Tìm hiểu về bệnh Sacoit (Sarcoidosis)

Bệnh Sacoit là dạng bệnh lý u hạt, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể con người, đặc biệt là phổi. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra các biến chứng lên các cơ quan khác, gây nguy hiểm tính mạng người bệnh.

1. Tìm hiểu về bệnh Sacoit (Sarcoidosis)

Bệnh Sacoit, tên đầy đủ là Sarcoidosis: do các hạt u nhỏ tạo nên, phát triển thành các tế bào viêm ở trong phổi. Bệnh có thể phát triển và lây lan sang các bộ phận khác trên cơ thể. Các triệu chứng bất thường của bệnh có thể sẽ xuất hiện ở đường hô hấp trên, đường hô hấp dưới hoặc hiện diện ở cả hai khu vực này.

Các khối u hạt sẽ gây cản trở đến hoạt động của phổi. Nếu người bệnh bị ở mức nhẹ, các u hạt có thể tự lành và biến mất sau đó. Tuy nhiên, nếu chúng không tự mất đi thì sẽ khiến cho mô phổi bị viêm nhiễm khiến phổi có những vết sẹo xơ cứng, làm thay đổi cấu trúc của phổi và ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của người bệnh. Ngoài ra, u hạt cũng là một trong số nguyên nhân gây giãn phế quản.

Bệnh Sacoit thường xuất hiện trong thời gian ngắn và số lượng người bệnh tự khỏi chiếm từ 60-70%. 20-30% người bệnh bị tổn thương phổi vĩnh viễn, còn lại 10-15% người sẽ bị thành bệnh mạn tính

Không chỉ ảnh hưởng đến phổi, khi u hạt bị xơ hóa sẽ gây ra các hệ lụy nghiêm trọng tới các bộ phận khác trên cơ thể như hệ thần kinh, tim, gan, thận, ... . Với các biến chứng nặng sẽ có thể gây đe dọa đến tính mạng người bệnh.

2. Nguyên nhân gây bệnh Sacoit

Cho đến hiện nay, chưa tìm ra được nguyên nhân rõ ràng gây ra căn bệnh này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, Sacoit xuất hiện là do hệ thống miễn dịch của cơ thể bị phản ứng với một chất lạ xâm nhập vào. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tác nhân gây truyền nhiễm như hóa chất, bụi, các phản ứng bất thường của protein trong cơ thể cũng có thể là nguyên nhân khiến các u hạt hình thành, đặc biệt là những người có khuynh hướng di truyền.

3. Các triệu chứng của bệnh Sacoit

Bệnh thường không có các biểu hiện lâm sàng rõ rệt, các u hạt này sẽ thường hiện diện ở khắp nơi trên cơ thể người bệnh. Khoảng một nửa ca bệnh ở những người mắc trong độ tuổi 10 - 40 đều không có biểu hiện lâm sàng. Căn bệnh này thường được phát hiện ra một cách tình cờ trong những lần thăm khám sức khỏe khi người bệnh thực hiện X-quang ngực.

Một số trường hợp có thể gặp các biểu hiện cung chung, mơ hồ như: sụt cân, lo lắng, chán ăn, rối loạn giấc ngủ, đồ mồ hôi trộm, ... . Đây có thể là dấu hiệu khi các cơ quan khác đang gặp phải ảnh hưởng. Cụ thể như sau:

  • Phổi: tức ngực, khó thở, thở khò khè, ho khan
  • Tuyến nước bọt: miệng, họng bị khô khan, bị sưng tuyến nước bọt, ...
  • Hạch bạch huyết: hạch bị sưng to, mềm, xuất hiện ở vùng cổ hoặc ngực, nhưng thỉnh thoảng cũng bị sưng ở cằm, bẹn và nách.
  • Gan và lách: cảm thấy ngứa ngáy, đau tức vùng bụng trên bên phải, bị mệt mỏi và sốt.
  • Tim: khó thở, chân phù, khò khè, ho, đau ngực, có cảm giác tim đập không đều, tim đập nhanh, có khi còn bị ngất đột ngột.
  • Xương khớp: người bệnh bị đau xương khớp ở bàn chân, bàn tay hoặc các bộ phận khác.
  • Da: xuất hiện các vết loét ở mũi hoặc mắt, u, bạch biến
  • Mắt: cảm thấy ngứa, đỏ, bỏng rát, chảy nước mắt, tầm nhìn hạn chế, nhạy cảm về màu sắc, có thể bị mù lòa.
  • Hệ thần kinh: rối loạn tầm nhìn, cảm giác đau đầu, 1 bên tay hoặc bên chân bị yếu đi hoặc tê bì, liệt một bên mắt và mất đi khả năng hoạt động tay chân.

4. Các biến chứng của bệnh Sacoit

Đa số các ca mắc Sacoit đều có cơ hội tự khỏi bệnh mà không để lại các biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên cũng có khoảng 20-30% số người bệnh bị tổn thương vĩnh viễn ở phổi. Ngoài ra, các trường hợp sẽ tiến triển thành bệnh mãn tính, khi đó cũng rất dễ kéo theo các biến chứng gây ra ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể người bệnh.

Một số biến chứng như:

  • Biến chứng tại phổi: tổn thương không thể phục hồi ở phần mô kẽ nằm xen giữa các túi khí trong phổi, gây ra tình trạng khó thở thường xuyên cho người bệnh
  • Biến chứng tại tim: ảnh hưởng đến hoạt động điện trong tim, gây bất thường về nhịp tim, nếu quá nặng sẽ dẫn đến tử vong.
  • Biến chứng tại thận: gây ra các bệnh về thận vì Sacoit sẽ làm rối loạn quá trình chuyển hóa lượng canxi trong cơ thể
  • Biến chứng tại mắt: tuy hiếm gặp nhưng người bệnh có thể sẽ bị đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, ảnh hưởng đến cấu tạo của mắt, nặng thì dẫn đến mù lòa.
  • Biến chứng tại hệ thần kinh: nếu các u hạt hiện diện trong não hoặc tủy sống thì sẽ gây nên nhiều triệu chứng ở hệ thần kinh trung ương. Nếu bị viêm dây thần kinh mặt thì người bệnh sẽ bị liệt cơ mặt.

5. Các đối tượng dễ mắc bệnh Sacoit

Cả nam và nữ giới đều có nguy cơ mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, nữ giới thường có tần suất bị mắc nhiều hơn so với nam. Đối tượng dễ bị bệnh nằm trong độ tuổi từ 10-40 tuổi, thậm chí còn lên đến 65 tuổi.

Những người có nguy cơ mắc bệnh là những người có hệ miễn dịch yếu bẩm sinh, mắc các bệnh liên quan đến rối loạn tự miễn. Người trong gia đình có tiền sử mắc Sacoit. Người sống, làm việc trong môi trường bị ô nhiễm, thiếu nước sạch...

6. Phương pháp chẩn đoán bệnh Sacoit

Để có thể phát hiện ra bệnh Sacoit, cần thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu: nhằm phát hiện ra hiện tượng rối loạn chức năng ở gan, thận, xương tủy
  • Chụp X-quang phổi: hình ảnh X-quang sẽ giúp hiển thị các loại hạch to, những tổn thương khối nốt trên phổi
  • Chụp CT ngực: sử dụng tia X kết hợp với các công nghệ máy vi tính để thu về hình ảnh, lát cắt ngang của cơ thể để phát hiện ra rõ các hạch to ở lồng ngực, các tổn thương trên phổi.
  • Thăm dò chức năng hô hấp: kiểm tra phổi hoạt động như thế nào
  • Nội soi phế quản: giúp quan sát phế quản, hạch quanh khí phế quản dễ hơn và có thể lấy được dịch ở trong lòng phế quản. Đây là bước thăm dò quan trọng, hỗ trợ trong việc chẩn đoán ra bệnh.
  • Sinh thiết phổi: tiến hành thu thập một phần mô phổi, sau đó đem soi dưới kính hiển vi nhằm tìm ra dấu hiệu của bệnh.
  • Rửa phế quản: tiến hành xét nghiệm dịch rửa phế quản và phế nang
  • Siêu âm tim: đánh giá được chức năng hoạt động của tim nếu cơ tim bị tổn thương
  • Điện tim: phát hiện ra những bất thường về điện tim

7. Một số biện pháp điều trị bệnh Sacoit

Điều trị cho những người có tổn thương phổi khi chụp X-quang nhưng không có triệu chứng lâm sàng:

  • Giai đoạn 0, I: không cần điều trị
  • Giai đoạn II: theo dõi người bệnh trong vòng 6 tháng. Chỉ điều trị khi người bệnh có dấu hiệu biến đổi lâm sàng, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, phổi tim nêu trên
  • Giai đoạn III và IV: điều trị với Corticoid

Điều trị cho những triệu chứng tổn thương ngoài phổi: sử dụng corticoid

Liều bắt đầu: sử dụng 30-60mg/ngày bằng đường uống, sau đó giảm dần liều tối thiểu có hiệu quả và duy trì trong vòng 6 đến 12 tháng. Trong quá trình giảm dần liều điều trị, nếu người bệnh có những triệu chứng như khó thở, nặng ngực, ho thì có thể tăng liều thêm 10-20 mg trong vòng 2 đến 4 tuần để làm giảm đi các triệu chứng, sau đó lại tiến hành giảm liều dần.

Với những người bị tổn thương tim, thần kinh và đường hô hấp trên: sử dụng liều khởi đầu từ 80-100mg/ngày, sử dụng liên tục trong khoảng 12 tuần để bệnh được kiểm soát, sau đó giảm liều dần.

Điều trị thay thế corticoid

Dành cho những người không có khả năng đáp ứng với điều trị corticoid, không dung nạp corticoid và xuất hiện các biến chứng khi sử dụng corticoid, không giảm được liều corticoid

Sử dụng các thuốc:

Methotrexat: tiêm bắp hoặc dùng đường uống: dùng 7,5mg/tuần cho liều khởi đầu, sau đó tăng 2,5mg/2 tuần cho đến khi đạt được liều 1015mg/tuần.

Cyclophosphamid: dùng 25-50mg/ngày cho liều khởi đầu, sau đó tăng dần 25mg/2 tuần cho đến khi bệnh được kiểm soát. Lưu ý, không được vượt quá 150mg/ngày. Thời gian điều trị kéo dài từ 6 tháng trở lên.

Azathioprine: sử dụng 25mg/ngày cho liều khởi đầu, sau đó tăng dần 25mg/2-3 tuần.

Một số loại thuốc khác: chlorambucil, cyclosporin, pentoxifylline, các thuốc chống sốt rét như hydrochloroquin và chloroquin.

8. Các biện pháp phòng ngừa bệnh Sacoit

Tránh tiếp xúc với các khí độc hại, hóa chất, khói, bụi, ...

Bỏ và tránh xa khói thuốc lá

Uống đủ nước mỗi ngày

Thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, khoa học

Thường xuyên vận động, tập luyện thể dục thể thao với mức độ hợp lý

Ngủ đúng giờ và đủ giấc

Thực hiện khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để có thể kịp thời phát hiện ra bệnh và chẩn đoán được các vấn đề sức khỏe khác.

Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình tìm hiểu về bệnh Sacoit. Từ đó, biết được cách phòng tránh và các phương pháp điều trị để có thể thích ứng nhanh và kịp thời trong mọi trường hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

248 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan