Phân biệt bệnh lao phổi với phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh lao phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD đều là bệnh lý có nhiều đặc điểm tương đồng dễ gây nhầm lẫn. Để chẩn đoán chính xác và có được phương hướng điều trị phù hợp, bệnh nhân nên nắm rõ những thông tin cơ bản và cách phân biệt 2 loại bệnh trên.

1. Nguyên nhân gây bệnh lao phổi

Bệnh lao phổi là bệnh lý ở phổi do vi khuẩn lao gây ra, có thể lây từ người này sang người khác chủ yếu thông qua đường hô hấp. Người mắc bệnh lao phổi nếu xét nghiệm thấy có vi khuẩn trong đờm thì khi nói chuyện, hắt hơi sẽ vô tình phát tán vào môi trường một lượng lớn vi khuẩn lao gây nhiễm bệnh cho người khác. Các tiếp xúc khác như bắt tay, đụng chạm... không lây bệnh lao.

Bệnh lao phổi thường có biểu hiện bán cấp (nghĩa là không diễn tiến cấp tính như các bệnh lý viêm phế quản, viêm phổi nhưng không phải kéo dài mãn tính như bệnh COPD, tiểu đường, suy tim v.v....).

Hình ảnh vi khuẩn gây bệnh lao
Hình ảnh vi khuẩn lao phổi

2. Nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD

Nếu như bệnh lao phổi là bệnh lý có biểu hiện bán cấp (nghĩa là không diễn biến cấp tính như viêm phổi, viêm phế quản nhưng cũng không mang tính chất kéo dài mãn tính như tiểu đường, suy tim..) thì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD lại thuần là bệnh lý mãn tính do nguyên nhân chủ yếu là thuốc lá, thuốc lào và các yếu tố môi trường ô nhiễm gây ra.

Khác với bệnh lao phổi, COPD không phải do vi khuẩn gây ra nên không lây từ người này sang người khác. Tuy nhiên nếu 1 nhóm người cùng tiếp xúc với yếu tố nguy cơ (như khói thuốc lá hoặc môi trường ô nhiễm) thì có thể biểu hiện bệnh tương tự nhau.

Có từ 80-90% những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD có liên quan đến thuốc lá nhưng chỉ 15-20% những người hút thuốc lá mắc COPD. Nghiên cứu cho thấy những người càng “nhạy cảm” với khói thuốc lá thì càng dễ bị mắc bệnh nặng.

COPD
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD

3. Phân biệt triệu chứng

Triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD là ho, khạc đờm và khó thở khi gắng sức và ngày càng có chiều hướng gia tăng.

  • Ho dai dẳng hoặc gián đoạn từng đợt: Do tính chất của bệnh lý mãn tính nên COPD gây ho kéo dài trong ít nhất 3 tháng trong 1 năm, ho khan hoặc có đờm. Đây cũng là triệu chứng thường gặp và khó thấy ở các bệnh phổi khác như giãn phế quản, lao phổi...
  • Khó thở: Người bệnh sẽ cảm thấy khó thở dần theo thời gian, lúc đầu là khó thở khi gắng sức, về sau khó thở kể cả khi nghỉ ngơi và liên tục khó thở. Bệnh nhân phải gắng sức để thở, có cảm giác thiếu không khí hoặc thở nặng nề, thở khò khè, hổn hển.

Theo thời gian các triệu chứng ho, khạc đờm dai dẳng, khó thở sẽ nặng dần theo thời gian. Thường dấu hiệu ho khạc đờm xuất hiện trước sau đó mới xuất hiện thêm triệu chứng khó thở, khi bệnh nhân khó khăn khi thở là đó cũng là lúc bệnh nhân đã bước vào giai đoạn nặng.

Bệnh lao phổi thường thể hiện các triệu chứng chung của hội chứng nhiễm lao như mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, sốt nhẹ hay ớn lạnh, đổ mồ hôi đêm về chiều tối, đi kèm với các triệu chứng ở phổi như ho, khạc đờm, đôi khi ho ra máu.

Cách tốt nhất để phát hiện ra bệnh lao phổi là bạn cần đến bệnh viện tầm soát lao phổi nếu thấy các dấu hiệu:

  • Ho, khạc đờm kéo dài từ 3 tuần trở lên
  • Ho ra máu
  • Đau ngực hoặc đau khi thở hoặc ho
  • Mệt mỏi, biếng ăn, cơ thể suy kiệt, sụt cân ngoài ý muốn
Đau ngực
Người bệnh cảm thấy đau ngực

4. Các biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh lao phổi, các bác sĩ sẽ kết hợp thông tin từ nguồn lây, dấu hiệu lâm sàng, chụp X-Quang phổi và thực hiện một số xét nghiệm khác như phản ứng lao tố (IDR), tìm vi trùng lao (BK, AFB) trong đờm, đánh giá mật độ bạch cầu lympho trong máu, tốc độ máu lắng (VS)...

Nếu kết quả X-Quang phổi có biểu hiện thâm nhiễm một bên hay hai bên hoặc thấy phổi bị lủng tạo thành những hang lao thì cũng là dấu hiệu cho biết bệnh nhân đã mắc bệnh lao phổi.

Đối với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa vào tiền sử người bệnh tiếp xúc với yếu tố nguy cơ, các biểu hiện lâm sàng như ho khan và khó thở đều là dấu hiệu tình trạng tắc nghẽn đường dẫn khí không hồi phục hoàn toàn.

Do bệnh lao phổibệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD đều có những triệu chứng hô hấp như ho, khạc đờm, có thể có khó thở, hô hấp khó khăn nên đôi khi dễ nhầm lẫn giữa 2 bệnh này. Do vậy để chẩn đoán chính xác thường bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm bổ sung như đã nêu ở phần trên.

Xét nghiệm đờm
Xét nghiệm tìm vi trùng lao (BK, AFB) trong đờm

5. Các biện pháp điều trị

5.1 Điều trị bệnh lao phổi

Cách thức điều trị bệnh lao bao gồm nâng cao thể trạng và sử dụng thuốc kháng lao. Thuốc kháng lao là những loại thuốc diệt vi trùng có thể kể đến: Streptomycin (thuốc tiêm) và 4 loại thuốc uống: Rifampicin, Isoniazid, Ethambutol và Pyrazinamide. Thời gian điều trị bệnh lao phổi sẽ kéo dài khoảng từ 6 đến 8 tháng. Nếu người bệnh phát hiện và điều trị sớm, tuân thủ đúng phác đồ điều trị thì sau thời gian như trên sẽ khỏi hẳn bệnh và không để lại di chứng. Tuy nhiên nếu việc chữa trị chậm trễ hoặc không tuân thủ đúng chỉ định thì sẽ để lại nhiều di chứng như ho khan, khạc đờm kéo dài, khó thở, ho ra máu dai dẳng hoặc bị nhiễm trùng phổi lặp đi lặp lại.

5.2 Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD

Để chữa trị COPD, có 2 phương pháp là dùng thuốc và không dùng thuốc:

  • Điều trị không dùng thuốc: Gồm thực hiện vật lý trị liệu và oxy liệu pháp
  • Điều trị dùng thuốc: Sẽ áp dụng 2 nhóm thuốc chính là:
  • Thuốc giãn phế quản: nhóm ức chế hệ thần kinh phó giao cảm, kích thích thụ thể beta 2 và nhóm Xanthin.
  • Thuốc corticoid: có dạng tiêm, uống và hít. Trong những đợt cấp tính có thể phải dùng thêm kháng sinh để chống nhiễm trùng.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD mang tính chất mãn tính (không khỏi hẳn) và thường có những đợt cấp tính do nhiễm trùng hay nhiễm siêu vi. Bệnh tuy không thể chữa dứt điểm nhưng có thể kiểm soát phần nào cũng như làm chậm diễn tiến theo thời gian. Mục tiêu điều trị là làm thế nào để người bệnh có thể chung sống với bệnh một cách tốt nhất. Nếu việc chữa trị theo chiều hướng tốt, bệnh nhân có thể có cuộc sống gần như người bình thường (vẫn phải sử dụng thuốc) nhưng ít khi có những đợt cấp phải nhập viện.

Đăng kí khám bệnh
Người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị

Video đề xuất:

Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!

XEM THÊM

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan