Phẫu thuật nội soi lấy u sọ hầu qua xoang bướm

U sọ hầu là một trong những u lành tính khá hiếm gặp trong số các bệnh lý về sọ não. Phương pháp điều trị u sọ hầu phổ biến nhất hiện nay là phẫu thuật u sọ hầu nhằm lấy khối u ra khỏi hộp sọ của người bệnh. Đây không chỉ là biện pháp điều trị đơn thuần mà còn phải kết hợp với một số phương pháp khác để hiệu quả điều trị được tối ưu nhất.

1. U sọ hầu có nguy hiểm không?

U sọ hầu hay còn có tên gọi khoa học là Craniopharyngiomas là một loại u lành tính ở sọ hầu, có tỉ lệ rất thấp trong số những bệnh lý vùng sọ não, khoảng 2-%- 4%. U sọ hầu thuộc loại u biểu mô vảy, tốc độ phát triển trong cơ thể người bệnh rất chậm và khu trú ở dọc tuyến yên dưới đồi, xung quanh tổ chức thần kinh và mạch máu của nền sọ trước. U lành ống sọ hầu nằm ở vị trí rất sát so với xương sọ và cấu trúc của khối u là cấu trúc đặc, gồm những mảnh canxi, có thể là chứa dung dịch bên trong khối u. Bệnh u lành ống sọ hầu thường gặp ở trẻ em là nhiều nhất, chiếm khoảng 50% trong số những ca mắc bệnh, bệnh có thể gặp phải ở cả trẻ nam và trẻ nữ. Một số trường hợp u sọ hầu cũng có thể có ở những người cao tuổi có dấu hiệu suy giảm hoặc mất trí nhớ.

U sọ hầu bao gồm 2 thể bệnh lâm sàng chính như sau:

  • U sọ hầu thể men răng: Khối u có cấu trúc gồm 2 phần chính là phần đặc và phần nang. Phần đặc chính là vôi hóa còn phần nang là sự hiện diện của những tinh thể Cholesterol. U sọ hầu thể men răng thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn.
  • U sọ hầu thể nhú: Đây là thể u lành ống sọ hầu gặp nhiều ở người lớn, cấu trúc cũng tương tự như u sọ hầu thể men răng nhưng phần đặc nhiều hơn và ít vôi hóa hơn thể men răng.

Vì bệnh phát triển khá chậm nên trong thời gian đầu mắc bệnh, khoảng 1- 2 năm đầu thì chưa có triệu chứng rõ rệt biểu hiện trên lâm sàng. Sau khoảng thời gian này, khối u phát triển dần nên xuất hiện một số triệu chứng của bệnh u sọ hầu. Những biểu hiện của bệnh phụ thuộc vào vị trí xuất hiện khối u, bên cạnh đó vẫn có một số triệu chứng chung như:

  • Đau đầu không đáp ứng thuốc giảm đau.
  • Thị lực bị mất một phần.
  • Thay đổi tính cách, tâm trạng đột ngột, dễ biểu hiện những cảm xúc như cáu gắt, giận dữ...
  • Khó ngủ hoặc mất ngủ, dẫn đến tình trạng cơ thể bị suy nhược, mệt mỏi toàn thân.
  • Buồn nôn, nhất là vào thời điểm sáng sớm.
  • Tiểu tiện nhiều lần và thường xuyên.
  • Đối với trẻ sơ sinh khi bị u sọ hầu thì có thể có dấu hiệu đầu to một cách bất thường.
  • Thường xuyên mất thăng bằng cơ thể khi di chuyển nên dễ té ngã.
  • Dấu hiệu trầm cảm
  • Hôn mê

Mặc dù được xem là một bệnh lý lành tính như vị trí xuất hiện các khối u sọ hầu thường gần đồi thị, tuyến yên và những mạch máu, thần kinh quan trọng của sọ não nên u lành ống sọ hầu được xem là một bệnh lý khá nguy hiểm, tuy tiến triển chậm nhưng vẫn có nguy cơ tái phát và để lại những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị triệt để.

2. Phẫu thuật u sọ hầu

Phẫu thuật
Phẫu thuật để điều trị u sọ hầu hoặc kết hợp giữa xạ trị và tiểu phẫu cần thiết

Có rất nhiều cách điều trị bệnh u sọ hầu như phẫu thuật u sọ hầu để lấy khối u, xạ trị, hoặc kết hợp giữa xạ trị và tiểu phẫu cần thiết. Trong đó, phẫu thuật u sọ hầu là một trong những phương pháp điều trị u sọ hầu với tỷ lệ dứt điểm bệnh rất cao, ngăn chặn tình trạng tái phát sau điều trị.

Tuy nhiên, vì khối u sọ hầu thường nằm ở những vị trí mang tính chất nguy hiểm như gần tuyến yên, động mạch cảnh cũng những xung quanh khối u có giao thoa thị giác và những thần kinh quan trọng khác nên việc phẫu thuật u sọ hầu đòi hỏi phải được thực hiện bởi những bác sĩ có chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực này cũng như trang thiết bị phòng mổ phải đầy đủ.

Một lưu ý hết sức quan trọng khi điều trị bệnh u sọ hầu bằng phương pháp phẫu thuật đó là cần phải khảo sát những chỉ số về hệ nội tiết của bệnh nhân trước và sau khi phẫu thuật để theo sát được những tình trạng bệnh lý như suy thượng thận, suy giáp do u sọ hầu gây ra. Sau khi phẫu thuật thì cần chỉ định chụp cộng hưởng từ vùng sọ não để đánh giá phẫu thuật đã loại bỏ hoàn toàn được khối u chưa, nếu cần thiết thì sẽ có chỉ định điều trị tiếp tục bằng phương pháp xạ trị.

Chỉ định của phẫu thuật u sọ hầu bao gồm những trường hợp:

  • U sọ hầu tại vị trí hố yên, phía trên tuyến yên
  • U sọ hầu tại vị trí trên tuyến yên và nửa dưới của não thất 3 sao cho đường vào có độ rộng đủ để tiếp cận được khối u.

Chống chỉ định của phương pháp phẫu thuật đó là:

  • Những khối u sọ hầu tại vị trí phía ngoài động mạch cảnh trên một khoảng cách 10 mm.
  • U sọ hầu ở vị trí sừng trán.
  • U sọ hầu ở vị trí não thất bên, hoặc cách xa xoang bướm của hộp sọ.

Các bước tiến hành phẫu thuật u sọ hầu bao gồm:

  • Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, đầu thẳng và cằm nghiêng về bên phải, đồng thời ngửa lên tối đa và giữ cố định trên khung Mayfield.
  • Tiến hành gây mê bằng phương pháp gây mê nội khí quản trên bệnh nhân.
  • Cài đặt bộ định vị thần kinh
  • Vệ sinh vùng mũi và đặt Meche có tẩm dung dịch Naphazolin nhằm mục đích giúp cuống mũi co giãn tốt hơn.
  • Sát trùng khu vực phẫu thuật trên bệnh nhân.
  • Đặt optic và bộc lộ được phần sọ não trước xoang bướm.
  • Dùng khoan mài, cò súng để mở thành xoang.
  • Đốt niêm mạc xoang.
  • Tiến hành mở sàn hố yên, màng cứng và màng nhện.
  • Thực hiến lấy khối u ra khỏi sọ bệnh nhân bằng Curette, Pince và ống hút. Cần chú ý là lấy từng phần một của khối u và cần thận với những vị trí nhạy cảm lân cận như cuống tuyến yên, động mạch thân nền hay vùng giao thoa thị giác.
  • Cầm máu.
  • Dùng mỡ đùi để lấp đầy vị trí đã phẫu thuật.
  • Dùng cân đùi để làm đầy màng cứng.
  • Dùng vách ngăn mũi, mảng xương vách... và keo sinh học để tái tạo sàn hố yên.
  • Làm đầy ổ phẫu thuật bằng cách phủ vạt niêm mạc mũi,
  • Dùng Betadine loãng cùng với huyết thanh mặn để rửa vị trí phẫu thuật.
  • Dùng 2 Meche Merocel để đặt vào 2 mũi.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được lưu ý đến một số vấn đề như:

xạ trị
Sau phẫu thuật bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề theo chỉ dẫn của bác sĩ

  • Theo dõi dấu hiệu sinh tồn một cách kỹ càng, bao gồm mạch, nhịp thở, huyết áp và nhiệt độ.
  • Theo dõi những dấu hiệu tri giác, đồng tử và nước tiểu cũng như những chỉ số điện giải thường xuyên.
  • Áp dụng kháng sinh thế hệ 3 vào thời điểm sau phẫu thuật 1 tuần.
  • Trong trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu của bệnh lý suy tuyến yên thì cần chỉ định dùng Corticoid và những thuốc điều trị nội tiết.
  • Nếu bệnh nhân có dấu hiệu chảy máu thì cần cầm máu và mổ để lấy khối máu tụ.
  • Trong trường hợp giãn não thất sau phẫu thuật thì áp dụng dẫn lưu não thất qua ổ bụng hoặc ra ngoài ngay khi có thể.
  • Nếu rò dịch não tủy thì cần chọc dẫn lưu, phẫu thuật lại và khâu vị trí rò.
  • Bệnh nhân có những dấu hiệu nhiễm trùng thì cần điều trị kháng sinh phù hợp.

U sọ hầu tuy là bệnh lý lành tính nhưng vì vị trí của khối u khá nguy hiểm và liên quan đến những bộ phận nhạy cảm như mạch máu và thần kinh sọ não nên việc phẫu thuật u sọ hầu gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi người thực hiện phải có nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, phương pháp điều trị u sọ hầu này còn cần phải có những trang thiết bị cần thiết và cần được thực hiện ở những cơ sở y tế uy tín để có thể kịp thời xử trí những biến chứng xảy ra trong và sau quá trình phẫu thuật, mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan