Phân biệt bệnh tay chân miệng với thủy đậu, Zona (giời leo) và Herpes simplex

Tay chân miệng là bệnh thường xảy ra vào hè thu, cùng thời gian với những bệnh lý khác ở da và tổn thương da là bóng nước nên cần phân biệt với bệnh do nhiễm siêu vi Herpes simplex hoặc bệnh thủy đậu, Zona.

1.Phân biệt bệnh tay chân miệng với thủy đậu, Zona (giời leo) và Herpes simplex

1.1. Bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng do virus thuộc nhóm virus đường ruột (poliovirus, coxsackievirus, echovirus...) gây nên. Thời gian bùng phát dịch thường là tháng 3-5 và tháng 9-11. Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi.

Khi bị tay chân miệng, trẻ sẽ bị nổi mụn nước hình bầu dục và mọc ở những vị trí điển hình như lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông. Mụn nước có thể mọc ở miệng, họng làm loét miệng, họng. Tuy nhiên, những nốt mụn nước này không ngứa, không đau.

1.2. Bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên và dễ lây truyền. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng cao điểm nhất là từ tháng 2 - 6. Bệnh xảy ra phần nhiều ở trẻ em từ 5-11 tuổi, nhưng cũng không ít người lớn mắc bệnh này.

Khi bị thủy đậu, nốt ban sẽ mọc nhiều giai đoạn, khởi điểm ở thân và sau đó lan toàn thân, đầu mặt, tay chân; mụn nước cũ xen lẫn mới, lõm ở giữa khi mới mọc, trong lẫn đục (mủ) do bội nhiễm vi khuẩn; ban mọc nốt phỏng nước gây cảm giác ngứa, đau, nhức rất khó chịu.

Bên cạnh nổi mụn nước, trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Sau khi bệnh thuyên giảm, các nốt ban sẽ khô, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo nếu không bị nhiễm trùng.

1.3. Bệnh Zona (giời leo)

Bệnh zona hay còn gọi là giời leo, do siêu vi gây ra và chỉ xuất hiện ở người bị thủy đậu trước đó. Bệnh zona thường không dễ bùng phát thành đại dịch như bệnh thủy đậu hay tay chân miệng mà thường gặp ở tất cả mọi lứa tuổi nếu sức đề kháng kém.

Khi bị giời leo, người bệnh thấy đau rát ở một vùng da và sau đó xuất hiện nhiều mụn nước to nhỏ thành chùm. Các mụn nước này chỉ nổi ở một bên cơ thể, ít khi lan sang vùng da khác. Mụn nước có thể đau rát nhẹ hay dữ dội tùy vào từng trường hợp. Nếu nách, bẹn và cổ có nổi mụn nước thì sẽ xuất hiện hạch sưng và kèm theo sốt nhẹ, mệt mỏi.

1.4. Bệnh Herpes simplex

Bệnh Herpes Simplex Virus có 2 loại: HSV - 1 và HSV - 2 và tái phát theo từng đợt.

  • Herpes loại 1: Gây lở loét xung quanh miệng, môi, mắt, một số trường hợp có thể dẫn đến mụn rộp sinh dục. Cảm thấy xung quanh miệng ngứa, nóng rát trước khi xuất hiện những vết lở. Khi mụn nước vỡ để lại vết trợt, hoặc vết loét sâu, đóng vảy tiết hoặc rỉ dịch gây mất thẩm mỹ, một số trường hợp đóng vảy tiết hoặc rỉ dịch.
  • Herpes loại 2: Gây ra vết loét xung quanh xung quanh bộ phận sinh dục hay trực tràng, lây chủ yếu qua đường tình dục. Triệu chứng thường thấy ở Herpes loại 2 là xuất hiện các vết lở loét tại bộ phận sinh dục, hậu môn. Bên cạnh vết loét có thể bao gồm sốt, đau nhức cơ thể và sưng các hạch bạch huyết.
nhiem-herpes-virus-o-nguoi-suy-giam-mien-dich
Bệnh Herpes simplex gây lở loét xung quanh miệng, môi

2. Phương pháp điều trị tay chân miệng với thủy đậu, Zona (giời leo) và Herpes simplex

2.1. Điều trị tay chân miệng

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Việc điều trị chủ yếu là giảm sốt, giảm đau nhức và tăng cường sức đề kháng.

  • Giảm đau hạ sốt bằng Paracetamol hay Acetaminophen, không được dùng Aspirine hay các thuốc có chứa Aspirine.
  • Vệ sinh thân thể: Giảm nguy cơ nhiễm trùng da bằng cách vệ sinh thân thể, cho trẻ súc miệng mỗi ngày, tắm nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bóng nước hay trầy xước da, thay quần áo sạch hàng ngày. Cắt ngắn móng tay, đeo bao tay cho trẻ nhũ nhi để giảm tổn thương da.
  • Dinh dưỡng: Nên cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ăn các thức ăn loãng, mát; giữ ấm và cho uống nhiều nước.
  • Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi có những dấu hiệu bệnh nặng hơn như sốt cao, rối loạn tri giác, co giật, bọng nước có mủ, máu.

2.2. Điều trị thủy đậu

Thủy đậu là bệnh có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm và biến chứng khác về sau của bệnh thủy đậu là Zona, còn gọi là giời leo. Để hỗ trợ điều trị các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm, việc điều trị thủy đậu cần:

  • Dùng thuốc: Thuốc hạ sốt, vitamin, các thuốc bôi làm giảm ngứa nhưng cần theo kê đơn của bác sĩ.
  • Vệ sinh sạch sẽ: Tắm rửa, vệ sinh thường xuyên để tránh vi khuẩn tích tụ trên da gây nhiễm trùng, không chà xát làm vỡ các mụn nước.
  • Dinh dưỡng: Khi bị thủy đậu, nên tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, bơ, sữa, phô mai,... hạn chế ăn đồ cay nóng, các thực phẩm chứa axit như cam, chanh.
  • Hạn chế ra nơi có gió, giữ ấm cơ thể để tránh mắc các bệnh cơ hội khác, nhưng người bệnh cần được ở nơi thoáng, không bí bách, trời nóng thì phải bật quạt để tránh ra nhiều mồ hôi.

2.3. Điều trị Zona (giời leo)

  • Hiện không có biện pháp chữa hoàn toàn bệnh zona, nhưng bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh dùng thuốc để kiểm soát nhiễm trùng, rút ngắn thời gian lành bệnh, kháng viêm và giảm đau.
  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ với xà phòng, cả trước lẫn sau khi đi vệ sinh, tránh gãi làm trầy xước da. Bôi thuốc sát khuẩn và phòng ngừa bội nhiễm bằng xanh Methylen.
  • Vệ sinh cơ thể với nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng tránh làm vỡ các bóng nước.

Phương pháp xanh Methylen
Sử dụng thuốc sát khuẩn bôi ngoài da ngừa bội nhiễm bằng Methylen

2.4. Điều trị Herpes simplex

Việc điều trị Herpes simplex chủ yếu là chống bội nhiễm, chống virus và tư vấn khả năng bệnh tái phát, biến chứng và tránh lây nhiễm cho người khác. Cụ thể:

  • Dùng thuốc: Thuốc chống vi rút để làm giảm triệu chứng toàn thân. Nếu có bội nhiễm dùng kháng sinh phổ rộng.
  • Dinh dưỡng: Tăng cường sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng nhiều đạm, vitamin và chế độ nghỉ ngơi thích hợp.
  • Vệ sinh thân thể: Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác.

3. Phòng bệnh tay chân miệng với thủy đậu, Zona (giời leo) và Herpes simplex

3.1. Phòng bệnh tay chân miệng

Hiện nay chưa có thuốc chủng ngừa hay phương pháp phòng bệnh đặc hiệu tay chân miệng. Phương pháp phòng bệnh chủ yếu gồm:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy mạnh
  • Đảm bảo việc ăn chín, uống chín; sử dụng nguồn nước sạch để đảm bảo vệ sinh.
  • Không mớm thức ăn cho trẻ và đặc biệt không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; Cho trẻ dùng riêng vật dụng cá nhân
  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng.
  • Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh
  • Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo cho cơ sở y tế gần nơi ở nhất.

3.2. Phòng bệnh thuỷ đậu

  • Phương pháp phòng bệnh tốt nhất ở bệnh thủy đậutiêm vắc-xin thuỷ đậu, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu. Hiệu quả bảo vệ của vắc-xin thủy đậu có thể lâu bền.
  • Đồng thời, rửa thay thường thường, vệ sinh cơ thể, nhà cửa, vật dụng cá nhân hàng ngày.
  • Không đến nơi có bùng phát dịch bệnh.

3.3. Phòng bệnh zona

  • Thường xuyên rửa tay, vệ sinh nhà cửa, vật dụng cá nhân hàng ngày.
  • Ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ, tránh cơ thể mệt mỏi, stress.
Tiêm chủng, tiêm phòng, tiêm vacxin tại vinmec
Tiêm chủng đầy đủ theo lịch có thể giúp phòng một số bệnh truyền nhiễm

3.4. Phòng Herpes simplex

  • Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác.
  • Quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh và sử dụng vắc - xin để phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
  • Hạn chế một số hành động thân mật như ôm, hôn, nắm tay, tiếp xúc với các vết thương hở.
  • Vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ, đúng cách.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh Zona

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan