Tỉ lệ mất xương trong cơ thể theo độ tuổi

Tình trạng mất xương xảy ra do quá trình lão hóa bình thường ở cả phụ nữ và nam giới. Sự hình thành của bệnh loãng xương, thường là ở tuổi già, là hậu quả tự nhiên của sự mất xương do tuổi tác nếu không được điều trị thường xuyên. Thông tin về tỉ lệ mất xương trong cơ thể theo tuổi sẽ hỗ trợ cho việc dự phòng và điều trị nhằm nâng cao sức khỏe của xương.

1. Đặc điểm sinh lý của xương

Xương có thể chia làm hai loại bao gồm xương xốp và xương đặc. Nhìn chung, xương xốp chiếm khoảng 20% tổng khối lượng xương và xương đặc chiếm khoảng 80% tổng khối lượng xương.

Xương xốp hay gặp ở hai phần đầu của những xương dài như xương đùi và xương tay, những xương thường hay bị gãy. Xương xốp là loại xương chính bao gồm xương phẳng như xương chậu, xương ức và 33 đốt sống.

Cấu trục của xương đặc có mật độ chất khoáng dày đặc hơn xương xốp. Xương đặc thường nằm ngoài và bao bọc xương xốp, làm thành vòng bảo vệ xương xốp. Xương đặc thường gặp ở phần giữa của các xương dài như xương chày, xương mác, xương đùi, xương trụ, xương quay và xương cánh tay. Xương đặc thường là nơi mà gân và cơ bám vào.

2. Tỉ lệ mất xương trong cơ thể theo độ tuổi

Mất xương là một hiện tượng sinh lý bình thường của quá trình lão hóa của con người. Mất xương có thể xảy ra do sự thất bại của quá trình tạo xương mới hoặc do sự gia tăng tốc độ tiêu xương đi kèm tốc độ hình thành xương bình thường hoặc giảm. Thực tế đã chứng minh rằng, tốc độ tiêu xương tăng theo tuổi trong khi tốc độ tạo xương về cơ bản không đổi sau 20 - 25 tuổi. Sự hình thành khối lượng xương tối đa ở tuổi 20, với sự mất xương có thể quan sát được bắt đầu khoảng 37 tuổi. Một số xương thực sự bị mất trước 37 tuổi, có thể bắt đầu như sớm nhất là ở tuổi 30.

Quá trình mất xương phụ thuộc vào giới tính, tình trạng nội tiết tố, tình trạng bổ sung canxi, tập thể dục, cấu tạo di truyền và các đặc điểm khu vực của quá trình chuyển hóa xương. Sự tiêu xương không phân bố đồng đều trong toàn bộ khung xương. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm về tỉ lệ mất xương trong cơ thể chỉ giới hạn ở các vị trí xương cụ thể.

2.1. Khối lượng xương

Khối lượng xương thường được tính theo tổng lượng Canxi với đơn vị là Gram. Khối lượng xương trong cơ thể nam giới thường cao hơn nữ giới trong suốt các giai đoạn của cuộc đời. Ở giai đoạn phát triển, khối lượng xương tăng nhanh đáng kể ở cả nam giới và nữ giới, và đạt đỉnh 1500 g Canxi ở nam và 1200 g Canxi ở nữ trong độ tuổi từ 25 - 30 tuổi.

Sau tuổi 40, việc thiếu hụt lượng tiết tố Estrogen sẽ làm sụt giảm khối lượng xương đáng kể ở phụ nữ, đó cũng là một nguyên nhân loãng xương trên đối tượng này. Phụ nữ có thể giảm đến 50% khối lượng xương trong khoảng thời gian từ sau 40 tuổi đến 80 tuổi. Ở nam giới khối lượng xương cũng bắt đầu giảm, tuy nhiên về mức độ thường chậm hơn so với phụ nữ. Khối lượng xương ở nam giới trong giai đoạn từ 40 đến 80 tuổi chỉ giảm từ 25 đến 30 %.

Mặc dù mọi người sẽ mất xương theo tuổi tác, nhưng những người phát triển khối lượng xương đỉnh cao hơn khi còn trẻ được bảo vệ tốt hơn để chống lại chứng loãng xương hay gãy xương.

Tuy nhiên, một số người có nguy cơ mất xương và loãng xương cao hơn do các vấn đề trong cách cơ thể họ tái tạo xương (quá trình liên tục hủy bỏ xương cũ và thay thế bằng xương mới). Một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục có thể hữu ích, nhưng xương vẫn sẽ bị mất với tốc độ nhanh hơn. Tin tốt là trong những năm gần đây, các loại thuốc đã được phát triển để điều trị vấn đề chuyển hóa này. Trong những trường hợp nghiêm trọng, tình trạng mất xương thậm chí có thể được hồi phục bằng các loại thuốc tạo xương mới hơn.

Biểu đồ thể hiện khối lượng xương ở nam và nữ theo độ tuổi
Biểu đồ thể hiện khối lượng xương ở nam và nữ theo độ tuổi

2.2. Mật độ xương

Mật độ xương (bone mineral density - BMD) là một thông số dựa trên lượng mô khoáng trong cơ thể được đo bằng kỹ thuật sử dụng tia X hoặc hấp thụ tia X năng lượng kép (DEXA, DXA). Việc đo mật độ xương có thể giúp đánh giá được tình trạng chất lượng xương, chẩn đoán loãng xương, dự đoán khả năng gãy xương trong tương lai và xác định tỉ lệ mất xương trong cơ thể theo tuổi.

Trước 50 tuổi, cả hai giới đều có mật độ xương giảm với tốc độ tương đối chậm và gần xương tương đương nhau. Tuy nhiên, khi bắt đầu mãn kinh vào cuối 40 hoặc đầu 50 tuổi, phụ nữ có tốc độ suy giảm mật độ xương nhanh hơn so với nam giới.

Ở nữ giới, trong vòng 10 năm sau giai đoạn mãn kinh (50 tuổi), mật độ xương ở các xương đặc giảm rất nhanh khoảng 30 - 35%, trong khi đó ở các xương xốp con số này là 15%. Sau đó, quá trình mất xương diễn ra chậm hơn ở cả xương đặc và xương xốp với tốc độ khoảng 10 % trong 10 năm.

Ở nam giới, không có hiện tượng giảm đột ngột bài tiết steroid sinh dục, nên quá trình mất xương diễn ra chậm hơn ở cả xương đặc và xương xốp vào đầu năm 50 tuổi, với tốc độ 10 - 15% trong 10 năm. Sau 60 tuổi, nam giới bị mất khoảng 5 - 7% mỗi 10 năm cuộc đời.

Biểu đồ thể hiện sự suy giảm mật độ xương ở cả hai giới sau tuổi 50
Biểu đồ thể hiện sự suy giảm mật độ xương ở cả hai giới sau tuổi 50

Tuy nhiên, bởi vì phương pháp DXA mật độ xương không thể phân biệt những thay đổi xảy ra ở xương đặc và xương xốp theo tuổi tác, và bởi vì không thể đánh giá những thay đổi theo tuổi về hình dạng, kích thước của xương, nhiều nghiên cứu gần đây đã sử dụng phương pháp chụp cắt lớp vi tính định lượng (QCT) để đánh giá sự mất xương chi tiết hơn. QCT với phần mềm phân tích hình ảnh mới đã được sử dụng để xác định rõ hơn những thay đổi theo tuổi liên quan đến mật độ thể tích xương, hình học và cấu trúc tại nhiều vị trí xương.

3. Tăng cường sức khỏe xương

Các biện pháp giúp tăng cường sức khỏe xương bao gồm:

  • Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, thực hiện các hoạt động thể lực vừa sức, tránh bất động hay nằm lâu.
  • Tránh té ngã.
  • Đảm bảo chế độ ăn giàu Canxi trong suốt giai đoạn của cuộc đời. Có thể sử dụng các loại dược phẩm bổ sung Canxi và Vitamin D. Tắm nắng sáng sớm cũng là một phương pháp giúp bổ sung vitamin D.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể thích hợp.
  • Thay đổi lối sống: Hạn chế sử dụng rượu bia, cà phê, không hút thuốc lá.
  • Phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh có thể bổ sung các dược phẩm chứa hormone sinh dục, sử dụng Hormon liệu pháp hoặc bổ sung đậu nành vào chế độ ăn.
  • Kiểm soát tốt các bệnh về nội tiết như bệnh lý tuyến giáp hay tuyến cận giáp, bệnh lý tuyến thượng thận,...
  • Hạn chế sử dụng các loại thuốc làm tăng khả năng mất xương như Corticoid,...
  • Thường xuyên kiểm tra sức khỏe để kịp thời phát hiện các bất thường của xương.
  • Điều trị ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh loãng xương.

Mất xương có thể xảy ra do bệnh lý nhưng hầu hết các trường hợp, nó là kết quả của quá trình lão hóa của cơ thể. Việc xác định tỉ lệ mất xương trong cơ thể thường dựa vào khối lượng xương hay mật độ xương trong cơ thể. Những bệnh nhân có nguy cơ đặc biệt là phụ nữ cần có các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng mất xương, đồng thời cần thường xuyên được khám sức khỏe để phát hiện sớm và điều trị kịp thời tình trạng này, nhằm duy trì sự khỏe mạnh của xương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan