Nội soi bàng quang có - không gây mê

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Bác sĩ điều trị bệnh Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nội soi bàng quang là phương pháp để chẩn đoán và điều trị bệnh đường tiết niệu đang được áp dụng rộng rãi hiện nay. Đây là kỹ thuật nhằm đánh giá nguyên nhân, tình trạng của các bệnh lý tại bàng quang - niệu đạo, từ đó có phương án điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả. Hiện nay có 2 kỹ thuật nội soi là nội soi bàng quang có gây mê và nội soi bàng quang không gây mê.

1. Nội soi bàng quang là gì?

Nội soi bàng quang là thủ thuật để bác sĩ đánh giá đường tiểu dưới, bao gồm bàng quang và niệu đạo thông qua máy nội soi. Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng ống kính nội soi đưa vào bàng quang thông qua ngã niệu đạo. Bác sĩ có thể nhìn trực tiếp vào ống nội soi hoặc thông qua màn hình máy tính hiển thị hình ảnh soi được.

Thời gian thực hiện các thủ thuật tùy thuộc vào mức độ phức tạp của bệnh lý. Đối với các bệnh lý nhẹ, điều trị đơn giản, quy trình thực hiện chỉ khoảng 10 - 15 phút.

Chỉ định nội soi bàng quang:

  • Chẩn đoán nguyên nhân gây triệu chứng tiểu máu, trong trường hợp tiểu máu đại thể, tiểu máu tái phát nhiều lần;
  • Tầm soát, kiểm tra bướu bàng quang, bướu niệu mạc đường tiểu trên, bướu niệu đạo hoặc xét nghiệm tế bào học nước tiểu;
  • Trong các trường hợp có các khối u ở vùng chậu nhằm khảo sát sự xâm lấn, chèn ép của khối u với bàng quang và niệu quản;
  • Theo dõi sau khi điều trị bướu bàng quang thể nông (giai đoạn sớm);
bướu bàng quang
Hình ảnh nội soi bướu bàng quang

Chống chỉ định nội soi bàng quang

  • Nhiễm khuẩn tiết niệu cấp tính;
  • Dị ứng với thuốc Lidocain;
  • Hẹp niệu đạo mức độ nhiều;
  • Những trường hợp người bệnh không hợp tác: không chịu được đau, rối loạn tâm thần,... (cần giảm đau, tiền mê hỗ trợ).
Dị ứng
Người bệnh có tiền sử dị ứng thuốc gây tê Lidocain

2. Quy trình kỹ thuật nội soi bàng quang

Chuẩn bị:

  • Người bệnh không ăn, uống từ đêm trước ngày nội soi;
  • Bác sĩ có thể kê cho người bệnh sử dụng thuốc kháng sinh trước khi thực hiện thủ thuật này;
  • Lấy mẫu nước tiểu trước khi thực hiện nội soi bàng quang;
  • Với những quy trình thực hiện nội soi bàng quang có gây mê tại chỗ không cần nhịn ăn;
  • Thông báo cho bác sĩ nếu người bệnh đang sử dụng thuốc loãng máu như warfarin, aspirin và ibuprofen.

2.1. Nội soi bàng quang có gây mê

  • Giảm đau cho người bệnh: tiêm thuốc giảm đau cho người bệnh trước khi tiến hành làm thủ thuật (Feldene, Mobic..), gây tê tại chỗ bằng Xylocain (thường dùng loại gel) bơm qua đường niệu đạo.
  • Tư thế người bệnh: tư thế sản khoa.
  • Soi kiểm tra: đặt máy soi bàng quang, cho nước và bàng quang kiểm tra tình trạng bàng quang, niệu đạo, hai lỗ niệu quản.

2.2. Nội soi bàng quang không gây mê

  • Người bệnh mặc đồ bệnh viện, nằm trong tư thế ngửa lưng trên giường phẳng, được vệ sinh sạch sẽ bên ngoài niệu đạo và khu vực da xung quanh.
  • Bác sĩ bôi gel vào lỗ niệu đạo và ống soi để kính nội soi đi vào niệu đạo dễ dàng hơn, giảm cảm giác khó chịu cho người bệnh;
  • Bác sĩ đẩy ống nội soi nhẹ nhàng vào trong niệu đạo, hướng về phía bàng quang. Dung dịch vô trùng được đưa qua kênh phụ trong ống nội soi để làm đầy bàng quang từ từ để bác sĩ quan sát niêm mạc của bàng quang dễ dàng hơn;
Nội soi bàng quang bằng ống mềm
Nội soi bàng quang cần được thực hiện đúng kỹ thuật
  • Quá trình nội soi bàng quang chỉ kéo dài trong khoảng thời gian từ 5 - 10 phút nếu chỉ phục vụ mục đích kiểm tra, quan sát bên trong bàng quang. Tuy nhiên, trong trường hợp bác sĩ thực hiện một số thủ thuật khác như lấy mẫu mô sinh thiết từ lớp niêm mạc bàng quang thì thời gian nội soi bàng quang có thể kéo dài hơn;
  • Ống nội soi kéo nhẹ nhàng ra ngoài. Nếu người bệnh làm giải phẫu bệnh, mẫu bệnh phẩm sẽ được gửi đi xét nghiệm và phải đợi vài ngày để có kết quả mô học.

3. Tai biến có thể xảy ra sau khi nội soi bàng quang

  • Chảy máu trong hoặc sau khi thực hiện thủ thuật: bạn có thể thấy một lượng máu nhỏ ở những lần đi tiểu đầu tiên. Hầu hết nữ giới có thực hiện sinh thiết trong khi nội soi bàng quang sẽ thấy máu trong nước tiểu của họ. Lượng máu chảy thường là rất ít. Các nhân viên y tế có thể truyền nước thông qua một ống thông vào trong bàng quang để rửa trôi máu hoặc để loại bỏ bất kỳ cục máu đông còn sót nào (còn được gọi là ‘rửa bàng quang’).
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: sau nội soi bạn cảm thấy phải đi tiểu nhiều lần và mỗi lần chỉ tiểu ra một lượng nhỏ mỗi lần kèm theo cảm giác khó chịu, bạn có thể đang bị nhiễm trùng đường tiểu. Nếu các triệu chứng này ngày càng nặng lên, hãy báo cho bác sĩ của bạn biết. Bạn có thể cần phải điều trị triệu chứng này bằng kháng sinh.
  • Hẹp niệu đạo: nguyên nhân do các mô sẹo hình thành trong niệu đạo của bạn. Tuy nhiên, hẹp niệu đạo là khá hiếm gặp sau khi nội soi bàng quang lần đầu tiên. Nếu điều này xảy ra, bạn có thể cần phải phẫu thuật tiếp để chỉnh sửa lại.
Hẹp niệu đạo
Tình trạng hẹp niệu đạo ở người bệnh
  • Thủng một lỗ ở bàng quang: nếu xảy ra trường hợp này, bác sĩ sẽ đặt một ống thông trong bàng quang của bạn trong một vài ngày để cho lỗ thủng này lành lại. Nếu lỗ thủng không lành, bạn có thể sẽ cần phải được phẫu thuật lại để khắc phục.
  • Nội soi bàng quang là kỹ thuật thường được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý bệnh lý ở đường tiết niệu. Khi thực hiện thủ thuật này, người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả chẩn đoán, chính xác cao và giảm nguy cơ biến chứng.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các biến chứng có thể xảy ra sau khi nội soi bàng quang, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan