Thủng màng nhĩ có tự liền được không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Nam Phong - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Thủng màng nhĩ là tình trạng lớp mô mỏng ngăn cách giữa ống tai ngoài và tai giữa bị rách hoặc thủng. Nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho thính giác. Những biến chứng này có thể bao gồm viêm tai giữa hoặc mất thính lực.

1. Thủng màng nhĩ là gì?

Màng nhĩ thực chất là một lớp mô mỏng, có cấu tạo tương tự như mô da của cơ thể, tạo nên một vách ngăn giữa ống tai ngoài và tai giữa. Màng nhĩ thường có màu xám với hình bầu dục, hơi lõm ở giữa và có xu hướng nghiêng một chút ra phía sau tai.

Lớp mô mỏng này giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với khả năng thính giác của con người. Nó có nhiệm vụ cảm nhận các rung động của sóng âm từ bên ngoài, sau đó chuyển đổi chúng thành các xung thần kinh và truyền tải đến não bộ, từ đó giúp bạn nghe và nhận biết được âm thanh. Ngoài ra, màng nhĩ cũng giúp bảo vệ tai khỏi sự xâm nhập của các loại vi khuẩn hoặc các vật thể lạ, đồng thời ngăn nước chảy vào tai.

Khi lớp mô mỏng ngăn cách ống tai ngoài với tai giữa xuất hiện một lỗ hổng hoặc vết rách, tình trạng này sẽ được gọi là thủng màng nhĩ. Khi màng nhĩ bị thủng có thể dẫn đến nguy cơ cao mất thính lực. Thậm chí, nó cũng có thể làm cho tai giữa của bạn dễ bị nhiễm trùng.

Nhìn chung, tình trạng thủng màng nhĩ thường lành lại trong vòng vài tuần mà không cần điều trị. Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể cần phải thực hiện vá màng nhĩ hoặc trải qua một cuộc phẫu thuật nhất định để chữa lành sự tổn thương này và ngăn ngừa mất thính lực.

Thủng màng nhĩ
Thủng màng nhĩ là tình trạng lớp mô mỏng ngăn cách giữa ống tai ngoài và tai giữa bị rách hoặc thủng

2. Các dấu hiệu và triệu chứng của thủng màng nhĩ

Khi bị thủng màng nhĩ, bệnh nhân có thể gặp phải các dấu hiệu và triệu chứng cụ thể sau:

  • Đau tai làm suy giảm thính lực nhanh chóng
  • Đau tai dữ dội
  • Có dịch chảy ra từ tai giống như chất nhầy, có mủ hoặc máu
  • Mất thính lực
  • Ù tai
  • Cảm giác quay cuồng (chóng mặt)
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa có thể do chóng mặt gây ra

Bạn hãy báo ngay cho bác sĩ biết nếu gặp các dấu hiệu hoặc triệu chứng của thủng màng nhĩ. Sở dĩ, tai giữa và tai trong của bạn được tạo thành từ các cấu trúc mỏng manh, rất nhạy cảm với sự chấn thương hoặc bệnh tật.

Vì vậy, điều quan trọng là cố gắng tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến những triệu chứng mà bạn đang gặp phải, từ đó xác định xem liệu màng nhĩ của bạn có thực sự bị thủng hay không.

3. Nguyên nhân dẫn đến thủng màng nhĩ

Thực tế, tình trạng thủng màng nhĩ có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến hơn cả thường bao gồm:

*Nhiễm trùng tai giữa (viêm tai giữa): tình trạng nhiễm trùng tai giữa thường dẫn đến tích tụ chất lỏng trong tai giữa của bạn. Áp lực từ những chất lỏng này có thể khiến màng nhĩ bị thủng hoặc rách.

*Chấn thương khí áp (Barotrauma): đây là một tình trạng căng thẳng tác động lên màng nhĩ khi áp suất không khí trong tai giữa và trong môi trường bị mất cân bằng. Nếu áp lực quá mạnh có thể khiến cho màng nhĩ của bạn bị thủng. Chấn thương khí áp thường được gây ra bởi sự thay đổi áp suất không khí liên quan đến việc di chuyển bằng đường hàng không. Một số tác nhân khác có thể gây ra những thay đổi đột ngột về áp suất và dẫn đến thủng màng nhĩ, bao gồm lặn với bình dưỡng khí hoặc ảnh hưởng từ một cú va đập trực tiếp vào tai.

*Chấn thương âm thanh (âm thanh hoặc tiếng nổ lớn): âm thanh hoặc tiếng nổ lớn, chẳng hạn như tiếng súng có thể tạo ra áp lực dẫn đến thủng màng nhĩ.

*Có dị vật trong tai: một số vật có kích cỡ nhỏ, chẳng hạn như tăm bông hoặc kẹp tăm có thể làm thủng hoặc rách màng nhĩ của bạn.

*Chấn thương nặng ở đầu: một số chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như gãy nền sọ, có thể gây ra trật khớp hoặc làm tổn thương cấu trúc tai giữa và tai trong, bao gồm cả màng nhĩ của bạn.

ngoáy tai
Một số vật có kích cỡ nhỏ, chẳng hạn như tăm bông hoặc kẹp tăm có thể làm thủng hoặc rách màng nhĩ của bạn

4. Các biến chứng gây ra do thủng màng nhĩ

Màng nhĩ của con người có hai vai trò chính, bao gồm:

  • Thính giác: Khi sóng âm thanh đập vào màng nhĩ, chúng sẽ bắt đầu rung lên. Đây là bước đầu tiên mà cấu trúc của tai giữa và tai trong chuyển đổi các sóng âm thanh thành các xung thần kinh.
  • Cung cấp sự bảo vệ: màng nhĩ cũng hoạt động như một hàng rào, giúp bảo vệ tai giữa khỏi nước, vi khuẩn và các chất lạ khác.

Một khi màng nhĩ của bạn bị thủng hoặc rách, nó có thể dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng về tai, đặc biệt là nếu màng nhĩ không thể tự lành lại sau 3-6 tháng. Khi đó, một số biến chứng có thể xảy ra, bao gồm:

  • Mất thính lực: bạn có thể bị mất thính lực tạm thời, chỉ kéo dài cho đến khi lỗ thủng hoặc vết rách trên màng nhĩ lành lại. Ngoài ra, vị trí và kích thước của vết rách cũng ảnh hưởng đáng kể đến mức độ mất thính lực của bạn.
  • Nhiễm trùng tai giữa (viêm tai giữa): khi màng nhĩ bị thủng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho một số loại vi khuẩn có hại xâm nhập vào bên trong tai. Trong trường hợp màng nhĩ bị thủng không tự lành lại, một số người có thể dễ gặp phải tình trạng nhiễm trùng liên tục (tái phát hoặc mãn tính).
  • Viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma: tình trạng này thường hiếm khi xảy ra. Biến chứng này mô tả sự phát triển của các tế bào da và các mảnh vụn bên trong tai giữa, do hậu quả lâu dài của việc thủng màng nhĩ. Các mảnh vụn trong ống tai thường di chuyển đến tai ngoài của bạn với sự hỗ trợ của ráy tai. Nếu màng nhĩ bị thủng, các mảnh vụn da có thể di chuyển vào trong tai giữa và tạo thành một u nang. U nang này sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển, đồng thời có chứa các protein có thể làm hỏng xương của tai giữa.

5. Thủng màng nhĩ có tự liền lại được không?

Thực tế, tình trạng thủng màng nhĩ vẫn có thể tự liền lại được nếu mức độ và kích thước của lỗ thủng không quá nghiêm trọng. Thủng màng nhĩ sẽ tự lành lại trong vòng một tuần nếu lỗ thủng ở mức từ 10-15dB. Đối với lỗ thủng trên 20dB trở lên thì lớp màng mỏng này sẽ không thể tự lành lại được. Cách duy nhất đối với trường hợp này là vá màng nhĩ.

Thủng màng nhĩ
Thực tế, tình trạng thủng màng nhĩ vẫn có thể tự liền lại được nếu mức độ và kích thước của lỗ thủng không quá nghiêm trọng

6. Chẩn đoán thủng màng nhĩ

Để xác định xem liệu bạn có bị thủng màng nhĩ hay không, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sẽ tiến hành kiểm tra trực quan bằng thiết bị chiếu sáng, bao gồm phễu soi tai hoặc kính hiển vi.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm bổ sung để tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến các triệu chứng về tai của bạn, hoặc nhằm phát hiện sự hiện diện của bất kỳ tình trạng mất thính lực nào. Các xét nghiệm này thường bao gồm:

  • Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm: nếu bệnh nhân có dịch chảy ra từ tai, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm trong phòng thí nghiệm hoặc thực hiện nuôi cấy để phát hiện nhiễm trùng tai giữa do vi khuẩn.
  • Đánh giá âm thoa: âm thoa là một dụng cụ kim loại có hai đầu, tạo ra âm thanh khi đánh. Thông qua một số xét nghiệm đơn giản với âm thoa có thể giúp bác sĩ phát hiện được tình trạng mất thị lực của bệnh nhân. Ngoài ra, đánh giá âm thoa cũng có thể cho biết liệu tình trạng mất thị lực là do sự tổn thương các bộ phận rung của tai giữa (bao gồm cả màng nhĩ), tổn thương các cảm biến hoặc dây thần kinh của tai trong hay tổn thương cả hai.
  • Đo nhĩ lượng (Tympanometry): máy đo màng nhĩ sẽ sử dụng một thiết bị đưa vào ống tai của bạn để đo phản ứng của màng nhĩ với những thay đổi nhỏ của áp suất không khí. Thông qua một số kiểu phản ứng nhất định có thể cho thấy màng nhĩ có bị thủng hay không.
  • Kiểm tra thính học: đây là một loạt các bài kiểm tra được hiệu chỉnh nghiêm ngặt để đo mức độ bạn nghe âm thanh ở các âm lượng và cao độ khác nhau. Các xét nghiệm này thường được thực hiện trong một buồng cách âm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

7. Điều trị thủng màng nhĩ

Hầu hết các tình trạng thủng màng nhĩ có thể tự lành lại trong vòng vài tuần mà không cần phải điều trị. Bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc nhỏ kháng sinh kê đơn nếu phát hiện có sự nhiễm trùng ở tai.

Trong trường hợp vết rách hoặc lỗ thủng trên màng nhĩ không tự lành lại, việc điều trị có thể bao gồm các thủ thuật để vá vết rách hoặc lỗ thủng này. Các phương pháp điều trị này thường bao gồm:

  • Vá màng nhĩ: nếu vết rách hoặc lỗ thủng trên màng nhĩ không tự liền lại, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sẽ tiến hành bịt kín chúng bằng miếng dán giấy (hoặc miếng dán làm bằng vật liệu khác). Với quy trình điều trị này, bác sĩ có thể bôi một chất hóa học vào các mép của vết rách, giúp thúc đẩy quá trình chữa lành màng nhĩ, sau đó dán một miếng dán lên lỗ hổng. Điều này có thể cần được lặp lại nhiều lần cho đến khi vết thủng đóng lại hoàn toàn.
  • Phẫu thuật: nếu vá màng nhĩ không mang lại hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất là phẫu thuật tạo hình màng nhĩ. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ ghép một mảnh mô từ các bộ phận khác của cơ thể bệnh nhân để đóng lỗ thủng trên màng nhĩ.

8. Biện pháp khắc phục thủng màng nhĩ tại nhà

Thủng màng nhĩ có thể tự lành lại trong vài tuần. Trong một số trường hợp nhất định, việc chữa lành sự tổn thương này có thể kéo dài đến hàng tháng. Để giúp màng nhĩ nhanh lành lại, bạn có thể thực hiện theo một số biện pháp dưới đây:

  • Giữ tai luôn khô ráo: bạn có thể đặt nút tai bằng silicon không thấm nước hoặc miếng bông có tẩm dầu hỏa vào tai khi tắm.
  • Hạn chế làm sạch tai: lúc này, bạn nên cho màng nhĩ có thời gian để tự chữa lành hoàn toàn.
  • Tránh xì mũi: áp lực tạo ra khi xì mũi có thể làm cản trở sự bình phục của lớp mô mỏng này.
Viêm mũi dị ứng
Áp lực tạo ra khi xì mũi có thể làm cản trở sự bình phục của lớp mô mỏng này

9. Các biện pháp giúp phòng ngừa thủng màng nhĩ

Bạn có thể làm theo những lời khuyên sau đây để phòng ngừa màng nhĩ bị thủng, bao gồm:

*Điều trị viêm tai giữa: trước hết, hãy nhận biết những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm tai giữa, bao gồm sốt, đau tai, nghẹt mũi và giảm thính lực. Đối với trẻ em bị viêm tai giữa thường hay quấy khóc và có thể bỏ ăn. Tình trạng viêm tai giữa có thể dẫn đến thủng màng nhĩ, vì vậy bạn nên chú ý đến các triệu chứng để phát hiện và điều trị bệnh sớm.

*Bảo vệ tai trong suốt chuyến bay: bạn không nên đi máy bay nếu bị cảm lạnh hoặc dị ứng gây nghẹt mũi/tai. Trong trường hợp đi máy bay, bạn nên giữ cho đôi tai thông thoáng bằng nút điều chỉnh áp suất, ngáp hoặc nhai kẹo cao su. Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện động tác Valsalva, giúp nhẹ nhàng đẩy không khí vào mũi như thể hỉ mũi, trong khi đó véo lỗ mũi và ngậm miệng lại.

*Tránh để các dị vật vào tai: bạn tuyệt đối không nên cố gắng lấy ráy tai bằng các vật dụng như tăm bông, hoặc kẹp tăm. Những vật dụng này có thể dễ dàng làm rách hoặc thủng màng nhĩ của bạn.

*Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn hoặc nổ lớn: tránh các hoạt động khiến tai bạn tiếp xúc với tiếng nổ. Nếu bất đắc dĩ do đặc thù công việc, bạn có thể bảo vệ đôi tai khỏi những tổn thương không đáng có bằng cách đeo nút tai hoặc bịt tai lại.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị thủng màng nhĩ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

219.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan