Thuốc cản quang là gì và vai trò của thuốc cản quang trong chẩn đoán hình ảnh

Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Đình Hùng - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Thuốc cản quang (TCQ) là những thuốc gây tăng hấp thu tia X và các loại tia khác khi chiếu qua cơ thể, do đó thuốc làm hiện rõ cấu trúc của cơ quan tập trung nhiều thuốc, có tác dụng hỗ trợ cho việc chẩn đoán bệnh.

1. Sử dụng thuốc cản quang trong chẩn đoán hình ảnh

Cùng với sự phát triển của công nghệ chẩn đoán hình ảnh, thuốc cản quang ngày càng được sử dụng rộng rãi. Trong đó, thuốc cản quang có chứa iod được sử dụng phổ biến nhất. Tuy vậy, những vấn đề về an toàn trong sử dụng thuốc cản quang ít được đề cập trong các giáo trình dược lý cũng như các tài liệu y văn mặc dù đây là thuốc có liều tiêm qua đường tĩnh mạch lớn hơn nhiều các thuốc điều trị khác.

Trong chẩn đoán hình ảnh: Thuốc cản quang có thể sử dụng qua đường uống, đường bơm thụt hoặc đường tiêm tĩnh mạch.

Tiêm thuốc cản quang khi chụp CT
Thuốc cản quang được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch

2. Sử dụng thuốc cản quang qua đường uống hoặc bơm – thụt

Thuốc cản quang có thể sử dụng qua đường uống và bơm thụt trong các trường hợp đánh giá đường tiêu hóa, tìm đường rò. Ngày nay do vai trò của nội soi và các phương pháp chẩn đoán khác phát triển mạnh nên việc dùng thuốc cản quang qua đường uống và bơm thụt không còn phổ biến. Tuy nhiên trong một số trường hợp và một số cơ sở Y tế vẫn phải sử dụng đối với đường tiêu hóa.

Khi nào bạn nên thực hiện chụp X-quang đường tiêu hóa trên có cản quang?

Chụp X-quang có cản quang đường tiêu hóa trên (thường là thuốc cản quang tan trong nước) được thực hiện để:

  • Tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng về đường tiêu hoá như khó nuốt, nôn mửa, ợ, khó tiêu;
  • Tìm ra chỗ hẹp ở đường ruột phía trên, viêm loét, khối u, hẹp môn vị;
  • Tìm ra khu vực bị viêm ruột, hội chứng kém hấp thụ, các vấn đề chuyển động của ruột để đẩy thức ăn đi (rối loạn nhu động);
  • Nuốt phải dị vật;

Thông thường, bạn sẽ không phải làm xét nghiệm chụp X-quang đường tiêu hóa trên có cản quang nếu bạn không có triệu chứng về tiêu hoá. Bạn nên thực hiện xét nghiệm này nếu:

  • Khó nuốt thức ăn;
  • Tắc nghẽn ở ruột;
  • Đau bụng mà thuyên giảm hay nặng hơn trong lúc ăn;
  • Ợ nóng xảy ra thường xuyên.
Khó nuốt
Chụp X-quang kiểm tra đường tiêu hóa nếu có cảm giác khó nuốt khi ăn uống

3. Sử dụng thuốc cản quang đường mạch máu

Ngày nay thuốc cản quang đường mạch máu thường đường sử dụng trong chụp cắt lớp vi tính, chụp mạch máu số hóa xóa nềncan thiệp nội mạch.

Đối với chụp cắt lớp vi tính có cản quang:

Chụp CT hay còn được gọi là chụp cắt lớp vi tính là kỹ thuật dùng những tia X-quang quét lên một khu vực của cơ thể theo lát cắt ngang phối hợp với những xử lý bằng máy vi tính để được một hình ảnh 2 chiều hoặc 3 chiều bộ phận cần chụp.

Chụp CT có thuốc cản quang: Áp dụng trong một số trường hợp, cần khảo sát tổn thương và mạch máu kỹ lưỡng hơn, chuyên viên y tế sẽ tiêm vào cơ thể một loại thuốc cản quang. Thuốc cản quang có chứa Iod sẽ làm cho những cấu trúc hoặc tổn thương bắt thuốc có màu trắng sáng trên hình chụp cắt lớp vi tính, điều này sẽ giúp phân biệt vùng bất thường với các cấu trúc khác xung quanh nó.

Đối với chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) và can thiệp nội mạch dưới máy số hóa xóa nền.

Chụp DSA và can thiệp: Bác sĩ cần đưa lượng thuốc cản quang vào lòng mạch để xác định vị trí hẹp, tắc hoặc đánh giá cấu trúc mạc tăng sinh cần được làm tắc trong quá trình can thiệp điều trị.

chụp CT
Thuốc cản quang đường mạch máu dùng trong chẩn đoán hình ảnh

4. Dị ứng thuốc cản quang: Những điều cần lưu ý

Thuốc cản quang giống như tất cả các loại dược phẩm khác, các tác nhân này không hoàn toàn không có rủi ro. Mục đích chính của hướng dẫn này là hỗ trợ các bác sĩ X-quang nhận biết và quản lý các rủi ro dù là nhẹ hăng nặng nhưng thực sự có thể xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc cản quang..

Tác dụng không mong muốn của thuốc cản quang thay đổi từ rối loạn sinh lý nhỏ đến các tình huống đe dọa tính mạng nghiêm trọng hiếm gặp.

Chuẩn bị cho điều trị kịp thời các phản ứng dị ứng hay phản vệ phải bao gồm chuẩn bị cho toàn bộ các bất lợi tiềm ẩn gồm: lập kế hoạch phản ứng được sắp xếp trước với sự sẵn sàng của nhân viên, thiết bị và thuốc đồng thời được đào tạo phù hợp.

Việc chuẩn bị như vậy được hoàn thành trước khi ra y lệnh và sử dụng thuốc cản quang với bệnh nhân. Ngoài ra, một chương trình cải tiến chất lượng và đảm bảo kiến thức nhận biết và xử trí cho tất cả các bác sĩ X-quang.

Trước khi làm thủ tục tiêm thuốc cản quang phục vụ cho công tác chẩn đoán cần xem xét bệnh án của bệnh nhân bao gồm:

  • Đánh giá rủi ro bệnh nhân so với lợi ích của việc dùng thuốc cản quang mang lại.
  • Phương pháp hình ảnh thay thế sẽ cung cấp thông tin chẩn đoán tương tự hoặc tốt hơn.
  • Đảm bảo chỉ định lâm sàng hợp lệ cho mỗi bệnh nhân phải dùng thuốc cản quang.

Các yếu tố nguy cơ: Các yếu tố nguy cơ dẫn đến tỷ lệ xảy ra phản ứng không mong muốn khi dùng thuốc cản quang trên một số bệnh nhân có các tiền sử và bệnh tật sau:

  • Tiền sử trước đó đã có dị ứng với thuốc cản quang chứa Iod. 21-60% nguy cơ tái phản ứng khi dùng lặp lại một thuốc hay thuốc khác trong nhóm thuốc cản quang chứa Iod.
  • Tiền sử dị ứng: Hen suyễn là yếu tố ảnh hưởng quan trọng nhất đối với phản ứng nặng. Không có bằng chứng về việc dị ứng hải sản có ảnh hưởng tới phản ứng.
  • Bệnh tim mạch (đặc biệt là suy tim)
Biến chứng tim mạch
Bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch làm tăng nguy cơ xảy ra phản ứng với thuốc cản quang

  • Tình trạng mất nước
  • Bệnh huyết học như hồng cầu liềm, tăng hồng cầu, u tủy
  • Bệnh về thận, đang dùng thuốc có độc với thận
  • Tuổi: trẻ em, người cao tuổi
  • Bệnh nhân đang sử dụng thuốc chẹn beta (atenolol, metoprosol, propranolol...), interleukin-2, aspirin, NSAID cần phải ngừng sử dụng thuốc hoàn toàn trước khi tiến hành tiêm thuốc cản quang.
  • Lo âu, trầm cảm.

Chuẩn bị trước khi sử dụng thuốc:

Test trong da: Thử nghiệm da trong da với thuốc cản quang để dự đoán khả năng phản ứng bất lợi đã không được chứng minh là hữu ích trong việc giảm thiểu rủi ro phản ứng.

Sử dụng Corticosteroid trước khi sử dụng thuốc cản quang:

Mục đích của việc sử dụng corticosteroid là để giảm thiểu khả năng xảy ra phản ứng giống như dị ứng ở những bệnh nhân có nguy cơ cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng việc dùng thuốc trước sẽ làm giảm khả năng phản ứng ở những bệnh nhân có nguy cơ cao được sử dụng thuốc cản quang có độ thẩm thấu thấp.

Nếu trong quá trình sử dụng thuốc cản quang hoặc sau khi sử dụng. Bệnh nhân xảy ra phản ứng với thuốc thì tùy theo mức độ nặng nhẹ sẽ xử trí theo phác đồ cấp cứu phản vệ của Bộ y tế.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

44.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan