Theo dõi lượng carbs khi sử dụng Insulin

Song song với điều trị bằng thuốc, thay đổi lối sống cũng sẽ giúp cơ thể xử lý glucose tốt hơn. Người sống chung với bệnh tiểu đường cần kiểm soát chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, dùng thuốc và tuân thủ hướng dẫn sử dụng insulin để giữ lượng đường trong máu và cân nặng luôn ổn định.

1. Hướng dẫn sử dụng insulin

Insulin là một hormone do tế bào của tuyến tụy tiết ra. Ở người bình thường, insulin được tiết ra liên tục trong ngày, tùy theo mức glucose của cơ thể. Cụ thể, glucose máu tăng (sau ăn) sẽ kích thích tụy tăng sản xuất insulin và ngược lại. Tuy nhiên khi bị bệnh tiểu đường, bạn có thể không tạo đủ insulin hoặc insulin của bạn không hoạt động tốt. Vì vậy, một số bệnh nhân đái tháo đường phụ thuộc insulin sẽ được chỉ định tiêm insulin bổ sung mỗi ngày.

Dựa vào thời gian tác dụng, có thể chia insulin thành các loại như sau:

  • Insulin tác dụng nhanh: Tác dụng sau tiêm dưới da 5 - 10 phút và kéo dài 3 - 4 giờ, thường được dùng ngay trước các bữa ăn 5 - 10 phút
  • Insulin thường: Tác dụng sau tiêm dưới da 30 phút và hết sau 4 - 6 giờ, thường được tiêm trước ăn 30 phút
  • Insulin bán chậm: Chỉ tiêm dưới da và có tác dụng sau 1 giờ, kéo dài 12 - 16 giờ
  • Insulin tác dụng kéo dài: Tác dụng tồn tại đến 20 - 24 giờ, thường được sử dụng làm insulin nền
  • Insulin pha trộn sẵn: Dùng theo chỉ định của bác sĩ.

Người bệnh có thể phải dùng nhiều loại insulin trong ngày, do đó cần nắm rõ mình đang tiêm loại insulin hay xi-lanh nào để tránh nhầm lẫn. Ngoài hình thức bơm tiêm insulin phổ biến, ngày nay ở một số quốc gia đã nghiên cứu cơ chế insulin dạng uống.

insulin dạng uống
Ngày nay ở một số quốc gia đã nghiên cứu cơ chế insulin dạng uống

2. Mối liên hệ giữa carbohydrate và đường huyết

Carbohydrate - viết tắt là carbs, có mặt trong rất nhiều loại thực phẩm. Cho dù carbs là tinh bột, đường hay chất xơ thì đều cung cấp cho cơ thể năng lượng để sử dụng ngay lập tức hoặc dự trữ cho sau này. Cơ thể phân hủy carbs từ thực phẩm thành đường (còn được gọi là glucose) để tạo năng lượng. Sự gia tăng lượng đường trong máu này kích thích tuyến tụy giải phóng insulin, giúp cơ thể sử dụng hoặc lưu trữ glucose.

Các loại carbs khác nhau sẽ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu theo những cách khác nhau. Có 2 loại carbs chính là:

2.1. Carbs đơn giản

Cơ thể phá vỡ những carbs đơn giản rất nhanh chóng, dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến. Carbs đơn được tìm thấy trong đường ăn - loại đường được thêm vào thực phẩm chế biến; cũng như đường tự nhiên trong trái cây và sữa.

2.2. Carbs phức tạp

Cơ thể phải làm việc nhiều hơn để phá vỡ carbs phức tạp. Những carbs này được xem là tốt vì phải mất nhiều thời gian hơn mới tiêu hóa được. Carbs phức tạp cung cấp nguồn năng lượng ổn định và chất xơ. Bạn có thể tìm thấy carbs phức trong rau bina, cải xoong, kiều mạch, lúa mạch, gạo lứt, đậu và một số loại trái cây.

3. Hướng dẫn theo dõi lượng carbs và kiểm soát chế độ ăn uống

3.1. Đếm Carbs

Chú ý đến kích thước khẩu phần và nhãn thực phẩm để biết có bao nhiêu gam carbs trong thực phẩm của bạn. Bạn có thể kiểm tra số gam "tổng lượng carbohydrate" bên ngoài nhãn dinh dưỡng của thực phẩm. Trong một số trường hợp, có thể bạn phải ước chừng. Một số người đặt mục tiêu 45 - 60 gam carbs trong mỗi bữa ăn. Giả sử bạn ăn một chiếc bánh sandwich thịt gà với nửa dĩa trái cây, trong đó 2 lát bánh mì có 30 gam carb và trái cây có 15, tổng cộng là 45. (Thịt gà không có carbs.)

3.2. Chỉ số đường huyết thực phẩm (GI)

Chỉ số này xếp hạng các loại thực phẩm dựa trên mức độ làm tăng lượng đường trong máu, giúp bạn phân biệt "carbs tốt" hoạt động chậm hơn với "carbs xấu". Mỗi thực phẩm sẽ có một chỉ số GI riêng, số càng nhỏ thì thực phẩm càng ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Tuy nhiên, ngoài chế độ ăn uống có GI thấp, bạn cũng cần phải đếm số gam carbohydrate và chia nhỏ các bữa ăn.

3.3. Chế độ ăn uống cân bằng

Thực đơn cân bằng có thể giúp bạn giảm cân và kiểm soát lượng đường trong máu. Cố gắng ăn ít nhất 3 - 5 phần rau mỗi ngày. Các loại rau nấu chín, không chứa tinh bột như đậu bắp, củ cải và cà tím chỉ có 5 gam carbs trong 1/2 dĩa. Mặc dù quan tâm đến việc đếm carbs, bạn cũng cần ăn đủ protein và chất béo lành mạnh. Đừng bỏ bữa và hãy dùng những món ăn nhẹ bổ dưỡng để giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

insulin dạng uống
Chọn ngũ cốc nguyên hạt thay vì loại thông thường

3.4. Ngũ cốc nguyên hạt

Chọn ngũ cốc nguyên hạt thay vì loại thông thường, bởi quá trình “tinh chế” sẽ làm mất chất xơ, vitamin và khoáng chất của ngũ cốc. Khi mua bánh mì và ngũ cốc, hãy tìm sản phẩm có in chữ ngũ cốc nguyên hạt là thành phần đầu tiên bên ngoài nhãn.

3.5. Giảm đường

Không chỉ đồ ăn nhẹ như nước ngọt, bánh quy và bánh ngọt có thêm nhiều đường, mà thậm chí những lựa chọn lành mạnh hơn như sữa chua và ngũ cốc cũng vậy. Vì thế bạn cần đọc nhãn dinh dưỡng và cân nhắc kỹ về các loại thực phẩm liệt kê đường là thành phần đầu tiên. Một số loại đường bổ sung có "ose" trong tên - như dextrose, sucrose, maltose, hoặc xi-rô ngô fructose.

3.6. Rượu vang

Rượu có thể khiến lượng đường trong máu giảm thấp, vì vậy hãy hỏi bác sĩ xem bạn có nên uống rượu để kiểm soát đường huyết hay không. Đừng quên đo lượng đường trong máu trước và sau uống. Nếu có dùng rượu, hãy uống điều độ kèm với một số thức ăn và khi lượng đường trong máu được kiểm soát. Đo lại mức độ đường huyết trước khi đi ngủ để đảm bảo rằng vẫn đang ở trong giới hạn cho phép.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

455 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan