khi dung dịch lọc bị nhiễm bẩn hoặc nồng độ các chất không đúng (như natri, canxi cao) cũng có thể gây ra buồn nôn và nôn.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo cũng dễ bị buồn nôn và nôn hơn những bệnh nhân khác (như nhiễm trùng hô hấp, sử dụng thuốc gây nghiện, tăng canxi máu). Việc chạy thận cũng có thể làm triệu chứng của các bệnh lý này nặng thêm.

Nhức đầu

Đây cũng là biến chứng chạy thận thường gặp, tuy nhiên nguyên nhân gây nhức đầu chưa được xác định rõ, đó cũng có thể là dấu hiệu kín của hội chứng mất cân bằng. Nếu người bệnh có uống cà phê, nhức đầu có thể là triệu chứng do việc ngưng sử dụng cà phê, do nồng độ cà phê giảm cấp tính khi chạy thận.

Nếu triệu chứng nhức đầu là không điển hình hoặc quá nặng, cần xem xét nguyên nhân về thần kinh (đặc biệt là tình trạng xuất huyết do thuốc kháng đông).

Đau ngực, đau lưng

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường sẽ thấy đau thắt ngực nhẹ hoặc khó chịu ở vùng ngực (có thể có kèm đau lưng). Nguyên nhân gây ra triệu chứng này là chưa rõ, do đó phải chẩn đoán để phân biệt với nhiều nguyên nhân gây đau ngực khác (ví dụ như bệnh tán huyết, thuyên tắc khí, nhồi máu cơ tim, viêm màng ngoài tim).

Ngứa

Ngứa cũng là một biến chứng chạy thận thường gặp, triệu chứng này có thể được thúc đẩy hoặc nặng hơn do chạy thận. Nếu ngứa có kèm các biểu hiện dị ứng nhẹ khác, thì đó có thể là dị ứng mức độ nhẹ với màng lọc hoặc thành phần của dây chạy thận. Tuy nhiên, triệu chứng ngứa thường gặp là mãn tính. Để xác định nguyên nhân gây ngứa, không nên bỏ qua bệnh viêm gan siêu vi (hoặc do sử dụng thuốc) vì đây có thể là nguyên nhân tiềm tàng.

Nếu phát hiện các biến chứng chạy thận bất thường nào xảy ra, cần phải xử trí nhanh chóng để giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch vì có thể có nguy cơ dẫn đến tử vong.

Để đảm bảo an toàn khi điều trị chạy thận nhân tạo, bệnh nhân phải thực hiện đúng theo lịch trình điều trị một cách nghiêm ngặt, uống thuốc thường xuyên, thay đổi chế độ ăn uống phù hợp, hợp tác chặt chẽ với y bác sĩ, phòng tránh biến chứng có thể xảy ra.

Bác sĩ Nguyễn Hùng tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa I Nội tổng quát - Đại học Y Dược Tp Hồ Chí Minh; sử dụng được Tiếng Anh và Tiếng Pháp. Với kinh nghiệm trên 36 năm trong nghề, trong đó 17 năm là Trưởng khoa Nội thận - nội tiết Bệnh viện Đà Nẵng bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý về nội tiết – đái đường và thận . Hiện tại, là bác sĩ điều trị bệnh nội tiết tại Khoa Khám bệnh & Nội khoa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan