Tìm hiểu về cấu trúc xương sụn của mũi

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thái - Bác sĩ Tai - Mũi - Họng - Khoa Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu cổ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Mũi là một phần trong hệ hô hấp đảm nhiệm chức vụ chủ yếu là dẫn khí, làm sạch và sưởi ấm không khí trước khi vào phổi. Hình dạng của mũi được cấu tạo bởi xương mũi, sụn mũi, vách ngăn và các khoang mũi.

1. Cấu tạo của mũi

Mũi là một trong những cơ quan của hệ hô hấp, cấu tạo của mũi gồm các thành phần sau:

1.1 Mũi ngoài

  • Hình dạng và cấu trúc: Mũi ngoài lồi lên ở giữa mặt, có dạng hình tháp 3 mặt mà mặt nhỏ nhất là 2 lỗ mũi trước, 2 mặt bên nằm ở 2 bên của mũi. Phía trên là gốc mũi, ở giữa 2 mắt, một đường gờ dọc tiếp tục từ gốc mũi xuống dưới là sống mũi và tận cùng là đỉnh mũi. Sau sống mũi là vách mũi, hai bên là 2 cánh mũi, giữa vách mũi và cánh mũi là 2 lỗ mũi ở phía trước. Giữa cánh mũi và má là rãnh mũi má.
  • Mũi ngoài được cấu tạo bởi một khung xương mũi và sụn, bao bọc bởi cơ và da, phía bên trong được lót bởi niêm mạc mũi.

1.2 Mũi trong

Mũi trong gồm 2 ổ mũi, nằm ngay dưới nền sọ và phía trên khẩu cái cứng, hai ổ cách nhau bởi vách ngăn mũi, thông với bên ngoài qua lỗ mũi trước và thông với vùng hầu họng ở sau qua lỗ mũi sau.

1.2.1 Tiền đình mũi

Là phần đầu tiên của ổ mũi, tiền đình mũi hơi phình ra, tương ứng với phần sụn cánh mũi lớn. Phần lớn tiền đình mũi được lót bởi da và có nhiều lông, tuyến nhầy để cản bụi.

1.2.2 Lỗ mũi sau

Ở phía sau của khoang mũi có 2 lỗ cách nhau bởi vách mũi, là nơi thông thương giữa ổ mũi với tỵ hầu, có chức năng đưa không khí đi vào vòm họng và đường hô hấp dưới.

1.2.3 Vách mũi

Vách mũi hay thành mũi trong có hai phần là phần sụn và phần xương

  • Phần sụn: Ở phía trước, gồm trụ trong sụn cánh mũi lớn và sụn vách mũi, sụn lá mía mũi.
  • Phần xương: Ở sau, do mảnh thẳng đứng của xương sàng và xương lá mía tạo nên.
Vẹo vách ngăn mũi
Vách mũi hay thành mũi trong có hai phần là phần sụn và phần xương

1.2.4 Trần ổ mũi

Trần của ổ mũi do một phần của các xương bao gồm: Xương mũi, trán, sàng và thân xương bướm tạo nên.

1.2.5 Nền ổ mũi

Nền ổ mũi là khẩu cái cứng, giúp ngăn cách giữa ổ mũi và ổ miệng.

1.2.6 Thành mũi ngoài

Tạo nên bởi xương hàm trên, xương mũi, xương lệ, mảnh thẳng xương khẩu cái, mê đạo sàng và mỏm chân bướm. Có 3-4 mảnh xương cuốn cong, nhô vào ổ mũi gọi là các xoăn mũi (gồm có xoăn mũi dưới, xoăn mũi giữa, xoăn mũi trên) và đôi khi có thêm xoăn mũi trên cùng. Các xương xoăn mũi tạo với thành ngoài ổ mũi các ngách mũi tương ứng. Các ngách mũi này thông với xoang mũi, giúp dẫn lưu dịch từ các xoang.

1.2.7 Niêm mạc mũi

Lót mặt trong ổ mũi là lớp biểu mô trụ tầng có nhiều lông chuyển, liên tục và có cấu tạo tương tự với niêm mạc các xoang, niêm mạc hầu. Niêm mạc mũi được chia thành 2 vùng là vùng khứu giác và vùng hô hấp:

Vùng khứu giác, gần trần ổ mũi, niêm mạc có nhiều đầu mút thần kinh khứu giác, giúp cảm nhận các mùi khác nhau.

Vùng hô hấp: Phần lớn phía dưới ổ mũi. Niêm mạc có nhiều mạch máu, tuyến niêm mạc và tổ chức bạch huyết có chức năng sưởi ấm, làm ẩm không khí, lọc bớt bụi và sát trùng không khí trước khi không khí đi vào phổi.

1.3 Các xoang cạnh mũi

Gồm có 4 đôi là: Xoang hàm trên, xoang trán, xoang sàng và xoang bướm. Bình thường trong xoang đều rỗng và thoáng, chứa không khí lưu thông có nhiệm vụ cộng hưởng âm thanh, làm ẩm niêm mạc mũi, sưởi ấm không khí, cân bằng và làm nhẹ khối xương đầu mặt.

xoang cạnh mũi
Các xoang cạnh mũi bao gồm: Xoang hàm trên, xoang trán, xoang sàng và xoang bướm

2. Cấu trúc xương mũi

2.1 Xương mũi

Xương mũi bắt đầu từ khoảng giữa chân mày và kết thúc bằng một rãnh mũi răng cưa. Các xương mũi thường thuôn, dài, nhỏ có thể khác nhau về kích thước và hình thức ở từng các nhân. Xương mũi thường được chia thành hai phần đối xứng nhau ở giữa khuôn mặt. Hai xương mũi được nối với nhau bằng đường khâu giữa mũi và tạo thành sống mũi.

Chức năng của xương mũi là giúp mũi ngoài không bị xẹp xuống và có thể đảm bảo cho không khí lưu thông qua khoang mũi.

Xương mũi trong bao gồm:

  • Xương sàng và xương lá mía: Là thành phần cấu tạo nên vách mũi.
  • Xương mũi, trán, sàng và thân xương bướm: Tạo nên phần trần của ổ mũi. Giúp ngăn cách mũi với vùng nền sọ.
  • Khẩu cái cứng giúp ngăn cách giữa mũi và khoang miệng.
  • Xương hàm trên, xương mũi, xương lệ, mảnh thẳng xương khẩu cái và mỏm chân xương bướm: Giúp cấu tạo nên thành ngoài của mũi.
  • Xương xoăn mũi: Kết hợp với thành ngoài của mũi tạo thành các ngách mũi, gồm ngạch mũi trước giữa và sau. Giúp lưu thông dịch từ các xoang cạnh mũi.

2.2 Sụn mũi

Sụn mũi có cấu tạo từ collagen, protein, nước và các thành phần khác. Sụn mũi bao gồm:

  • Sụn mũi nhỏ tác dụng liên kết các xương mũi lớn với sụn mũi bên.
  • Sun Alar tạo thành cấu trúc của lỗ mũi.
  • Sụn mũi bên có cấu trúc hình tam giác và nằm bên dưới xương mũi.
  • Sụn vách ngăn còn được gọi là sụn tứ giác có tác dụng kết nối giữa xương mũi với sụn bên.
  • Sụn Vomeronasal còn được gọi với cái tên khác là sụn Jacobson có tác dụng kết nối các vạch ngăn và các xương mỏng ngăn cách 2 lỗ mũi.

Chức năng chính của sụn là giúp liên kết giữa các xương và sụn với nhau, năng đỡ mũi, hỗ trợ xương mũi giúp mũi không bị xẹp, để thực hiện chức năng thông khí.

sụn mũi
Sụn mũi có cấu tạo từ collagen, protein, nước và các thành phần khác

3. Chức năng của mũi

Cấu tạo mũi giúp cho mũi đảm nhiệm được các chức năng quan trọng như:

2.1 Hô hấp

Mũi là cơ quan đầu tiên của đường hô hấp trên. Do đó chức năng chính của mũi là cung cấp và điều hòa không khí đưa vào phần còn lại của hệ thống hô hấp. Mũi giúp lọc không khí, loại bỏ bớt bụi và các hạt khác ra khỏi không khí bằng các lông mũi trước khi vào phổi.

Các cấu trúc bên trong khoang mũi tạo thành một hệ thống làm ẩm và làm ấm không khí, lọc không khí và duy trì môi trường lành mạnh bên trong phổi.

2.2 Khứu giác

Mũi đóng vai trò quan trọng trong hệ thống khứu giác. Niêm mạc mũi ở khoang trên chứa một tuyến khứu giác hoặc các tuyến hỗ trợ khứu giác. Điều này giúp cơ thể phân luồng không khí và đưa mùi đến vùng khứu giác. Một phần không khí khi vào mũi sẽ qua phần có các tế bào nhận cảm mùi, từ đó truyền lên não bộ và giúp chúng ta nhận biết được mùi.

2.3 Hỗ trợ trong việc hình thành âm thanh riêng biệt của mỗi người

Các xoang ở mũi giúp cộng hưởng âm thanh và tạo ra sự khác biệt âm thanh phát ra của môi người.

Một số người có thể phát ra lời nói bằng cách sử dụng không khí từ mũi, được gọi là âm mũi. Để phát ra âm thanh từ mũi, bạn cần hạ thấp vòm miệng để phát ra các nguyên âm và phụ âm bằng cách để không khí thoát ra từ miệng và mũi.

Mũi là bộ phận quan trọng trong hệ hô hấp, nhờ có hệ thống xương và sụn mũi mà mũi không bị xẹp xuống giúp lưu thông không khí. Một tác nhân nào đó làm cho hệ thống xương sụn bị tổn thương sẽ gây ảnh hưởng tới sự lưu thông khí ở mũi. Vì vậy, nếu bạn mũi bạn có những biểu hiện bất thường, nên sớm đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

38.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan