Tiếp xúc với người bị sốt xuất huyết có lây bệnh?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc - Bác sĩ Nội tổng quát - Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do đó sốt xuất huyết lây qua đâu là điều mọi người cần biết để chủ động phòng bệnh. Theo đó, sốt xuất huyết lây truyền khi người lành bị muỗi vằn chứa vi rút Dengue đốt hoặc lấy máu của người mang mầm bệnh truyền cho người lành, dùng chung kim tiêm...

1. Tổng quan về bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh.

Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết bao gồm:

Ở thể bệnh nhẹ:

  • Bệnh nhân sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt.
  • Đau đầu dữ dội tại vùng trán hoặc sau nhãn cầu.
  • Có thể có nổi mẩn, phát ban.

Ở thể bệnh nặng:

  • Bao gồm các dấu hiệu sốt cao, đau đầu, phát ban, nổi mẩn.
  • Có chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen.
  • Người bệnh đau bụng, buồn nôn, chân và tay lạnh, người mệt mỏi, hoảng hốt, tụt huyết áp, nếu người bệnh không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết:

  • Sốc do mất máu: Giai đoạn nặng, bệnh sốt xuất huyết có thể gây ra các triệu chứng chảy máu cam, nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp phải tình trạng xuất huyết nội tạng như với biểu hiện chính là nôn ra máu, đi tiểu ra máu,...
  • Biến chứng về mắt: Sốt xuất huyết có thể dẫn mù đột ngột do xuất huyết võng mạc, và xuất huyết trong dịch kính mắt, lớp dịch này sẽ bị che phủ và hòa tan khiến bạn gần như mù mắt.
  • Suy tim, thận: Sốt xuất huyết có thể dẫn đến suy tim do chảy máu liên tục, khiến tim không đủ máu tuần hoàn khiến màng tim bị tràn dịch gây ứ đọng. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến suy thận cấp.
  • Tràn dịch màng phổi: Huyết tương trong cơ thể bị tràn sẽ xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi,... đe dọa tính mạng người bệnh.
  • Hôn mê: Khi bị xuất huyết gây phù não và các hội chứng về thần kinh, dẫn đến hôn mê.
  • Tụt huyết áp, đau đầu dữ dội: huyết áp giảm đột ngột, người bị sốt xuất huyết sẽ cảm thấy khó khăn khi đứng hoặc đi bộ.
  • Sinh non, sảy thai xảy ra ở phụ nữ mang thai: Những ngày đầu mắc bệnh, thai phụ có thể bị sốt cao, khiến nhịp tim thai đập nhanh hơn, làm ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu bị sốt xuất huyết trong những tháng đầu của thai kỳ, bà bầu rất dễ bị sảy thai.

2. Tiếp xúc với người bị sốt xuất huyết có lây bệnh?

Thăm bệnh
Bệnh sốt xuất huyết không lây qua dịch tiết nước bọt hay đường hô hấp, vì vậy việc tiếp xúc với người bệnh sẽ không lây bệnh

Bệnh sốt xuất huyết không lây qua dịch tiết nước bọt hay đường hô hấp, vì vậy việc tiếp xúc với người bệnh sẽ không lây bệnh.

Vậy sốt xuất huyết lây qua những đường nào? Theo đó, bệnh lây qua các con đường sau:

  • Người lành bị lây khi bạn bị muỗi vằn chứa vi rút Dengue đốt. Đặc điểm của muỗi aedes là có màu đen, trên thân và chân có những đốm; Muỗi thường cư trú tại góc tối trong nhà và sinh sản ở những vùng có ao tù, nước đọng.
  • Có khả năng gây bệnh nếu lấy máu của người mang mầm bệnh truyền cho người lành hoặc khi người lành và người bệnh dùng chung bơm kim tiêm. Tuy nhiên, trường hợp này ít xảy ra nếu đảm bảo công tác tiêm chuyền sạch sẽ.
  • Lây truyền tại bệnh viện (bị lây truyền qua chế phẩm máu) và lây truyền dọc (mẹ mang virus dengue trong máu trước sinh 10 ngày có thể truyền virus cho con khi sinh).

Do vậy, việc bệnh sốt xuất huyết lây như thế nào thì mọi người đã có câu trả lời, do vậy không cần quá cách ly người bệnh.

3. Phòng tránh sốt xuất huyết

Mắc màn
Mắc màn mỗi khi đi ngủ đề phòng muỗi đốt

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh. Vì vậy, cách tốt để phòng bệnh là không để muỗi cắn, do vậy, mọi người cần chủ động phòng tránh bằng cách:

  • Mặc quần áo dài tay, màu sắc trung tính vì muỗi chỉ yêu thích những màu tối và việc mặc áo dài tay sẽ tạo một lớp bảo vệ mỏng trên da bạn.
  • Sử dụng các loại thuốc xịt muỗi, vợt điện để diệt muỗi, tinh dầu đuổi muỗi... nhưng cần để chúng xa tầm tay trẻ em.
  • Sử dụng quạt, điều hòa và mắc màn chống muỗi mỗi khi đi ngủ.
  • Triệt tiêu nơi sinh sản của muỗi bằng cách đậy kín các lu vại chứa nước hoặc tất cả dụng cụ đựng nước quanh nhà.
  • Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, đặc biệt là với những dụng cụ chứa nước. Thu gom các vật phế thải không sử dụng, sắp xếp đồ đạc gọn gàng để hạn chế nơi trú ẩn của muỗi trong nhà.
  • Việc phát quang bụi rậm quanh nhà sẽ góp phần giảm nơi trú ngụ của các loại muỗi nói chung và muỗi vằn nói riêng. Nếu có thể, bạn hãy trồng thêm một số loại cây có tinh dầu như hương thảo, bạc hà... để muỗi không đến gần.
  • Người bị bệnh sốt xuất huyết cần nhanh chóng có biện pháp điều trị kịp thời khi phát hiện triệu chứng của sốt virus, tránh để bệnh chuyển biến phức tạp và gây ra những biến chứng nguy hiểm.
  • Người đã bị sốt xuất huyết và khỏi bệnh thì không được chủ quan vì nghĩ đã bị nhiễm bệnh trước đó nên sẽ không bị lại. Tuy nhiên, hiện sốt xuất huyết lưu hành 4 týp virus nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể tái nhiễm týp vi-rút khác, thậm chí lần sau còn nặng hơn lần trước.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

313.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan