Vì sao nên bôi thuốc mỡ sau khi bấm lỗ tai?

Bấm lỗ tai là một trong những phương pháp làm đẹp được yêu thích từ xưa đến nay ở phụ nữ. Sau khi bấm lỗ tai nhiều người thường bôi thuốc mỡ vào chỗ bấm. Vậy điều này có nên không? Cùng tìm hiểu về công dụng của bôi thuốc mỡ sau khi bấm lỗ tai qua bài viết sau.

1. Có nên bấm lỗ tai không?

Mặc dù là một trong những phương pháp làm đẹp lâu đời nhất, thể hiện sự duyên dáng, nữ tính và cá tính ở người phụ nữ thì theo hầu hết các chuyên gia việc bấm lỗ tai hay xỏ khuyên là điều không được ủng hộ. Điều này được giải thích rằng việc bấm lỗ tai có thể ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe bởi đây không phải là một hành động tự nhiên, không chỉ làm tổn thương mà còn đưa vật lạ vào cơ thể. Chính việc làm này là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể hơn.

Tuy vậy, có thể chỉ là điều bình thường nếu bạn chỉ bấm từ 1 đến 2 lỗ tai ở dái tai vì sẽ ít có khả năng gây tổn thương lớn đến cơ thể. Ngược lại, việc bấm các lỗ khuyên trên mô sụn ở tai không chỉ làm cho mô sụn bị tổn thương mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, thậm chí gây viêm màng não.

Thông thường, da sẽ bị tổn thương sau khi bấm lỗ tai, khi đó cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều protein, đặc biệt là collagen tập trung tại phần tai để nhanh chóng chữa lành vết thương. Sau một thời gian, phần lớn các vết thương do bấm lỗ tai sẽ tự động dần lành lặn và mờ đi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nặng, việc bấm lỗ trên tai sẽ khiến cho vết thương này không ngừng phát triển dẫn đến các triệu chứng nhiễm trùng tại chỗ hoặc lan sang các vùng da bên cạnh gây ngứa, nhiễm trùng, hình thành sẹo lồi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Không vệ sinh sạch sẽ vùng bấm khuyên tai, tháo khuyên tai quá sớm khi vết thương chưa lành, tiếp xúc nguồn nước bẩn ở ao hồ, sông suối khi tắm, đeo khuyên tai không đúng cách hoặc cũng có thể do trong quá trình liền sẹo vết thương bị tiếp xúc với vi khuẩn trong không khí.

Chính vì thế, nếu bạn càng có nhiều lỗ bấm khuyên tai thì nguy cơ tai bị nhiễm trùng càng cao.

2. Các vấn đề có thể xảy ra sau khi bấm lỗ tai

Sau khi bấm lỗ tai có thể gặp một số phản ứng như kích ứng tại chỗ, nhiễm trùng nhẹ, nếu được vệ sinh đúng cách và dùng các thuốc không kê đơn thì sau vài tuần có thể tự lành. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng có thể gặp một số vấn đề nghiêm trọng như:

  • Dị ứng: Một phản ứng dị ứng thường gặp ở một số người sau khi bấm lỗ tai, nhất là ở người dùng bông tai niken. Các triệu chứng thường gặp khi bị dị ứng do bấm lỗ tai là ngứa da, đỏ và khô da kèm theo vảy ở vùng vết thương hoặc phát ban. Nếu gặp trường hợp này bạn nên đến gặp bác sĩ để được kê đơn thuốc giúp chống dị ứng.
  • Nhiễm trùng dái tai: Nếu bạn bấm lỗ tai ở dái tai thì cần khoảng 6 tuần để lành hoàn toàn. Đây là vùng da ít chảy máu, tuy nhiên vì là vết thương hở nên bạn cần chăm sóc tai theo hướng dẫn của chuyên gia bấm lỗ tai. Khi bị nhiễm trùng dái tai sẽ có các triệu chứng như đỏ da, chảy máu, mưng mủ, đau kèm sốt.
  • Nhiễm trùng sụn tai: Bấm lỗ tai ở vùng sụn cũng là một lựa chọn phổ biến vì đây là vùng không có mạch máu hoặc tế bào thần kinh. Vì vậy, cần mất nhiều thời gian hơn để lành lỗ bấm ở vùng này và nhiễm trùng sụn tai có thể gây ra các vấn đề phức tạp hơn ngoài sưng tấy, chảy máu và sốt. Khi bị nhiễm trùng sụn tai có thể dẫn đến nhiễm trùng mô da bao quanh sụn hay viêm màng túi. Lúc này, người bệnh cần gặp bác sĩ để điều trị trước khi nhiễm trùng lan ra toàn thân và có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

3. Cách vệ sinh sau khi bấm lỗ tai để phòng nhiễm trùng

Để tránh khu vực bấm lỗ tai bị nhiễm trùng gây sưng hoặc chảy mủ, bạn cần biết cách vệ sinh sau khi bấm lỗ tai. Điều quan trọng là phải rửa sạch với nước, nước muối sinh lý hoặc các dung dịch sát khuẩn ở mặt trước và mặt sau phần lỗ tai xỏ khuyên 2 lần một ngày. Chú ý, trước khi vệ sinh tai bạn cần phải rửa tay sạch với xà phòng.

Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến một số vấn đề liên quan trong sinh hoạt hàng ngày để tránh nhiễm trùng khiến vết bấm lỗ tai bị sưng đau, chảy mủ như:

  • Sau khi bấm lỗ tai, cần tránh tác động vào sụn hoặc dái tai vừa bấm để giảm nguy cơ nhiễm trùng và hình thành sẹo. Khi thay áo hay chải tóc, bạn nên cẩn thận không chạm đến bông tai, không nên thả tóc che lấp tai.
  • Trong khi tắm, bạn không nên để dầu gội, sữa tắm hay các sản phẩm khác chảy vào lỗ bấm tai.
  • Không nên bấm lỗ tai khi cơ thể đang bị đau hoặc có các nhiễm trùng khác vì sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể, tăng nguy cơ xâm nhập của vi khuẩn.
  • Nên bấm lỗ tai tại các chuyên gia, các cơ sở uy tín hoặc ở bệnh viện, các cơ sở y tế để đảm bảo quá trình an toàn, sạch khuẩn, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng sau khi bấm lỗ tai.

4. Vì sao nên bôi thuốc mỡ sau khi bấm lỗ tai?

4.1. Thuốc mỡ là thuốc gì?

Thuốc mỡ là một chế phẩm thuốc có dạng mềm với nhiều dược chất khác nhau và tá dược chính là các chất béo (vaseline, lanolin), được sử dụng để bôi lên da hoặc niêm mạc khi có tổn thương. Thuốc có thể chỉ tác dụng tại chỗ hoặc tác dụng toàn thân nếu các chất được hấp thu qua da.

Thuốc mỡ thường có 2 dạng là thuốc mỡ 1 pha do phân tán đồng thể như các loại dung dịch, hoặc thuốc mỡ 2 pha do hệ phân tán dị thể như nhũ tương, hỗn dịch, hỗn nhũ tương.

4.2. Nguyên nhân cần bôi thuốc mỡ sau bấm lỗ tai

Hoạt chất của thuốc mỡ là các kháng sinh có khả năng diệt khuẩn hoặc kiềm khuẩn, giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn từ không khí hoặc chính bông tai nếu chẳng may tiếp xúc với vết thương tại tai. Kháng sinh giúp dự phòng trường hợp nặng dẫn đến các biến chứng nhiễm trùng dái tai hoặc sụn tai, có thể ảnh hưởng đến toàn thân.

Bên cạnh đó, trong thành phần thuốc mỡ có chứa một lượng lớn các các chất béo tự nhiên và dưỡng chất khác. Chính các dưỡng chất này sẽ hỗ trợ quá trình tạo mô mới, hồi phục da non và hình thành lại các lớp tế bào của da. Nhờ đó, vết thương do việc bấm lỗ tai sẽ giảm nguy cơ bị sưng đỏ, tiết dịch hoặc mưng mủ. Vì vậy mà thuốc mỡ thường được sử dụng để điều trị các vết trầy xước, vết bỏng nhẹ, các tổn thương nông hoặc dùng để thoa dưỡng.

Ngoài ra, khi bôi thuốc mỡ sau khi bấm lỗ tai còn giúp cho vết thương nhanh khô, thúc đẩy quá trình làm lành da nhanh hơn. Vì vậy, bên cạnh chú ý đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, bạn hoàn toàn có thể sử dụng thuốc mỡ bôi ngoài da sau khi bấm lỗ tai.

Trên thực tế, vẫn có nhiều người sau khi bấm lỗ tai có thể tự lành mà không cần can thiệp gì hoặc có những trường hợp nếu không sử dụng thuốc mỡ có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như chảy mủ, viêm đỏ hoặc nhiễm trùng. Điều đó tùy thuộc vào cơ địa mỗi người và môi trường sống, thói quen sinh hoạt.

Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn, sau khi bấm lỗ tai bạn nên sử dụng thuốc mỡ bôi ngoài da để hạn chế các nguy cơ nhiễm trùng và giúp mau lành vết thương. Tuy nhiên, bấm lỗ tai xong bôi thuốc mỡ gì bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có chỉ định phù hợp nhé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan