Tìm hiểu về rò bạch huyết

Rò mạch bạch huyết là một biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong do người bệnh suy kiệt sau khi bị mất hàng lít dịch dưỡng chấp mỗi ngày. Phẫu thuật để tìm vị trí rò bạch huyết gần như là bất khả thi. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật can thiệp mạch máu qua da mà bệnh nan y này đã có thể điều trị được.

1. Rò mạch bạch huyết là gì?

Dưỡng chấp là chất dịch của hệ bạch huyết. Thành phần của dưỡng chấp bao gồm các chất dinh dưỡng được hấp thu từ thức ăn đi qua thành ruột, chủ yếu là lipid (như triglycerid, cholesterol) và protein. Bình thường, hệ bạch huyết sẽ lưu thông trong cơ thể và cách biệt hoàn toàn với mạch máu và các cơ quan. Tuy nhiên, tình trạng rò mạch bạch huyết xảy ra do các nguyên nhân khác nhau có thể đe dọa tính mạng người bệnh, đặc biệt là những người có cơ địa suy giảm miễn dịch.

Rò bạch huyết (hay có những cách gọi khác như rò bạch mạch, rò dưỡng chấp) là tình trạng dịch bạch huyết hay dưỡng chấp bị rò rỉ, thoát ra khỏi hệ thống bạch mạch. Dịch bạch huyết có thể di chuyển vào các khoang tự nhiên trong cơ thể (như khoang màng bụng, khoang màng phổi, khoang màng ngoài tim...) hoặc đôi khi dịch dưỡng chấp sẽ khu trú và tạo thành các nang dịch trong các mô mềm.

Rò mạch bạch huyết là biến chứng có thể xảy ra sau các cuộc phẫu thuật lớn (như mổ ung thư thực quản). Mặc dù các chức năng cơ bản của người bệnh có thể đã trở lại bình thường nhưng tình trạng rò bạch huyết vẫn có thể xảy ra và được phát hiện thông qua tình trạng tràn dịch khoang tự nhiên.

Trong đó, tràn dịch bạch huyết khoang màng phổi là hay gặp nhất, lượng dịch dẫn lưu có thể lên đến 2 lít mỗi ngày với đặc điểm dịch đặc, có màu trắng như sữa.

Theo nhận định của các bác sĩ, rò bạch huyết là biến chứng hiếm gặp sau phẫu thuật do quá trình mổ vô tình làm tổn thương hệ thống bạch mạch. Mặc dù hiếm gặp nhưng biến chứng rò bạch huyết có thể khiến bệnh nhân tử vong do suy kiệt do mất hàng lít dịch mỗi ngày. Việc phẫu thuật lại để tìm vị trí rò gần như là bất khả thi.

2. Rò mạch bạch huyết có nguy hiểm không?

Rò mạch bạch huyết là một tình trạng nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của bệnh lý rò bạch huyết còn tùy thuộc vào số lượng dịch dưỡng chấp thoát ra khỏi hệ bạch mạch.

Những trường hợp rò bạch huyết lưu lượng cao, số lượng dưỡng chấp thoát ra nhiều hơn 1000ml ngày và kéo dài trong nhiều ngày sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng do mất protein, thiếu các chất lipid, mất các khoáng chất và các nhóm vitamin, đồng thời khả năng miễn dịch cũng suy giảm nghiêm trọng và hệ quả cuối cùng là đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Trước đây, kỹ thuật chụp cộng hưởng từ bạch mạch là phương pháp được sử dụng để chẩn đoán tình trạng rò bạch huyết, bao gồm tràn dịch dưỡng chấp ổ bụng, đái ra dưỡng chấp hoặc tràn dịch dưỡng chấp khoang màng phổi...

Hiện nay, sự phát triển của kỹ thuật can thiệp mạch qua da đã giúp việc chẩn đoán bệnh lý rò bạch huyết được rõ ràng hơn. Các bác sĩ điện quang can thiệp có thể tiến hành chụp cản quang hệ thống bạch huyết của người bệnh để tìm vị trí rò. Kỹ thuật này sử dụng một đầu kim rất nhỏ để tiêm chất cản quang vào hạch bạch huyết nằm dưới da ở vùng bẹn.

Thuốc cản quang sẽ di chuyển trong hệ thống mạch bạch huyết của người bệnh, khi đó bác sĩ sẽ chụp hình lại hệ thống bạch huyết và phát hiện vị trí điểm rò khiến dịch dưỡng chấp chảy vào khoang màng phổi hay màng bụng.

rò mạch bạch huyết
Rò mạch bạch huyết có thể được xác định thông qua một số kỹ thuật cận lâm sàng

3. Xử trí rò mạch bạch huyết như thế nào?

Khi phát hiện và xác định được vị trí rò bạch huyết thông qua chụp cản quang, các bác sĩ sẽ tiến hành bít tắc điểm rò bằng cách sử dụng đầu kim rất nhỏ chọc vào ổ bụng để đi vào ống bạch huyết. Kỹ thuật này rất phức tạp, đòi hỏi người thực hiện phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực can thiệp mạch máu do đường kính ống bạch huyết chỉ khoảng 1.5-2mm, vị trí lại nằm sâu sát cột sống, kẹt giữa động mạch chủ bụng và tĩnh mạch chủ bụng, phía trước ống bạch huyết là các rạng như quai ruột, mạch máu, mạc treo...

Quá trình can thiệp rò mạch bạch huyết có thể tiến hành sau khi bệnh nhân được gây mê hoặc chỉ gây tê tại chỗ. Sau khi kim đến được vị trí rò, bác sĩ sẽ tiến hành bít tắc lại bằng các vòng xoắn kim loại và keo sinh học. Sau đó tiến hành theo dõi lượng dịch dẫn lưu trong vòng 24 giờ đầu và tiếp tục nhiều ngày sau đó. Nếu lượng dịch dẫn lưu giảm đồng nghĩa tình trạng rò bạch huyết đã được giải quyết.

Theo các bác sĩ đã từng thực hiện can thiệp bít tắc rò mạch bạch huyết cho biết, hiện nay kỹ thuật chụp hình và can thiệp hệ bạch huyết bằng cách tiêm thuốc cản quang vào hạch vùng bẹn đã được triển khai tại một số bệnh viện lớn tại Việt Nam (như BV Đại học Y Hà Nội). Nhờ phương pháp chụp bạch mạch này mà nhiều bệnh lý hệ bạch huyết trước đây không thể chẩn đoán được thì nay đã có thể chẩn đoán và điều trị thành công.

Đáng chú ý, các dụng cụ can thiệp gồm kim chọc, ống thông đều rất nhỏ nên có thể đi xuyên qua các tạng mà không làm tổn thương hay chảy máu trong ổ bụng.

Rò mạch bạch huyết sau mổ là một biến chứng rất ít gặp nhưng đây được xem là cơn ác mộng của các phẫu thuật viên vì khi phẫu thuật lại tỷ lệ thành công rất thấp và nguy cơ xuất hiện thêm biến chứng rất cao.

Tuy nhiên nếu rò bạch huyết không được điều trị sẽ khiến bệnh nhân mất nhiều dịch và các chất dinh dưỡng, từ đó dẫn đến suy kiệt nhanh chóng. Vấn đề này vừa là thử thách đối với các bác sĩ vừa là động lực khiến họ quyết tâm hơn để tìm cách khắc phục và phương pháp can thiệp mạch bạch huyết qua da được xem là lựa chọn tối ưu và hiệu quả nhất cho đến hiện nay.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan