Những điều cần biết về bệnh đau đầu týp căng thẳng (tension – type headache)

Đau đầu týp căng thẳng là tình trạng bệnh phổ biến trong cuộc sống hàng ngày và có thể bắt gặp ở bất kỳ đối tượng nào không kể tuổi tác, giới tính. Bệnh tuy ban đầu không trực tiếp gây nguy hiểm tính mạng nhưng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tinh thần người bệnh.

1. Tổng quan về bệnh đau đầu týp căng thẳng

Bệnh đau đầu týp căng thẳng (tension – type headache) là tình trạng đau gây ra bởi sự co thắt các cơ vùng da đầu, mặt hay cổ. Khi người bệnh rơi vào tình trạng căng thẳng hay lo lắng kéo dài, các cơ này sẽ trở nên căng cứng tạo cảm giác đau nhức.

Đau đầu týp căng thẳng được xem là dạng đau đầu phổ biến nhất, theo sau là đau đầu migraineđau dây thần kinh số 5. Hiện nay, nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa thực sự được làm rõ nhưng theo các nghiên cứu đã có, người ta thấy rằng bệnh có nhiều sự liên quan với các yếu tố tâm lý căng thẳng, stress.

Đau đầu týp căng thẳng có thể được chia thành 3 dạng chủ yếu:

  • Đau đầu chu kỳ không thường xuyên: các cơn đau đầu thỉnh thoảng mới xuất hiện và xuất hiện một cách ngẫu nhiên.
  • Đau đầu chu kỳ thường xuyên: cơn đau xuất hiện thành các đợt kéo dài từ 30 phút – 7 ngày theo chu kỳ 1 – 14 đợt/ tháng.
  • Đau đầu mạn tính: cơn đau xuất hiện liên tục và có thể kéo dài hàng giờ liền với chu kỳ 15 đợt/ tháng, đồng thời đôi lúc có kèm theo cảm giác buồn nôn.

2. Nguyên nhân gây đau đầu týp căng thẳng

2.1 Căng thẳng tâm lý (stress)

Ngay từ tên gọi đã có thể thấy căng thẳng tâm lý, stress là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh đau đầu týp căng thẳng. Khi cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng, thần kinh sẽ tiết ra một lượng lớn hormone Cortisol, đồng thời nhu cầu tiếp thu năng lượng từ chất béo cũng gia tăng liên tục.

Điều này dẫn tới tình trạng tăng huyết áp và làm cho nhịp tim đập nhanh hơn so với ngưỡng bình thường. Khi đó, quá trình tuần hoàn máu cũng bị rối loạn và tạo áp lực cao lên thành mạch.

Căng thẳng, stress thực chất là cách con người nhìn nhận, thái độ và cách phản ứng với các vấn đề trong cuộc sống thường ngày. Riêng stress được xếp vào là một trong những bệnh đô thị bởi nhịp sống ồn ào và tấp nập ở đô thị tạo điều kiện cho bệnh phát triển.

Đau đầu do căng thẳng stress kéo dài
Stress là nguyên nhân gây đau đầu týp căng thẳng

2.2 Thay đổi thời tiết

Với các trường hợp nhạy cảm với sự thay đổi bất thường của khí hậu, độ ẩm, nhiệt độ hay áp suất không khí thì việc thay đổi thời tiết cũng có thể dẫn đến tình trạng đau đầu týp căng thẳng. Tình trạng này thường bắt gặp ở người già và phụ nữ.

Ví dụ khi thời tiết quá nắng nóng làm cơ thể mất nước, tâm trạng căng thẳng dẫn đến khó ngủ, mất ngủ. Việc thiếu ngủ lâu dần ảnh hưởng không tốt đến hệ thần kinh, tạo thành những cơn đau đầu lâu dần thành đau đầu mạn tính.

2.3 Rối loạn tiền đình

Hệ thống thần kinh khi bị tổn thương bởi hội chứng stress sẽ gây ra hiện tượng rối loạn tiền đình.

Trong hệ thần kinh, dây thần kinh số 8 có vai trò dẫn truyền những thông tin nhưng lại gặp phải những tác động tiêu cực dẫn đến tổn thương. Khi đó hoạt động của hệ thống tiền đình sẽ trở nên không chính xác và rối loạn. Từ đó gây ra các biểu hiện như căng thẳng, lo lắng, mất ngủ và đặc biệt là đau đầu kéo dài mệt mỏi.

2.4 Một số yếu tố khác

Ngoài ra cũng có một số yếu tố khác có thể dẫn đến đau đầu týp căng thẳng như:

  • Lạm dụng các chất kích thích (rượu, bia);
  • Áp lực cuộc sống, công việc;
  • Chấn thương, va chạm vùng đầu;
  • Duy trì quá lâu một tư thế;
  • Ảnh hưởng từ ô nhiễm tiếng ồn.

3. Triệu chứng lâm sàng của đau đầu týp căng thẳng

Các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của đau đầu týp căng thẳng thường thấy là:

  • Đầu luôn có cảm giác bị một chiếc dây hoặc khăn siết chặt;
  • Khả năng tập trung, ghi nhớ suy giảm;
  • Đau đầu âm ỉ kéo dài, đôi khi xuất hiện cả cơn đau vùng gáy;
  • Khó ngủ, mất ngủ thường xuyên;
  • Khi căng thẳng, mệt mỏi hoặc tiếp xúc với tiếng ồn lớn thì mức độ đau tăng lên;
  • Có cảm giác co cứng các cơ vùng đầu – mặt – cổ;
  • Đôi lúc thấy trong đầu như có tiếng gõ.

Thông thường các triệu chứng của đau đầu týp căng thẳng sẽ kéo dài trong vòng vài giờ. Ban đầu cơn đau có thể giảm bớt trong vòng 3 ngày – 1 tuần nếu bệnh nhân sử dụng các loại thuốc giảm đau liên tục. Tuy nhiên, sau đó cơn đau sẽ tiếp tục lặp lại nhiều lần. Do đó người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay nếu thấy mức độ đau tăng nặng và có kèm theo nhiều triệu chứng như ói mửa, bủn rủn chân tay,...

Mất ngủ tuổi 50
Mất ngủ là triệu chứng của đau đầu týp căng thẳng

4. Chẩn đoán và điều trị đau đầu týp căng thẳng

4.1 Chẩn đoán đau đầu týp căng thẳng

Để chẩn đoán đau đầu týp căng thẳng, người bệnh thường sẽ được bác sĩ hỏi một số câu hỏi liên quan từ đó có thông tin và cơ sở cho việc chẩn đoán.

  • Vị trí, mức độ đau và kiểu đau;
  • Thời điểm bắt đầu đau ;
  • Các triệu chứng xuất hiện kèm theo;
  • Các loại thuốc đã sử dụng trước đó;
  • Tiền sử bệnh đau đầu của gia đình và cá nhân người bệnh;
  • Mức độ và khả năng bị stress trong công việc, cuộc sống.

4.2 Điều trị đau đầu týp căng thẳng

Các cơn đau đầu týp căng thẳng có thể được điều trị thuyên giảm thông qua một số biện pháp như:

  • Sử dụng các loại thuốc giảm đau như: Ibuprofen, Aspirin, Acetaminophen theo chỉ định của bác sĩ;
  • Có chế độ tập luyện thể dục thể thao điều độ, thư giãn;
  • Tập vật lý trị liệu hoặc nhờ đến sự can thiệp của các loại thiết bị giảm co cơ.

Đau đầu týp căng thẳng với những triệu chứng không rõ ràng, có thể dễ bị nhầm lẫn với những cơn đau đầu thông thường khiến người bệnh chủ quan. Vì vậy khi có bất kỳ nghi ngờ nào về bệnh đau đầu týp căng thẳng, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và có phương pháp điều trị dứt điểm sớm.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan