Tăng động giảm chú ý (ADHD) khác gì hội chứng Tourette's?

Tăng động giảm chú ý (ADHD) và hội chứng Tourette’s là hai tình trạng riêng biệt nhau, tuy nhiên chúng lại có một số điểm tương đồng nhất định. Hai chứng bệnh này thường bắt đầu ở cùng độ tuổi và trong một số trường hợp, trẻ em có thể mắc cả ADHD và hội chứng Tourette’s. Mặc dù vậy, chúng vẫn tồn tại rất nhiều điểm khác biệt nhau, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh, từ đó đưa ra được biện pháp điều trị phù hợp cho trẻ.

1. Điểm tương đồng giữa tăng động giảm chú ý và hội chứng Tourette’s

Hội chứng Tourette’s là một vấn đề về hệ thống thần kinh, có thể khiến người bệnh tạo ra những chuyển động hoặc âm thanh đột ngột, lặp đi lặp lại không thể kiểm soát, hay còn được gọi là rối loạn Tic. Những người mắc hội chứng Tourette’s thường có các biểu hiện như chớp mắt liên tục, khụt khịt mũi, ho hoặc càu nhàu. Một số trường hợp có thể thốt ra những lời họ không chủ định nói, hoặc có các hành động phức tạp hơn như nhún vai, cử động đầu và nét mặt lặp đi lặp lại. Những rối loạn Tic này thường xảy ra nhiều lần trong một ngày.

Đối với bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD), một tình trạng thường xảy ra ở trẻ em với một số triệu chứng tương tự như hội chứng Tourette’s. Những triệu chứng này có thể bao gồm cảm giác bồn chồn, phát ra tiếng động ngẫu nhiên, không chú ý, bốc đồng và tăng động. Đôi khi, những trẻ được sử dụng thuốc ADHD (thuốc kích thích) có thể bị rối loạn nhịp tim và thường tự biến mất sau một thời gian nhất định.

Các dấu hiệu của cả hai tình trạng này có xu hướng xuất hiện ở cùng một độ tuổi. Các triệu chứng của ADHD có thể bắt đầu xuất hiện trong độ tuổi từ 3 – 6. Hầu hết trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) ngay khi còn học tiểu học. Đối với hội chứng Tourette’s thường bắt đầu khi trẻ ở khoảng 7 tuổi.

Đôi khi, một số trẻ có thể mắc cùng lúc cả hai tình trạng bệnh này. Theo thống kê cho thấy, có hơn 60% những người mắc hội chứng Tourette’s cũng có thể bị mắc ADHD. Ngoài ra, họ cũng có nguy cơ mắc một số bệnh liên quan khác, chẳng hạn như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), trầm cảm hoặc rối loạn học tập.

Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng có một mối liên hệ di truyền giữa hội chứng Tourette’s và các chứng rối loạn khác như OCD và ADHD (tăng động giảm chú ý). Chúng có các đặc điểm sinh học tương đối giống nhau, do đó khiến chúng có nhiều khả năng xảy ra cùng lúc với nhau hơn.

2. Tăng động giảm chú ý (ADHD) khác gì hội chứng Tourette’s?

Nhìn chung, âm thanh của hội chứng Tourette’s khác với những tiếng động hoặc chuyển động mà trẻ mắc tăng động giảm chú ý tạo ra. Trẻ bị chứng rối loạn Tic thường có các chuyển động hoặc âm thanh nhanh, lặp đi lặp lại với nét mặt và cái nhún vai giống nhau.

Thông thường, trẻ bị ADHD sẽ không có bất kỳ chuyển động nào giống như rối loạn Tic. Thay vào đó, trẻ thường có biểu hiện khó chú ý hoặc tập trung. Ngoài ra, trẻ cũng có thể dễ bị phân tâm hoặc gặp khó khăn trong việc sắp xếp và đặt mục tiêu trong học tập / nhiệm vụ.

Các triệu chứng của hội chứng Tourette’s thường phát triển mạnh mẽ nhất khi trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc trong những năm tháng đầu của tuổi trưởng thành (xảy ra ít hơn và đôi khi biến mất hoàn toàn). Trong khi đó, các triệu chứng của bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) thường kéo dài đến tuổi trưởng thành.

Ngoài ra, hội chứng Tourette’s thường hiếm gặp hơn so với ADHD. Theo thống kê từ CDC cho biết, chỉ có khoảng 138.000 trẻ em tại nước Mỹ được chẩn đoán mắc hội chứng Tourette’s, trong khi đó có tới khoảng 6,4 triệu trẻ em tại quốc gia này mắc chứng ADHD.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng yếu tố di truyền có liên quan rất nhiều đến cả hai tình trạng bệnh trên. Tuy nhiên, một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến ADHD bao gồm trẻ sơ sinh nhẹ cân, phụ nữ uống rượu hoặc hút thuốc khi mang thai hoặc trẻ bị chấn thương ở não bộ.

Tăng động giảm chú ý (ADHD) khác gì hội chứng Tourette's?
Âm thanh của hội chứng Tourette’s khác với những tiếng động hoặc chuyển động mà trẻ mắc tăng động giảm chú ý tạo ra

3. Chẩn đoán và điều trị cho bệnh ADHD và hội chứng Tourette’s

Thông qua việc thăm khám, bác sĩ chuyên khoa sẽ cho bạn biết liệu các triệu chứng của con bạn sẽ thuộc về hội chứng Tourette’s, bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD), cả hai loại bệnh này hay là một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khác.

Nhìn chung, không có một xét nghiệm đặc biệt nào có thể chẩn đoán được ADHD và hội chứng Tourette’s. Bác sĩ sẽ yêu cầu các bậc phụ huynh trao đổi cụ thể những thông tin về thời điểm bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đáng chú ý ở trẻ. Ngoài ra, trẻ cũng có thể được đưa đi làm xét nghiệm máu hoặc kiểm tra y tế nhằm tìm ra nguyên nhân hoặc một điều gì khác dẫn đến những chứng bệnh này.

Việc điều trị cho trẻ mắc bệnh tăng động giảm chú ý thường bao gồm sự kết hợp của sử dụng thuốc và liệu pháp hành vi. Thuốc kích thích là loại thuốc thường được các bác sĩ kê đơn cho trẻ mắc tình trạng này, ngoài ra còn một số loại thuốc khác như guanfacine, atomoxetine, thuốc chống trầm cảm và clonidine. Đối với liệu pháp hành vi cho bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) sẽ giúp trẻ học được cách xây dựng các hành vi tích cực thay vì những hành vi tiêu cực do bệnh gây ra.

Nếu con bạn mắc phải hội chứng Tourette’s, bác sĩ có thể đề nghị trẻ sử dụng thuốc để điều trị bệnh. Một số loại thuốc cho tình trạng này có thể bao gồm thuốc của ADHD, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật, thuốc chống loạn thần ngăn chặn chất hoá học dopamine trong não và tiêm Botox. Mặc dù các loại thuốc điều trị không giúp loại bỏ hoàn toàn được cảm giác của chứng rối loạn Tic, nhưng chúng có thể giúp kiểm soát được bệnh một cách hiệu quả.

Ngoài ra, trẻ em mắc hội chứng Tourette’s cũng có thể thử áp dụng liệu pháp hành vi. Trong đó, trẻ sẽ được áp dụng phương pháp huấn luyện đảo ngược thói quen (HRT), giúp trẻ học cách xác định các dấu hiệu của rối loạn Tic chuẩn bị diễn ra và sau đó học một hành vi mới đề thay thế.

Trong trường con bạn mắc cả bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) và hội chứng Tourette’s, bác sĩ có thể ưu tiên việc điều trị bệnh ADHD trước. Điều này có thể giúp làm giảm sự căng thẳng, cải thiện khả năng chú ý cũng như kiểm soát được các rối loạn Tic ở trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan