Phương pháp nhịn ăn gián đoạn tác động đến cơ thể bạn như thế nào?

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Trưởng đơn nguyên Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Hiện nay có rất nhiều phương pháp nhịn ăn gián đoạn để giảm cân hay với mục đích giúp cải thiện một vài tình trạng bệnh lý như: đái tháo đường, ung thư, rối loạn thần kinh như các kết quả nghiên cứu trên động vật đã cho thấy. Vậy thực chất phương pháp nhịn ăn này tác động đến cơ thể bạn ra sao?

1. Các tài liệu hướng dẫn về dinh dưỡng khuyên nên ăn uống như thế nào?

Các tài liệu hướng dẫn về dinh dưỡng thường khuyên ăn các bữa ăn chính và bữa ăn phụ theo đúng giờ, không bỏ bữa và nhất là không bỏ bữa sáng. Việc ăn sáng và các bữa ăn phụ giữa các bữa ăn chính sẽ giúp cung cấp carbohydrates cần thiết cho duy trì lượng đường huyết. Những người làm dinh dưỡng thường nhắc đến câu nói của nhà dinh dưỡng học nổi tiếng người Mỹ Adelle Davis: “Ăn buổi sáng như hoàng đế, ăn buổi trưa như hoàng tử và ăn buổi tối như người ăn mày” để nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của việc ăn sáng. Vậy nếu có người cho rằng nên bỏ các bữa ăn một cách tiện, nhất là bỏ bữa sáng để thông minh hơn, khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn thì điều đó có đáng tin không?

phuong-phap-nhin-gian-doan-tac-dong-den-co-ban-nhu-nao
Các tài liệu hướng dẫn về dinh dưỡng thường khuyên ăn các bữa ăn đúng giờ, không bỏ bữa và nhất là không bỏ bữa sáng

2. Cơ sở của nhịn ăn gián đoạn

Cơ sở của việc nhịn ăn gián đoạn bắt đầu từ một bài trình bày của Weindruch và Sohal trong một bài báo năm 1997 trên tạp chí NEJM. Trong bài trình bày tác giả có nêu lại một thí nghiệm trên giống chuột B1OC3F được chia làm 2 nhóm: một nhóm chứng với chế độ ăn bình thường và nhóm hạn chế với chế độ ăn thiếu dinh dưỡng nhưng không suy dinh dưỡng (hạn chế khẩu phần ăn nhưng có đủ các thành phần dinh dưỡng) từ khoảng 12 tháng tuổi. Kết quả cho thấy nhóm hạn chế có tuổi thọ nhiều hơn 11% so với nhóm chứng. Một số nghiên cứu khác trên mô hình động vật cũng đưa ra kết luận tương tự. Thông thường các nhà dinh dưỡng giải thích nguyên nhân của hiện tượng này là do sự giảm tỉ lệ mỡ trong cơ thể: có lẽ nhóm chứng có khối mỡ nhiều hơn nên bị các bệnh mạn tính nhiều hơn và tuổi thọ ngắn hơn. Tuy nhiên Weindruch và Sohal không đồng ý với lập luận này, bởi chính họ cũng làm thực nghiệm trên giống chuột C57BL/6J có mang gen béo phì.

Giống chuột này ở chế độ ăn tự do có đến 67% khối lượng cơ thể là mỡ. Tỉ lệ mỡ trong cơ thể của giống chuột này ở chế độ ăn hạn chế là 48% cao hơn tỉ lệ ở loài chuột không có gen béo phì ở chế độ ăn tự do là 22%. Nhưng giống chuột có gen béo phì ở chế độ ăn hạn chế cũng có tuổi thọ tương tự như chuột không có gen béo phì ở chế độ ăn hạn chế và cao hơn tuổi thọ của chuột không có gen béo phì có chế độ ăn tự do. Từ đó Weindruch và Sohal gợi ý rằng không phải là lượng mỡ hay trọng lượng cơ thể quyết định tuổi thọ mà chính là do chế độ ăn hạn chế giảm sự hình thành các gốc oxy tự do đã đem lại lợi ích về sức khỏe và tuổi thọ.

3. Những hạn chế của nghiên cứu này

Lý thuyết giải thích lợi ích của chế độ ăn hạn chế dựa trên hình thành gốc oxy tự do được cộng đồng khoa học lúc đó chấp nhận. Tuy nhiên về sau các nhà khoa học cũng phát hiện sự không chặt chẽ của lý giải này: chuột có gen béo phì có khẩu phần ăn hạn chế có lượng thức ăn vào cũng cao hơn chuột không có gen béo phì có chế độ ăn tự do, nhưng chuột có gen béo phì có khẩu phần ăn hạn chế vẫn sống lâu hơn. Vì vậy các nhà khoa học đưa ra lời giải thích là lợi ích của khẩu phần ăn hạn chế không phải do lượng chất béo trong cơ thể hay do sự tạo ra gốc oxy tự do mà do chính sự hạn chế trong khẩu phần ăn: Với khẩu phần ăn hạn chế chuột ăn hết khẩu phần của mình trong thời gian ngắn sau khi được cho ăn và thời gian nhịn ăn mỗi ngày lên đến 20 giờ và lợi ích đem lại là do sự hình thành các thể ketone trong thời gian nhịn đói (Cabo)(5).

Lý giải này giải thích được các kết quả thí nghiệm do Weindruch và các nhà khoa học khác thực hiện. Tuy nhiên câu hỏi tiếp theo là điều này có hợp lý về mặt tiến hóa sinh học, có thể giải thích bằng cơ chế trao đổi chất và sinh học phân tử, có bằng chứng dựa trên các nghiên cứu tiền lâm sàng (thử nghiệm trên súc vật) và nghiên cứu lâm sàng (thử nghiệm con người) hay không.

4. Trước đây tổ tiên của chúng ta ăn uống như thế nào?

Tổ tiên của con người từng là một loài linh trưởng và người tiền sử. Dù là vượn người hay người tiền sử, tổ tiên của chúng ta không thể có được 3 bữa ăn (chưa nói đến các bữa phụ) mỗi ngày một cách đều đặn với đầy đủ chất dinh dưỡng khác. Cũng như các loài động vật khác (trừ các con vật nuôi ở trang trại), con người phải trải qua những lúc nhịn ăn xen kẽ với những lúc được ăn đầy đủ. Vì vậy về mặt tiến hóa, các động vật và con người phải có các cơ chế phân tử, tế bào, cơ quan và cơ thể về mặt chuyển hóa chất để thích ứng với tình trạng nhịn ăn gián đoạn này. Vì vậy việc ăn uống đều đặn và đầy đủ có lẽ mới là tình trạng không sinh lí và việc nhịn ăn gián đoạn là có lợi về mặt tiến hóa cho các loài động vật. Mặc dù lợi ích của việc nhịn ăn gián đoạn đến kéo dài tuổi thọ là khác nhau (ảnh hưởng bởi giới tính, chế độ ăn uống và yếu tố di truyền), các nghiên cứu trên chuột và linh trưởng cho thấy tác dụng hằng định của việc hạn chế khẩu phần ăn đối với tuổi thọ khỏe mạnh. Điều không may, trong thời đại hiện nay, hầu hết mọi người tiêu thụ ba bữa một ngày cộng với bữa phụ, do đó, việc nhịn ăn gián đoạn không xảy ra. Tuy nhiên vẫn có một số người vẫn thực hiện phương pháp giảm cân nhịn ăn gián đoạn.

phuong-phap-nhin-gian-doan-tac-dong-den-co-ban-nhu-nao
Hiện nay hầu như việc nhịn ăn gián đoạn không xảy ra, nhưng một số người vẫn thực hiện phương pháp giảm cân nhịn ăn gián đoạn

5. Phương pháp nhịn ăn gián đoạn tác động đến cơ thể bạn như thế nào?

Các nghiên cứu trên động vật và con người đã chỉ ra rằng, nhiều lợi ích sức khỏe của việc nhịn ăn gián đoạn không chỉ đơn giản là kết quả của việc giảm sản xuất gốc tự do hoặc nhịn ăn gián đoạn để giảm cân. Thay vào đó, nhịn ăn gián đoạn kích hoạt các phản ứng tế bào có tính chất thích ứng và được phát triển theo quá trình tiến hóa, tích hợp giữa các cơ quan và bên trong cơ quan theo cách cải thiện sự điều hòa glucose, tăng sức đề kháng stress và ức chế viêm. Trong quá trình nhịn ăn, các tế bào kích hoạt các con đường giúp tăng cường phòng thủ nội tại chống lại stress oxy hóa và trao đổi chất và con đường loại bỏ hoặc sửa chữa các phân tử bị hư hỏng.

Trong giai đoạn nuôi dưỡng, các tế bào tham gia vào các quá trình tăng trưởng và tính mềm dẻo. Các nghiên cứu tiền lâm sàng luôn cho thấy hiệu quả của việc nhịn ăn gián đoạn ở mô hình động vật trong điều chỉnh quá trình bệnh tật của một loạt các rối loạn mãn tính, bao gồm béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư và bệnh thoái hóa thần kinh. Việc tắt mở theo chu kì con đường chuyển hóa chất không chỉ cung cấp các ketone cần thiết để cung cấp năng lượng cho tế bào trong thời gian nhịn ăn mà còn tạo ra các phản ứng tế bào và toàn thân được phối hợp chặt chẽ có tính kéo dài đến trạng thái được nuôi ăn để tăng cường hiệu suất tinh thần và thể chất, cũng như khả năng kháng bệnh.

Tóm lại khi có ý định thực hiện phương pháp giảm cân nhịn ăn gián đoạn hay nhịn ăn với bất kỳ một mục đích nào khác, bạn cũng cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia. Tránh việc tự ý thực hiện, bởi điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và gây ra nhiều hệ lụy khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đỗ Văn Dũng. Nhịn ăn gián đoạn ảnh hưởng lên tuổi thọ và sức khỏe. y học thành phố hồ chí minh . Năm 2020 - Tập 24 - Số 1
  2. . Schiff W (2011). Nutrition for healthy living, 2nd ed. New York: McGraw-Hill.
  3. Chiang Z (2018). Eat Breakfast Like a King. URL: https://www.diabetes.org.sg/resources/0412-eat.pdf.
  4. Weindruch R, Walford RL (1982). Dietary restriction in mice beginning at 1 year of age: effect on life-span and spontaneous cancer incidence. Science, 215(4538):1415-1418.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan