Ngộ độc cá ngừ: Nguyên nhân, dấu hiệu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Văn Mạnh - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Cá ngừ là một loại thực phẩm phổ biến ở Việt Nam nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu muối khoáng, chứa nhiều axit béo không bão hòa, vitamin D, photpho, đồng thời ít chất béo nên rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp ngộ độc do ăn cá ngừ có thể xảy ra và là nguyên nhân của các vụ ngộ độc tập thể.

1. Ăn cá ngừ ngộ độc tại sao?

Thực tế, cá ngừ không phải là một loại cá độc nhưng trong cá ngừ có chứa hàm lượng chất Histidine tự do cao. Khi cá còn sống, một số vi khuẩn sẽ sản sinh ra men Decarboxylase chuyển hóa histamine trong thịt cá (tại mang, ruột cá) và không gây hại cho cá. Tuy nhiên nếu người tiêu dùng mua phải cá ngừ bị ươn, để lâu ngày và bắt đầu hư hỏng thì khi đó hàng rào bảo vệ của cá không thể ức chế vi sinh vật và các sinh vật sinh trưởng, lây lan vào thịt cá sản xuất ra men chuyển hóa tạo histamine trong cá. Đây chính là nguyên nhân khiến người dùng bị ngộ độc thực phẩm.

Histamin là chất có khả năng gây dị ứng dữ dội cho người dùng như phù, nhức đầu, nôn mửa, ngứa đỏ ngoài da hay tiêu chảy, choáng váng, tim đập nhanh, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, quá trình hình thành histamin trong cá ngừ cũng diễn ra rất nhanh, histamin bền không bị phá hủy qua quá trình đông lạnh, nấu chín, hun khói, tiệt trùng hay đóng hộp nên có thể gây độc cho người sử dụng.

2. Các dấu hiệu ngộ độc cá ngừ

Các biểu hiện ngộ độc của bệnh nhân ăn phải cá ngừ thường xuất hiện sau 20-30 phút với các triệu chứng như:

  • Chóng mặt, đỏ bừng mặt, nhức đầu
  • Khô miệng, nóng cổ họng
  • Buồn nôn, nôn
  • Đau bụng, tiêu chảy

Phát ban, nổi mề đay là triệu chứng thường gặp nhất, các vùng phát ban giống như bị cháy nắng với đường biên phân định rõ ràng. Ban thường xuất hiện ở phần trên cơ thể như: ngực, vai, cổ, cánh tay và mặt. Trong trường hợp nặng hơn có thể xuất hiện co thắt phế quản, suy hô hấp và hạ huyết áp (sốc giãn mạch)

Tiêu chảy
Bệnh nhân ngộ độc cá ngừ có biểu hiện như tiêu chảy và đau bụng

3. Cách xử trí khi ngộ độc cá ngừ

Hầu hết các trường hợp ngộ độc cá ngừ là nhẹ và chỉ những trường hợp bị tiêu chảy, ói nhiều mới dẫn tới tụt huyết áp do mất nước. Ở mức độ nhẹ, người bệnh chỉ nổi mẩn đỏ, ngứa ngoài da và cần tới các cơ sở y tế để được điều trị thuốc kháng histamin là có thể khỏi bệnh sau 2-3 ngày.

XEM THÊM: Bà bầu sau khi ăn cá ngừ bị đau bụng, phải làm sao?

Trong trường hợp ngộ độc nặng, người bệnh có thể buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu, chóng mặt, tụt huyết áp và bắt buộc phải nhập viện để điều trị thuốc cũng như truyền dịch để bù lại lượng nước và điện giải bị mất qua nôn ói, tiêu chảy.

Có thể phòng ngừa ngộ độc cá ngừ bằng các biện pháp sau:

  • Nên mua cá ngừ ở siêu thị, nơi cá được bảo quản tốt, không hôi ươn và biến chất
  • Nếu mua cá ngoài chợ cần chọn những nơi bán có phương tiện bảo quản lạnh (nhiệt độ dưới 4,4°C) hoặc bảo quản bằng đá cục (đá phủ kín lên cá), chọn cá được ướp muối, khoanh cá khi cắt ra còn máu tươi
  • Đối với người bệnh có sẵn cơ địa dị ứng với những loại thực phẩm này thì tuyệt đối không nên ăn cá ngừ vì những lần dị ứng sau có thể nặng hơn so với lần đầu.

Cá ngừ là loại cá giàu dinh dưỡng nhưng dễ gây ngộ độc thực phẩm. Vì thế, để đảm bảo sức khỏe, bạn nên chọn mua loại cá tươi, có phương tiện bảo quản lạnh tốt. Nếu có tiền sử bị dị ứng thì không nên tiếp tục sử dụng loại cá này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan