Xét nghiệm độ thẩm thấu niệu chẩn đoán bệnh lý rối loạn điện giải của cơ thể

Đo áp lực thẩm thấu niệu là xét nghiệm đánh giá khối lượng các chất hòa tan có trong một đơn vị thể tích của nước tiểu, thông qua việc đo nồng độ các chất hòa tan trong nước tiểu. Đây là phương pháp có độ chính xác cao, giúp chẩn đoán bệnh lý tốt hơn nhiều so với đo tỷ trọng nước tiểu.

1. Tổng quan về xét nghiệm đo độ thẩm thấu

Độ thẩm thấu (Osmolarity) là thuật ngữ dùng để mô tả nồng độ thẩm thấu của một chất dịch. Xét nghiệm thẩm thấu hoặc đo độ thẩm thấu là một phép đo về nồng độ các chất như Natri, Kali, Clorua, Glucose và ure trong một mẫu máu, phân hoặc nước tiểu. Đây là một xét nghiệm hữu ích để đánh giá sự cân bằng giữa nước và các chất điện giải trong máu và nước tiểu, phát hiện sự hiện diện của những chất có thể dẫn đến sự mất cân bằng này và quyết định nhu cầu dịch của cơ thể.

2. Xét nghiệm thẩm thấu niệu là gì?

Độ thẩm thấu niệu (Urine osmolality) là chỉ số đánh giá số lượng các phần tử có hoạt tính thẩm thấu (Osmotic solution) được đo bằng đơn vị osmol (hay milliosmol) đối với 1000ml nước tiểu. Thông số này giúp đánh giá khả năng cô đặc nước tiểu của thận. Độ thẩm thấu nước tiểu phần lớn là do sự có mặt của ure và creatinin. Nước tiểu càng cô đặc thì độ thẩm thấu càng cao hơn nồng độ.

Các biến đổi trong áp lực thẩm thấu niệu đóng vai trò quan trọng trong điều hòa áp lực thẩm thấu máu hữu dụng và nồng độ Na+ huyết tương. Đáp ứng này được thể hiện trung gian qua vai trò của thụ thể nhận cảm thẩm thấu (Osmoreceptor) nằm ở vùng dưới đồi và gây tác động tới cả cảm giác khát và bài xuất hormone chống lợi tiểu ADH (Vasopressin).

Nước tiểu có máu
Màu sắc nước tiểu cảnh báo vấn đề sức khỏe

3. Đo áp lực thẩm thấu niệu để làm gì?

Áp lực thẩm thấu niệu biểu thị nồng độ nhiều hay ít của các ion: Clo, Natri, Ure và Kali trong nước tiểu. Ở người bình thường, tỷ trọng nước tiểu cũng phản ánh phần nào áp lực thẩm thấu ở niệu. Và việc đánh giá áp lực thẩm thấu niệu cho phép ta biết được khả năng của thận trong việc duy trì sự cân bằng nước điện giải của cơ thể.

Tóm lại, lợi ích của xét nghiệm thẩm thấu niệu thể hiện ở việc:

  • Giúp chẩn đoán và đánh giá tình trạng bất thường về dịch và chất điện giải trong cơ thể. (vd: tăng và giảm natri máu, chẩn đoán phân biệt tăng nitơ máu nguồn gốc trước thận với hoại tử ống thận do thiếu máu cục bộ)
  • Giúp phát hiện sự hiện diện của các chất độc như Methanol và Ethylene glycol
  • Hỗ trợ theo dõi hiệu quả điều trị của thuốc tăng lợi tiểu như Mannitol
  • Giúp đánh giá tình trạng mất nước, từ đó quyết định nhu cầu dịch của cơ thể
  • Có thể được chỉ định cùng xét nghiệm phân tích nước tiểu khi bệnh nhân dùng thuốc cản quang, trong nước tiểu có glucose hoặc protein.

Methanol
Xét nghiệm thẩm thấu niệu giúp phát hiện methanol trong cơ thể

Lưu ý:

  • Chỉ số glucose niệu cũng ảnh hưởng đến nồng độ thẩm thấu niệu khi lượng glucose trong nước tiểu tăng cao.
  • Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể so sánh áp lực thẩm thấu niệu với áp lực thẩm thấu máu để từ đó đánh giá khả năng điều chỉnh của thận hoặc tìm ra các chất hòa tan bất thường trong nước tiểu (ví dụ: tình trạng hạ Natri máu). Tỉ lệ áp lực thẩm thấu niệu và áp lực thẩm thấu máu bình thường là 1⁄3.

4. Quy trình thực hiện xét nghiệm thẩm thấu niệu

Lưu ý: Lấy bệnh phẩm nước tiểu tốt vào buổi sáng. Bệnh nhân không cần phải nhịn ăn khi tiến hành đo độ thẩm thấu niệu. Tuy nhiên bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử sử dụng thuốc trong vòng 72h trước đó (để ý các thuốc có tác dụng gây lợi tiểu).

Bước 1: Bệnh nhân được hướng dẫn lấy mẫu nước tiểu đúng kỹ thuật, cho vào ống nghiệm 5 - 10ml nước tiểu.

Bước 2: Mẫu nước tiểu được chuyển đi để tiến hành kỹ thuật đo độ thẩm thấu niệu. Áp lực thẩm thấu niệu thường được bác sĩ đo bằng máy đo thẩm thấu kế (Osmometry).

Phòng xét nghiệm
Xét nghiệm thẩm thấu niệu được thực hiện tại cơ sở y tế uy tín

5. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm thẩm thấu niệu

  • Giá trị bình thường

Mẫu bệnh phẩm nước tiểu lấy ngẫu nhiên thường ở mức 50-1200 mOsm/kg H2O hay 50 - 1200 mmol/kg. Sau khi nhịn ăn từ 12-14h, kết quả xét nghiệm thẩm thấu niệu thường ở mức > 850 mOsm/kg H2O hay > 850 mmol/kg.

  • Tăng áp lực thẩm thấu niệu

Các nguyên nhân chính thường gây tăng áp lực thẩm thấu niệu là:

  • Bệnh Addison
  • Tăng nồng độ nitơ máu (Vd: hội chứng ure máu cao, tăng urê trước thận).
  • Suy tim ứ huyết
  • Đái tháo đường
  • Suy thượng thận
  • Xơ gan
  • Nhiễm toan ceton máu.
  • Tăng gánh natri trong cơ thể, tăng natri máu
  • Có glucose trong nước tiểu
  • Mất nước
  • Phù
  • Chế độ ăn có nhiều protein
  • Sau mổ
  • Hội chứng tăng tiết hormon chống lợi tiểu ADH bất thường (SIADH)
Xơ hóa gan
Xơ gan ảnh gây tăng áp lực thẩm thấu niệu

Giảm áp lực thẩm thấu niệu

Các nguyên nhân chính gây giảm áp lực thẩm thấu niệu thường gặp là:

  • Viêm cầu thận, suy thận (cấp, mạn tính)
  • Rối loạn cường aldosteron
  • Tăng canxi máu
  • Hạ kali máu
  • Hạ natri máu
  • Bệnh đa u tủy xương
  • Uống nhiều nước, tình trạng ngộ độc nước, đái tháo nhạt
  • Phù
  • Viêm, tắc nghẽn đường tiết niệu.
  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm.

Kết quả xét nghiệm độ thẩm thấu niệu, áp lực niệu có thể bị thay đổi nếu bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc như: kháng sinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị tâm thần, hóa chất điều trị ung thư, thuốc Bromocriptine, Dextran, glucose, thuốc lợi tiểu, Mannitol và thuốc cản quang.

Video đề xuất:

Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: