Vì sao bạn đau dây thần kinh ở cổ?

Chứng đau cổ vai ngày càng phổ biến không chỉ ở những người chơi thể thao mà cả người lao động, công nhân viên chức, nhân viên văn phòng, học sinh - sinh viên và người nội trợ. Đau dây thần kinh ở cổ có thể là biểu hiện của nhiều bệnh từ thông thường đến nặng nề như: Thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống cổ, u bướu. Do vậy, cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân đau dây thần kinh cổ để có cách điều trị thích hợp.

1. Nhận diện đau dây thần kinh ở cổ

Vì nhiều lý do, các dây thần kinh ở vùng cổ có thể bị chèn ép cấp tính hay mạn tính, gây ra những vấn đề ở khu vực này. Những triệu chứng lâm sàng phổ biến ở bệnh nhân thường là:

  • Đau nhức cổ: Đặc biệt khi cúi, ngửa hoặc xoay cổ sang trái hay phải khó khăn. Cơn đau thường xuất hiện khi ngồi làm việc lâu, chạy xe đường dài với cường độ dữ dội khiến bệnh nhân vô cùng khó chịu;
  • Đau từ vai lan xuống cánh tay, cẳng tay, bàn tay và các ngón tay: Kiểu đau này rất đặc thù mà bệnh nhân có thể cảm nhận rõ, có thể vẽ theo đường đau (theo dải cảm giác của rễ thần kinh bị chèn ép);
  • Mỏi cổ, cứng cổ: Cũng là 1 dấu hiệu đáng quan tâm, được nhiều bệnh nhân than phiền vì gây đau đầu, chóng mặt và khó ngủ;
  • Yếu cơ, teo cơ nhanh: Bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương rễ dây thần kinh teo cơ nhị đầu, teo cơ tam đầu hay teo cơ kẽ xương bàn tay;
  • Hoa mắt, chóng mặt, ù tai... do lượng máu bơm lên não giảm.
  • Mỗi lần hoạt động mạnh, đi lại một số cơn đau có dấu hiệu tăng lên, thậm chí hắt hơi cũng thấy đau.

Bệnh đau dây thần kinh ở cổ thường có các biểu hiện đa dạng, ập đến bất ngờ. Sau đó có thể hết nhanh trong thời gian ngắn hoặc kéo dài nếu bệnh nhân mắc các bệnh lý về cột sống. Lúc này cơn đau diễn tiến nặng hơn, có thể lan lên đầu, xuống cánh tay hoặc các ngón tay, gây rối loạn cảm giác, tê bì và khó cử động linh hoạt.

đau dây thần kinh ở cổ
Có nhiều cách nhận diện đau dây thần kinh ở cổ

2. Nguyên nhân đau dây thần kinh ở cổ

Có 2 nguyên nhân chính gây ra tình trạng đau dây thần kinh ở cổ vai gáy:

2.1. Nguyên nhân sinh lý

Đau dây thần kinh sinh lý chủ yếu đến từ các thói quen hoạt động và làm việc hàng ngày như: Ngồi quá lâu một chỗ, ngồi sai tư thế, uốn vặn cổ mạnh đột ngột, quá tải do công việc hoặc phải mang vác vật nặng trên vai trong thời gian dài.

2.2. Nguyên nhân bệnh lý

  • Yếu tố tuổi tác có thể dẫn đến quá trình lão hóa xương khớp.
  • Các bệnh lý gây đau dây thần kinh ở cổ như: Thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ, viêm, gai đốt sống cổ, dị tật, vẹo cổ bẩm sinh, lao, ung thư...khiến các dây thần kinh vùng vai gáy bị chèn ép dẫn đến các cơn đau nhức nhối, tê mỏi khắp vùng cổ vai gáy, lan xuống cánh tay.

Các bệnh lý chèn ép rễ thần kinh cổ vai gáy thường xuất hiện ở tầng di động cột sống cổ phía trước tủy sống, theo thứ tự lần lượt là: Thoát vị đĩa đệm cổ bệnh lý, thoát vị đĩa đệm cổ sau chấn thương và thoái hoá cột sống cổ. Đa số các trường hợp chỉ chèn ép một rễ thần kinh và chỉ ảnh hưởng một bên cổ, vai, cánh tay đau. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bệnh nhân bị 2 tầng bệnh với 2 rễ thần kinh đau cùng bên.

đau dây thần kinh ở cổ
Bệnh đau dây thần kinh ở cổ thường có các biểu hiện đa dạng

3. Phòng ngừa chứng đau dây thần kinh cổ

Để phòng ngừa và hạn chế đau dây thần kinh ở cổ, mọi người cần chú ý một số hoạt động sau:

  • Không ngồi làm việc quá lâu tại bàn giấy hoặc máy vi tính, cứ mỗi 30 phút nên đứng lên để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay;
  • Giữ cổ thẳng, ngồi sai đúng khi học, làm việc, đọc sách hoặc đánh máy, tránh cúi gập cổ quá lâu;
  • Hạn chế kê gối cao đầu để đọc sách hay xem tivi vì sẽ ảnh hưởng đến tư thế của cột sống cổ. Nên đặt một chiếc gối thấp ở vùng gáy khi ngủ, tựa vào một điểm phù hợp với độ cong sinh lý của cổ khi ngồi đọc sách, xem tivi...;
  • Thường xuyên tập luyện các động tác nhẹ nhàng như ưỡn cổ, cúi đầu về trước, ngửa đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang trái, phải, xoay tròn đầu và cổ, gập cổ lên xuống... sẽ phòng ngừa được bệnh;
  • Nếu đã bị thoái hóa đĩa đệm, không nên bẻ, lắc cổ kêu răng rắc bởi thao tác này sẽ tạo đà cho đĩa đệm thoát vị ra ngoài và khiến bệnh trầm trọng hơn. Khi bị đau cổ vai gáy nên dành thời gian để nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh, bổ sung một số vitamin và khoáng chất, xoa bóp massage nhẹ nhàng để thư giãn cơ và giảm đau nhức cổ vai gáy.

Sự lưu tâm trong sinh hoạt, tập luyện hàng ngày sẽ giúp bạn phòng ngừa được chứng đau dây thần kinh cổ - vai - gáy.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan