Quy trình chụp cắt lớp vi tính bụng/ tiểu khung có tiêm cản quang

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có trên 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm – chẩn đoán hình ảnh.

Chụp cắt lớp vi tính bụng, tiểu khung có tiêm cản quang là kỹ thuật sử dụng máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy để tái tạo hình ảnh toàn bộ cấu trúc của vùng ổ bụng và tiểu khung để tìm kiếm, phát hiện các tổn thương, bất thường, bệnh lý trong vùng được chụp nếu có.

1. Tổng quan về chụp cắt lớp vi tính bụng, tiểu khung có tiêm cản quang

Chụp cắt lớp vi tính bụng, tiểu khung có tiêm cản quang là sử dụng máy chụp cắt lớp vi tính ít dãy đầu thu với ứng dụng của tia X và các thuật toán để chụp và tái tạo các cơ quan tạng thuộc vùng bụng và tiểu khung từ vòm hoành đến khớp mu bao gồm: Gan, đường mật, túi mật, tụy, lá lách, ống tiêu hóa, .... Trong chụp cắt lớp vi tính, sử dụng thuốc cản quang iod có tác dụng làm sáng những cấu trúc, tổn thương, cho kết quả hình ảnh rõ hơn, nhờ đó giúp các bác sĩ dễ dàng phân biệt và thực hiện các chẩn đoán.

Ngoài đánh giá nhu mô tạng, chụp cắt lớp vi tính bụng, tiểu khung sử dụng thuốc tiêm cản quang iod đường tĩnh mạch còn cho phép đánh giá hình thái và bệnh lý các mạch cung cấp máu cho các tạng, cũng như các cuống mạch cấp máu và dẫn lưu của những mạch máu dị dạng, tổn thương trong các trường hợp khối u nếu có.

2. Chỉ định chụp cắt lớp vi tính bụng, tiểu khung có tiêm cản quang

Chụp cắt lớp vi tính tầng trên ổ bụng có tiêm cản quang được chỉ định trong những trường hợp khăm khám để giúp phát hiện bất thường ở các cơ quan tạng như:

  • Gan: Tổn thương ở gan như chấn thương, áp xe gan, viêm gan, khối u.
  • Đường mật,túi mật: Bệnh lý đường mật - túi mật như, sỏi mật, khối u.
  • Tụy: Bệnh lý tụy như viêm tụy cấp và mãn tính, u tụy.
  • Lách: Tổn thương lách như chấn thương, khối u.
  • Ống tiêu hóa: Tổn thương ống tiêu hóa như viêm, chấn thương, xuất huyết tiêu hóa, khối u.
  • Các tổn thương khác: Áp xe vùng bụng, tiểu khung, viêm bờm mỡ mạc treo, u mạc treo, hoại tử mạc nối, ...

Lưu ý, thai phụ những tuần đầu tiên cần được cân nhắc chỉ định chụp cắt lớp vi tính tầng trên ổ bụng có tiêm cản quang.

Áp xe gan
Bệnh nhân áp xe gan được chỉ định chụp cắt lớp vi tính tầng trên ổ bụng có tiêm cản quang

3. Tại sao nên tiêm cản quang trong chụp cắt lớp vi tính bụng, tiểu khung

  • Quy trình chụp cắt lớp vi tính bụng/tiểu khung có tiêm cản quang đảm bảo an toàn với nguy cơ nhiễm bức xạ rất thấp.
  • Vùng bụng rộng nên tương đối khó quan sát. Tiêm cản quang sẽ giúp hiển thị và phân biệt các cấu trúc được rõ ràng hơn.
  • Thuốc cản quang có tác dụng làm nổi rõ hơn cấu trúc cũng như bề mặt của khối u.
  • Giúp chẩn đoán chính xác trong các trường hợp nhiễm trùng, viêm, áp xe nội tạng.
  • Giúp chẩn đoán kỹ và phát hiện các bệnh lý mạch máu như phình mạch, bóc tách mạch máu, bóc tách mạch máu không rõ nguyên nhân.
  • Chụp cắt lớp vi tính bụng, tiểu khung có tiêm cản quang là phương pháp có độ nhạy cao để chẩn đoán, đánh giá mức độ vôi hóa, vùng tưới máu hoặc xác định nguồn mạch nuôi khối u.
Thuốc cản quang
Nên tiêm cản quang trong chụp cắt lớp vi tính bụng, tiểu khung nhằm làm nổi rõ hơn cấu trúc cũng như bề mặt của khối u.

4. Quy trình chụp cắt lớp vi tính bụng/tiểu khung có tiêm cản quang

Quy trình chụp cắt lớp vi tính bụng/tiểu khung có tiêm cản quang gồm các bước sau:

  • Bước 1: Bệnh nhân được đặt nằm ngửa trên bàn chụp, giơ hai tay lên phía trên đầu để hạn chế nhiễu ảnh. Kỹ thuật viên hướng dẫn và yêu cầu bệnh nhân nín thở trong khi chụp để tránh làm nhiễu ảnh.
  • Bước 2: Thiết lập đường truyền tĩnh mạch để tiêm thuốc cản quang. Liều dùng thuốc cản quang iod là từ 1,5 - 2 ml/kg cân nặng. Sử dụng bơm tiêm máy để tiêm nhanh với vận tốc tối thiểu cần đạt là 3ml/s. Sau tiêm, vận tốc tiêm ở các thì động mạch và tĩnh mạch cần đạt từ 4 - 5ml/s.
  • Bước 3: Chụp cắt lớp vi tính bụng, tiểu khung từ vòm hoành đến khớp mu, độ dày lớp cắt là 5 - 8mm, những tổn thương nhỏ được chụp với lớp cắt mỏng khoảng 3mm. Tùy vào độ lớn của từng cá thể và để đánh giá toàn bộ hệ xương, mỡ, khí, mô mềm, kỹ thuật viên sẽ tiến hành thay đổi trường nhìn phù hợp và độ rộng của cửa sổ tương ứng. Tiến hành chụp với các lớp cắt ngang trước khi tiêm thuốc cản quang để định vị tổn thương. Đánh giá thành phần tổn thương bao gồm mỡ, chảy máu hoặc vôi hóa bằng cách đo tỷ trọng vùng nghi ngờ tổn thương. So sánh tỷ trọng vùng tổn thương sau khi tiêm thuốc cản quang để đánh giá mức độ thẩm thấu thuốc của tạng, mạch máu tổn thương nhiều hoặc ít. Xem xét khả năng nhiễm trùng, chảy máu bằng cách đo tỷ trọng cấu trục dịch bên trong ổ bụng, đồng thời đánh giá tình trạng thuốc cản quang có thoát từ lòng ống tiêu hóa vào khoang phúc mạc và sau phúc mạc.
chụp cắt lớp
Tiến hành chụp với các lớp cắt ngang trước khi tiêm thuốc cản quang để định vị tổn thương
  • Bước 4: Chụp cắt lớp vi tính bụng, tiểu khung với các lớp cắt ở thì động mạch sau khi tiêm thuốc cản quang từ giây thứ 25 - 30 để đánh giá các tình trạng bao gồm: mức độ cấp máu đến khối u, rối loạn tưới máu nhu mô ở những tạng đặc, phát hiện tĩnh mạch dẫn lưu trong dị dạng thông động mạch và tĩnh mạch, dị dạng thành mạch ống tiêu hóa gây xuất huyết tiêu hóa, chấn thương làm thoát thuốc.
  • Bước 5: Chụp cắt lớp vi tính bụng, tiểu khung với các lớp cắt ở thì tĩnh mạch sau khi tiêm thuốc cản quang từ giây thứ 60 - 70 để đánh giá các tình trạng như: mức độ thải thuốc của khối u, phát hiện chấn thương làm vỡ tạng trong ổ bụng. Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân, kỹ thuật viên tiến hành chụp các lớp cắt ở thì muộn hơn, sau khi tiêm thuốc cản quang khoảng 5 -7 phút.
  • Bước 6: Kỹ thuật viên tái tạo hình ảnh trên máy chụp và phòng chụp. Kết quả hình ảnh phải đảm bảo rõ nét, không bị nhiễu để bác sĩ có thể chẩn đoán, phát hiện những bất thường nếu có.
Chụp cắt lớp vi tính
Kỹ thuật viên tái tạo hình ảnh trên máy chụp và phòng chụp

5. Tai biến trong chụp cắt lớp vi tính bụng, tiểu khung có tiêm cản quang

Chụp cắt lớp vi tính bụng, tiểu khung có tiêm cản quang là kỹ thuật hiện đại, nguy cơ nhiễm bức xạ rất thấp, thuốc cản quang được sử dụng chỉ làm đổi màu các cơ quan tạng tạm thời để phục vụ chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp rất hiếm gặp, các phản ứng với thuốc cản quang có thể xảy ra với các mức độ sau:

  • Nhẹ: Đau đầu, buồn nôn và nôn, ngứa, nóng, nổi mề đay hoặc nổi mẩn nhẹ.
  • Trung bình: Tụt hoặc tăng huyết áp, khó thở, thở khò khè, rối loạn nhịp tim, nổi mề đay hoặc nổi mẩn nặng.
  • Nặng: Sưng họng, khó thở, co giật, tụt huyết áp, ngưng tim, sưng phù một số bộ phận khác trên cơ thể.

Những trường hợp bệnh nhân có dị ứng với thuốc cản quang đã được chống chỉ định chụp cắt lớp vi tính bụng, tiểu khung, do đó, phần lớn các trường hợp được chỉ định thực hiện, nếu xuất hiện tình trạng dị ứng thường chỉ ở mức độ nhẹ và nếu nặng sẽ được xử trí theo phác đồ dị ứng.

Chụp cắt lớp vi tính bụng, tiểu khung có tiêm cản quang là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại giúp tìm kiếm, phát hiện những bất thường về bệnh lý hoặc các chấn thương ở các tạng như gan, tụy, lách, ...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan