Sán lá gan lớn ở người là bệnh gì?

Sán lá gan lớn là một ký sinh trùng gây tổn thương tại nhu mô gan khi người vô tình mắc phải. Bệnh lý này còn làm ảnh hưởng đến toàn thân, gây ăn uống kém, sụt cân và suy mòn. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức và thăm khám sớm để được điều trị đúng cách khi phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ.

1. Sán lá gan lớn ở người là bệnh gì?

Sán lá gan lớn ở người là bệnh lý nhiễm ký sinh trùng, gây ra bởi hai tác nhân có tên khoa học là Fasciola hepattcaFasciola gigantlca. Trong đó, loài Fasciola gigantica được phân bố chủ yếu ở Châu Á với các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam. Trong khi đó, loài Fasciola hepatica lại phân bố chủ yếu ở Châu Âu, Nam Mỹ, Châu Phi và chỉ một ít vùng ở Châu Á.

Trong chuỗi ký chủ để ký sinh của sán lá gan, người không phải là ký chủ chính mà chỉ là vật chủ ngẫu nhiên, tình cờ mắc bệnh. Thay vào đó, các loài động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu mới là ký chủ chính. Đồng thời, sán lá gan còn có ký chỉ trung gian là các loài ốc sống trong nước, bùn lầy. Vì vậy, khi người do ăn ốc chưa chế biến chín hay ăn sống các loại rau, lá mọc dưới nước như rau nhút, rau cần, cải xoong, ngó sen... hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán chưa nấu chín thì dễ bị mắc bệnh.

Cừu
Các loài động vật như cừu mới là chủ ký gây bệnh

2. Triệu chứng của bệnh sán lá gan lớn như thế nào?

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh do sán lá gan lớn gây nên thường không đặc hiệu, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển và vị trí sán ký sinh, cũng như số lượng ấu trùng sán xâm nhập vào cơ thể người. Theo đó, người bệnh có thể đi khám trong bệnh cảnh mạn tính diễn tiến từ từ hay nhập viện trong bệnh cảnh có triệu chứng bụng ngoại khoa cấp tính.

Các dấu hiệu sau đây là thường gặp ở người mắc bệnh sán lá gan:

  • Mệt mỏi, gầy sút cân, suy mòn chưa rõ nguyên nhân. Trẻ em thì chậm lớn, suy dinh dưỡng.
  • Đau bụng vùng hạ sườn phải, lan về phía sau hoặc vùng thượng vị - mũi ức. Tính chất đau không đặc hiệu, có thể đau âm ỉ, đôi khi dữ dội, cũng có trường hợp không đau bụng.
  • Ăn uống kém, thất thường, cảm giác chán ăn.
  • Rối loạn chức năng đường ruột với triệu chứng buồn nôn, nôn ói, đầy bụng, chậm tiêu.
  • Có các cơn sốt thất thường như sốt cao, sốt kèm rét run hoặc chỉ sốt âm ỉ mơ hồ thoáng qua rồi tự hết hay có thể sốt kéo dài chưa rõ nguyên nhân.
  • Hội chứng thiếu máu mạn tính với dấu hiệu da xanh, móng tay trắng, niêm mạc mắt, môi, lưỡi nhợt nhạt.

Đối với các trường hợp sán lá gan lớn gây ra biến chứng tắc nghẽn các ống tiết trên đường tiêu hóa, người bệnh sẽ có biểu hiện lâm sàng của các bệnh lý như vàng da tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hoá...

Việc thăm khám lâm sàng là bước cần làm kế tiếp, quan trọng nhất là nhằm xác định hướng xử trí có cần đến can thiệp ngoại khoa hay không. Các triệu chứng cơ năng khi thăm khám có thể ghi nhận được là:

  • Sờ ấn đau vùng hạ sườn phải.
  • Xác định kích thước gan to hơn, mật độ mềm, ấn đau. Đôi khi có dấu hiệu ấn kẽ liên sườn. Gõ có dịch trong ổ bụng, dịch trong màng phổi.
  • Nếu vị trí sán lá gan gây tắc nghẽn, người bệnh sẽ phản ứng khi ấn bụng đau chói và đề kháng, nghĩ đến khả năng viêm phúc mạc.
  • Các biểu hiện toàn thân như hội chứng nhiễm ký sinh trùng với dấu phát ban trên da, tổn thương các cơ quan khác nếu sán ký sinh lạc chỗ...
điều trị vàng da
Vàng da tắc mặt là một bệnh lý của sán lá gan lớn

3. Các xét nghiệm nào cần làm trong bệnh sán lá gan lớn?

Tác nhân gây bệnh có thể được phát hiện bằng xét nghiệm sự xuất hiện của kháng thể trong huyết thanh bằng xét nghiệm ELISA. Xét nghiệm này cũng thực hiện như các xét nghiệm máu thông thường. Nếu nồng độ kháng thể chống kháng nguyên sán lá gan tăng cao, đặc biệt là kháng thể IgM thì giúp nghĩ đến chẩn đoán này.

Bên cạnh đó, việc soi cấy phân hay dịch mật có thể giúp tìm thấy trứng sán. Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện được trứng sán rất thấp và còn phụ thuộc vào phương pháp xét nghiệm, kinh nghiệm của kỹ thuật viên. Đồng thời, cần chú ý phân biệt trứng của sán lá gan lớn với các ký sinh trùng đường ruột khác.

Ngoài các xét nghiệm xác định tác nhân nêu trên, người bệnh cũng cần được tiến hành các cận lâm sàng tổng quát khác. Đối với xét nghiệm công thức máu, tỷ lệ bạch cầu ái toan tăng cao trong khi tổng số lượng bạch cầu bình thường thì có thể gợi ý trường hợp nhiễm ký sinh trùng.

Về các công cụ chẩn đoán hình ảnh, siêu âm là phương tiện đầu tay để khảo sát các cấu trúc của hệ thống gan mật. Hình ảnh trên siêu âm có thể cho thấy các tổn thương gan do sán lá gan lớn là những ổ phản âm hỗn hợp hình tổ ong. Ngoài ra, siêu âm cũng giúp nhận biết có tụ dịch dưới bao gan, dịch trong ổ bụng hay trong màng phổi. Trong một số trường hợp cần thiết, khi nghi ngờ hệ thống ống mật tụy bị tắc nghẽn chưa rõ nguyên nhân thì có thể chụp cắt lớp vi tính ổ bụng để giúp khảo sát chi tiết hơn.

Xét nghiệm ELISA
Xét nghiệm ELISA giúp chẩn đoán bệnh sán lá gan lớn

4. Điều trị bệnh sán lá gan lớn như thế nào?

Nhóm thuốc có chỉ định dùng để điều trị đặc hiệu đầu tay trong các trường hợp bị nhiễm sán lá gan lớn là triclabendazole, thường được bào chế dưới dạng viên hàm lượng 250mg. Liều dùng là 10 mg cho mỗi kilogam cân nặng cơ thể và chỉ dùng một liều duy nhất. Người bệnh cần uống thuốc với nước đun sôi để nguội và uống sau bữa ăn.

Khi có chỉ định dùng thuốc, cần lưu ý các nhóm đối tượng có chống chỉ định như người đang mắc các bệnh lý cấp tính khác, nhất là bệnh nhiễm trùng; phụ nữ có thai hay đang cho con bú; người có tiền sử mẫn cảm với thuốc hoặc một trong các thành phần của thuốc; người đang vận hành máy móc, tàu xe; người bệnh trong giai đoạn cấp của các bệnh mạn tính về gan, thận, tim mạch... Đồng thời, cần thông báo cho người bệnh biết và theo dõi các tác dụng không mong muốn của thuốc có thể xảy ra ngay sau uống thuốc như:

  • Đau bụng vùng hạ sườn phải, có thể đau âm ỉ hoặc thành cơn
  • Sốt nhẹ
  • Đau đầu nhẹ
  • Buồn nôn, nôn ói
  • Nổi mẩn, ngứa

May mắn là trong hầu hết các trường hợp, những triệu chứng trên chỉ xảy ra mới mức độ nhẹ và thoáng qua, không phải xử trí đặc hiệu gì.

Trong trường hợp sán lá gan gây tổn thương một khối nhu mô gan, dẫn đến hình thành ổ áp xe gan, việc điều trị bằng thuốc theo hướng dẫn như trên có thể không có hiệu quả tiêu diệt ký sinh trùng. Lúc này, người bệnh nên được xem xét can thiệp chọc hút ổ áp xe, nhất là đối với các khối áp xe có kích thước đường kính từ trên 6cm.

Nhóm thuốc triclabendazole
Nhóm thuốc triclabendazole có tác dụng hiệu quả điều trị sán lá gan

5. Cách theo dõi người bệnh sán lá gan sau điều trị

Sau khi dùng một liều thuốc duy nhất, bệnh nhân cần được tái khám nhằm đánh giá lại hiệu quả tiêu diệt ký sinh trùng. Thời điểm tái khám là trong vòng 3 ngày sau khi uống thuốc và các thời điểm tiếp theo là sau 3 tháng, 6 tháng.

Trong các lần khám này, bác sĩ sẽ đánh giá những triệu chứng lâm sàng giảm hoặc hết, khả năng tiêu hóa của người bệnh được hồi phục hay chưa. Đồng thời, một số cận lâm sàng cũng được chỉ định lại như tổng phân tích máu đánh giá tỷ lệ bạch cầu ái toan trở về bình thường hoặc giảm, siêu âm gan đánh giá kích thước các ổ tổn thương gan giảm. Xét nghiệm tìm trứng trong phân hoặc dịch mật không còn.

Trong trường hợp điều trị một lần không hiệu quả, diễn tiến lâm sàng không thuận lợi và kết quả các cận lâm sàng không đạt thì cần xem xét tiếp tục điều trị với Triclabendazole lần thứ hai. Lượng thuốc tăng lên với 20mg/kg cân nặng, chia thành hai lần uống cách nhau từ 12 đến 24 giờ. Sau đó, việc theo dõi điều trị lặp lại như trên.

Cần lưu ý rằng xét nghiệm kháng thể trong huyết thanh chỉ giúp chẩn đoán bệnh mà không giúp theo dõi, đánh giá hiệu quả điều trị bệnh vì nồng độ kháng thể có thể tồn tại rất lâu dài sau điều trị. Hơn thế nữa, nếu các công cụ hình ảnh học cho thấy tổn thương trong nhu mô gan lớn, hình thành khối áp xe hay vị trí của sán lá gây tắc nghẽn thì nên xem xét kết hợp điều trị ngoại khoa ngay từ đầu. Ngoài ra, khi người bệnh đã được điều trị khỏi bệnh, việc tái nhiễm sán lá gan lớn vẫn có thể xảy ra nếu vẫn tiếp tục các yếu tố nguy cơ thay vì tích cực phòng tránh.

Tóm lại, bệnh sán lá gan là một bệnh lý nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa khá thường gặp ở nước ta khi thói quen ăn sống còn phổ biến ở nhiều vùng miền. Việc chẩn đoán sớm và tích cực điều trị, phòng ngừa tái nhiễm là điều cần thiết để khôi phục sức khỏe cho chính mình và người thân, tránh để dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Nguồn tham khảo: vncdc.gov.vn

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan