Quy trình chụp cộng hưởng từ hốc mắt và thần kinh thị giác có tiêm thuốc đối quang từ

Bài viết được thực hiện bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tôn Nữ Trà My - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Cộng hưởng từ (MRI) hốc mắt và thần kinh thị giác có tiêm thuốc đối quang từ là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại tạo ra các hình ảnh rõ nét về hốc mắt và thần kinh thị giác mà phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác không làm được giúp chẩn đoán các bệnh lý nhãn cầu, hậu nhãn cầu, u dây thần kinh thị giác,...

1. Tìm hiểu về chụp cộng hưởng từ hốc mắt và thần kinh thị giác có tiêm thuốc đối quang từ?

  • Các tổn thương về hốc mắt và dây thần kinh thị giác nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa. Trong đó những tổn thương này đều là những chi tiết rất nhỏ trong sọ não khó có thể phát hiện qua cộng hưởng từ sọ não thông thường hay cộng hưởng từ sọ não không tiêm thuốc đối quang từ. Do đó, bệnh nhân cần được chỉ định kỹ thuật cộng hưởng từ chuyên biệt là chụp cộng hưởng từ hốc mắt và thần kinh thị giác có tiêm thuốc đối quang từ.
  • Phương pháp này sử dụng từ trường và sóng vô tuyến đồng thời sử dụng chất tương phản, do đó giúp phân biệt các cấu trúc bệnh lý và cấu trúc bình thường 🡪 độ nhạy và độ đặc hiệu trong chẩn đoán cao. Kỹ thuật này được áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán bệnh lý của nhãn cầu, hậu nhãn cầu, u hậu nhãn cầu, bệnh lý của các cơ vận nhãn, các tổn thương trong nón gồm bất thường mạch máu, u dây thần kinh thị giác và các tổn thương ngoài nón gồm áp xe hốc mắt, u dây thần kinh mặt, tổn thương xương...
Giải phẫu mắt
Vị trí dây thần kinh thị giác trên hình ảnh giải phẫu hốc mắt

2. Chỉ định và chống chỉ định

2.1 Chỉ định

  • Những trường hợp chụp cộng hưởng từ hốc mắt và thần kinh thị giác không tiêm thuốc không phát hiện tổn thương mà vẫn nghi ngờ bệnh lý.
  • Trên lâm sàng có biểu hiện mất thị giác, khám lâm sàng phù hợp với tổn thương nội sọ trước hoặc sau giao thoa thị
  • Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn thị giác như nhìn mờ, rối loạn màu sắc,.. mà không tìm thấy nguyên nhân bằng các phương tiện chẩn đoán khác
  • Nghi ngờ có bất thường mạch máu của hốc mắt như dị dạng động tĩnh mạch, dò động mạch cảnh- xoang hang,..
  • U nhãn cầu như u võng mạc, u sắc tố
  • U tuyến lệ
  • Khối áp xe trong mắt
  • U màng não dây thần kinh thị giác
  • Bệnh nhãn giáp
  • U tế bào đệm thần kinh thị
  • Theo dõi sau điều trị nội khoa cũng như phẫu thuật, nút mạch...

2.2 Các chống chỉ định

  • Người bệnh có trong người máy tạo nhịp tim (chống chỉ định tuyệt đối)
  • Trong người có kim loại có từ tính (chống chỉ định tương đối), đặc biệt là có dị vật kim loại bên trong hốc mắt
  • Người có tiền sử dị ứng với chất tương phản.
  • Người sợ khoang kín, không có khả năng nằm yên
Mang thai khi có kinh nguyệt
Phụ nữ mang thai dưới 12 tuần không nên chụp MRI hốc mắt và thần kinh thị giác

3. Quy trình chụp cộng hưởng từ hốc mắt và thần kinh thị giác có tiêm thuốc đối quang từ

3.1 Chuẩn bị

  • Bệnh nhân được giải thích rõ về mục đích chụp, các nguy cơ tai biến xảy ra
  • Có bản cam kết đồng ý tiêm thuốc đối quang từ của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân
  • Có giấy chỉ định chụp của bác sĩ lâm sàng với chẩn đoán nghi ngờ
  • Bệnh nhân được kỹ thuật viên hướng dẫn thay đồ phòng chụp, tháo bỏ các trang sức, đồng hồ, điện thoại, vật dụng kim loại,...
  • Có đầy đủ thuốc an thần cho bệnh nhân không thể nằm yên hoặc trẻ em, thuốc đối quang từ, hộp chống sốc phản vệ

Các bước tiến hành

Bước 1: Người bệnh được di chuyển vào khoang máy. Bệnh nhân được hướng dẫn nằm ngửa trên bàn chụp sau đó di chuyển bàn chụp vào vùng từ trường của máy

Bước 2: Kỹ thuật viên thực hiện kỹ thuật chụp từ phòng điều khiển từ xa. Kỹ thuật bao gồm các bước sau:

  • Chụp định vị
  • Lựa chọn các chuỗi xung chẩn đoán phù hợp với lâm sàng. Thực hiện các chuỗi xung thông thường: T1, T2, Flair với các hướng cắt bao gồm cắt ngang, đứng ngang, và đứng dọc. Hướng cắt ngang là theo trục dây thị giác, hướng đứng dọc theo trục dây thị giác mỗi bên, hướng đứng ngang là hướng vuông góc với trục dây thị giác. Các xung này để chế độ xóa mỡ (Fat - sat). Sau đó tiến hành cho chạy từng xung.

Bước 3: Tiến hành cho chạy từng xung và xử lý hình ảnh thu được lựa chọn các ảnh rõ ràng bộc lộ bệnh lý

Bước 4: Tiêm thuốc đối quang. Tiêm thuốc đối quang theo đường tĩnh mạch . Tiến hành chụp bằng xung T1 xóa mỡ theo 3 hướng cắt không gian dành cho hốc mắt (tính theo trục là dây thần kinh thị).

Bước 5: Đọc kết quả từ bác sĩ chẩn đoán hình ảnh.

MRI hốc mắt
Kết quả chụp cộng hưởng từ giúp bác sĩ tìm nguyên nhân gây bệnh và có phác đồ điều trị tốt nhất

4. Tai biến liên quan đến kỹ thuật

  • Phản ứng dị ứng với chất tương phản từ nhẹ đến nặng bao gồm: buồn nôn, nôn, mề đay, rối loạn tiêu hóa, co thắt khí phế quản,... . Nặng nhất là tình trạng sốc phản vệ có thể tử vong nhanh chóng tuy nhiên trường hợp này hiếm xảy ra. Cần có thái độ xử trí kịp thời theo từng trường hợp cụ thể, phòng chụp cần có đầy đủ dụng cụ chống sốc
  • Suy giảm chức năng gan thận. Thông báo với bác sĩ về tiền sử bệnh lý gan thận.
  • Từ trường có thể không gây hại nhưng nó có thể phá hủy các thiết bị cấy ghép hoặc làm ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan