Thuốc nhỏ tai: Thận trọng dùng, tránh biến chứng

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Nam Phong - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Khi có các triệu chứng ở tai như ù tai, chảy mủ tai, đau trong tai,... nhiều người bệnh có xu hướng tự mua thuốc nhỏ tai về dùng. Tuy nhiên, việc tự ý dùng thuốc nhỏ tai mà không có sự tư vấn của bác sĩ có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng khó lường.

1. Có những loại thuốc nhỏ tai nào?

Tai là bộ phận đảm bảo chức năng nghe và thăng bằng ở người. Tai có cấu trúc gồm 3 phần là tai ngoài, tai giữa và tai trong. Màng nhĩ là lớp màng mỏng ngăn cách giữa tai giữa và tai ngoài. Màng nhĩ ngoài chức năng thu nhận âm thanh còn là một tấm màn bảo vệ cho tai giữa và tai trong.

Thuốc nhỏ tai là những loại thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch hoặc dạng thuốc bột nguyên chất, được sử dụng để điều trị những bệnh lý về tai, chủ yếu là viêm tai. Thuốc nhỏ tai thường được dùng cho các bệnh lý ở tai ngoài và tai giữa. Có 2 loại thuốc nhỏ tai gồm:

1.1 Thuốc nhỏ tai dùng cho bệnh viêm tai không bị thủng màng nhĩ

Đây là nhóm các loại thuốc dùng cho các trường hợp viêm ống tai ngoài, eczema ống tai ngoài có bội nhiễm, viêm tai giữa cấp giai đoạn sung huyết. Thuốc thường có chứa một trong những loại kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid - nhóm thuốc có thể gây độc cho ốc tai (hậu quả là điếc không hồi phục).

Thuốc phối hợp giữa kháng sinh và kháng viêm, dùng trị liệu tại chỗ và đa năng vì tính kháng viêm của thuốc dùng phối hợp với dexamethasone. Thuốc sử dụng kháng sinh neomycine và polymycine, tiêu diệt được cả các vi khuẩn gram âm và gram dương - những tác nhân gây bệnh của ống tai ngoài và ống tai giữa.

Thuốc Otipax có chứa lidocain HCL và phenazone, có tác dụng chống viêm, giảm đau tại chỗ, chỉ định sử dụng trong những trường hợp bị viêm tai giữa cấp giai đoạn sung huyết, viêm tai bọng nước do siêu vi trùng, viêm tai chấn thương do khí áp.

Các loại thuốc này sẽ không đi vào máu trừ trường hợp màng tai bị rách hoặc trầy xước. Vì vậy, cần kiểm tra kỹ màng nhĩ của bệnh nhân trước khi kê thuốc. Nếu màng nhĩ bị rách thì thuốc có thể tiếp xúc với các cấu trúc tai giữa và tai trong, dễ gây những tai biến nặng nề như điếc hoặc rối loạn thăng bằng,...

Thủng màng nhĩ
Thuốc nhỏ tai thường được dùng cho các bệnh lý ở tai ngoài và tai giữa

1.2 Thuốc nhỏ tai dùng cho những trường hợp bị thủng màng nhĩ

Thủng màng nhĩ có nên nhỏ thuốc? Nhóm thuốc này được bào chế bằng những loại kháng sinh có tính an toàn cao đối với ốc tai, chủ yếu là thuốc có thành phần chính là rifamycin sodium. Thuốc có thể tiêu diệt vi khuẩn gram âm và gram dương trong các bệnh nhiễm trùng tai giữa. Ngoài ra, còn có thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh ciprofloxacin tác động chủ yếu lên các vi khuẩn gram âm và một số vi khuẩn gram dương.

2. Vì sao cần thận trọng khi dùng thuốc nhỏ tai?

Cho dù đối với ráy tai, đau tai, ù tai hay tai của người đi bơi, thuốc nhỏ tai nói chung là an toàn, nhưng hãy lưu ý. Thuốc nhỏ tai an toàn miễn là màng nhĩ của bạn còn nguyên vẹn. Khi bị thủng màng nhĩ, thuốc nhỏ có thể lọt vào tai giữa. Trong trường hợp này, nhỏ bằng cồn hoặc hydrogen peroxide có thể gây đau đớn. Một số loại thuốc nhỏ kháng sinh được kê đơn, chẳng hạn như gentamicin, neomycin hoặc Cortisporin, có thể làm hỏng tai.

chóng mặt
Việc tự ý dùng thuốc nhỏ tai có thể gây đau rát trong tai, nổi mẩn, ngứa, chóng mặt, nhức đầu,...

3. Lưu ý khi dùng thuốc nhỏ tai

  • Tư thế nhỏ thuốc: Để tư thế đầu sao cho một bên tai hướng xuống đất. Nếu tự nhỏ thuốc thì tư thế dễ nhất là đứng hoặc ngồi, nghiêng đầu sang 1 bên. Còn nếu nhỏ thuốc cho người khác thì tư thế dễ nhất là bệnh nhân nghiêng đầu hoặc nằm nghiêng về 1 bên;
  • Với thuốc có ống nhỏ giọt: Cần hút một vài giọt thuốc vào trong ống nhỏ giọt. Nếu chỉ có đầu nhỏ thì chỉ cần lật úp lọ thuốc xuống là được;
  • Thực hiện nhỏ thuốc: Với người trưởng thành, nhẹ nhàng kéo vành tai hướng lên và về phía sau. Còn với trẻ em thì người nhỏ thuốc nhẹ nhàng kéo vành tai xuống và hướng về phía sau. Tiếp theo, bóp chính xác số giọt thuốc vào tai (theo chỉ định của bác sĩ). Sau đó nhẹ nhàng kéo ống tai lên - xuống để thuốc chảy vào trong tai, giữ đầu nghiêng khoảng 2 - 5 phút để thuốc đi vào trong ta. Cuối cùng, lau sạch thuốc thừa ở ngoài tai bằng cách dùng khăn giấy hoặc khăn vải sạch, đậy nắp lọ thuốc, bảo quản thuốc theo hướng dẫn sử dụng;
  • Lưu ý: Không sử dụng ống nhỏ thuốc bị sứt mẻ, nứt hoặc bẩn; không để đầu ống nhỏ của lọ thuốc chạm vào tai, ngón tay hay các bề mặt khác (để tránh bị nhiễm vi khuẩn). Bên cạnh đó, không làm ấm thuốc bằng nước nóng vì có thể khiến thuốc bị quá nóng, gây tổn thương tai. Đồng thời, không dùng chung thuốc nhỏ tai với người khác để tránh vi khuẩn lây lan rộng hơn;
  • Thời gian điều trị: Không quá 10 ngày. Nếu quá thời hạn mà bệnh không đỡ thì nên đánh giá lại phương pháp điều trị. Bên cạnh đó, không dùng thuốc dưới áp suất và ngâm ấm tới nhiệt độ 20 - 25°C (để tránh kích thích về áp suất và nhiệt lên tiền đình của tai - gây chóng mặt). Dừng ngay thuốc nếu cơ thể có những dấu hiệu bất thường như đau nhức tai, ù tai, chóng mặt,...
Nhỏ thuốc đau tai
Sau khi dùng thuốc, một số bệnh nhân có thể bị ngứa râm ran khi nhỏ thuốc lần đầu

Sau khi dùng thuốc, một số bệnh nhân có thể bị ngứa râm ran khi nhỏ thuốc lần đầu. Tuy nhiên, nếu cảm giác khó chịu không biến mất trong vòng 10 - 15 phút hoặc càng thấy khó chịu nhiều hơn thì bệnh nhân nên ngừng nhỏ thuốc, liên hệ với bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh nên gọi cho bác sĩ nếu bị sưng ở trong tai sau khi dùng thuốc nhỏ tai. Và nếu sau khi nhỏ thuốc, tai bị ù thì nên nghiêng tai nhỏ xuống dưới, lấy bông tai sạch để ở cửa tai để hút hết lượng thuốc còn lạ trong ống tai. Với những dấu hiệu bất thường khác của tai, nên tái khám càng sớm càng tốt.

Khi có dấu hiệu của các bệnh lý ở tai, người bệnh cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng để được bác sĩ thăm khám, tư vấn và đưa ra lựa chọn điều trị thích hợp. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc nhỏ tai mà không có chỉ định của bác sĩ vì việc này có thể để lại những hậu quả không thể cứu vãn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

82.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan