Siêu âm sỏi thận có cần nhịn ăn không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Đức - Bác sĩ Y học hạt nhân - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh.

Siêu âm là phương tiện chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, không gây khó chịu và an toàn cho người bệnh. Siêu âm bụng là xét nghiệm được ưu tiên chỉ định khi nghi ngờ các bệnh lý các cơ quan trong ổ bụng, trong đó có siêu âm thận phát hiện sỏi thận. Vậy khi thực hiện siêu âm sỏi thận có cần nhịn ăn không?

1. Siêu âm để làm gì?

Siêu âm là phương tiện chẩn đoán hình ảnh bằng việc ứng dụng sóng âm tần số lớn để quan sát những bất thường trong cơ thể thông qua những hình ảnh đen trắng được quy ước khác nhau.

Siêu âm có thể ghi nhận nhiều bệnh lý liên quan đến các tạng trong ổ bụng như: gan, thận, tụy, lách, bàng quang, tiền liệt tuyến, tử cung, phần phụ... Bên cạnh đó, siêu âm còn rất nhạy trong phát hiện bệnh lý viêm ruột thừa, các khối u lớn của ruột, ghi nhận sự hiện diện của dịch bất thường trong ổ bụng hay trong màng phổi...

Ưu điểm vượt trội của siêu âm so với các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác là không xâm lấn, tương đối an toàn với sức khỏe, rẻ tiền, dễ thực hiện và chưa ghi nhận bất kỳ biến chứng nào.

Một nhược điểm của siêu âm chính là kết quả phụ thuộc vào người làm.

2. Siêu âm sỏi thận là gì?

Sỏi thận nói riêng và sỏi đường tiết niệu nói chung là loại bệnh lý hay gặp trên đường tiết niệu. Tỷ lệ bắt gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới, độ tuổi trung bình là từ 30 đến 55 tuổi nhưng có thể gặp ở mọi lứa tuổi.

Viên sỏi thận thường hình thành từ các cặn lắng trong quá trình bài tiết nước tiểu. Nếu sỏi có kích thước nhỏ so với đường tiết niệu thì cơ thể có thể tự đào thải ra ngoài mà không gây bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào.

Trường hợp ngược lại, khi viên sỏi có kích thước lớn hoặc những sỏi nhỏ bị vướng lại ở một vị trí nào đó trên đường đi, sau đó lớn dần gây cản trở sự lưu thông của nước tiểu, dẫn đến ứ đọng nước tiểu, phía trên chỗ tắc giãn phình ra theo thời gian và gây nên các triệu chứng và biến chứng:

  • Đau bụng kiểu cơn đau quặn thận;
  • Tắc nghẽn dòng nước tiểu gây tiểu ít, thận ứ nước;
  • Nhiễm trùng tại vị trí viên sỏi bị vướng lại;
  • Hình thành thêm các viên sỏi khác và nặng thêm tình trạng bệnh;
  • Suy thận, phá hủy dần cấu trúc thận.
Đau lưng là dấu hiệu của bệnh sỏi thận
Người bệnh gặp triệu chứng điển hình của cơn đau quặn thận

Siêu âm thận nói chung hay siêu âm sỏi thận nói riêng là phương pháp được chỉ định đầu tiên khi nghi ngờ bệnh nhân bị sỏi thận. Siêu âm sỏi thận vừa giúp phát hiện sỏi, đánh giá vị trí, kích thước cũng như bản chất viên sỏi, ghi nhận được mức độ ứ nước thận, niệu quản và phát hiện các bất thường do phá hủy cấu trúc thận.

Siêu âm sỏi thận mang lại hiệu quả cao trong chẩn đoán bệnh với ưu điểm đơn giản, giá thành thấp, an toàn với người bệnh và có thể siêu âm thận nhiều lần mà không gây hại cho bệnh nhân.

Khi bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu bất thường nghi ngờ sỏi thận thì việc đầu tiên cần làm chính là siêu âm thận. Siêu âm sỏi thận giúp chẩn đoán bệnh cũng như gợi ý cho quá trình điều trị về sau, tránh phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và gây những biến chứng nguy hiểm đặc biệt là suy thận.

Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp có sỏi nhưng người bệnh chủ quan, chỉ phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc được cho siêu âm thận để chẩn đoán một bệnh lý khác trong ổ bụng.

Hầu hết các trường hợp sỏi thận có thể phát hiện qua siêu âm thận. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp khó thì cần kết hợp siêu âm sỏi thận với các phương pháp khác như X quang bụng hoặc CT ổ bụng.

3. Khi nào cần chỉ định siêu âm sỏi thận?

Siêu âm sỏi thận là xét nghiệm thường được chỉ định khi người bệnh tái khám định kỳ hoặc khi bệnh nhân có các dấu hiệu nghi ngờ có sỏi sau đây:

  • Đi tiểu gắt buốt, khó tiểu hoặc bí tiểu hoàn toàn;
  • Tiểu ra máu đại thể;
  • Thay đổi trong nước tiểu như nước tiểu có màu trắng, nước tiểu nhiều cặn hoặc bọt bất thường...
  • Đau bụng kiểu cơn đau quặn thận;
  • Tụt huyết áp đột ngột không giải thích được vì bệnh lý khác;
  • Bệnh nhân tiền căn mắc các bệnh lý về thận như thận đa nang, suy thận...
siêu âm thận
Phương pháp kỹ thuật siêu âm sỏi thận cần được thực hiện tại cơ sở y tế uy tín

4. Siêu âm sỏi thận có cần nhịn ăn không?

Siêu âm sỏi thận tương đối đơn giản, tuy nhiên siêu âm sỏi thận có cần nhịn ăn không? Theo quy trình siêu âm, bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất từ 6 đến 8 giờ trước khi tiến hành siêu âm sỏi thận.

Điều kiện lý tưởng nhất là siêu âm sỏi thận vào buổi sáng khi bệnh nhân đã nhịn ăn từ chiều tối hôm trước. Nguyên nhân là do khi bệnh nhân nhịn ăn như vậy thì thức ăn đã được tiêu hóa hết và tránh những ảnh ảo làm ảnh hưởng đến kết quả siêu âm thận.

Một yêu cầu khác cũng quan trọng không kém là bệnh nhân cần uống nhiều nước kèm nhịn tiểu trước khi siêu âm. Nhịn tiểu sẽ làm bàng quang căng to, giúp quan sát hình ảnh viên sỏi dễ dàng hơn do tương phản giữa nước tiểu và viên sỏi là trái ngược nhau (viên sỏi có màu trắng còn nước tiểu màu đen trên màn hình siêu âm).

Hi vọng qua thông tin bài viết trên, độc giả có thể hiểu được quy trình siêu âm và việc siêu âm sỏi thận có cần nhịn ăn hay không?

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán sỏi thận

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan